Nam Trực phát triển văn hóa, con người trong tình hình mới

06:09, 16/09/2022

“Tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa, anh hùng, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực từ nhân dân để tạo sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững với xây dựng nền văn hóa tiên tiến, hiện đại, giàu bản sắc truyền thống” là một trong những giải pháp căn cơ, lâu dài mà huyện Nam Trực đã đề ra để thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người trong tình hình mới.

Múa rồng trong Ngày hội Văn hóa - Thể thao truyền thống của huyện Nam Trực.
Múa rồng trong Ngày hội Văn hóa - Thể thao truyền thống của huyện Nam Trực.

Về Nam Trực hôm nay, sẽ cảm nhận rõ sự khởi sắc của nông thôn ngày càng đổi mới. Không chỉ bởi hệ thống cơ sở vật chất “điện, đường, trường, trạm” được đầu tư xây dựng khang trang, đồng bộ, kiên cố mà cả trong đời sống sinh hoạt thường nhật của người dân vừa đậm nét văn hóa truyền thống vừa đổi mới theo hướng văn minh, hiện đại. Thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu, Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành đề án, nghị quyết chuyên đề về xây dựng khu dân cư văn hóa - NTM; Quyết định ban hành 10 tiêu chí khu dân cư văn hóa - NTM, giai đoạn 2017-2020 và những năm tiếp theo. Năm 2021, huyện có 27 khu dân cư được thẩm định và được công nhận đạt chuẩn danh hiệu “Khu dân cư văn hóa - NTM”. Đến nay, toàn huyện có 166 khu dân cư của cả 20 xã, thị trấn được UBND huyện công nhận danh hiệu “Khu dân cư văn hóa - NTM”. Đó là thành tựu của quá trình Ủy ban MTTQ và các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến các xã, thị trấn đã tập trung, kiên trì tuyên truyền, vận động nhân dân, hội viên tích cực chung sức xây dựng NTM bằng các phong trào thi đua, cuộc vận động thiết thực, hiệu quả. Trong đó, nổi bật là cuộc vận động thực hiện “Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”, phong trào xây dựng “Xóm, phố bình yên, gia đình hạnh phúc”; giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, từng bước ổn định, củng cố xây dựng gia đình thời kỳ mới theo phương châm “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”; gắn việc thực hiện công tác xây dựng gia đình với các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở địa phương. Tỷ lệ gia đình văn hóa, làng, thôn, xóm văn hóa của huyện luôn đạt từ 85-95%/năm.

Huyện Nam Trực xác định rõ xây dựng và phát triển văn hóa, con người thời kỳ CNH-HĐH là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, góp phần đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” đi vào chiều sâu và ngày càng lan tỏa trong cộng đồng, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Các xã, thị trấn trong huyện phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền xây dựng môi trường văn hóa, an toàn, lành mạnh, gắn với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương; trong đó, xây dựng đạo đức, văn hóa, lối sống, nhân cách con người Nam Trực được xác định là nhiệm vụ hàng đầu với yêu cầu kế thừa những truyền thống tốt đẹp của quê hương như: cần cù, chịu khó, gắn bó sâu nặng với quê hương; ham hiểu biết, phát huy truyền thống khoa bảng, hiếu học, không ngừng nâng cao trình độ học vấn; năng động, sáng tạo trong cơ chế thị trường, có khát vọng vươn lên làm giàu cho gia đình, quê hương. Nhận thức về ý nghĩa, giá trị và vai trò của văn hóa đối với sự phát triển của mỗi con người, gia đình và quê hương trong cán bộ và nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. UBND huyện đã ban hành quy định về việc thực hiện văn hóa công vụ; quy ước ứng xử văn hóa trong các mối quan hệ xã hội. Đối với cán bộ, công chức, viên chức quán triệt nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ làm việc, chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử, phục vụ nhân dân; đối với người dân phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó, tương trợ lẫn nhau, nâng cao giá trị văn hóa trong các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, giữa gia đình với cộng đồng, xã hội…

Trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người trong tình hình mới, huyện Nam Trực chú trọng đến thế hệ trẻ, phát huy tốt vai trò của các tổ chức Đoàn, Đội, Hội và đội ngũ đoàn viên, thanh niên tuyên truyền, vận động để đưa các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và của huyện về xây dựng hệ giá trị văn hóa, con người Nam Trực vào cuộc sống. Đặc biệt, thực hiện giáo dục lý tưởng cách mạng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho thanh, thiếu niên, tuyên truyền, biểu dương các tấm gương điển hình tiêu biểu, người tốt, việc tốt, mô hình tiêu biểu: “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”. Tổ chức triển khai có chiều sâu các cuộc vận động: “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới”; “Mỗi ngày một việc tốt, mỗi tuần một việc tốt, mỗi tháng một việc tốt”, “Văn minh thanh lịch là nếp sống đẹp của thanh niên”; “Sinh viên 5 tốt”; “Học sinh 3 rèn luyện”; phấn đấu trở thành “Cháu ngoan Bác Hồ”… Phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ trong đấu tranh phòng, chống các sản phẩm văn hóa độc hại của các thế lực thù địch làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, tư tưởng văn hóa, chính trị của Đảng và Nhà nước.

Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với xây dựng NTM được quần chúng nhân dân hưởng ứng và tham gia tích cực; công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, bảo tồn di sản được đẩy mạnh. Những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan trong những sinh hoạt cộng đồng, tín ngưỡng tâm linh được bài trừ. Việc cưới, tang, lễ hội tại các địa phương được tổ chức đảm bảo trang trọng, văn minh, tiết kiệm, lành mạnh, coi trọng việc tôn vinh, khơi dậy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và khai thác tiềm năng kinh tế du lịch trong hoạt động lễ hội mang lại những hiệu quả kinh tế, văn hóa xã hội đáng khích lệ. Một số lễ hội đã trở thành thương hiệu và sản phẩm du lịch đặc trưng của Nam Trực như: hội chợ Viềng xuân, lễ hội Chùa Đại Bi, lễ hội Đền Giáp Ba, lễ hội làng Bàn Thạch, lễ hội Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền, lễ hội Đền Đá... Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm, Trung ương và địa phương cùng làm”, các địa phương trong huyện đã huy động các nguồn lực, vận động sự đóng góp từ sức dân để đầu tư trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp, bảo vệ  hệ thống di tích, di sản. Từ năm 2020 đến nay, mặc dù ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song huyện Nam Trực đã huy động được trên 10 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa đầu tư cho việc xây dựng, tu bổ các di tích. Thực trạng trộm cắp cổ vật, cổ thư, các hiện tượng xâm hại di tích, thương mại hóa di tích, lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi tại các di tích được ngăn chặn.

Để phù hợp với xu hướng xã hội và nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân trong giai đoạn hiện nay, cùng với việc đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ, hiện đại, huyện Nam Trực đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, góp phần nâng cao mức hưởng thụ các sản phẩm văn hóa của nhân dân. UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 38/KH-UBND ngày 6-4-2022 triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại; bảo đảm cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập.

 Thời gian tới, huyện Nam Trực tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu gắn với quá trình đô thị hóa nông thôn, xây dựng NTM ngày càng khang trang, sạch đẹp, hiện đại. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh. Nâng cao chất lượng thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong giai đoạn mới. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa. Tăng cường quản lý, bảo tồn di tích, di sản; kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, nhân văn, đạo đức tốt đẹp của dân tộc; tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hóa mới, phù hợp với nhu cầu hưởng thụ của người dân, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com