Vụ Bản phát huy các giá trị di sản văn hóa quê hương

05:05, 13/05/2022

Vụ Bản là vùng đất được lưu truyền danh xưng “Thiên bản lục kỳ”, “Địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống văn hiến; bên cạnh những giá trị di sản văn hoá vật thể, đây còn là nơi phát tích và bảo lưu nhiều làn điệu dân ca, dân vũ, các trò chơi dân gian và các làng nghề truyền thống, góp phần tạo nên những giá trị văn hoá phi vật thể phong phú và độc đáo, có sức hấp dẫn hiện đại. Trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, huyện đã triển khai có hiệu quả công tác xã hội hoá bảo tồn giá trị di sản văn hoá - gốc rễ của trao truyền và phát huy những giá trị văn hoá vì mục tiêu xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Lễ hội Phủ Dầy, xã Kim Thái được công nhận Di sản văn hóa Phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Phủ Dầy, xã Kim Thái được công nhận Di sản văn hóa Phi vật thể quốc gia.

​Ảnh: Chu Thế Vĩnh

Xã Đại Thắng có lịch sử phát triển lâu đời, lưu đậm dấu ấn văn minh của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Trên địa bàn xã có 42 đình, đền, chùa, điện, miếu; 5 di tích được xếp hạng. Thực hiện xã hội hóa công tác bảo tồn di sản văn hóa, cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân xã Đại Thắng có nhiều hoạt động thiết thực trong công tác tu bổ hệ thống di tích, thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của quê hương. Năm 2021, đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đại Thắng long trọng tổ chức lễ đón Bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa quốc gia cho 2 di tích Đền làng Thi Liệu và Đền Miễn Hoàn. Theo hồ sơ di tích, Đền làng Thi Liệu thờ tướng quân Phạm Bạch Hổ. Trong kháng chiến chống quân Nam Hán xâm lược, ông đã chỉ huy hơn 5.000 quân phối hợp với Ngô Quyền tổ chức trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng. Sau đó, trong cuộc dẹp loạn 12 sứ quân, tướng Phạm Bạch Hổ đã liên minh với Đinh Bộ Lĩnh hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước và trở thành một trụ cột của triều đình. Khi nhà Tống ở phía Bắc chuẩn bị xâm lược Đại Cồ Việt, tướng Phạm Bạch Hổ tuổi đã cao nhưng quyết chí xin ra trận, lo việc quân lương, được Lê Đại Hành ban cho chức Bình Tống Độ Liệu lương quan, đem quân về đóng ở vùng Thiên Bản (nay là huyện Vụ Bản). Ông mất năm 983, được dân làng Thi Liệu phụng thờ tôn làm Thành hoàng. Đền Miễn Hoàn thờ Công chúa Thái Đường - con thứ ba của Vua Trần Thái Tông và Hoàng hậu Lý Thuận Thiên (em của Vua Trần Thánh Tông và Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải). Vì nghĩa lớn, Công chúa đã từ bỏ cuộc sống đế vương ở Thăng Long, lên miền sơn cước cùng chồng trấn giữ vùng đất trọng yếu của quốc gia. Sau đó, bà đã về làng Thi Liệu chiêu mộ dân xiêu tán, khai hoang lập điền trang, lập nên xóm làng trù phú, yên bình. Đền Miễn Hoàn được xây dựng ngay sau khi Công chúa Thái Đường qua đời trên trại Miễn Hoàn nên được gọi là Đền Miễn Hoàn hay Đền Trại. Sau này vì địa thế nằm ngoài đê, cách xa làng nên còn được gọi là Đền Ngoài, đền chính. Dấu tích của ngôi đền cũ không còn. Ngôi đền hiện nay mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn và đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo. Theo nội dung văn bia “Miễn Hoàn bi ký” soạn khắc năm Mậu Dần niên hiệu Bảo Đại 13 (1938) thì “ngôi đền được xây dựng trên mảnh ruộng có diện tích 8 sào, cùng với ruộng ao 9 sào 10 thước, ruộng đèn nhang 3 sào 9 thước”. Văn bia khẳng định Đền Miễn Hoàn là “ngôi đền rất linh thiêng, thờ Công chúa Thái Đường, được triều đình ban tặng sắc phong niên hiệu Cảnh Hưng 44 (1783) và sắc phong niên hiệu Khải Định 9 (1924)”. Đền Miễn Hoàn hiện còn lưu giữ 3 đạo sắc phong, gồm 1 sắc triều Lê và 2 sắc triều Nguyễn, 1 văn bia niên đại năm 1938 nói về thân thế, sự nghiệp của Công chúa Thái Đường. Chùa Hổ Sơn, xã Liên Minh ngoài thờ Phật còn thờ nhị vị Công chúa thời Trần là Huyền Trân và Thụy Bảo. Công chúa Huyền Trân (1287-1340) là em gái Vua Trần Anh Tông, con gái duy nhất của Thượng hoàng Trần Nhân Tông và Thái hậu Khâm Từ Bảo Thánh. Không chỉ có giá trị lịch sử, Chùa Hổ Sơn còn là di tích có nghệ thuật kiến trúc độc đáo; hiện chùa giữ được nguyên trạng ban đầu, theo kiểu “tiền chữ Nhất, hậu chữ Đinh” gồm 3 toà: bái đường, trung đường và tam bảo, lưu giữ được nhiều cổ thư, cổ vật quý như: Tượng nhị vị công chúa, bát hương và 5 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến... Năm 2021, UBND tỉnh đã phê duyệt quyết định cho phép Chùa Hổ Sơn được tu bổ, tôn tạo ngôi Tam Bảo xây dựng trên nền đất chùa cũ, với tổng giá trị dự án dự kiến khoảng 6 tỷ đồng bằng nguồn xã hội hóa.

Huyện Vụ Bản 173 di tích, trong đó có nhiều di tích cấp quốc gia tiêu biểu như: Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng mẫu Liễu Hạnh (xã Kim Thái); Đền Giáp Nhất (xã Quang Trung); Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh (xã Liên Bảo); Đền Đông (xã Thành Lợi); Đền, Chùa Vĩnh Lại (xã Vĩnh Hào); Đền Vũ Nữ (xã Hợp Hưng)... Đồng thời, Vụ Bản có hệ thống di sản văn hóa phi vật thể, gồm nhiều lễ hội, trò chơi, các thể loại văn nghệ diễn xướng dân gian, nổi bật nhất là Lễ hội Phủ Dầy; Hội Chợ Viềng; nghi lễ Chầu văn của người Việt được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đặc biệt; “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Để khai thác lợi thế kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất được người dân trong nước và du khách nước ngoài ưa chuộng, trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Vụ Bản tập trung lãnh đạo, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật; lập quy hoạch tổng thể hệ thống di sản văn hóa trên địa bàn huyện. Thực hiện quản lý lễ hội, di tích bảo đảm chặt chẽ, theo đúng Luật Di sản văn hóa. Riêng việc quản lý quần thể Di tích Phủ Dầy, công tác quản lý Nhà nước đã được tăng cường nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý di tích, mở rộng xã hội hóa bảo vệ, bảo quản di tích, đồng thời quảng bá, tôn vinh những giá trị đặc sắc của di sản văn hóa nói chung và hình ảnh quê hương Vụ Bản với cả nước. Thống nhất cao trong lãnh đạo, quyết liệt trong tổ chức thực hiện, huyện Vụ Bản đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc và nhân loại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa mới, xây dựng con người mới. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đến nay có trên 800 hạng mục của hơn 170 di tích được đầu tư trùng tu, tôn tạo. Ban quản lý di tích các địa phương trong huyện thực hiện có hiệu quả công tác tổ chức và quản lý lễ hội, đảm bảo cảnh quan môi trường văn hóa, an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, từng bước khôi phục các hoạt động văn hóa, các trò chơi dân gian, gắn lễ hội với việc giáo dục truyền thống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đối với quần thể di tích Phủ Dầy, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng khu vực Phủ Dầy đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Khu vực quy hoạch chủ yếu trong địa phận hành chính xã Kim Thái, một phần các xã Minh Tân, Tam Thanh với quy mô là 498,4ha; được định hướng phát triển trên nguyên tắc kế thừa bản sắc không gian định cư truyền thống, tổ chức các cửa ngõ đón khách du lịch, thiết lập hệ thống bến bãi có sức dung nạp lớn và tính linh hoạt cao.

Đồng chí Nguyễn Khắc Xung, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản cho biết: Xác định “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”, BCH Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết 04 về xây dựng và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đất Thiên Bản gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo. Thực hiện hiệu quả “Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy”. Lập hồ sơ đề nghị thêm một số di tích thuộc Quần thể di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy được công nhận, xếp hạng cấp quốc gia. Kiên quyết chống các biểu hiện tư nhân hóa, thương mại hóa, giữ gìn sự tôn nghiêm và nét đẹp văn hóa truyền thống của các lễ hội. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”. Tiếp tục nghiên cứu, làm rõ những nét đặc trưng, bản sắc văn hoá quê hương. Gìn giữ, bảo tồn và phát huy tốt giá trị các di sản, di tích lịch sử văn hóa; phục dựng giá trị văn hóa của các loại hình nghệ thuật hát chầu văn, hát chèo; diễn xướng tín ngưỡng hầu đồng, lễ hội, trò chơi dân gian, võ vật,… để trao truyền, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Lập dự án trùng tu, tôn tạo Khu di tích Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh, Nhà lưu niệm nhà thơ Nguyễn Bính, Đền thờ Huyền Trân Công chúa và các khu tưởng niệm các danh nhân lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện. Phát huy thế mạnh, tiềm năng du lịch sinh thái; du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh... Thực hiện hiệu quả tour du lịch tâm linh: Đền Trần - Phủ Dầy - Tràng An - Bái Đính - Tam Chúc; Phủ Dầy - Đền Trần - Chùa Tháp - Chùa Cổ Lễ... Phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm các di tích và các địa danh 6 kỳ tích của đất Thiên Bản xưa, tạo ra sức hấp dẫn chung cho các sản phẩm du lịch của huyện./.

 Việt Thắng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com