Thi bơi chải trên Hồ Vị Xuyên (TP Nam Định).
Ảnh:Xuân Thu
|
Môn thể thao bơi chải gắn với lễ hội đình, chùa ở nhiều địa phương trong tỉnh như xã Yên Trị (Ý Yên), xã Thành Lợi (Vụ Bản), xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc), xã Hải Thanh, thị trấn Cồn (Hải Hậu), xã Nghĩa Tân, thị trấn Nghĩa Hòa (Nghĩa Hưng), thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh)… Huyện Nam Trực hiện có hơn 20 đội bơi chải, tập trung ở các xã Hồng Quang, Điền Xá, Nam Hải, Nam Thanh, trong đó riêng thôn Lạc Đạo, xã Hồng Quang có 10 đội bơi chải gắn liền với lễ hội đền Xám được tổ chức hàng năm vào các ngày 17 đến 19-8 (âm lịch). Huyện Xuân Trường là địa phương nổi tiếng có nhiều hoạt động đua chải gắn với lễ hội như đền An Cư xã Xuân Vinh, đền Xuân Bảng thị trấn Xuân Trường, chùa Nghĩa Xá xã Xuân Ninh... trong đó độc đáo nhất là bơi chải đứng tại chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng. Giải bơi chải đứng chùa Keo được tổ chức vào kỳ chính hội diễn ra trong các ngày 13 đến 15-9 (âm lịch). Trong ngày hội, ban tổ chức cuộc thi họp và làm lễ "lấy chân chèo" (tuyển lựa tay chèo của từng đội), trao trang phục cho 15 đội chải tham gia cuộc thi với chặng đường đua gần 30 cây số trên dòng sông Ninh Cơ. Ở giải đua chải hàng năm đều thu hút sự tham gia của người dân thôn quê và những người con quê hương đang sinh sống, làm ăn ở khắp mọi nơi về tham gia, cổ vũ. Mặc dù phần thưởng dành cho đội thắng cuộc chỉ mang tính chất động viên nhưng mỗi khi hiệu lệnh phát ra, các tay chèo dồn sức lên cánh tay theo lệnh cờ sai, theo nhịp trống giục, mõ thúc, sục chèo, đẩy nước đẩy thuyền. Người xem đứng đông nghịt hai bên bờ sông, cổ động viên bơi thuyền theo hoặc chạy theo chải của đội mình để động viên kịp thời trong tiếng trống đánh liên hồi, dồn dập hoà với tiếng reo hò cổ vũ của người xem làm huyên náo, sôi động cả một khúc sông.
Sau những năm phát triển thuận lợi, gần đây, hoạt động bơi chải tại các lễ hội, ngày kỷ niệm lớn của đất nước trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, trong đó có vấn đề về kinh phí duy trì và yếu tố con người. Với nhiều địa phương, muốn tổ chức hội đua chải, việc duy trì vài chiếc thuyền để các xóm tổ chức đua chải trở thành gánh nặng vì kinh phí đóng một chiếc thuyền chải gần 100 triệu đồng. Ngoài ra, còn kinh phí tập luyện, mua trang phục, bồi dưỡng các tay chèo, tay mõ… chỉ trông vào nguồn ngân sách hỗ trợ ít ỏi của địa phương và sự đóng góp của người dân. Công tác tuyển chọn người mỗi khi địa phương tổ chức giải bơi chải cũng là một khó khăn. Một cán bộ văn hóa - thể thao của huyện Nam Trực cho biết: "Người tham gia đua chải có sức khỏe, có kỹ thuật, kinh nghiệm thì thường là lao động chính, hay đi làm ăn xa, không dễ bỏ công việc về tham gia". Khó khăn về kinh phí, con người nên các hoạt động bơi chải trong các dịp lễ hội ở trong tỉnh ngày càng thưa thớt. Trước thực trạng trên, những năm gần đây, Sở VH-TT&DL đã chỉ đạo phòng VH-TT-TT các huyện, thành phố tìm cách khôi phục, phát triển môn đua chải nhằm duy trì nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông. Một số địa phương trong tỉnh đã tổ chức đóng mới các thuyền đua, động viên những người có kinh nghiệm trong bơi chải tham gia vào công tác tuyển chọn, huấn luyện các tay chèo, tay mõ… Phòng VH-TT-TT huyện Hải Hậu cho các xã, thị trấn có truyền thống bơi chải như Hải Thanh, Thị trấn Cồn… vào mỗi mùa lễ hội được mượn thuyền để tập luyện và biểu diễn trong ngày hội VH-TT của xã. Ngày hội VH-TT của huyện diễn ra vào dịp 2-9 hàng năm đều tổ chức các giải đua chải nam, đua chải nữ trên sông quanh trung tâm thị trấn Yên Định, phục vụ nhân dân thưởng lãm. Cũng với cách cho mượn thuyền, dụng cụ, quần áo thi đấu đến nay các xã, thị trấn có lễ hội gắn với việc bơi chải ở huyện đều đã duy trì trở lại, trở thành điểm nhấn trong việc thu hút nhân dân tới dự, cổ vũ. Sau nhiều năm gặp khó khăn về phương tiện, đầu năm 2010, phòng VH-TT huyện Nghĩa Hưng đã tham mưu với UBND huyện đầu tư hàng trăm triệu đồng đóng mới 4 chiếc thuyền. Trong dịp kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, cùng với việc tổ chức các giải thể thao như cầu lông, bóng chuyền, thi văn hóa văn nghệ, phòng VH-TT-TT huyện cũng tổ chức giải thi bơi chải gồm 4 đội ở các xã Nghĩa Tân, thị trấn Quỹ Nhất để nhân dân tham gia cổ vũ.
Cùng với cố gắng của các địa phương trong tỉnh, vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 hàng năm, Sở VH-TT&DL đều tổ chức giải bơi chải cấp tỉnh. Theo dự kiến, giải bơi chải năm nay diễn ra vào ngày 29-8 tại hồ Vị Xuyên (TP Nam Định) sẽ có sự tham gia của các đội chải nam, nữ ở các vùng quê có phong trào mạnh trong tỉnh. Mặc dù gặp nhiều khó khăn về kinh phí, con người nhưng qua tìm hiểu, các đội chải đều cố gắng vượt qua để tham dự. Xã Hải Thanh là đơn vị đại diện cho huyện Hải Hậu tham dự với 2 đội bơi chải nam và nữ đã được UBND xã hỗ trợ kinh phí thêm 30 triệu đồng ngoài tiền hỗ trợ 20 triệu đồng của huyện. Đội bơi chải xóm Bến xã Thành Lợi, đại diện cho huyện Vụ Bản, mặc dù trong quá trình tập luyện phải sang huyện Nam Trực nhờ thuyền nhưng các thành viên đều tỏ rõ quyết tâm đoạt giải. Cả 2 đội bơi chải nam, nữ xã Hồng Quang (Nam Trực) mặc dù gặp khó khăn khi triệu tập gần 30 người đang đi làm ăn xa và thiếu kinh phí tập luyện, thi đấu nhưng không vì thế mà bỏ cuộc… Hy vọng rằng với sự quan tâm, đầu tư của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh, việc khôi phục và phát triển môn thể thao truyền thống bơi chải sẽ tiếp tục được giữ gìn, phát triển trở thành nét văn hóa đặc trưng của tỉnh./
Đức Thiện