Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống xã hội; trong đó có việc triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết (TDĐK) xây dựng đời sống văn hóa (ĐSVH)” trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự phối hợp của các sở, ngành, đoàn thể và các kết quả nền tảng đã đạt được từ các giai đoạn trước, phong trào đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương trong tỉnh tiếp tục triển khai sôi nổi, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của cộng đồng, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Chương trình nghệ thuật “Đất nước trọn niềm vui” của Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Triển lãm tỉnh dàn dựng biểu diễn chào mừng kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2022). |
Quán triệt sâu sắc quan điểm “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm “nâng tầm văn hóa” và thực hiện tốt phong trào “TDĐK xây dựng ĐSVH”. Các nội dung chính của phong trào được triển khai thực hiện gắn với 7 phong trào thi đua, các cuộc vận động khác, đặc biệt là cuộc vận động lớn “TDĐK xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh”, qua đó tác động tích cực đến từng gia đình, khơi dậy các giá trị truyền thống “tương thân tương ái”, “uống nước nhớ nguồn”, lòng yêu nước, nâng cao ý thức chấp hành kỷ cương pháp luật trong nhân dân. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội được đưa vào quy ước, hương ước làng, thôn, xóm, tổ dân phố, trở thành một trong những tiêu chí cứng để bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa. Ở nhiều địa phương cơ sở, lễ cưới được tổ chức tại nhà văn hóa (NVH) thôn, xóm, tổ dân phố, đại diện các cơ quan, đoàn thể làm chủ hôn, phát động và thực hiện tốt cuộc vận động “Làm cỗ vừa đủ ăn”, “Không làm cỗ lấy phần và ăn cỗ không lấy phần”. Việc tang được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, tỷ lệ hỏa táng tăng cao, thời gian đưa tang đúng quy định của địa phương, không tổ chức ăn uống linh đình, dài ngày. Các địa phương đã thực hiện tốt công tác rà soát, kiểm tra, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện phong trào tại cơ sở, nhờ đó chất lượng các danh hiệu văn hóa được nâng cao. Năm 2021, tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” toàn tỉnh đạt trên 87%; tỷ lệ làng, thôn, xóm, tổ dân phố được công nhận danh hiệu “Khu dân cư văn hóa” đạt trên 98%. Đến nay, toàn tỉnh có 78/204 xã, thị trấn được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, xây dựng NTM, hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững. 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo trong tỉnh được đảm bảo tiếp cận với chính sách giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết số 71/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2021, “Quỹ vì người nghèo” các cấp trong tỉnh đã huy động được gần 1,8 tỷ đồng, phân bổ hỗ trợ xây mới 13 nhà đại đoàn kết, sửa chữa 16 công trình nhà ở, trao tặng 71 suất quà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Phong trào xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”, một bộ phận của phong trào “TDĐK xây dựng ĐSVH” được triển khai sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Trên cơ sở hướng dẫn của Liên đoàn Lao động tỉnh, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã hưởng ứng và thực hiện tốt các tiêu chí về nếp sống văn hóa, văn minh công sở; củng cố, nâng cao tính kỷ cương, nền nếp nơi làm việc, ý thức chấp hành kỷ luật, nâng cao hiệu quả công việc và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 2021, toàn tỉnh có 85,5% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các phong trào “Học tập, lao động sáng tạo”, “Xây dựng gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến” được triển khai rộng khắp trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên, góp phần xây dựng văn hóa công sở vì nhân dân phục vụ.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhiều phong trào thi đua đặc trưng, chuyên ngành của các cấp, các ngành được phát động, đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Tiêu biểu như: Phong trào thi đua đặc biệt “100 ngày đêm, quyết liệt, thần tốc hoàn thành chỉ tiêu cấp hơn 1,1 triệu căn cước công dân gắn chíp điện tử trước ngày 15-6-2021” của Công an tỉnh; phong trào “Ngành GD và ĐT tỉnh chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, vượt mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2021-2022” của Sở GD và ĐT; phong trào “Phụ nữ Nam Định chung sức xây dựng NTM” của Hội LHPN tỉnh; Bộ CHQS tỉnh đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao gắn với chủ đề “Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang xây dựng môi trường văn hoá”; phong trào “Đổi mới phong cách thái độ phục vụ của nhân viên y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” của Sở Y tế; UBND các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh các phong trào “Xây dựng cơ quan văn hoá, thực hiện tốt cải cách hành chính và giải quyết thủ tục hành chính”, “Xây dựng người cán bộ, công chức trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”…
Để xây dựng và tổ chức hoạt động hiệu quả các thiết chế văn hoá - thể thao (VH-TT), một trong 5 nội dung quan trọng của phong trào “TDĐK xây dựng ĐSVH”, ngày 5-11-2021, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 854/UBND-VP7 về việc khai thác hiệu quả hệ thống thiết chế VH-TT cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh có 10 nhà văn hóa (NVH) cấp huyện, thành phố; có 158 xã, thị trấn có NVH độc lập; 68 xã, phường, thị trấn dùng chung hội trường UBND (đã quy hoạch đất xây dựng NVH được phê duyệt); 100% khu dân cư có địa điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trong đó 3.005/3.634 làng, thôn, xóm, tổ dân phố có NVH, 2.641/3.634 làng, thôn, xóm, tổ dân phố có sân thể thao. Năm 2021, các địa phương trong tỉnh xây mới được 7 NVH cấp xã. Hoạt động của các thiết chế VH-TT luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị, xã hội, các ngày lễ, tết, ngày kỷ niệm của địa phương, đất nước; lồng ghép tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới nhân dân. Hàng năm, Trung tâm văn hóa, NVH các cấp thường xuyên tổ chức các cuộc thi, liên hoan văn hóa, văn nghệ, giải thi đấu TDTT quần chúng. Phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT quần chúng ngày một phát triển sâu rộng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, đặc biệt là trong cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, lao động, người cao tuổi, lực lượng vũ trang. Toàn tỉnh đạt hơn 36,5% dân số tập luyện TDTT thường xuyên; số “gia đình thể thao” đạt hơn 19%; thành lập được 1.680 câu lạc bộ TDTT, gần 1.000 câu lạc bộ, đội văn hóa, nghệ thuật quần chúng.
Kết quả thực hiện phong trào “TDĐK xây dựng ĐSVH” ở tỉnh đã khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự phối hợp tích cực, đồng bộ, hiệu quả của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cùng với nhiều giải pháp thiết thực; sự nỗ lực, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân. Để giữ vững, phát huy những thành tích đã đạt được, trong giai đoạn 2021-2026, Ban Chỉ đạo phong trào “TDĐK xây dựng ĐSVH” tỉnh đề ra phương hướng, nhiệm vụ đưa phong trào tiếp tục phát triển đi vào chiều sâu, thực chất. Trong đó, tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa - hạnh phúc tiêu biểu”, “Khu dân cư văn hóa tiêu biểu”; thực hiện cuộc vận động “TDĐK xây dựng NTM, đô thị văn minh” trong giai đoạn mới; xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa. Lồng ghép thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua này gắn với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội bằng các giải pháp đồng bộ là: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, đưa mục tiêu thực hiện phong trào vào nghị quyết của các cấp ủy Đảng, kế hoạch của các cấp chính quyền; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo phong trào các cấp; huy động các nguồn lực, tăng mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước; đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng; thường xuyên tổng kết kinh nghiệm về hiệu quả thực hiện phong trào; kiên quyết đấu tranh với những hành vi phản văn hóa, lệch chuẩn văn hóa; gắn việc triển khai các phong trào thi đua với thực hiện Kết luận số 75-KL/TU ngày 14-12-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 07 xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng