Chèo, cải lương, kịch nói là 3 loại hình nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp đặc trưng của Nam Định. Trước những ảnh hưởng bởi mặt trái nền kinh tế thị trường, công nghệ số và những đổi thay của đời sống xã hội, các đoàn đoàn nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp ở tỉnh ta đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong việc đưa nghệ thuật kịch hát đến gần hơn với khán giả. Tập thể nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đang nỗ lực lao động sáng tạo nghệ thuật, tìm hướng đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng vở diễn nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của ông cha để lại.
Một cảnh trong vở chèo “Ông Trạng kỳ tài” của Đoàn chèo - Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh. |
Nỗ lực đưa nghệ thuật sân khấu đến gần khán giả
Vượt qua những khó khăn ban đầu sau khi hợp nhất từ 3 đơn vị: Nhà hát Chèo, Đoàn Cải lương và Đoàn Kịch nói (năm 2019), thời gian qua, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã thực hiện tốt công tác chuyên môn, xây dựng các chương trình nghệ thuật biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh; đồng thời, duy trì các chương trình lưu diễn tại các địa phương phục vụ nhân dân. Bên cạnh việc xây dựng nhiều trích đoạn, vở diễn tái hiện những câu chuyện, sự kiện, nhân vật lịch sử, Nhà hát đã cố gắng đưa đề tài xã hội đương đại vào sân khấu chuyên nghiệp với những tác phẩm mang tính giáo dục cao, phù hợp với yêu cầu và xu hướng thưởng thức nghệ thuật mới. Hiện nay, Nhà hát đang tập trung cho mục tiêu mở rộng đối tượng người xem, nhất là khán giả trẻ, để nâng cao hiểu biết kiến thức về lịch sử và đời sống xã hội thông qua các tác phẩm có giá trị nghệ thuật, tư tưởng nhân văn.
Giống như các loại hình nghệ thuật truyền thống: tuồng, cải lương, đờn ca tài tử ở các tỉnh Nam Bộ, nghệ thuật chèo ở vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung, Nam Định nói riêng từ lâu đã trở thành “món ăn” tinh thần không thể thiếu của người dân bởi chất trữ tình đằm thắm, sâu sắc, đậm đà tính dân tộc, kết hợp nhuần nhuyễn của hàng loạt yếu tố: hát, múa, nhạc, kịch mang tính nguyên hợp vô cùng độc đáo. Trước sự cạnh tranh của các loại hình nghệ thuật hiện nay, Đoàn Chèo Nam Định đã năng động sáng tạo, đổi mới phương thức hoạt động để tiếp cận khán giả. Đặc biệt, tham dự các kỳ hội diễn, hội thi, liên hoan sân khấu chèo khu vực, toàn quốc, Đoàn Chèo Nam Định đều giành thành tích cao, được đồng nghiệp và khán giả yêu mến. Với mong muốn chinh phục khán giả bằng nghệ thuật chèo cổ, Đoàn Chèo Nam Định đã khôi phục, dàn dựng nhiều trích đoạn chèo cổ; nghiên cứu, bảo tồn nhiều chương trình hát chèo, làn điệu dân ca vùng đồng bằng Bắc Bộ thông qua các vở diễn mới như: “Thánh Mẫu”, “Của gia bảo”, “Hỏi vợ”, “Ông Trạng kỳ tài”… Bên cạnh đó, Đoàn cũng đưa nhiều loại hình nghệ thuật khác, lựa chọn các sản phẩm nghệ thuật dân ca dân vũ cổ truyền đặc sắc để “sân khấu hóa” trên sân khấu chuyên nghiệp như: hát văn, diễn xướng nghi lễ chầu văn, trống hội… được khán giả yêu thích.
