Nằm ở ven sông Hồng xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) có lợi thế để phát triển môn bơi chải. Nhiều năm liền, đội bơi chải của xã đã giành thành tích cao tại giải bơi chải toàn tỉnh.
|
Ảnh minh họa (nguồn: Internet). |
Đồng chí Nguyễn Hữu Lệ, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Tân dẫn chúng tôi xuống HTX nông nghiệp Hồng Hà. Vừa đi anh vừa cho biết: Xã Mỹ Tân có 2 khu dân cư là Hồng Hà 1 và Hồng Hà 2 nằm sát sông Hồng có truyền thống làm nghề chài lưới, đò ngang. Hiện tại, có 400 hộ dân trong đó có nhiều hộ có tới 3 thế hệ ở 2 xóm vẫn bám sông nước làm kế mưu sinh như chở vật liệu xây dựng, hàng hoá hoặc trồng hoa, trồng màu ven bờ cho thu nhập kinh tế cao, có hộ 400-500 triệu đồng/năm. Năm 2001, khi xã thành lập đội bơi chải thì rất đông các cụ cao tuổi, thanh niên trai tráng hăng hái tham gia. Sự ra đời của đội bơi chải và duy trì sinh hoạt thường xuyên là điểm độc đáo riêng ở xã Mỹ Tân mà các xã có truyền thống bơi chải khác trong tỉnh hầu như không duy trì được. Trước mỗi giải bơi chải của tỉnh tổ chức, UBND xã tổ chức họp với các thành viên của đội bơi chải thống nhất chủ trương, kế hoạch tập luyện và thi đấu. Cùng với nguồn kinh phí của xã trích ra cho đội bơi chải, xã cũng tổ chức tuyên truyền, thu hút nguồn tài trợ trong nhân dân. Từ cán bộ Đảng uỷ, UBND xã, các thế hệ chủ nhiệm HTX nông nghiệp Hoàng Hà đến những người nông dân đều hưởng ứng việc tài trợ cho đội bơi. Mỗi thành viên của đội bơi có công việc khác nhau như chở vật liệu xây dựng, vận tải thuỷ…, nhiều người có thu nhập cao… nhưng khi nhận được thông tin đều gác lại công việc về tập luyện, tham gia thi đấu. Không có chải đua nên các thành viên đội bơi chải phải xuống xã Hồng Quang (Nam Trực) để mượn chải tập luyện hàng tuần liền. Có năm, đội bơi 7 vòng liên tiếp quanh hồ Vị Xuyên để kiểm tra sức khoẻ của các thành viên tham dự. Để đáp lại sự tin yêu của nhân dân trong xã nên ai cũng cố gắng tập luyện. Đặc biệt, trong đội bơi chải của xã, có nhiều gia đình 2 thế hệ tham gia như gia đình ông Nguyễn Văn Sức và các con là Mạnh, Giỏi, Nhất… Với tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt tình của các thành viên, sự quan tâm cổ vũ của cán bộ, nhân dân trong xã nên nhiều năm liền đội bơi chải của xã luôn giành giải cao tại Giải đua chải truyền thống của tỉnh: năm 2007, 2008 giành giải Ba, năm 2009 giành giải Nhì và đặc biệt năm 2010 xã vượt lên các địa phương có truyền thống bơi chải khác như Hải Thanh (Hải Hậu), Giao Long (Giao Thuỷ)… giành giải Nhất.
Để tiếp tục phát triển môn thể thao bơi chải truyền thống, thời gian tới Đảng uỷ, UBND xã đã định hướng xây dựng một đội bơi chải nữ. Theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã, việc đẩy mạnh phát triển môn thể thao này trong cả nam và nữ trên địa bàn xã không chỉ là để thi đấu mà còn nhằm nâng cao được ý thức phòng chống, khắc phục hậu quả lũ, lụt trong nhân dân, nhất là các xóm ven sông. Bên cạnh đó, xã cũng khôi phục, phát triển lại môn bơi chải truyền thống trong lễ hội rước nước đền Cây Quế đã từng bị mai một./.
Thanh Ngọc