Bộ môn Nghiên cứu - Phê bình (Hội Văn học, Nghệ thuật tỉnh) hiện có 26 hội viên. Thời gian qua, bộ môn luôn tích cực vận động hội viên tham gia nghiên cứu phê bình văn học, các công trình văn hóa dân gian, thân thế, sự nghiệp các danh nhân, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể dân tộc… Hàng năm, bộ môn tổ chức các đợt đi thực tế sáng tác chuyên đề ở trong và ngoài tỉnh; tập hợp các tác phẩm của hội viên để in sách; cử hội viên tham gia trại sáng tác được tài trợ của Bộ VH, TT và DL… Sau những chuyến đi thực tế, hội viên đã thu được nhiều tư liệu quý để sáng tác. Nhiều tác phẩm của hội viên được đăng trên tạp chí Trung ương và địa phương, nhiều tác giả viết bài tham luận cho các hội thảo.... Hiện, bộ môn có 12 tác giả được nhận giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Lương Thế Vinh lần thứ 8 và 9; 9 hội viên được xuất bản tập sách.
Tác giả Hoàng Dương Chương có nhiều công trình nghiên cứu về địa chí, lịch sử được xuất bản. |
Trong hoạt động tích cực của bộ môn thời gian qua, nhiều hội viên tuổi đã cao nhưng vẫn nhiệt huyết với các công trình nghiên cứu văn hóa dân gian như: Bùi Văn Tam, Hồ Đức Thọ, Hoàng Dương Chương, Lê Văn Hy, Trần Mỹ Giống, Đồng Ngọc Hoa…. Hội viên Bùi Văn Tam (91 tuổi) là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử làng, xã và di tích lịch sử văn hoá trong tỉnh. Ông cho biết: Tốt nghiệp chuyên ngành Lịch sử khóa đầu tiên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, từ năm 1960 đến năm 1992, ông chủ yếu làm công tác giảng dạy môn Lịch sử tại các trường học ở trong và ngoài tỉnh. Những năm còn đứng trên bục giảng, niềm đam mê khoa học lịch sử đã thôi thúc ông rong ruổi đến khắp các đình, chùa, miếu mạo ở các thôn, làng để ghi chép tài liệu phát hiện được từ người dân địa phương, từ trong bia đá, câu đối, truyền thuyết, văn bản… Đến nay, ông có khoảng 40 công trình nghiên cứu khoa học về lịch sử, văn hóa quê hương. Trong hàng chục năm nghiên cứu lịch sử, ông có nhiều tác phẩm chất lượng đã xuất bản như: “Trạng nguyên Lương Thế Vinh” (tái bản 3 lần), “Thiên Bản lục kỳ huyền thoại đất Sơn Nam” (Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc, năm 2000), “Họ Lương trong cộng đồng dân tộc” (xuất bản năm 2001), “Phủ Dầy và tín ngưỡng Mẫu Liễu Hạnh” (Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc, năm 2001 - tái bản 3 lần), “Sự tích các vị thần thờ ở đền làng huyện Vụ Bản”, “Địa chí văn hoá huyện Vụ Bản” (xuất bản năm 2016)… Bên cạnh đó, ông còn nghiên cứu, tập hợp các tư liệu sưu tầm về hệ thống thần phả, tộc phả, truyền thuyết dân gian, ca dao, tục ngữ, các tác phẩm Hán Nôm, các di tích kiến trúc, tín ngưỡng tôn giáo trên địa bàn huyện. Từ việc nghiên cứu, sưu tầm nhân chứng, vật chứng và ghi chép lại tỉ mỉ, ông đã hỗ trợ các địa phương trong huyện phục dựng lại lễ hội làng truyền thống.
Tác giả Hồ Đức Thọ (82 tuổi) với nhiều công trình nghiên cứu được xuất bản như: Lệ làng Việt Nam (biên soạn chung - Nhà xuất bản Hà Nội năm 1999), Mẫu Liễu sử thi (Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc, năm 2000), Trần Triều Hưng Đạo Đại Vương trong tâm thức dân tộc Việt (Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc, năm 2000), Nghi lễ thờ cúng truyền thống (Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc, năm 2002), Chùa Phổ Minh với Giác Hoàng Trần Nhân Tông (Nhà xuất bản Văn hoá - Thông tin, năm 2008), Hầu bóng trong thờ Mẫu và Thần Tứ phủ ở miền Bắc (năm 2010)... Năm 2014 và 2017 lần lượt hai cuốn sách “Hầu bóng miền Bắc” và “Hầu bóng Việt Nam, trải nghiệm và hiệu ứng tâm linh” được Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành. Trong đó cuốn “Hầu bóng Việt Nam, trải nghiệm và hiệu ứng tâm linh” được Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam trao giải B năm 2017 và Hội đồng lý luận, phê bình Văn học - Nghệ thuật Trung ương trao giải Khuyến khích dành cho các tác phẩm lý luận, phê bình Văn học - Nghệ thuật có chất lượng năm 2018. Năm 2019, ông được nhận 2 giải B giải thưởng Lương Thế Vinh cho tập “Nhà Trần với Tức Mặc Thiên Trường” (tác giả Hồ Đức Thọ - Trần Huy Chiến), Đền Hàng Sắt dưới Nam Định - di sản văn hóa Thành Nam” (tác giả: Hồ Đức Thọ - Đỗ Đình Thọ)… Cũng trong năm 2019, ông hoàn thành cuốn sách “Văn hoá dân gian huyện Ý Yên”, nhà xuất bản Văn học. Cuốn sách nằm trong Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam” do Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam bảo trợ. Bên cạnh nghiên cứu, viết sách, ông có nhiều tham luận tại các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, tiêu biểu như: “Văn hóa thờ Nữ thần (Mẫu) ở Việt Nam và châu Á - Bản sắc và giá trị” Hội thảo khoa học quốc tế năm 2012; “Nghiên cứu và thực hành tín ngưỡng trong xã hội đương đại” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh tổ chức năm 2016… được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Tác giả Hoàng Dương Chương là chủ nhiệm một số đề tài công trình nghiên cứu khoa học cấp tỉnh như: “Hệ thống đặc điểm của đội ngũ tác giả Hán - Nôm Nam Định từ thế kỷ XI đến thế kỷ XX”, “Sự thay đổi địa danh làng xã Nam Định trong thế kỷ XX”. Nhiều cuốn sách nghiên cứu về địa chí, lịch sử của ông được các nhà khoa học đánh giá cao như: “Đông A nhân kiệt” (Nhà xuất bản Dân tộc, năm 2011), “Lược khảo tác gia văn học Nam Định” (nhóm tác giả: Hoàng Dương Chương, Trần Mỹ Giống, Phương Thuỷ, Trần Bá Giao)... Cuốn “Đông A nhân kiệt” với gần 200 trang, được chia thành 4 phần gồm: Khởi nguồn Đông A, Đông A Hoàng Đế, các Thái sư Đông An mẫn tiệp, một số Hoàng hậu, công chúa Trần tộc. Qua cuốn sách, độc giả hiểu rõ hơn về triều đại nhà Trần. Để hoàn thiện cuốn sách cùng với đi thực tế tìm hiểu tại các di tích lịch sử - văn hóa thời Trần, ông còn chắt lọc tư liệu từ hơn 30 tài liệu tham khảo, là cơ sở quan trọng đánh giá khái quát, tổng thể chính xác về mỗi nhân vật, sự kiện.
Để nâng cao chất lượng hoạt động của bộ môn Nghiên cứu - Phê bình, thời gian tới Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh quan tâm xây dựng, đào tạo đội ngũ nghiên cứu, phê bình trẻ, đồng thời động viên mỗi tác giả làm công tác nghiên cứu - phê bình cần tiếp tục tự trau dồi năng lực chuyên môn, nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp, để chất lượng tác phẩm, công trình nghiên cứu có ý nghĩa thiết thực, giàu giá trị văn hóa./.
Bài và ảnh: Viết Dư