Dù là loại hình kịch hát có nguồn gốc từ miền Nam, hình thành trên cơ sở dân ca đồng bằng sông Cửu Long và nhạc tế lễ nhưng từ khi xuất hiện ở Nam Định, nghệ thuật cải lương Nam Định đã phát triển trở thành môn nghệ thuật sân khấu đặc sắc. Cải lương Nam Định có chất riêng, mang đậm tính hiện thực, truyền tải được những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân trong đời sống thường ngày qua từng vở diễn. Trước những khó khăn của nghệ thuật sân khấu biểu diễn nói chung, nghệ thuật cải lương nói riêng, Đoàn Cải lương Nam Định vẫn nỗ lực giữ vững định hướng bảo tồn, phát huy vốn cải lương cổ, kiên trì rèn luyện đội ngũ, đào tạo các thế hệ diễn viên kế cận, tích cực luyện tập, nâng cao chất lượng nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu thông tin và thị hiếu thẩm mỹ của khán giả. Với phương châm “Không chờ khán giả đến mà phải tìm đến khán giả”, Đoàn Cải lương Nam Định đã mở rộng địa bàn biểu diễn, tìm đất diễn ở những vùng khó khăn, người dân còn thiếu thốn các phương tiện giải trí hiện đại. Để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật ngày càng cao của công chúng, Đoàn Cải lương Nam Định còn dàn dựng các chương trình ca nhạc tạp kỹ kết hợp với vở diễn có chất lượng để thu hút khán giả trẻ tuổi.
Đối với kịch nói, để “giữ chân” khán giả, Đoàn Kịch nói Nam Định đã tích cực luyện tập, đổi mới kịch bản, phát triển theo nhịp sống thời đại để làm tươi mới không gian thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Bên cạnh những vở kịch văn học nghiêm túc, mang tính chính trị, có định hướng giáo dục cao, Đoàn Kịch nói Nam Định tiếp tục đầu tư dàn dựng nhiều vở diễn sinh động, đặc sắc, đa phong cách, đáp ứng nhu cầu thông tin và thị hiếu thẩm mỹ của khán giả với những chủ đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày như: tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa hay những vấn đề nóng bỏng phản ánh đa dạng, nhiều chiều về cuộc sống từ nông thôn đến thành thị; cảnh báo, phê phán tác động tiêu cực, mặt trái của nền kinh tế thị trường đến truyền thống văn hóa dân tộc.
Hướng đi cho sân khấu chuyên nghiệp trong thời kỳ mới
Thực tế hiện nay, dù cố gắng nỗ lực tìm “đất” diễn, mở rộng địa bàn, quy mô hoạt động cũng như đầu tư, nâng cao chất lượng các tác phẩm nghệ thuật, song khó khăn của nghệ thuật sân khấu kịch hát trong cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng đó là tình trạng thiếu vắng khán giả. Các sân khấu luôn “sáng đèn” nhưng thưa thớt người xem. Có nhiều nguyên nhân khiến khán giả không mặn mà với sân khấu truyền thống. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên là khán giả trẻ với thị hiếu thẩm mỹ hiện đại, thiếu kiến thức về nghệ thuật truyền thống nên không mặn mà với các loại hình nghệ thuật truyền thống. Việc phổ biến các môn nghệ thuật truyền thống đang dần bị lấn át bởi nhiều loại hình văn hóa giải trí nghệ thuật hiện đại. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin với những ưu thế đặc biệt giúp người trẻ có thể xem, trải nghiệm các sản phẩm nghệ thuật, văn hóa giải trí mọi lúc, mọi nơi… Sự đa dạng, hấp dẫn của các loại hình nghệ thuật giải trí hiện đại theo trào lưu, xu hướng đang lôi cuốn giới trẻ khiến bộ phận khán giả này ngày càng xa rời sân khấu truyền thống. Những năm gần đây, Bộ VH, TT và DL đã phối hợp với Bộ GD và ĐT triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm đưa sân khấu truyền thống vào trường học. Tuy nhiên, các chương trình, dự án chưa có sự đầu tư tương xứng với yêu cầu, mục tiêu đề ra, chỉ mang tính nhỏ lẻ, chủ yếu là sự hỗ trợ của các đoàn nghệ thuật; chưa có chương trình tầm cỡ quốc gia, dài hơi để truyền dạy nghệ thuật dân tộc cho đông đảo học sinh, sinh viên. Những khó khăn đó của sân khấu nghệ thuật truyền thống còn dẫn đến tình trạng thiếu đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên trẻ kế cận để có thể mang đến những nét hấp dẫn mới, duy trì sức sống cho sân khấu truyền thống. Trong khi ở một số lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật khác, việc bổ sung nhân lực dễ dàng thì các đoàn nghệ thuật truyền thống rất thiếu nguồn nhân lực mới.
