Gìn giữ kiến trúc làng cổ truyền thống

07:09, 23/09/2022

Nam Định là vùng đất giàu trầm tích lịch sử - văn hóa với hệ thống dày đặc các di tích; nhiều tên làng, xã cổ còn bảo lưu; các mỹ tục được kế thừa, phát huy… Trong quá trình đô thị hóa nông thôn đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều địa phương trong tỉnh đã triển khai sâu rộng và hiệu quả phong trào xây dựng làng văn hoá, kết hợp giữa tiếp thu các giá trị văn hóa tiên tiến với gìn giữ bản sắc, không gian văn hoá làng quê truyền thống.

Không gian lễ hội Chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường).
Không gian lễ hội Chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường).

Hồn quê còn đó…

Về thôn Dịch Diệp, xã Trực Chính (Trực Ninh), chúng tôi được đắm mình vào không gian xanh mát của làng quê Bắc Bộ truyền thống. Trong tiếng dệt thoi đưa của các hộ dân làm nghề, thấp thoáng hình ảnh những bậc cao niên ngồi dưới gốc cây đa chơi cờ; những bàn tay thoăn thoắt múc nước từ giếng làng; những hàng rào sum lá bao quanh những ngôi nhà trong dong, ngõ… Ông Trần Duy Hội, Trưởng thôn Dịch Diệp cho biết: Dịch Diệp được hình thành vào khoảng đầu thế kỷ XI dưới thời Vua Lý Thái Tổ tên gọi là Dịch Diệp Trang. Thôn được xây dựng theo phong cách chung của làng Việt cổ. Khu văn hóa đầu thôn có đền, chùa, văn chỉ, văn đàn, y chỉ, cây đa, cây đề cổ thụ với tuổi đời hàng trăm năm. Địa thế của thôn Dịch Diệp được ví như con thuyền dong buồm hướng ra Biển Đông. Nhà văn hóa đồng thời là đình thôn còn có bức hoành phi mang 4 chữ “Thiện Tục Khả Phong” do Vua Tự Đức ban tặng với mong muốn thôn tiếp tục phát huy các phong tục tốt đẹp, gìn giữ và lưu truyền cho các thế hệ con cháu đời sau.

Cùng với các công trình kiến trúc văn hóa, người dân thôn Dịch Diệp còn lưu giữ nhiều nhà và cổng cổ. Hiện tại, thôn còn 2 ngôi nhà có hơn 100 năm tuổi và trên 10 cổng nhà cổ. Trong đó ngôi nhà của cụ Phạm Phúc Biền với niên đại hơn 150 năm đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Nhà được làm hoàn toàn bằng gỗ lim, mái ngói cổ, có 3 gian, cửa quay... Các cổng nhà cổ ở Dịch Diệp khá đặc sắc, được xây theo mô tuýp mái vòm parapol. Tùy theo vị trí, địa thế, điều kiện của mỗi nhà mà vòm cổng có quy mô, bề thế khác nhau, nhưng đều hài hòa, đảm bảo đi lại thuận tiện cho cả nhà. Liên kết với vòm cổng là hai trụ cổng, xây thẳng đứng, đắp vẽ công phu; trên trụ thường đắp nổi đôi câu đối.

Làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) - một trong những làng cổ hiện còn lưu giữ nhiều dấu tích kiến trúc truyền thống như cổng làng, cổng nhà, tường bao… với địa hình “Lý Ngư” (hình cá chép vượt vũ môn). Theo các bậc cao niên, làng Hành Thiện đã có lịch sử hơn 600 năm từ thời Hậu Lê, thế kỷ XV. Toàn bộ làng được kết nối với bên ngoài bằng 9 cây cầu để thông thương. Những ngôi nhà trong làng được “quy hoạch” xây dựng theo kiểu “thượng giao, hạ trì”. Các trung tâm hành chính, sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của làng được sắp xếp khoa học, đảm bảo chặt chẽ theo thuyết phong thủy. Khu vực phần “đầu cá” được bố trí miếu thờ Thần Tam giáp. Mỗi giáp là một thôn thờ một vị thần, giáp bắc thờ “Đế Thích Thiên Chúa”, giáp nam thờ “Nam Hải Đại vương”, giáp đông thờ “Đoàn Thượng Đại vương”. Nơi “mang cá” là chợ Hành Thiện. Khu dân cư từ “mang cá” đến “rốn cá” chia thành 14 khúc. Mỗi khúc là một dong; các con đường ở mỗi dong đều được lát gạch chỉ hoặc đá phiến, hai bên đường là nhà ở. Vây “đuôi” trên về phía đông bắc có ngôi chùa Đĩnh Lan thờ Phật Bà Quan Âm Nam Hải (là vị thần bảo hộ cho vùng dân cư sông nước và biển cả). Vây “đuôi” phía dưới hướng tây bắc có ngôi chùa Thần Quang thờ Trạng là Quốc sư Dương Không Lộ. Toàn bộ làng Hành Thiện được bao bọc bởi hai con đường chạy song song với con sông lát bằng gạch chỉ đỏ son. Hiện nay, do tính chất đô thị hóa, các con đường đã được trải nhựa nhưng vẫn giữ nét hồn quê, nhất là các đường dong. Ngoài ra, ở Hành Thiện các bức tường rào bao quanh những ngôi nhà cổ sử dụng nguyên liệu vôi, vỏ sò, vỏ hến phối trộn với niên đại hơn 350 năm.

Trên địa bàn tỉnh còn nhiều địa danh cổ giữ được không gian văn hóa làng quê truyền thống, tiêu biểu như: Thôn Bách Cốc, thôn Quả Linh, xã Thành Lợi; thôn Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản); thôn Hạ Kỳ, xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng); thôn Cổ Chất, xã Phương Định (Trực Ninh)… điểm chung của các thôn này đó là bảo lưu được các thiết chế văn hóa cổ, các mỹ tục mang bản sắc địa phương trong lễ hội truyền thống.

Chung tay giữ gìn…

Nhiều địa phương trong tỉnh đã có những cách làm thiết thực trong việc gìn giữ không gian văn hóa đặc trưng của địa phương. Ở huyện Trực Ninh, các địa phương đã phát huy vai trò chủ thể của người dân, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng gắn với gìn giữ kiến trúc cổ. Xã Việt Hùng (Trực Ninh) trong quá trình thực hiện cải tạo kiên cố hóa, hiện đại hóa các công trình phúc lợi theo tiêu chí NTM nâng cao, Đảng ủy, UBND xã chủ trương bảo vệ không gian văn hóa làng quê truyền thống với cây đa, bến nước, sân đình, những hàng cây rộng xòe tán ở mái chùa, mái đình, nhà thờ... Hàng năm, xã đã chỉ đạo các thôn, xóm tránh việc chặt phá cây xanh, nhất là các cây cổ thụ, kết hợp phát động nhân dân trồng cây xanh nơi công cộng, trong các trường học đảm bảo môi trường xanh - sạch - đẹp. Hội Sinh vật cảnh xã có tổ kỹ thuật đảm nhận cắt tỉa, sửa miễn phí các cây cảnh trưng bày, hướng dẫn nhân dân trồng cây xanh tạo thế... Hiện nay, 2 bên đường của xã có hàng chục cây cổ thụ, hàng trăm cây xanh bóng mát. Nhờ đẩy mạnh việc trồng cây xanh trên địa bàn xã nên các thôn, xóm nơi đây được phủ một màu xanh trong lành.  Ở huyện Nghĩa Hưng, hiện nay nhiều gia đình vẫn lưu giữ những ngôi nhà mái bổi - nét đặc trưng của cư dân vùng biển. Ở các xã Nghĩa Bình, Nghĩa Tân, Phúc Thắng... hình ảnh các nhà mái bổi xen kẽ các ngôi nhà mái bằng, nhà cao tầng đã tạo ra nét riêng trong kiến trúc làng quê. Riêng xã Phúc Thắng hiện có khoảng 100 ngôi nhà mái bổi. Theo các bậc cao niên ở địa phương, các ngôi nhà mái bổi có sức chống chịu mưa nắng và gió bão tốt. Trung bình mỗi nhà mái bổi có niên hạn sử dụng từ 50-60 năm. Nhà mái bổi có tuổi thọ cao bởi mái nhà được lợp bổi dày, trong đó phần nóc dày tới 1m, mỗi mái dày trên 50cm, khối lượng bổi nặng tới 15-20 tấn. Hệ thống các đòn tay, dui, mè bằng luồng đều được lựa chọn kỹ lưỡng, dây buộc đều bằng mây. Thời gian gần đây nhiều gia đình trong xã Phúc Thắng và các xã lân cận đã dựng lại nhà mái bổi, kinh phí nguyên liệu bổi cho mỗi ngôi nhà 5 gian lên tới gần 100 triệu đồng.

