Nếu đặt ngành du lịch đúng vị trí là một ngành kinh tế mũi nhọn của một quốc gia có nhiều tiềm năng du lịch như Việt Nam thì cần có bộ máy quản lý du lịch đủ tầm; hệ thống quản lý từ Trung ương đến địa phương ổn định, đồng bộ, thống nhất để điều tiết quan hệ vùng; liên kết giữa các ngành, vùng, cụm, nhóm trong lĩnh vực du lịch phải được bền chặt, vững chắc mới mang lại những giá trị du lịch cao.
Đội kheo xã Hải Lý biểu diễn trong Ngày hội Văn hóa thể thao truyền thống huyện Hải Hậu. Ảnh: Chu Thế Vĩnh |
Du lịch đã chứng minh được những nỗ lực vượt bậc để phục phồi nhanh chóng
Trong thời gian qua, du lịch Việt Nam đã có bước phát triển rõ rệt và đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó đáng chú ý là mức tăng trưởng khách ấn tượng. Trong giai đoạn từ 2001 đến 2016, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 4,3 lần và khách du lịch nội địa tăng 5,3 lần.
Từ năm 2016 đến trước năm 2019, du lịch tiếp tục tăng trưởng mạnh. Đóng góp trực tiếp của ngành du lịch tương đương 9,2% GDP cả nước. Giai đoạn này tốc độ tăng trưởng khách du lịch của Việt Nam được xếp vào hàng cao nhất trên thế giới theo đánh giá của Tổ chức Du lịch thế giới. Trước khi dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó ngành du lịch chịu ảnh hưởng và tác động nhiều nhất, thì tháng 1-2020 lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt con số kỷ lục là 2 triệu lượt trong một tháng.
Du lịch đã chứng minh được những nỗ lực vượt bậc để phục hồi nhanh chóng sau đại dịch COVID-19 kể từ khi mở lại hoàn toàn du lịch từ ngày 15-3-2022. Chỉ 6 tháng đầu năm 2022, ngành du lịch đã phục vụ được 60,8 triệu lượt khách nội địa (tăng 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2019), vượt mục tiêu 60 triệu lượt khách của cả năm 2022. Lượng khách quốc tế tăng lên với tốc độ nhanh chóng qua từng tháng.
Đặc biệt trong suốt thời gian qua, du lịch Việt Nam đã được thế giới ghi nhận và liên tiếp nhận các giải thưởng quốc tế. Mới đây nhất theo Báo cáo chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) phát hành ngày 24-5-2022 vừa qua, du lịch Việt Nam xếp hạng thứ 52 trên 117 nền kinh tế, tăng 8 bậc so với năm 2019. Đây là mức tăng cao thứ 3 thế giới. Báo cáo chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu năm 2021 đánh giá, xếp hạng 117 nền kinh tế trên cơ sở đo lường 17 chỉ số trụ cột. Trong 17 chỉ số trụ cột, du lịch Việt Nam có 6 chỉ số được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới (hạng 1-35), gồm có: (1) Sức cạnh tranh về giá, xếp hạng 15 thế giới; (2) Tài nguyên tự nhiên, xếp hạng 24; (3) Tài nguyên văn hóa, xếp hạng 25; (4) Hạ tầng hàng không, xếp hạng 27; (5) Tài nguyên phi giải trí, xếp hạng 29; (6) An toàn, an ninh, xếp hạng 33. Đây là bước tiến bộ đột phá so với năm 2019 khi Việt Nam chỉ có 3 chỉ số được xếp vào nhóm này là sức cạnh tranh về giá, tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hóa.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu cho rằng, những chỉ số trên và sự ghi nhận của quốc tế là dấu hiệu tích cực, thể hiện những nỗ lực cố gắng của toàn ngành du lịch Việt Nam. Trong đó có sự chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, sự vào cuộc của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, cộng đồng dân cư, các địa phương với khát vọng phát triển du lịch để góp phần khẳng định vị trí Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.
Sự phát triển của ngành Du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Sự phát triển đó cũng đã được đánh giá và ghi nhận tại Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là Nghị quyết có ý nghĩa lịch sử đối với sự nghiệp phát triển du lịch Việt Nam. Nghị quyết thể hiện quyết tâm chính trị ở cấp cao nhất của Đảng ta nhằm phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, thông qua nhìn nhận khả năng đóng góp của du lịch vào kinh tế - xã hội.
