Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công dù bận trăm công nghìn việc, song Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn quan tâm đến công tác TDTT. Tháng 3-1946, Bác Hồ viết lời kêu gọi: “Toàn dân tập thể dục” đăng trên Báo Cứu quốc ngày 27-3-1946, chỉ rõ: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng Nhà nước, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khoẻ mới thành công. Mỗi một người dân yếu ớt tức là làm cho cả nước yếu ớt. Mỗi một người dân khoẻ mạnh tức là làm cho cả nước khoẻ mạnh. Vậy nên, việc tập luyện thể dục, bồi dưỡng sức khoẻ là bổn phận của mỗi người dân yêu nước…”. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ở Việt Bắc, Người luôn nêu gương về công tác luyện tập TDTT, rèn luyện thân thể, phục vụ công việc. Sau khi giải phóng Thủ đô, từ núi rừng Việt Bắc trở về Hà Nội, Bác vẫn giữ nếp tập luyện thể dục thường xuyên. Mùa hè cũng như mùa đông, bao giờ Bác cũng dậy sớm, đi bộ, tập quyền hít thở không khí mát lành của buổi sáng sớm rồi trở về chuẩn bị cho một ngày làm việc.
Thiếu nhi Thành phố Nam Định biểu diễn Tê-cuôn-đô tại Nhà thi đấu Trần Quốc Toản.
Ảnh:
Xuân Thu
|
Học tập và làm theo lời dạy của Bác, trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, phong trào TDTT ở tỉnh ta phát triển rộng khắp theo mục tiêu “Dân cường thì nước thịnh”. Tiêu biểu là các phong trào “Khoẻ vì nước”, “Khoẻ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” đã thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Từ phong trào TDTT quần chúng phát triển sâu rộng, TDTT tỉnh ta xuất hiện nhiều gương mặt VĐV tài năng, mang về vinh quang cho Tổ quốc trên các trường thi đấu thể thao quốc tế và khu vực. Tiêu biểu như các VĐV: Vũ Thị Sen, Vũ Thị Men, Lâm Văn Tình, Hoàng Văn Sách, Vũ Thị No En. Đặc biệt, nữ kiện tướng Vũ Thị Sen là người đầu tiên mang về cho thể thao Việt Nam tấm Huy chương Vàng quốc tế ở nội dung thi 200m bơi ếch tại Đại hội thể thao Ganefo châu Á, năm 1966. Bước vào thời kỳ đổi mới, phong trào tập luyện TDTT và các hoạt động xã hội hoá TDTT Nam Định có nhiều khởi sắc. Từ năm 2000 đến nay, tỉnh ta đã được đăng cai và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, TDTT cấp quốc gia, châu lục và quốc tế như: SEA Games 22, Vòng loại bóng đá châu Á, Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup năm 2004, 2005... Các công trình TDTT thành tích cao được đầu tư xây dựng hiện đại, đạt chất lượng cao, đáp ứng các giải thể thao có quy mô lớn như: Sân vận động Thiên Trường, Nhà thi đấu Trần Quốc Toản, Bể bơi Trần Khánh Dư, Trung tâm đào tạo vận động viên năng khiếu… Để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014, ngành VH-TT và DL tham mưu cho UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc xây dựng nhà thi đấu đa năng có mái che với 4.000 chỗ ngồi; xây dựng bể bơi có khán đài, mái che với 1.500 chỗ ngồi; sân quần vợt có mái che với hai sân thi đấu khoảng 2.000 chỗ ngồi.
Ở lĩnh vực thể thao thành tích cao, Nam Định là nơi đào tạo, cung cấp nhiều vận động viên tài năng cho các đội tuyển thể thao quốc gia như: Nguyễn Văn Sỹ, Phùng Văn Nhiên, Văn Biển, Đức Dương, Đặng Phương Nam (Bóng đá); Lương Thị Tám, Đinh Quang Linh (Bóng bàn); Nguyễn Ngọc Anh (Bơi lội); Vũ Thị Liễu, Nguyễn Thị Xuân, Nguyễn Thanh Thuý (Bóng chuyền). Tỉnh ta cũng là một trong những cái nôi đào tạo vận động viên TDTT. Hệ thống đào tạo tài năng thể thao được hình thành từ nhiều tuyến. Đó là các lớp năng khiếu thể thao ở các trường THCS, THPT như: Phùng Chí Kiên, Trần Hưng Đạo; Trường Nghiệp vụ TDTT, Trung tâm đào tạo vận động viên bóng đá của tỉnh với hệ thống đào tạo cầu thủ từ U11 đến U21. Theo thống kê, mỗi năm tỉnh ta đào tạo khoảng 300 VĐV các cấp, trong đó, có 40 VĐV kiện tướng và dự bị kiện tướng, 60 VĐV cấp I. Trong 7 năm trở lại đây, thể thao Nam Định đã đoạt trên 1.000 huy chương các loại, chủ yếu là ở các giải trẻ, giải thể thao sinh viên có tính chất “cọ sát”. Chỉ tính riêng năm 2010, các đoàn VĐV tỉnh ta tham gia thi đấu các giải thể thao quốc tế và toàn quốc đoạt gần 100 Huy chương, trong đó, có 40 Huy chương Vàng, 24 Huy chương Bạc.
Bên cạnh đó, phong trào thể thao quần chúng cũng có những bước tiến quan trọng. Chủ trương xã hội hoá TDTT theo Nghị định 73 và Nghị quyết 05 của Chính phủ đã được thực hiện hiệu quả trên toàn tỉnh; trong đó, Đề án Xã hội hoá TDTT từ năm 2005 đến 2010 và năm 2015 đã triển khai giai đoạn hai, đạt kết quả cao. Đến nay, toàn tỉnh có 1.350 CLB TDTT, gần 100 nhà thi đấu, 4.260 điểm nhóm tập luyện, số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 27,5%, số gia đình thể thao đạt 17,8%. Công tác giáo dục thể chất trong học đường, phong trào TDTT trong lực lượng vũ trang, khu vực dân cư được duy trì và phát triển. Ngành TDTT tỉnh đã hoàn thành việc quy hoạch đất dành cho hoạt động TDTT với tổng diện tích 283ha (tuyến tỉnh 90ha; tuyến huyện 12ha; tuyến xã, phường, thị trấn 180ha). Hầu hết các phường, xã, thị trấn đều có Nhà văn hoá, thể thao, khu dành cho TDTT.
65 năm thực hiện và làm theo lời dạy của Bác “Dân cường thì nước thịnh”, ngành TDTT tỉnh ta đã đạt được những kết quả tích cực trên cả hai lĩnh vực thể thao thành tích cao và phong trào thể thao quần chúng, xứng đáng với vị thế là một trong những trung tâm TDTT mạnh của khu vực đồng bằng sông Hồng và cả nước./.