Những năm gần đây, phong trào văn nghệ ở các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh. Nhiều tốp, đội, câu lạc bộ (CLB) văn nghệ hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sáng tạo nghệ thuật và hưởng thụ của nhân dân, góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Đồng diễn dân vũ tại Đại hội TDTT huyện Nam Trực năm 2022. |
Hoạt động hiệu quả
Theo số liệu thống kê của Sở VH, TT và DL, toàn tỉnh hiện có trên 900 tổ, tốp, đội, CLB văn hoá, văn nghệ quần chúng đa dạng về loại hình như: Thơ, chèo, hát văn, khiêu vũ, nhạc kèn, trống hội... thu hút đông đảo người dân ở nhiều lứa tuổi tham gia sinh hoạt. Với những người yêu thi đàn, các CLB thơ được thành lập đã tạo sân chơi văn hóa lành mạnh cho các hội viên. Tiêu biểu như huyện Trực Ninh hiện nay có hàng chục CLB thơ như: CLB thơ Việt Nam huyện Trực Ninh; CLB thơ Hương Văn - thị trấn Cổ Lễ; CLB thơ ca xã Trực Tuấn; CLB thơ Sông Ninh, xã Phương Định; CLB thơ người cao tuổi xã Trực Đạo; CLB thơ cựu giáo chức các xã: Trực Phú, Trực Cường, Trực Khang… Trong đó, CLB thơ Việt Nam huyện Trực Ninh hiện có gần 40 hội viên đều là những người từng hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, giáo dục, quân đội. CLB sinh hoạt định kỳ 3 tháng 1 lần với các nội dung: Giao lưu thơ sáng tác và ca hát. Sau gần 15 năm hoạt động, các hội viên CLB thơ Việt Nam huyện Trực Ninh đã sáng tác hàng nghìn bài thơ có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, các Anh hùng dân tộc, ca ngợi quê hương, đất nước. Nhiều tác giả có thơ đăng trên các tập thơ của Nhà xuất bản Văn học, Nhà xuất bản Hội Nhà văn... Đặc biệt, CLB thơ Việt Nam huyện Trực Ninh đã thành lập tổ văn nghệ và dàn dựng nhiều tiết mục chèo, chầu văn, ngâm thơ đặc sắc phục vụ các buổi sinh hoạt của CLB thơ Việt Nam, giao lưu ở các CLB thơ, ca trong và ngoài tỉnh.
Ở huyện Xuân Trường hiện nay có gần 20 CLB văn nghệ xung kích. Mỗi tổ, tốp, đội văn nghệ có từ 15 đến 30 người là các hạt nhân văn nghệ ở địa phương hoạt động theo phương thức tự nguyện. Nguồn kinh phí hoạt động được huy động xã hội hóa để mua sắm trang thiết bị âm thanh, trang phục biểu diễn; tự sáng tác, dàn dựng tiết mục các thể loại đa dạng phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương và nhu cầu sinh hoạt, thưởng thức văn hóa, văn nghệ của nhân dân. CLB văn nghệ xung kích xã Xuân Tân được thành lập từ năm 2010, hiện có 35 thành viên. Hội viên Nguyễn Văn Hiến là công chức văn hóa - xã hội, Phó chủ nhiệm CLB văn nghệ xung kích xã có năng khiếu hoạt động nghệ thuật nên kiêm cả đạo diễn, xây dựng kịch bản các hội diễn văn nghệ quần chúng ở địa phương. Mỗi thành viên trong CLB đều được phân công nhiệm vụ cụ thể với mục đích phát triển phong trào văn nghệ quần chúng địa phương như bà Hoàng Thị Vy chuyên dạy các nhạc cụ dân tộc như đàn nguyệt, trống; ông Nguyễn Xuân Hảo dạy đàn nhị, sáo… Để hoạt động ổn định, CLB có quy chế hoạt động, duy trì lịch sinh hoạt vào ngày 29, 30 hàng tháng và duy trì nguồn quỹ để phục vụ hoạt động CLB.
Bên cạnh đó, nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”, nhiều CLB hát văn trên địa bàn tỉnh cũng được thành lập. Điển hình như ở xã Kim Thái (Vụ Bản), CLB nghệ thuật hát văn xã gồm 33 thành viên là những nghệ sĩ hát văn gồm cả chuyên nghiệp, nghiệp dư và các nhạc công dân gian phục vụ hát văn, những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Anh Vũ Anh Tú, Chủ nhiệm CLB cho biết: Từ khi thành lập, hàng tháng, CLB đã xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, tạo điều kiện cho những người yêu thích nghệ thuật hát văn có cơ hội được giao lưu, học hỏi. Hàng năm, vào ngày mồng 4-3 âm lịch, hội thi hát chầu văn trong lễ hội Phủ Dầy được tổ chức tại Phủ Vân Cát và Phủ Tiên Hương (phủ chính), nhiều thành viên trong CLB tham gia biểu diễn và giành giải cao.
Điểm tựa phát triển bền vững
Với mục tiêu duy trì và phát triển các CLB văn nghệ quần chúng, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện các thiết chế văn hóa. Đến nay, toàn tỉnh có 10 nhà văn hóa (NVH) cấp huyện, thành phố; 100% khu dân cư có địa điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trong đó 3.005/3.634 làng, thôn, xóm, TDP có NVH; 2.641/3.634 làng, thôn, xóm, TDP có sân thể thao. Để phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao, Sở VH, TT và DL thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở. Bên cạnh đó, việc định hướng cho các CLB văn hóa, văn nghệ quần chúng hoạt động hiệu quả luôn được quan tâm thường xuyên. Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Triển lãm (VH, ĐA và TL) tỉnh là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở VH, TT và DL có chức năng chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng cho hệ thống ngành văn hóa từ tỉnh đến cơ sở; tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật quần chúng nhằm thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ, nâng cao chất lượng hoạt động các CLB văn hóa, văn nghệ, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Hàng năm, Trung tâm VH, ĐA và TL tỉnh chỉ đạo Phòng Nghiệp vụ nhà văn hoá định hướng phát triển các CLB văn hoá, văn nghệ, đa dạng các loại hình ca - múa - nhạc, thơ, thể dục thể thao. Bám sát sự chỉ đạo của Trung tâm VH, ĐA và TL tỉnh, các CLB đã dàn dựng nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ các nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ lớn của địa phương, đất nước; năng động, sáng tạo, thường xuyên đổi mới phương thức sinh hoạt, phát triển hội viên; tổ chức các hoạt động giao lưu, tham quan, sáng tác nghệ thuật; đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm thúc đẩy hoạt động CLB…
Cùng với ngành Văn hóa, phong trào văn nghệ quần chúng luôn được các Hội, đoàn thể quan tâm. Trong đó, Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh đã chú trọng chỉ đạo củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động các loại hình CLB của NCT. Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.700 CLB ở các loại hình với tổng số gần 71 nghìn NCT tham gia. Nhiều CLB, tổ, đội văn nghệ của NCT thường xuyên giao lưu, biểu diễn, tạo sân chơi bổ ích cho hội viên. Đến nay, phong trào văn nghệ của NCT đã phát triển mạnh ở thành phố Nam Định và các huyện: Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Mỹ Lộc... Hưởng ứng phong trào văn hóa, văn nghệ, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã đẩy mạnh xây dựng các mô hình CLB hoạt động hiệu quả. Hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng hơn 1.000 CLB văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, thu hút trên 263 nghìn hội viên phụ nữ tham gia các loại hình như: aerobic, dân vũ, phụ nữ đàn và hát dân ca… Các CLB duy trì tập luyện thường xuyên, tổ chức giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm vào các dịp lễ, tết, kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10)...
Thời gian tới, để phát huy vai trò của phong trào văn nghệ quần chúng trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của người dân, các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các CLB, tổ, đội văn nghệ quần chúng hoạt động hiệu quả. Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao các huyện, thành phố tăng cường đổi mới tổ chức các hoạt động tại chỗ để thu hút nhân dân tham gia; đẩy mạnh xã hội hóa, đầu tư nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa nghệ thuật; khuyến khích nhân dân tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hoá, văn nghệ truyền thống của địa phương./.
Bài và ảnh: Viết Dư