Sự phối hợp liên ngành, liên vùng trong du lịch còn thấp
Tuy nhiên, theo Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu, ngành Du lịch còn tồn tại một số hạn chế, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội. Các nguyên nhân chủ yếu của những vấn đề vướng mắc mà ngành du lịch đang gặp phải, dẫn đến du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng đó là: Các cấp, các ngành chưa thực sự coi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa và hội nhập quốc tế cao; thiếu chính sách quốc gia phù hợp để du lịch phát triển theo đúng tính chất của một ngành kinh tế vận hành theo quy luật thị trường; thể chế, chính sách phát triển du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; sự phối hợp liên ngành, liên vùng hiệu quả còn thấp, chưa huy động được nhiều nguồn lực của xã hội cho phát triển du lịch…
Nhấn mạnh đến sự phối hợp liên ngành, liên vùng, ông Hà Văn Siêu cho biết, các thể chế, chính sách về phát triển du lịch cần chú trọng tới sự liên thông, liên kết giữa các ngành, các vùng để cùng phát triển du lịch. Mặc khác, điều kiện cơ sở hạ tầng, từ sân bay, nhà ga, cảng biển, hệ thống đường giao thông liên tỉnh, liên vùng… cũng cần được nâng cấp với tầm nhìn dài hạn tránh tình trạng mới nâng cấp được vài năm lại quá tải. Do đó, những chính sách liên quan đến du lịch cần phải được không ngừng đổi mới, hoàn thiện để đáp ứng các yêu cầu đặt ra của thị trường.
Liên kết chặt chẽ để hình thành chuỗi giá trị cung ứng hiệu quả
Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, để huy động các nguồn lực, sự liên kết giữa các địa phương theo tính chất liên vùng, đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả địa phương. Cần phải đầu tư các sản phẩm du lịch liên vùng, chuỗi giá trị các địa phương theo điểm đến để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nghĩa là chuỗi giá trị du lịch Việt Nam phải nằm trên hành trình khách đến Đông Nam Á và kết nối trên phạm vi toàn cầu. Như vậy du lịch Việt Nam mới gắn kết và đặt vào chuỗi kết nối du lịch trong phạm vi toàn cầu.
Vừa qua, đã có hàng loạt những cái “bắt tay chiến lược” giữa các địa phương, các tập đoàn lớn để phát triển du lịch Việt Nam. Nhiều vấn đề về liên kết vùng đã được đưa ra bàn thảo nhưng chưa tạo ra sản phẩm liên kết theo đúng yêu cầu du lịch, các sản phẩm liên kết còn hời hợt, hình thức, chương trình du lịch xuyên tỉnh, liên vùng đạt hiệu quả chưa cao. Du lịch muốn phát triển nhưng còn nhiều khó khăn hiện hữu cả về nguồn lực, trình độ, cơ chế, sự không đồng nhất giữa các bộ, ngành; không có thiết chế điều tiết. Chỉ có liên kết mới tạo ra sức mạnh mới, sức mạnh này thể hiện tính đa dạng, liên thông, nhờ có công nghệ hỗ trợ cho việc liên kết hiệu quả hơn, nhanh hơn. “Thực chất những chính sách đầu tư cho du lịch, đầu tư những lĩnh vực khác liên quan đến du lịch đã được quy hoạch để hướng đến phục vụ du lịch hay chưa hay vẫn tự phát, mạnh ai người đấy làm? Các ngành, địa phương đã có tư duy hướng về sự phát triển du lịch vì lợi ích quốc gia dân tộc, đưa quốc gia dân tộc thành cường quốc du lịch hay chưa? Tính liên kết vùng đã được giải quyết như thế nào? Điều đó đòi hỏi vừa phải có chính sách vừa phải có bộ máy đủ mạnh để thực thi, mới huy động được các ngành, các địa phương cùng vào cuộc”, ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh.
Minh chứng cho sự liên kết nếu bền chặt sẽ đạt hiệu quả cao và tạo ra chuỗi giá trị cung ứng liên ngành. Đó là du lịch kết hợp với nông nghiệp. Những chương trình du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng vừa qua được tổ chức rất thành công. “Một mũi tên trúng nhiều đích” khi sự kết hợp này góp phần nâng cao giá trị về nông sản, thương hiệu hình ảnh nông sản Việt Nam, đời sống người dân điểm đến được cải thiện…
Vấn đề nữa cần bổ sung ở góc độ cạnh tranh thế giới. Du lịch là ngành hội nhập, phải thích ứng với thế giới, do đó tiếng nói của ngành du lịch phải đủ mạnh, những ngành liên quan đến du lịch cũng phải chuyển biến theo thì du lịch Việt Nam với thế giới mới thu hẹp lại. Du lịch ngành tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực tuy nhiên hiện nay lại phụ thuộc khá nhiều vào ngành khác. Bài toán cạnh tranh chính ở chỗ đó. Khi mình làm chủ được sân đa phương trong hợp tác quốc tế, khi những vấn đề chúng ta đưa ra được các quốc tế chấp nhận thì mới chiếm lĩnh được trận địa trên cộng động quốc tế.
Nếu đặt ngành du lịch đúng vị trí là một ngành kinh tế mũi nhọn của một quốc gia có nhiều tiềm năng du lịch như Việt Nam thì cần có bộ máy quản lý du lịch đủ tầm; hệ thống quản lý từ Trung ương đến địa phương đồng bộ, thống nhất để điều tiết quan hệ vùng; tổ chức bộ máy ổn định để thiết lập các quan hệ liên ngành, liên vùng một cách vững chắc; cán bộ quản lý du lịch đủ khỏe thì ngành du lịch mới có cơ hội vượt lên, dẫn dắt lan tỏa các ngành khác góp phần phát triển kinh tế - xã hội đi lên./.
Theo baochinhphu.vn