Về miền đất thiêng "Thiên bản lục kỳ"

04:04, 01/04/2022

Vùng đất “Thiên Bản xưa - Vụ Bản nay” có lịch sử hình thành, phát triển lâu đời, là nơi hội tụ, lan tỏa giá trị văn hóa tâm linh, các tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ nhân thần, thờ tổ tiên. Về huyện Vụ Bản vào dịp xuân mới, du khách được hòa mình vào không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng trong các lễ hội truyền thống, phong tục tập quán đặc sắc của người dân nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Đoàn rước trong lễ hội Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản).
Đoàn rước trong lễ hội Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản).

Huyện Vụ Bản là một trong những trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu ở tỉnh ta, gắn với sự tích giáng thế lần thứ 2 của Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Tín ngưỡng thờ Mẫu là môi trường dung dưỡng nhiều giá trị truyền thống của dân tộc. Cùng với quần thể kiến trúc các di tích, lễ hội Phủ Dầy tích hợp nhiều giá trị lịch sử, văn hóa thể hiện tư duy, nhận thức về nhân sinh quan, thế giới quan của cộng đồng dân cư, làng quê Việt Nam. Từ ngày mùng 3 đến mùng 8-3 âm lịch hàng năm, lễ hội Phủ Dầy được tổ chức trên quy mô vùng, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương tới dự. Trong lễ hội diễn ra các nghi lễ trang trọng như: hầu đồng, rước thỉnh kinh, rước đuốc, xếp chữ; các hoạt động văn hóa dân gian: thi hát văn, thả rồng bay, múa lân - sư - rồng và nhiều trò chơi dân gian độc đáo khác như: cờ người, đấu vật… Đặc sắc nhất trong lễ hội Phủ Dầy là hội kéo chữ - “Hoa trượng hội” cầu “quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu”. Chữ xếp thường là 4 chữ: “Mẫu nghi thiên hạ”, “Quang phục thánh thiện”, “Hòa cốc phong đăng”, “Thiên hạ thái bình”. Người dân Phủ Dầy cho rằng, tuỳ theo chữ kéo đầu năm mà năm đó Mẫu sẽ “gia ân” hay “gia uy” cho các con nhang, đệ tử. Tiêu biểu cho hệ thống các nghi lễ trong lễ hội Phủ Dầy là nghi lễ chầu văn, tích hợp nhiều giá trị về văn hóa, nghệ thuật làm nên sự huyền bí tâm linh như: hầu đồng, những điệu múa thiêng, âm nhạc, trang phục… được coi là nghi thức tiêu biểu nhất của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Tại các đền, phủ trong quần thể di tích Phủ Dầy, nghi thức hầu đồng không chỉ diễn ra trong những ngày lễ hội mà bất cứ ngày nào trong năm. Giữa làn khói hương mờ ảo, tiếng trống, phách, đàn nguyệt, sáo, nhị vang lên, lúc dìu dặt, khoan thai, khi dồn dập, rộn rã kết hợp với giọng hát văn ngọt ngào, vấn hầu theo lối cổ truyền, những bước chân, động tác múa của thanh đồng thoăn thoắt, nhịp nhàng, uyển chuyển khiến không gian hầu đồng trở nên huyền ảo, linh thiêng. Ngoài các giá đồng ca ngợi công lao của Thánh Mẫu, các giá chầu: Quan Đệ Nhất, Đức Thánh Trần, ông Hoàng Mười, ông Hoàng Bảy, cô Bơ, cô Chín… có nội dung ca ngợi những người có công với nước, với dân. Tín ngưỡng thờ Mẫu thể hiện khả năng tích hợp văn hóa dân tộc với đạo Phật, đạo Giáo, đạo Nho để hướng đến cuộc sống thực tại của người dân lao động với ước vọng cầu sức khỏe, tài lộc, may mắn. Năm 2012-2013, di sản “Nghi lễ Chầu văn của người Việt tại Nam Định” và “Lễ hội Phủ Dầy” được Bộ VH, TT và DL đưa vào Danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Năm 2016, “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo Địa chí văn hóa huyện Vụ Bản, việc kết, bện rơm tạo thành các công cụ phục vụ lễ hội theo phong tục cổ truyền hiện vẫn được nhiều địa phương lưu giữ. Ngoài ra, nhiều làng còn giữ được tập tục dựng cây nêu ngày tết để cắm cờ, treo đèn trong ngày hội làng như: làng Quả Linh, làng Vĩnh Lại, làng Xứng... Tín ngưỡng cổ truyền của người dân nông nghiệp lúa nước thường thờ Mẹ Lúa. Tre là loài cây thân thiết, gắn bó với đời sống của người nông dân, là biểu tượng cho sự sinh sôi, nảy nở. Do đó, tập tục bện rơm quanh cây tre làm cột đèn, nghi môn, cổng chào… là biểu tượng của Mẹ Lúa (rơm) ấp ủ, bảo vệ con (tre) trưởng thành. Để trang trí, người dân còn cắm nhiều cờ giấy đủ màu sặc sỡ, lấy lá dứa, lá dừa làm chong chóng cắm vào chỗ bện rơm. Lễ hội làng Xứng (nay là thôn Đắc Lực), xã Liên Bảo được tổ chức từ mồng 6 đến mồng 10 tháng Giêng (3 năm một lần hoặc những năm được mùa). Nét nổi bật của hội làng Xứng là tục lệ làm đồ cúng tế bằng rơm thay cho các lễ vật sống. Trước ngày mở hội, dân làng theo từng họ chuẩn bị đan, tết những linh vật: long, ly, quy, phượng đến những hình người xay lúa, giã gạo, cây cảnh, cổng chào... bằng rơm, tre, nứa và các nguyên liệu thô sơ sẵn có. Ở làng Xứng, hầu như gia đình nào cũng cũng tham gia vào việc bện, kết rơm. Mỗi dòng họ đều thế mạnh riêng làm đồ trang trí, cúng tế bằng rơm như: họ Bùi làm cuốn thư, khung nghi môn trước cửa đình; họ Cao làm rồng chầu mặt nguyệt trên nóc đình; họ Nguyễn kết long, mã, kỳ lân, công, phượng... Một số họ khác chuyên bện, kết các con vật như: dê, ngựa, hươu. Những người có kinh nghiệm, tay nghề đảm nhận làm khung tre các con vật, đồ hiện vật lớn như: voi, cổng chào, kiệu, quán hàng; tiêu biểu là 2 con voi to như voi thật. Tất cả được mang ra đình làng để cúng lễ trong những ngày diễn ra lễ hội. Vào ngày hội, dân làng rước kiệu long đình, kiệu bát cống, kiệu võng và các linh vật bằng rơm từ đình làng vòng theo đường làng lên Đền bà Chúa Đậu về Đền Triệu Việt Vương rồi về đình làng làm lễ tế thần. Hội kết rơm làng Xứng có năm kéo dài đến tận rằm tháng Giêng mới kết thúc. Ngoài việc rước kiệu trong làng, có năm làng Xứng còn rước kiệu sang cả Đền làng Xôi (Thị Thôn, nay thuộc xã Quang Trung) rồi rước về đình làng làm lễ giao hiếu. Trải qua thời gian, hội kết rơm làng Xứng đã đi vào ca dao truyền miệng của người dân trong vùng: “Đồn rằng đám Xứng vui thay/Đi ba, bốn ngày, giống độc bằng rơm”.

