Tham dự vòng chung kết Đại hội Thể dục thể thao (TDTT) toàn quốc lần thứ VI diễn ra từ ngày 25 đến 31-12-2010 tại Đà Nẵng, Đoàn VĐV tỉnh ta xếp thứ 34/65 đoàn tham dự. So với thành tích tại Đại hội lần thứ V năm 2006, thể thao thành tích cao tỉnh ta có dấu hiệu “chững lại”. Qua Đại hội là dịp để chúng ta nhìn nhận, đánh giá về thực trạng cũng như đề ra những giải pháp nhằm phát triển thể thao thành tích cao Nam Định chuẩn bị tốt các điều kiện cho Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII vào năm 2014, khi tỉnh ta được chọn là đơn vị đăng cai.
Các VĐV Nam Định đoạt HCV chạy tiếp sức nữ 4x100m tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI.
Ảnh:
PV
|
ĐIỂM SÁNG TỪ MÔN ĐIỀN KINH
Tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI, Đoàn VĐV tỉnh ta tham dự tranh tài 6 môn: điền kinh, bóng đá, bơi lội, vật tự do, vật dân tộc, boxing. Trong các nội dung thi đấu giai đoạn 1, các vận động viên (VĐV) tỉnh ta thi đấu không thành công, xếp thứ 53/65 đoàn tham dự. Niềm hy vọng của thể thao thành tích cao Nam Định là môn bóng đá và boxing không hoàn thành chỉ tiêu đoạt huy chương, chỉ môn vật đoạt 1 Huy chương Vàng (Nguyễn Trung Tín, hạng cân 75kg), 1 Huy chương Bạc (Nguyễn Thị Thoa, hạng cân 72kg), 2 Huy chương Đồng (Nguyễn Thị Liên, hạng cân 67kg và Nguyễn Thị Tâm, hạng cân 63kg). Bước vào Vòng chung kết tổ chức tại Đà Nẵng, niềm hy vọng và mục tiêu lọt vào “Tốp 20” của thể thao Nam Định gặp nhiều thách thức bởi chúng ta chỉ tranh tài ở 2/13 môn, phân môn; trong khi đó, so với các đoàn tham dự, điền kinh và bơi lội Nam Định sẽ gặp phải sự cạnh tranh lớn từ các VĐV hàng đầu của cả nước vừa khoác áo đội tuyển quốc gia thi đấu tại đấu trường châu lục ASIAD Quảng Châu (Trung Quốc). Trong ngày đầu tranh tài ở môn bơi lội, vận động viên Hoàng Thị Hằng đã thi đấu xuất sắc khi mang về cho thể thao tỉnh nhà 3 Huy chương Bạc ở nội dung 50m, 100m, 200m vòi hơi chân vịt. Niềm hy vọng “Vàng” nhằm cải thiện vị trí trên bảng tổng sắp huy chương của thể thao tỉnh nhà chỉ còn trông vào môn điền kinh trong những ngày thi đấu cuối cùng của Đại hội.
Mặc dù không được đánh giá cao về cơ hội đoạt “Vàng”, nhưng với tâm lý tự tin, các VĐV Nam Định đã thi đấu xuất sắc đoạt 14 huy chương (4 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc, 5 Huy chương Đồng). Ở cự ly 100m rào nữ, vốn được coi là nội dung “nữ hoàng tốc độ” của môn điền kinh, VĐV Bạch Phương Thảo thi đấu khởi sắc, vượt qua các VĐV đến từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quân đội, An Giang đoạt Huy chương Vàng và phá kỷ lục quốc gia với thành tích ấn tượng là 13 giây 49. Tiếp đó, Bạch Phương Thảo còn đoạt 1 Huy chương Bạc (4x200m nữ) và 1 Huy chương Đồng (4x100m nữ). Trong những nội dung thi đấu tiếp theo, các VĐV Nam Định đã tạo nhiều bất ngờ trên đường chạy ở các cự ly tiếp sức nam, nữ. Bốn VĐV Bùi Văn Tuấn, Trần Thành Trung, Nguyễn Văn Sỹ, Phạm Bá Bắc là người cán đích đầu tiên ở nội dung tiếp sức nam 4x200m, không chỉ đoạt Huy chương Vàng mà còn phá kỷ lục quốc gia với thành tích 1 phút 26 giây 15. Bốn VĐV này còn mang về 1 Huy chương Đồng ở cự ly tiếp sức nam 4x100m. Tấm Huy chương Vàng thứ 3 của điền kinh Nam Định thực sự bất ngờ với giới chuyên môn khi Vũ Thị Mến, Phạm Thị Ngọc, Đỗ Thị Quyên, Nguyễn Thị Huyền đã “đăng quang” ngôi vị cao nhất ở nội dung tiếp sức nữ 4x100m. Điền kinh Nam Định tiếp tục tỏa sáng khi Bùi Văn Tuấn là người có cú nước rút ấn tượng, đoạt Huy chương Vàng trên đường đua 200m nam. Ngoài 4 Huy chương Vàng, các VĐV điền kinh tỉnh ta còn đoạt 5 Huy chương Bạc (nhảy xa nữ, tiếp sức nữ 4x200m, 400m nữ, 200m nam, 400m rào nữ) và 5 Huy chương Đồng. Với 14 huy chương các loại, điền kinh Nam Định xếp ở vị trí thứ 5, góp phần đưa Đoàn thể thao Nam Định từ vị trí 53 lên 34/65 đoàn tham dự. Trong đó, nổi bật là các VĐV đã thi đấu xuất sắc ở cự ly cá nhân và tiếp sức như: Bạch Phương Thảo (1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng), Bùi Văn Tuấn (2 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Đồng), Vũ Thị Mến (1 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng); Nguyễn Thị Huyền (1 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc).
NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA
Nhìn vào bảng xếp hạng thành tích toàn đoàn, thể thao Nam Định xếp vị trí 34/65 đoàn tham dự, có sự thụt lùi về số môn thi đấu cũng như thành tích chung cuộc so với kết quả tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V, năm 2006 (xếp thứ 27). Ở “sân chơi” này, thể thao tỉnh ta còn “đứng dưới” các địa phương trong khu vực như: Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Ninh và thành tích còn kém các tỉnh miền núi và những địa phương khó khăn như: Điện Biên, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.
Xét về tiềm năng và vị thế, tỉnh ta được coi là một trong những cái nôi hàng đầu của cả nước trong việc đào tạo VĐV TDTT. Hệ thống đào tạo tài năng thể thao được hình thành từ nhiều tuyến. Đó là các lớp năng khiếu thể thao ở các trường THCS, THPT như: Phùng Chí Kiên, Trường THPT Trần Hưng Đạo, Trường Nghiệp vụ TDTT, Trung tâm đào tạo VĐV bóng đá của tỉnh với hệ thống đào tạo cầu thủ từ U11 đến U21. Theo thống kê, mỗi năm tỉnh ta đào tạo khoảng 300 VĐV các cấp, trong đó, có 40 VĐV kiện tướng và dự bị kiện tướng, 60 VĐV cấp I. Trong 7 năm lại đây, thể thao Nam Định đoạt trên 1.000 huy chương các loại, nhưng chủ yếu ở các giải trẻ, giải thể thao sinh viên có tính chất “cọ sát”. Vậy vì sao trong các cuộc thi đấu đỉnh cao, thể thao Nam Định chưa đạt thành tích cao và có vị trí xứng với tiềm năng (?) Có nhiều nguyên nhân. Trước hết là nguy cơ “chảy máu” tài năng của thể thao tỉnh nhà. Trong khi các tỉnh, địa phương như Ninh Bình, An Giang do không có điều kiện đào tạo VĐV năng khiếu đã tích cực áp dụng chính sách “nhập tịch” các gương mặt VĐV “chất lượng cao” là Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Nguyễn Đình Cương với cơ chế ưu đãi về lương, chế độ tập luyện thi đấu. Ở tỉnh ta, các VĐV Đinh Quang Linh, Lương Thị Tám đã đầu quân về đội tuyển bóng bàn Quân đội, nhiều gương mặt tiêu biểu khác như Nguyễn Thị Xuân, Vũ Thị Liễu, Hoàng Anh Tuấn đều tìm đến các “bến đỗ” mới. Bên cạnh đó, trong “chiến lược” phát triển thể thao thành tích cao, tỉnh ta chỉ mới quan tâm và đầu tư nhiều cho môn bóng đá, chưa thực sự quan tâm phát triển các bộ môn thể thao Olympic như Karatedo, Taekwondo, Wushu, Pencaksilat, Judo, cầu lông… Trong khi đó, ở lĩnh vực thể thao quần chúng, các bộ môn này thu hút đông đảo người dân tham gia tập luyện với trên 1.300 câu lạc bộ TDTT. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến thể thao Nam Định “chững lại” và đang mất dần vị thế là trung tâm đào tạo VĐV tài năng của khu vực và cả nước.
Là tỉnh vinh dự được đăng cai Đại hội TDTT toàn quốc năm 2014, đây là sự kiện TDTT lớn, là dịp quảng bá hình ảnh quê hương, con người Nam Định với bạn bè trong và ngoài nước đồng thời khẳng định, tỉnh ta hội tụ được đầy đủ các yếu tố cơ sở vật chất, hệ thống giao thông, an ninh trật tự… Từ năm 2000 đến nay, tỉnh ta được đăng cai và tổ chức thành công nhiều hoạt động thể thao văn hóa, nghệ thuật, TDTT cấp quốc gia, châu lục và quốc tế như: SEA Games 22, vòng loại bóng đá châu Á, Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup năm 2004, 2005, Liên hoan dân ca Việt Nam năm 2005, 2006, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XV. Các công trình TDTT thành tích cao được đầu tư xây dựng hiện đại, đạt chất lượng cao, đáp ứng các giải thể thao có quy mô lớn như: Sân vận động Thiên Trường, nhà thi đấu Trần Quốc Toản, bể bơi Trần Khánh Dư, Trung tâm đào tạo VĐV năng khiếu. Để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014, ngành VH-TT-DL đã tham mưu cho UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc xây dựng nhà thi đấu đa năng có mái che với 4.000 chỗ ngồi; xây dựng bể bơi có khán đài, mái che với 1.500 chỗ ngồi; sân quần vợt có mái che với hai sân thi đấu khoảng 2.000 chỗ ngồi. Tuy nhiên, cùng với công tác chuẩn bị các điều kiện để tổ chức tốt sự kiện này, công tác chuẩn bị, tập luyện để đội tuyển tỉnh nhà bứt phá vươn lên vị trí cao là hết sức quan trọng tương xứng với tiềm năng, vị thế của thể thao Nam Định./.
Việt Thắng