Một trận thi đấu cầu lông tại Giải thể thao các chức sắc tôn giáo 2010.
Ảnh: Xuân Thu
|
Trong những năm gần đây, phong trào luyện tập môn thể thao cầu lông ở tỉnh ta phát triển khá mạnh thu hút sự tham gia của đông đảo mọi lứa tuổi. Phong trào chơi cầu lông đã có mặt khắp nơi, từ công sở, trường học đến các khối phố, xóm thôn, thậm chí trong từng gia đình mà sân tập đơn giản chỉ là... sân nhà hoặc trên vỉa hè. Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào tập luyện, thi đấu cầu lông của số đông cán bộ, nhân dân đã góp phần không nhỏ thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng trong tỉnh phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu.
Cầu lông là môn thể thao dễ chơi, phù hợp với điều kiện kinh tế, điều kiện sản xuất của địa phương, đồng thời tạo sự giao lưu xã hội, tinh thần đoàn kết cộng đồng cao nên những năm qua, các địa phương trong tỉnh luôn quan tâm chú trọng phát triển môn thể thao này. Đến nay, cả 229 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có người tham gia tập luyện cầu lông, nhiều nơi người dân bỏ tiền, công sức xây dựng cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu tập luyện, thi đấu. Các cơ quan, đơn vị tạo sân chơi cầu lông cho cán bộ, viên chức cơ quan nhằm rèn luyện sức khỏe để nâng cao hiệu quả công việc. Từ công tác xã hội hóa, trên địa bàn tỉnh đã có hàng trăm sân cầu lông, trong đó có gần 100 sân có mái che, lắp đặt dàn đèn chiếu sáng, có sân được đầu tư hàng trăm triệu đồng. Một số nơi còn tiến dần đến "chuyên nghiệp" hơn khi nhiều người tập luyện cầu lông tham gia thành lập CLB để thuận lợi trong việc tập luyện và thi đấu. Nhiều địa phương có phong trào cầu lông phát triển mạnh như các huyện: Giao Thuỷ, Xuân Trường, Nam Trực, Nghĩa Hưng, các sở, ban, ngành như: Công an tỉnh, Tỉnh Đoàn, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Sở NN và PTNT, Cty xăng dầu Hà Nam Ninh, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp... luôn duy trì việc tập luyện, thi đấu giao lưu thường xuyên. Phong trào cầu lông trong học sinh, sinh viên cũng được một số nhà trường quan tâm phát triển cũng đã thu hút sự quan tâm của các em đến tập luyện. Mỗi khi Hội khỏe Phù Đổng toàn tỉnh được tổ chức đều diễn ra các trận đấu cầu lông hấp dẫn, chất lượng chuyên môn khá cao.
Do có số lượng người chơi đông nên trong thời gian qua, môn cầu lông đã được nhiều địa phương, nhiều ngành đưa vào chương trình tổ chức thi đấu hàng năm như giải chào mừng các sự kiện, các ngày lễ của đất nước, các ngày kỷ niệm thành lập ngành… Nhiều giải đấu phong trào của các ngành, các địa phương đã thu hút được sự hưởng ứng và tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Qua đó, tính chất của các giải đấu cũng như công tác tổ chức, sự tham gia của người chơi cũng dần dần tiến tới chuyên nghiệp hơn. Có thể kể đến giải cầu lông trong khuôn khổ Ngày hội VH-TT của các huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Mỹ Lộc, trong hội thao ngành Công an, Quân đội, TAND, Liên đoàn Lao động… Nhân dịp chào mừng Đại hội Đảng bộ các huyện, thành phố, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 năm nay, các huyện, thành phố trong tỉnh đều tổ chức giải thể thao trong đó có nội dung cầu lông với sự tham gia của các cơ quan, các xã, thị trấn, đã tạo tinh thần phấn khởi, đoàn kết trong cán bộ, nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - chính trị - xã hội của địa phương. Ở cấp độ toàn tỉnh, sự ra đời của Liên đoàn Cầu lông tỉnh từ năm 1995 đã trở thành điểm nhấn để quy tụ các CLB, điểm nhóm tập luyện hoạt động có tổ chức, đúng định hướng chứ không tự phát như một số môn thể thao đối kháng khác đã tạo điều kiện cho phong trào tập luyện cầu lông phát triển rộng khắp. Hàng năm, Sở VH-TT-DL và Liên đoàn Cầu lông tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các giải đấu đã quy tụ được nhiều cây vợt mạnh của các địa phương, các ngành tham gia, là tiền đề để lựa chọn hạt giống tham gia các giải đấu cấp quốc gia.
Dù cầu lông phong trào được ghi nhận là khá mạnh, nhưng trên thực tế là cầu lông cấp đỉnh cao trong tỉnh gần như không có được vị thế, không có tên tuổi trong cả nước. Tại các giải cầu lông cấp quốc gia nhiều năm qua, tỉnh ta chưa được ghi danh ở thứ hạng cao. Theo giới chuyên môn, tỉnh ta không thiếu năng khiếu môn cầu lông. Tuy nhiên, việc đầu tư vào môn cầu lông cũng như các môn thể thao nào khác để đạt thành tích cao đòi hỏi nhiều kinh phí. Không có kinh phí đầu tư nên các giải cầu lông cấp tỉnh vì thế kém hấp dẫn, không có đối thủ mạnh thi đấu giao lưu để cọ sát, tích luỹ kinh nghiệm, các tài năng cầu lông qua đó cũng không phát huy hết năng lực cao nhất. Để phong trào cầu lông phát triển bền vững, vươn tầm đỉnh cao thì ngành Văn hoá - Thể thao và Du lịch cần phải có định hướng phát triển cụ thể phát triển thành tích cao. Trên cơ sở sự phát triển vững mạnh của phong trào, cần quan tâm tới công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV một cách đồng bộ, ổn định ở các địa phương để tạo nguồn cung cấp VĐV cho tuyến năng khiếu của tỉnh. Ngành cần xây dựng một đội ngũ giáo viên, HLV đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng chuyên môn cho bộ môn cầu lông; tiếp tục liên kết với ngành GD-ĐT tiến tới đưa cầu lông trở thành bộ môn ngoại khóa giảng dạy cho học sinh, sinh viên… Với sự phát triển mạnh của phong trào và sự quan tâm của các cấp, ngành, cầu lông tỉnh ta sẽ có hy vọng tạo dựng được chỗ đứng trong cả nước.
Đức Thiện