Ở huyện Vụ Bản, một trong những “điểm nhấn” của không gian văn hóa là giếng làng. Trước đây khi chưa có nước máy, giếng là nguồn nước sinh hoạt chính của các làng ở huyện. Làng nào chưa có giếng tự nhiên, muốn đào giếng, dân làng phải mời thầy địa lý về xem phong thủy để chọn đúng vùng cát địa, tính toán sao cho mạch nước giếng phải lưu niên, tuôn chảy dồi dào, nước phải trong, mát quanh năm đủ cho cả làng dùng, tránh động long mạch. Ngày nay, dẫu không còn là nguồn cấp nước dùng cho dân làng nhưng nhiều địa phương như các xã: Quang Trung, Hợp Hưng, Minh Tân, Vĩnh Hào, Kim Thái, Hiển Khánh vẫn gìn giữ, đầu tư cải tạo giếng làng. Giếng nước thôn Hậu Nha, xã Hiển Khánh được cải tạo năm 2008 do ông Nguyễn Trọng Luyện - người con quê hương đầu tư với kinh phí khoảng 120 triệu đồng. Giếng nước gắn với hình ảnh cây đa trăm tuổi và di tích lịch sử - văn hóa Đình Hậu Nha, xã Hiển Khánh đã tạo nét đẹp cổ kính trong quá trình xây dựng NTM ở vùng quê này. Ở xã Quang Trung hiện nay còn lưu giữ được các giếng cổ ở xóm Phủ, giếng Cá thôn Giáp Ba, giếng xóm Hội 2, giếng xóm Làng. Theo các tài liệu ghi chép ở Phủ Giáp, giếng Cá làng Giáp Ba, xã Quang Trung có từ thời Hậu Lê. Trước kia giếng được đắp bờ đất, sau đó cụ tiên chỉ của thôn là Bùi Thiện Hợi (tự Phúc Bổng) hưng công xây dựng kè bờ gạch cho giếng. Năm 2011, hậu duệ đời thứ 7 của cụ Bùi Thiện Hợi là ông Bùi Thiện Hân đã phát tâm công đức 90 triệu đồng và vận động nhân dân địa phương kè giếng, nâng bờ gạch với kinh phí trên 100 triệu đồng. Hàng tuần dân trong thôn đều chăm lo việc dọn vệ sinh xung quanh giếng. Năm 2016, giếng cổ được cải tạo xây, kè bờ cao hơn so với mặt đường với kinh phí 150 triệu đồng do nhân dân địa phương và con em xa quê đóng góp.

Việc giữ gìn nét đẹp không gian văn hóa trong quá trình đô thị hóa nông thôn ở các địa phương trong tỉnh đã góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, gắn kết cộng đồng, phát huy nội lực trong các tầng lớp nhân dân chung tay xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh./.

Bài và ảnh: Viết Dư

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com