Gìn giữ nghệ thuật cà kheo

05:38, 07/10/2022

Trên địa bàn tỉnh hiện còn lưu giữ nhiều loại hình dân ca, dân vũ truyền thống, trong đó đặc sắc là nghệ thuật cà kheo. Bắt nguồn từ cuộc sống lao động, sản xuất, trải qua thời gian, những ngư dân ở các địa phương ven biển các huyện: Hải Hậu, Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng đã sáng tạo các động tác biểu diễn cà kheo trên cạn độc đáo, tạo thành một nét văn hóa đặc trưng.

Đội kheo xã Hải Triều biểu diễn trong Ngày hội Văn hóa - Thể thao truyền thống huyện Hải Hậu năm 2022.

Nét riêng vùng biển

Ở thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy), mỗi sự kiện lớn của địa phương tổ chức đều không thể thiếu các tiết mục biểu diễn cà kheo. Theo người dân địa phương, nghệ thuật biểu diễn cà kheo ở đây xuất hiện từ những năm 1960. Sau một thời gian bị gián đoạn, năm 2006 ông Nguyễn Văn Khuê ở tổ dân phố (TDP) Lâm Thọ đã tập hợp những người đam mê đi kheo thành lập câu lạc bộ (CLB) để duy trì và phát triển nghệ thuật đi cà kheo. Nhưng phải đến năm 2016 khi UBND thị trấn Quất Lâm quyết định thành lập CLB cà kheo TDP Lâm Thọ thì nghệ thuật này mới phát triển. Đến nay, CLB có 15 người ở các lứa tuổi từ 30-50. Nhiều thành viên “lão làng” gắn bó với CLB từ khi mới hoạt động như các ông: Vũ Văn Bình, Nguyễn Văn Thoa, Cao Văn Tuyền, Nguyễn Văn Duy thường xuyên truyền dạy kỹ năng cho lớp trẻ. Để CLB có kinh phí hoạt động, ngoài huy động nguồn xã hội hóa, các thành viên trong CLB thường xuyên luyện tập các tiết mục mới để có suất diễn ở các địa phương trong tỉnh. Hiện nay, CLB cà kheo TDP Lâm Thọ có thể biểu diễn thành thục các tiết mục như: múa quạt, múa gậy, múa thương, múa sư tử, múa võ, đánh trống… Trong các lễ hội tại các di tích lịch sử - văn hóa, Đại hội Thể dục thể thao huyện Giao Thuỷ, CLB cà kheo TDP Lâm Thọ thường xuyên góp mặt, tham gia biểu diễn với nhiều tiết mục độc đáo.

Ở xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng), đội cà kheo xóm 9 (làng Quần Vinh trước đây) nức tiếng trong và ngoài tỉnh bởi lối diễn phong phú. Ông Nguyễn Văn Tung, 65 tuổi, đã gắn bó hơn nửa cuộc đời với bộ môn cà kheo, chia sẻ: “Trước đây, cà kheo là phương tiện quan trọng với những ngư phủ để có thể đi ra xa bờ hơn, thuận lợi trong việc khai thác thủy hải sản. Trẻ con nơi đây, từ thuở lên bảy, lên mười đã được cha, chú truyền kỹ năng đi kheo. Sau này, do đi cà kheo rất độc đáo nên đã trở thành một môn nghệ thuật được nhiều người quan tâm.

Để trở thành một nghệ sĩ biểu diễn cà kheo trên cạn, ban đầu là “tập chay”, không kheo, không trống. Khi đã thuần thục động tác mới tiến hành khớp trống, khớp nhạc. Rồi bước vào tập kheo với những kỹ thuật động tác thu chân, nhảy cò, múa, rung sư tử, đánh vật...”. Trải qua nhiều thế hệ gìn giữ và phát triển, đến nay đội cà kheo Phúc Thắng với gần 30 thành viên đã sáng tạo được nhiều bài biểu diễn độc đáo, hấp dẫn như: đánh gậy, múa sư tử, đấu vật, cất te, thả lưới, quăng chài… Với sự chuyên nghiệp và có lịch sử lâu đời, đội cà kheo Phúc Thắng đã được mời biểu diễn tại nhiều lễ hội lớn của địa phương và đất nước như: Lễ kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - Gia Định, Lễ hội dân gian Sài Gòn, Festival Huế, Tuần lễ Văn hoá - Du lịch Tuần Châu (Quảng Ninh), Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 22 tại Sân vận động Thiên Trường và nhiều lần tham gia Hội chợ Triển lãm Giảng Võ (Hà Nội) và đã được nhận nhiều Bằng khen của các tỉnh, thành phố, Bộ VH, TT và DL…

Duy trì và phát triển nghệ thuật cà kheo

Những năm gần đây, nghệ thuật cà kheo đứng trước nguy cơ mai một vì thiếu kinh phí hoạt động, thiếu lớp trẻ kế cận. Trước thực trạng đó, những người gắn bó với nghệ thuật cà kheo và các cấp chính quyền, các địa phương đã chung tay “vào cuộc”. Ở xã Hải Lý (Hải Hậu), đội cà kheo phát triển bền vững và duy trì hoạt động suốt hơn 50 năm qua. Ông Nguyễn Quang Đức (65 tuổi), đội trưởng đội cà kheo Hải Lý cho biết: “Đặc thù của đi kheo dưới nước khác với đi kheo trên cạn, nhất là áp lực tâm lý “xảy một ly đi một dặm” nên nhiều ngư phủ không mặn mà với việc biểu diễn kheo cạn”. Nhằm phát triển lớp thành viên kế cận, ông Đức cùng các thành viên cao tuổi đã tranh thủ dịp nghỉ hè dạy miễn phí các cháu từ 13-15 tuổi tham gia luyện tập biểu diễn. Để các buổi dạy không nhàm chán, bên cạnh truyền kỹ năng biểu diễn, các thành viên của đội cà kheo Hải Lý còn hướng dẫn các cháu nhỏ chế tác đôi kheo hoàn chỉnh. Em Nguyễn Văn Hùng (14 tuổi), xóm 8, xã Hải Lý cho biết: “Mỗi buổi học các bác đều hướng dẫn những thành viên trẻ rất nhiệt tình. Đặc biệt chúng em được nghe những câu chuyện các thế hệ cha ông đã dùng đôi cà kheo bám biển mưu sinh, nuôi sống gia đình nên càng trân quý môn nghệ thuật này”. Thầy giáo Nguyễn Hải Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS Hải Lý phấn khởi cho biết: “Vừa qua, Đảng ủy, UBND xã Hải Lý đã có chủ trương và xây dựng kế hoạch đưa bộ môn cà kheo vào trường học thành môn ngoại khóa, trước mắt thí điểm tại Trường THCS Hải Lý. Theo đó, những nghệ nhân có kinh nghiệm đi kheo ở địa phương sẽ trực tiếp hướng dẫn các em học sinh chế tác đôi kheo, cách đi kheo an toàn… Từ đó, những học sinh có năng khiếu, đam mê với nghệ thuật truyền thống sẽ được chọn vào đội kheo làm đội ngũ kế cận”.

Ở xã Hải Triều, bên cạnh sự quan tâm của Đảng ủy, UBND xã, các thành viên trong đội cà kheo luôn ý thức duy trì các buổi sinh hoạt định kỳ. Ông Nguyễn Văn Tâm, Đội trưởng đội cà kheo chia sẻ: “Để đội có kinh phí sinh hoạt, ngoài các nguồn hỗ trợ và kinh phí do các thành viên đóng góp, đội luôn hướng tới sự chuyên nghiệp trong các tiết mục biểu diễn. Hiện nay, trong danh mục biểu diễn của đội có hàng chục tiết mục, trò diễn độc đáo với các động tác khó như: múa kiếm, đá bóng, kéo co, thổi kèn, múa võ… Chính điều đó đã tạo sự khác biệt của cà kheo Hải Triều so với các địa phương khác”. Cùng với biểu diễn dịch vụ tạo nguồn thu cho đội, đội cà kheo của xã Hải Triều thường xuyên biểu diễn miễn phí phục vụ nhân dân trong những ngày hội làng, các dịp lễ, tết. Đặc biệt, trong Ngày hội Văn hóa - Thể thao huyện Hải Hậu được tổ chức hàng năm nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9, cùng với 2 đội cà kheo của các xã Hải Lý và Hải Đông, đội cà kheo xã Hải Triều tham gia biểu diễn với nhiều tiết mục đặc sắc tạo sự hứng khởi cho người xem.

Thời gian gần đây, nghệ thuật múa cà kheo đã thu hút lượng lớn khách du lịch tham gia trải nghiệm. Chị Bùi Thị Nhàn, Giám đốc điều hành chi nhánh Ecohost Hải Hậu cho biết: “Văn hóa truyền thống bản địa tạo nên sức hấp dẫn riêng biệt cho sản phẩm du lịch của Ecohost Hải Hậu. Chúng tôi mang tới cho du khách những cảm nhận đầy đủ, chân thật nhất về những giá trị văn hóa phi vật thể hiện diện trong cuộc sống hàng ngày hay các di sản đã được trao truyền qua bao thế hệ. Trong đó nghệ thuật cà kheo đã để lại nhiều ấn tượng khó phai trong lòng khách thập phương, nhất là những du khách nước ngoài đều trầm trồ và thán phục trước sự khéo léo của các ngư phủ đi cà kheo. Qua việc thu hút khách du lịch, bản thân những nghệ sĩ đi kheo khi tham gia biểu diễn cũng có thêm thu nhập, giúp họ ổn định cuộc sống”. Bên cạnh đó, cà kheo là cảm hứng sáng tạo của nhiều bộ môn nghệ thuật khác, trong đó có nhiếp ảnh. Các CLB nhiếp ảnh trong và ngoài tỉnh thường xuyên tổ chức các tour chụp ảnh cuộc sống ngư dân vùng biển và điểm nhấn là hình ảnh các ngư phủ đi kheo. Một trong số các tác phẩm mang tính quảng bá nghệ thuật cà kheo được biết đến rộng rãi đó là bức ảnh “Lễ hội truyền thống” của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Thế Vĩnh chụp tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao huyện Hải Hậu. Bức ảnh giành Huy chương Đồng Liên hoan ảnh nghệ thuật “Khu vực đồng bằng sông Hồng” năm 2006; giải C Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam; Giải Khuyến khích giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Lương Thế Vinh.

Từ một công cụ phục vụ lao động sản xuất, cà kheo đã trở thành một bộ môn nghệ thuật đặc sắc, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân./.

Bài và ảnh: Viết Dư

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com