Đội tuyển điền kinh của tỉnh luyện tập tại SVĐ Thiên Trường.
Ảnh:
Xuân Thu
|
Thực hiện Chương trình mục tiêu đào tạo tài năng thể thao quốc gia, từ năm 1994 đến nay, tỉnh ta được coi là một trong những cái nôi hàng đầu của cả nước trong việc đào tạo VĐV tài năng TDTT, góp phần nâng cao vị thế của thể thao tỉnh nhà. Tuy nhiên, để các VĐV năng khiếu gắn bó lâu dài, cống hiến cho ngành TDTT của tỉnh thì còn nhiều vấn đề cần đặt ra.
Hệ thống đào tạo tài năng thể thao ở tỉnh ta được hình thành từ nhiều tuyến. Đó là các lớp năng khiếu thể thao ở các trường THCS, THPT như trường THCS Phùng Chí Kiên, trường THPT Trần Hưng Đạo (đều ở thành phố Nam Định); Trường nghiệp vụ TDTT, Trung tâm đào tạo VĐV bóng đá trẻ của tỉnh với hệ thống đào tạo cầu thủ năng khiếu từ U11 đến U21. Theo thống kê, mỗi năm tỉnh ta đào tạo khoảng 300 VĐV các cấp. Hàng năm, tỉnh ta đều cử VĐV tham gia các giải thi đấu quốc gia và quốc tế. Năm 2009, các VĐV tỉnh ta tham gia tranh tài ở các giải quốc gia, quốc tế đoạt 145 huy chương các loại, trong đó, 40 VĐV đạt cấp kiện tướng và dự bị kiện tướng, 60 VĐV cấp I. Cũng trong năm, cả tỉnh có 32 VĐV được gọi tập huấn thi đấu cho đội tuyển quốc gia và tuyển trẻ quốc gia. Trong 7 năm trở lại đây, thể thao Nam Định đạt trên 1000 huy chương tại các giải quốc gia, quốc tế, trong đó có trên 250 lượt VĐV đạt kiện tướng, dự bị kiện tướng và trên 370 lượt VĐV cấp I. Tiêu biểu là các VĐV Hoàng Thị Hằng, Hoàng Thị Nguyệt, Nguyễn Thị Xuyến (bơi lội), Bạch Phương Thảo, Dương Văn Thái, Đặng Vũ Hiệp, Nguyễn Thị Huyền, Vũ Thị Mến (điền kinh), Trương Thị Liên, Vũ Thị Tâm (vật)… Tuy nhiên, ngành TDTT đang đối mặt với nguy cơ "chảy máu" VĐV tài năng. VĐV Hoàng Anh Tuấn từng được coi là niềm tự hào của ngành TDTT tỉnh nhưng đã ra đi theo lời mời gọi của Đà Nẵng vì được trả lương cao. Cũng vì thu nhập thấp, điều kiện tập luyện không phát huy được tài năng, tay vợt bóng bàn hàng đầu Việt Nam là Đinh Quang Linh cũng đến với TDTT Quân đội sau một thời gian gắn bó với thể thao tỉnh nhà. Đặc biệt trong lĩnh vực bóng đá, kết thúc mùa giải V-League 2008-2009, đội bóng chuyên nghiệp Nam Định mất tới 8 cầu thủ thi đấu trong đội hình chính ở các mùa giải trước. Theo lý giải của một số cán bộ gắn bó với ngành thể thao, sự nghiệp của một VĐV thường rất ngắn, lại luôn đối mặt với nguy cơ chấn thương phải nghỉ thi đấu dài ngày, nếu không bảo đảm được những điều kiện về chế độ, tiền lương, thưởng hay đầu ra cho VĐV thì sẽ không giữ được những VĐV tài năng. Thực tế những năm qua, ở tỉnh ta, việc đầu tư kinh phí cho công tác TDTT rất eo hẹp. Có thời điểm, VĐV cấp kiện tướng thu nhập chỉ đạt 2,1 triệu đồng/tháng, thấp hơn nhiều so với các tỉnh lân cận.
Không thể phủ nhận những nỗ lực của ngành VH-TT-DL trong việc giữ chân các VĐV tài năng bằng nhiều biện pháp, đồng thời nâng cao dần chế độ ưu đãi, đãi ngộ, cơ sở vật chất để tập luyện. Theo quy định của Trường nghiệp vụ TDTT tỉnh, mỗi VĐV khi được ký hợp đồng và có những ràng buộc như phải thi đấu cống hiến thêm 5 năm sau khi được 18 tuổi. Để tạo động lực cho các VĐV thi đấu đạt giải cao tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI năm 2010, ngành đã nâng mức phụ cấp cho các VĐV cấp kiện tướng lên 3 triệu đồng/tháng; thưởng 10 triệu đồng cho VĐV giành HCV, 5 triệu đồng cho HCB và 3 triệu đồng cho HCĐ. Cùng với việc nâng cao chế độ đãi ngộ, ngành đã quan tâm tới điều kiện cơ sở vật chất cho việc huấn luyện, tập luyện của các HLV, VĐV. Mặc dù điều kiện kinh tế của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh ta có một hệ thống cơ sở vật chất tương đối hoàn chỉnh với SVĐ Thiên Trường, Nhà thi đấu Trần Quốc Toản, Bể bơi Trần Khánh Dư hiện đại, Trung tâm đào tạo VĐV trẻ tỉnh khá khang trang, bề thế. Trong hướng phát triển cơ sở vật chất để phục vụ cho Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014 được tổ chức tại Nam Định, ngành cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc xây thêm nhà thi đấu đa năng có mái che với 4.000 chỗ ngồi; xây dựng bể bơi có khán đài, mái che với 1.500 chỗ ngồi; sân quần vợt đôi có mái che với 2 sân thi đấu sức chứa 2.000 chỗ ngồi..., đồng thời tiếp tục đầu tư trang bị các thiết bị tập luyện. Bên cạnh đó, ngành cũng đã xây dựng chính sách thu hút VĐV tài năng. Điển hình là thu nhận VĐV Nguyễn Trung Tín vào bộ môn vật của Trường nghiệp vụ TDTT tỉnh vừa đảm nhiệm công tác huấn luyện vừa trực tiếp tham gia thi đấu với mức lương đãi ngộ khá so với các tỉnh khác. Tại giải vật dân tộc tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI vừa qua, VĐV Nguyễn Trung Tín đã thi đấu xuất sắc và giành chiếc HCV cho đoàn thể thao Nam Định ở hạng cân 75 kg.
Trong điều kiện nguồn kinh phí cho TDTT eo hẹp thì việc xã hội hóa TDTT theo Nghị quyết số 05/2005/NĐ-CP của Chính phủ, đặc biệt là trên lĩnh vực thể thao thành tích cao sẽ là hướng đi phù hợp. Qua đó từng bước huy động được nguồn vốn từ các nhà tài trợ, doanh nghiệp và người dân. Sự phối hợp với các cơ quan, các doanh nghiệp có nguồn tài chính mạnh trong việc nuôi dưỡng, đào tạo VĐV tài năng cũng cần thiết phải tính đến bởi không ít các cơ quan, doanh nghiệp này đang cần VĐV để thi đấu giao lưu, quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp. Sau khi các VĐV này hết thời kỳ thi đấu đỉnh cao, các cơ quan, doanh nghiệp này sẽ tạo điều kiện để họ có việc làm ổn định cũng là một nguyên nhân giúp VĐV yên tâm thi đấu, cống hiến cho sự phát triển của thể dục thể thao tỉnh nhà./.
Đức Thiện