Lễ hội làng Quả Linh (làng Gạo), xã Thành Lợi tổ chức từ mùng 8 đến 18-3 âm lịch (3 năm 1 lần, vào các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi). Được khôi phục từ năm 1992, đến nay, lễ hội làng Gạo vẫn lưu giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống, đó là những tập tục từ hàng trăm năm trước. Để chuẩn bị cho lễ hội, người dân các xóm, các giáp phân chia công việc từ làm cờ, đèn, rồng mây, rồng vải, sư tử đến rước đèn, hát trống quân, dệt vải... Lễ hội làng Gạo còn có tên gọi là hội “Thái bình xướng ca”, tổ chức tập trung tại “đám” hát trên đình làng, mang ý nghĩa cổ vũ công cuộc chống giặc Nguyên - Mông thời nhà Trần. Thời bấy giờ, làng Quả Linh là kho lương của nhà Trần, có đội thuyền lương phục vụ quân đội và triều đình. Trong lễ hội, ngoài việc rước kiệu, tế thần, lễ hội làng Gạo có 20 trò chơi dân gian: chơi đu, đấu vật, đi cầu phao, đấu gậy, múa cờ, múa sư tử, thi chèo thuyền, rước đèn, múa kiếm, múa roi, thi thơ, tam cúc điếm… Trong đó có nhiều sinh hoạt văn hóa mang bản sắc riêng của làng mà ít nơi có được như: múa rồng mây, thi dệt vải trên hồ, thi cờ đèn trên hồ, thi chèo thuyền lương, hát trống quân. Thi chèo thuyền lương là hoạt động diễn tích lại hình ảnh các thuyền tải gạo, lương thực phục vụ binh sĩ nhà Trần còn thi dệt vải trên mặt hồ nhằm ca ngợi, tôn vinh những người thợ khéo của làng, mang tính chất hiến xảo. Thi cờ đèn, tam cúc điếm là những trò vui kết hợp với văn nghệ qua các điệu hát trống quân, quan họ... làm cho không khí ngày hội thêm phần sôi động. Ở làng Gạo, Đình Đụn là địa điểm rước thần và các vị tổ dòng họ về “đám” hát để tiến hành lễ hội. Đình Đụn tượng trưng cho sự “Phong đăng hòa cốc” - thóc gạo đầy kho, cầu mong cây lúa tươi tốt, cuộc sống người dân ấm no, hạnh phúc. Trong lễ hội “Thái bình xướng ca”, ngoài rồng vải thì rồng mây là hình ảnh không thể thiếu với những động tác múa đẹp mắt. Rồng mây do các cao niên xóm Bến chế tác từ các nguyên liệu: lá dừa, lá mây, nứa, dây thừng. Kỹ thuật làm rồng mây và cách múa biểu diễn rồng mây ở làng Gạo từng được Viện Văn hóa - Nghệ thuật Trung ương làm phim, thực hiện phóng sự giới thiệu với thế giới về nghệ thuật biểu diễn đặc sắc của dân tộc Việt.

Lễ hội Phủ Dầy, lễ hội làng Xứng, lễ hội làng Gạo là 3 lễ hội tiêu biểu được tổ chức quy mô, mang tính chất bản địa, có nhiều sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tâm linh, trò chơi dân gian độc đáo của vùng đất “Thiên Bản lục kỳ”. Vào dịp xuân mới từ tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch, trên địa bàn huyện Vụ Bản còn có nhiều lễ hội ở các xã khác: Vĩnh Hào, Hợp Hưng, Tân Thành, Quang Trung, Trung Thành, Cộng Hòa… Lễ hội Đền - Chùa Vĩnh Lại , xã Vĩnh Hào đầu năm để tri ân các vị tổ mở đất, tụ dân. Ngày mùng 2 tháng Giêng có lệ làm cỗ mừng chức sắc, cao niên trong làng, tổ chức nghi thức “mừng nhòng” - cầu cho làng “đa đinh, giàu của”. Ngày rằm tháng Giêng làm lễ giỗ tổ. Lễ hội chính tổ chức từ mùng 10 đến 12-2 âm lịch gồm các hoạt động: tế lễ, cầu kinh tại chùa, rước kiệu tại đền; các làng thi múa lân - sư, múa gậy, múa đao, đấu vật… Đặc biệt là cuộc thi thả diều sáo của các giáp trong làng. Diều được gắn các dải phướn dài gần 1m có ghi chữ “Vạn thế Vĩnh Lại - Thiên hạ thái bình” mang ước vọng những điều tốt đẹp cho quê hương, đất nước. Tại Đền Vụ Nữ, xã Hợp Hưng, trong ngày kỵ Nữ tướng Mai Thị Hồng (12-2 âm lịch) hàng năm, nhân dân tổ chức lễ hội 3 ngày 2 đêm. Ngoài tế, lễ, rước kiệu, nhân dân địa phương còn tổ chức nhiều trò chơi liên quan đến lúc sinh thời bà luyện quân đánh giặc như: đấu vật, võ gậy, múa cờ, thổi cơm thi, bơi thuyền...

Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 các lễ hội ở huyện Vụ Bản đều dừng tổ chức phần hội để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, chỉ duy trì phần nghi lễ truyền thống. Trải qua thời gian, các lễ hội mùa xuân ở Vụ Bản thể hiện ý chí cộng đồng hướng về nguồn cội, phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; đồng thời, tôn vinh các giá trị của nền văn minh lúa nước, những sản vật nông nghiệp của người nông dân. Những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đó mang đậm ý nghĩa nhân văn, được hội tụ, kết tinh, tồn tại, lưu truyền hàng trăm năm đã tạo nên bản sắc văn hóa truyền thống của vùng đất thiêng Vụ Bản hôm nay./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng


 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com