Trước sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình giải trí hiện nay, hoạt động nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp nói chung, kịch nói nói riêng ở tỉnh ta gặp nhiều khó khăn, thách thức. Để từng bước tồn tại thích ứng với xu thế xã hội, Đoàn Kịch nói Nam Định đã có nhiều sáng tạo trong cách thức tiếp cận khán giả, tiếp tục duy trì hoạt động và phát triển nghệ thuật.
Một cảnh trong vở “Phía sau vụ án” của Đoàn Kịch nói Nam Định. |
NSƯT Thùy Linh, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh cho biết: Để “giữ chân” khán giả, Đoàn Kịch nói Nam Định đã kiên trì rèn luyện đội ngũ, tích cực luyện tập, đổi mới kịch bản, phát triển theo nhịp sống thời đại để làm tươi mới không gian thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Bên cạnh những vở kịch văn học nghiêm túc, mang tính chính trị có định hướng, giáo dục cao, Đoàn Kịch nói Nam Định tiếp tục đầu tư dàn dựng, nâng cao chất lượng các vở kịch để có nhiều vở diễn sinh động, đặc sắc, đa phong cách, đáp ứng nhu cầu thông tin và thị hiếu thẩm mỹ của khán giả. Thời gian gần đây, Đoàn Kịch nói Nam Định đã giới thiệu, công diễn một số vở kịch có chất lượng nghệ thuật, được các nghệ sĩ, diễn viên thể hiện thành công như: “Bản tình ca viết dở”, “Hải âu trắng”, “Thiên nga”, “Thời con gái đã xa”, “Chiều muộn”... Mỗi tiết mục Đoàn dàn dựng đều nhằm vào một bộ phận khán giả với những vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày như: tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa hay những vấn đề nóng bỏng phản ánh đa dạng, nhiều chiều về cuộc sống từ nông thôn đến thành thị; cảnh báo, phê phán tác động tiêu cực, mặt trái của nền kinh tế thị trường đến truyền thống văn hóa dân tộc. Các vở diễn có chất lượng được Đoàn chọn để tham dự các cuộc thi, liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc và biểu diễn phục vụ khán giả trong và ngoài tỉnh. Năm 2017, Đoàn Kịch nói Nam Định đã xây dựng vở diễn “Chiều muộn” và dàn tập các trích đoạn cho các diễn viên trẻ tham gia Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tại Nam Định. Trong 4 tiết mục dự thi, vai diễn của của diễn viên Nguyễn Thị Thùy Linh được hội đồng giám khảo đánh giá cao và trao HCB; các diễn viên Phạm Hồng Thanh, Trần Đức Văn được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trao tặng Bằng khen. Năm 2018, vở diễn “Bản tình ca viết dở” của Đoàn tham dự Liên hoan sâu khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Vở diễn đem về 1 HCV cho cá nhân nghệ sĩ Trần Quang Nhất và 2 HCB cho các nghệ sĩ, diễn viên Quỳnh Lụa, Nguyễn Thị Thùy Linh. Năm 2020, tại Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân” lần thứ IV do Bộ VH, TT và DL phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức, Đoàn Kịch nói Nam Định đã giành 1 HCV cho NSƯT Thùy Linh và 2 HCB cho các nghệ sĩ Quốc Chín, Quỳnh Lụa với các vai diễn xuất sắc. Chủ đề về Công an nhân dân cũng là một trong những đề tài được Đoàn Kịch nói Nam Định lựa chọn, dàn dựng thành công nhiều vở, trích đoạn kịch được bạn bè đồng nghiệp và những người yêu thích nghệ thuật kịch nói đánh giá cao; tiêu biểu là các vở: “Ai là thủ phạm”, “Họa mi lại hót”, “Phía sau vụ án”, “Thành Hoàng làng”… Thành công của Đoàn Kịch nói Nam Định tại các cuộc thi, liên hoan sân khấu chuyên nghiệp trong khu vực và toàn quốc là sự nỗ lực, cố gắng của tập thể các nghệ sĩ, diễn viên, đạo diễn. Để nâng cao chất lượng nghệ thuật, đội ngũ diễn viên có vai trò quan trọng. Trong điều kiện khó khăn về công tác tuyển chọn, đào tạo đội ngũ diễn viên, Đoàn Kịch nói Nam Định đã mời các NSND, NSƯT, diễn viên có năng lực, kinh nghiệm về giảng dạy để nâng cao trình độ cho các diễn viên trẻ. Đoàn Kịch nói Nam Định còn phân công cán bộ, nghệ sĩ về các địa phương, trường học trong tỉnh tuyển chọn những nhân tố có năng khiếu nghệ thuật kịch nói gửi đào tạo tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nam Định, hướng cho các em sau khi tốt nghiệp có cơ hội theo đuổi đam mê diễn xuất về làm việc tại Đoàn, tạo nguồn diễn viên trẻ kế cận.
Thực tế, sân khấu kịch nói đang phải đối mặt với sự thiếu vắng khán giả, đặc biệt là trong giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Việc thiếu hụt khán giả khiến cho nguồn thu từ việc bán vé của loại hình này hiện nay rất thấp, đời sống nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn. Ở tỉnh ta, so với các loại hình nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp khác như: chèo, cải lương thì sân khấu kịch nói tuy ra đời muộn nhưng đã nhanh chóng tiếp thu những tinh hoa của sân khấu hiện đại nên có sự phát triển, tạo dấu ấn trong lòng công chúng, phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, thẩm mỹ, nhân cách con người. Để sân khấu kịch nói tìm lại được “chỗ đứng” trong lòng khán giả, Đoàn Kịch nói Nam Định tiếp tục chú trọng công tác đào tạo nguồn diễn viên kế cận; không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, đa dạng nội dung và nâng cao chất lượng các vở diễn, trong đó tập trung vào các đề tài đương thời của cơ chế thị trường, vấn đề xã hội, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế… Sở VH, TT và DL phối hợp với Sở GD và ĐT tiếp tục phát triển sân khấu học đường qua việc đẩy mạnh thực hiện mô hình “Sân khấu hóa các tác phẩm văn học”, phát triển nhóm khán giả tiềm năng ở lứa tuổi thanh, thiếu niên. Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh nâng cao vai trò trách nhiệm, phát huy khả năng của đội ngũ văn nghệ sĩ trong sáng tác, biểu diễn nghệ thuật; tăng cường mở các trại sáng tác cho các nhà văn, đạo diễn, nghệ sĩ sân khấu có điều kiện giao lưu, học hỏi để sáng tạo, cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật hay, có giá trị; tích cực tham dự các cuộc thi, liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp. Từng bước xây dựng cơ chế đặc thù hỗ trợ, tạo điều kiện cho các văn nghệ sĩ của nghệ thuật sân khấu nói chung, kịch nói nói riêng, tiếp tục đam mê, cống hiến cho nghệ thuật, phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật ngày càng cao của công chúng./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng