Nam Định là vùng đất lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống đặc sắc, trong đó có nghệ thuật biểu diễn trống hội. Nghệ thuật trống hội được người dân gìn giữ, bảo tồn từ mục đích ban đầu để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh của quần chúng trong các lễ hội truyền thống dần được phát triển thành nghệ thuật biểu diễn phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa - xã hội ở địa phương. Theo phương thức xã hội hóa, nhiều câu lạc bộ (CLB), hội trống ở các địa phương trong tỉnh đã được thành lập, hoạt động sôi nổi, hiệu quả, làm sinh động đời sống tinh thần của người dân, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh con người, văn hóa quê hương Nam Định.
Màn biểu diễn trống hội của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh tại buổi khai mạc lễ hội Đền Xám, xã Hồng Quang (Nam Trực). |
Hải Hậu là địa phương có nhiều hội trống hoạt động sôi nổi. Tiêu biểu là hội trống nữ các xã: Hải Xuân, Hải Phú, Hải Hà, Hải Quang, Hải Lộc; hội trống nam các xã: Hải Thanh, Hải Trung; hội trống cà rùng xã Hải Phương và thị trấn Yên Định. Chỉ bằng nguồn huy động xã hội hóa nhưng kinh phí đầu tư cho hoạt động, mua sắm trống, trang phục, đạo cụ biểu diễn của mỗi hội trống lên tới hàng trăm triệu đồng. Trống của các hội được tuyển chọn, đặt mua từ các làng nghề làm trống truyền thống nổi tiếng trong và ngoài tỉnh: làng Tống Xá, thị trấn Lâm (Ý Yên); làng Đọi Tam, xã Tiên Sơn, huyện Duy Tiên (Hà Nam). Hội trống nữ xã Hải Xuân có 60 thành viên, thường xuyên phục vụ các nghi lễ ở nhà thờ. Ngoài ra, hội trống nữ xã còn rất tích cực tham gia biểu diễn tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao truyền thống thường niên huyện Hải Hậu vào dịp Quốc khánh 2-9. Trong các tiết mục biểu diễn “Trống hội quê hương”, tiếng trống hòa quyện cùng những điệu múa dùi uyển chuyển, nhịp nhàng của người thể hiện đã tạo sức lôi cuốn đặc biệt đối với người xem. Trên địa bàn huyện Hải Hậu hiện chỉ còn thị trấn Yên Định và xã Hải Phương duy trì được các hội trống cà rùng, riêng xã Hải Phương có 4 hội trống. Mỗi hội trống có trên 50 thành viên, gồm 1 người đánh trống cái, 30 người đánh trống con, 10 người đánh cồng, 10 người chơi lá bạc, 10 người múa gậy, phụ họa, thổi còi nhịp, đẩy trống cái. Nhiều năm qua, âm hưởng của tiếng trống cà rùng đã vượt ra khỏi khuôn khổ các buổi sinh hoạt, nghi lễ tại các nhà thờ Thiên chúa giáo để tham gia vào các hoạt động văn hóa, chính trị của các địa phương trong và ngoài tỉnh. Trong Ngày hội Văn hóa - Thể thao truyền thống thường niên huyện Hải Hậu âm thanh của các đội kèn đồng, nhạc nhẹ, cồng chiêng, đàn đá, âm hưởng hùng tráng, rền vang từ các hội trống như nhân lên lòng tự hào về truyền thống văn hóa mở đất của vùng quê biển.
Ở huyện Giao Thủy có 4 xã phát triển mạnh nghệ thuật trống hội, là Giao Thiện, Giao Yến, Giao Châu, Giao Hải. Xã Giao Thiện có 1 hội trống nam và 1 hội trống nữ, mỗi hội trống có từ 30-40 thành viên; trong đó, hội trống nữ được thành lập năm 2016 do Đại đức Thích Thanh Tòng, Trụ trì Chùa An Lạc tích cực vận động những nhà hảo tâm, tín đồ phật tử, con em xa quê hỗ trợ kinh phí và quy tụ những người đam mê tiếng trống thành lập. Hàng năm, hội trống nữ xã Giao Thiện thường xuyên biểu diễn phục vụ lễ hội truyền thống tại Chùa An Lạc (20 tháng Giêng); các ngày lễ: Yến Lão (mồng 4 Tết), Phật Đản (15-4 âm lịch), Vu Lan (15-7 âm lịch) tại các di tích: Chùa Phúc Hải (xã Giao An), Chùa Thanh Quang (xã Giao Thanh), Chùa Nam Thái (xã Giao Hương) và nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, sự kiện chính trị, xã hội của địa phương. Ở xã Giao Yến, làng Thanh Khiết có cả 2 đội trống nam và nữ, mỗi đội có trên 10 người. Trong những ngày lễ hội, âm vang của các bài trống cổ truyền như: “trống tiến rượu”, “trống tế”, “trống thét”, “trống rước”… được hòa quyện cùng những điệu múa dân vũ truyền thống uyển chuyển, nhịp nhàng đã làm rộn ràng cả một vùng quê. Xã ven biển Giao Hải, trong những ngày hội xuân làng Kiên Hành (mồng 5 tháng Giêng), âm thanh hối hả, rộn ràng của tiếng trống như thúc giục người dân trong xóm, ngoài làng tụ về dự hội. Trong không khí ngày xuân, mọi người được thưởng thức âm thanh rộn ràng của tiếng trống khai hội; hòa mình vào đoàn rước kiệu quanh xóm làng, xem các tiết mục múa rồng, sư tử, tham gia các hoạt động tế, lễ và các trò chơi dân gian truyền thống, các chương trình văn hóa, văn nghệ đặc sắc khiến lòng người càng thêm gắn bó sâu sắc với quê hương. Thành lập năm 2015, đến nay CLB Trống hội quê hương xã Giao Hải đã phát triển được gần 40 thành viên nữ, tuổi đời từ 30-40 tuổi. Được Đoàn Chèo Nam Định hướng dẫn về chuyên môn, sau hơn 5 năm hoạt động, các thành viên trong CLB đã thuần thục kỹ năng biểu diễn từ cơ bản đến nâng cao với các màn múa trống đẹp mắt kết hợp với các tiết mục hát chèo, hát văn đặc sắc. CLB Trống hội quê hương xã Giao Hải đã được mời biểu diễn ở khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh vào các dịp lễ hội đầu xuân, các sự kiện văn hóa, chính trị, xã hội...
Không chỉ ở Giao Thủy và Hải Hậu mà ở nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng gìn giữ và phát triển được loại hình nghệ thuật trống hội, tiêu biểu như: hội trống cà rùng và trống trắc xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng), hội trống nữ xã Yên Ninh (Ý Yên), hội trống nam xã Xuân Tân (Xuân Trường)… Mỗi hội, CLB trống đều mang bản sắc riêng về phong cách biểu diễn, quy mô hoạt động. Vậy nên, vào 2 mùa lễ hội chính hàng năm “Xuân, Thu nhị kỳ”, ở nhiều lễ hội dân gian các địa phương đều rộn vang trống hội.
Tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh cũng đã tập luyện, dàn dựng các chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp với màn trống hội “Hào khí Đông A” do các nghệ sĩ, diễn viên biểu diễn trong các sự kiện văn hóa, chính trị, các lễ hội lớn của tỉnh như: lễ hội Phủ Dầy, lễ hội Đền Trần… Những hồi trống rền vang như tiếng hoan ca của cả cộng đồng, thu hút người dân tạm gác lại công việc thường ngày khoác lên người những trang phục đẹp nhất, nô nức tham gia vào ngày hội làng truyền thống. Tiếng trống hội tựa như “sợi dây” vô hình kết nối quá khứ với hiện tại. Lắng nghe tiếng trống, mỗi người như được tiếp thêm sức mạnh để phấn đấu vươn lên trong cuộc sống đời thường; gợi nhớ về nguồn cội quê hương, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, góp phần gắn kết tình làng, nghĩa xóm qua những sinh hoạt cộng đồng đầy ý nghĩa nhân văn./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng