Đẩy gậy vừa là trò chơi dân gian, vừa là môn thể thao truyền thống, thường được tổ chức trong những ngày lễ hội của làng.
Để chuẩn bị cho trò chơi, từ trước Tết Nguyên đán, thanh niên trong làng đã tìm cây tre đực thật thẳng, hay những thanh gỗ tốt, dài khoảng 2m, vừa tay cầm; lấy thước đo chia đôi và sơn hai màu khác nhau vào hai nửa của gậy đẩy. Khi vào hội, ở giữa sân đình người ta kẻ một vòng tròn bán kính khoảng 1,5 mét; trọng tài sẽ điểm những người tham gia chơi và tổ chức bốc thăm, cứ hai người làm thành một cặp đấu, không tính đến tuổi tác hay thể lực. Theo quy định luật chơi, bên nào chân chạm vào vạch hoặc bị đẩy ra khỏi vòng tròn trước là thua cuộc. Khi hồi trống lệnh kết thúc, cặp đấu đầu tiên bước vào “xới”, đứng đối diện nhau trong vòng tròn, mỗi người cầm chắc một đầu gậy và thủ thế, khi có hiệu lệnh của trọng tài thì hai người bắt đầu đẩy gậy. Trò chơi đẩy gậy tuy cần nhiều sức mạnh nhưng để thắng được đối thủ, người chơi cũng cần có kỹ, chiến thuật, sự khéo léo, dẻo dai và tâm lý ổn định. Đã có không ít anh chàng “thấp bé nhẹ cân” mà lại thắng được nhiều đối thủ “to con” hơn mình. Người chơi “cao thủ” là người luôn giữ được bình tĩnh ghìm đầu gậy bên phần mình xuống; và đẩy đầu gậy của đối phương lên cao để tạo đà cho mình có cơ hội thắng đối phương. Có những cuộc đẩy gậy giữa những “cao thủ” ngang tài ngang sức, giằng co không phân thắng bại. Lúc này người chơi phải biết lựa chọn “miếng” nào có lợi trong tình thế của mình để “hạ” đối thủ. Lại có những cặp chỉ ngay sau cái phát tay của trọng tài, đấu thủ đã bay vèo ra khỏi vòng, khiến người xem không khỏi ồ lên vì... buồn cười. Không chỉ những người trực tiếp tham gia chơi mà ngay chính khán giả cũng có những diễn biến tâm trạng theo từng hiệp đấu, lúc thì xuýt xoa tiếc rẻ, lúc lại reo lên sảng khoái, xen lẫn tiếng trống khi đổ dồn khi khoan nhặt... Nhưng thắng - thua cũng chỉ là góp vui cho ngày hội. Sau cuộc đấu, các đối thủ lại khoác tay, cùng nâng chén rượu, tấm tắc khen tài nhau; nhiều khi nhờ đó mà có thêm bạn./.
Ngọc Linh