Ở Nam Định, trong điều kiện khó khăn về công tác tuyển chọn, đào tạo đội ngũ diễn viên trẻ, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã mời các NSND, NSƯT, nghệ sĩ, diễn viên có năng lực, kinh nghiệm về giảng dạy, bồi dưỡng để nâng cao trình độ cho các diễn viên trẻ; đồng thời phân công cán bộ, nghệ sĩ về các địa phương, trường học trong tỉnh tuyển chọn nhân tố có năng khiếu nghệ thuật sân khấu gửi đào tạo tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nam Định, hướng cho các em sau khi tốt nghiệp có cơ hội theo đuổi đam mê ca hát, diễn xuất, về làm việc tại các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh, tạo nguồn diễn viên trẻ kế cận. Các đoàn nghệ thuật của tỉnh cũng đã về các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là vùng nông thôn, để hướng dẫn, truyền dạy, đào tạo chuyên môn cho các CLB, tổ, nhóm, đội văn nghệ quần chúng, giữ “lửa” đam mê cho các thành viên, những người yêu thích các loại hình nghệ thuật chèo, cải lương, kịch nói. Nhằm phát huy hiệu quả chương trình đưa nghệ thuật sân khấu vào học đường, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh tích cực tham gia công tác xã hội tổ chức biểu diễn tại nhiều trường học trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn dàn dựng tiểu phẩm, kỹ năng biểu diễn cho các em học sinh tham gia Hội thi “Sân khấu hóa các tác phẩm văn học”, giúp học sinh khơi mở tính sáng tạo, khả năng cảm thụ văn chương gắn với các loại hình nghệ thuật sân khấu, giúp các em hiểu được cái hay, cái đẹp, tính nhân văn của nghệ thuật truyền thống.
Trong bối cảnh mở rộng giao lưu văn hóa, bùng nổ công nghệ thông tin, để sân khấu kịch hát truyền thống luôn “sáng đèn” và “giữ chân” khán giả, vấn đề đặt ra đối với những người làm công tác quản lý văn hóa, đội ngũ văn nghệ sĩ trong tỉnh là làm thế nào để bảo tồn, phát huy nghệ thuật sân khấu dân tộc trong thời kỳ mới, đáp ứng yêu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân dân. Hội nhập quốc tế tạo nên nhiều cơ hội phát triển văn hóa nghệ thuật nhưng cũng chứa đựng nhiều thách thức, nhất là đối với nghệ thuật truyền thống. Việc gìn giữ, kế thừa và phát huy giá trị nghệ thuật dân tộc cần được quan tâm, đầu tư từ khâu sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật tầm cỡ, có giá trị đến đổi mới, sáng tạo trong cách thức biểu diễn, nâng cao chất lượng vở diễn; định hướng đẩy mạnh xã hội hóa tìm kiếm nguồn lực đầu tư để có kịch bản hay, tập trung vào các đề tài kinh điển, mang tính giáo dục, thẩm mỹ, phù hợp với thị hiếu của khán giả hiện nay. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới quản lý bằng các cơ chế đặc thù nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp. Một trong những giải pháp quan trọng mang tính lâu dài, bền vững nữa là đẩy mạnh quảng bá sản phẩm nghệ thuật đặc thù địa phương - nghệ thuật chèo truyền thống, thu hút khách du lịch như: xây dựng kế hoạch kết nối giữa các đơn vị nghệ thuật và các đơn vị truyền thông, du lịch để giới thiệu, tổ chức biểu diễn đặc sản “Chiếng chèo Nam”. Tại các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu du lịch xây dựng chương trình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của đời sống xã hội./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng