Làng Xuân Bảng, thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường) là vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Trải qua quá trình hình thành, phát triển hàng trăm năm, đến nay, làng Xuân Bảng vẫn gìn giữ, bảo tồn được bản sắc văn hóa truyền thống; đó là giá trị lịch sử, kiến trúc của các công trình văn hóa tín ngưỡng, phong tục tập quán, sinh hoạt cộng đồng gắn với lễ hội làng; truyền thống hiếu học trong các gia đình, dòng họ…
Bơi chải trong lễ hội làng Xuân Bảng năm 2022. |
Theo các tài liệu lịch sử lưu giữ tại địa phương, vào cuối thế kỷ XIV, Tướng công Ngô Miễn, tự Minh Đức - người làng Xuân Mai, xã Xuân Phương, huyện Kim Hoa, phủ Bắc Hà, xứ Kinh Bắc (nay thuộc phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) đã về vùng đất Thiên Trường xưa khai hoang, lập nên xã Nhật Thi (nay là 3 làng: Xuân Hy, Xuân Dương, Xuân Bảng thuộc các xã: Xuân Thủy, Xuân Hòa và thị trấn Xuân Trường). Từ năm 1392-1396, Tướng công Ngô Miễn đã tập hợp 10 dòng họ: Ngô, Đỗ, Trần, Hoàng, Bùi, Phạm, Nguyễn, Đinh, Vũ, Đào, sau nhập cư thêm 7 dòng họ từ trung du đến đồng bằng châu thổ sông Hồng về vùng đất này khai cơ, lập nghiệp. Từ buổi sơ khai, các dòng họ đã cần cù đắp đê, đào mương, khơi ngòi, xây kè, cống dẫn nước từ sông Ninh Cơ, sông Hồng về thau chua, rửa mặn đồng đất để trồng lúa nước, cây hoa màu. Người dân nơi đây coi việc sản xuất nông nghiệp là nguồn kinh tế chính của quê hương. Ngoài ra, dân làng còn chăm lo làm nghề chài lưới, đánh bắt tôm, cá. Trải qua các triều đại phong kiến, chính sách khuyến nông đã thúc đẩy quá trình khai hoang, lấn biển, người dân từ khắp nơi tìm về Xuân Bảng sinh sống, lập nghiệp ngày càng đông. Để biết ơn các bậc tiền nhân, ở làng Xuân Bảng, mỗi gia đình, dòng họ đều coi trọng việc thờ cúng tổ tiên, các vị thần, anh hùng dân tộc có công với nước, với dân. Đền Xuân Bảng thờ Tướng công Ngô Miễn. Ông sinh ra trong một gia đình hào phú, từ nhỏ đã được người trong vùng vị nể vì tư chất thông minh, dung mạo thư sinh, tuấn tú và đức tính khoan hòa, rộng lượng. Ông từng làm quan nhà Hồ và tham gia cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược. Ngoài thờ Tướng công Ngô Miễn, Đền Xuân Bảng còn thờ 2 anh em Đỗ Thận Đoan và Đỗ Nhân Tăng - cháu họ xa của Tướng công Ngô Miễn làm quan dưới 2 triều Vua Lê Hy Tông và Lê Dụ Tông. Việc thờ tự 2 ông tại đền là để tri ân công đức lúc sinh thời đã về đây giúp dân củng cố các tuyến đê, quyên góp tiền để xây dựng các công trình văn hóa, phát triển xóm làng. Đền Xuân Bảng được xây dựng vào đời Vua Tự Đức năm thứ 22 (1869) trên một khu đất rộng. Khuôn viên di tích bao gồm đền chính ở trung tâm, xung quanh là các công trình phụ trợ như: nhà tuần thước, nhà tịnh cờ, nhà bia, cô nhi viện, nhà văn chỉ…; tất cả được bao quanh bởi hệ thống tường bao, sân vườn quy hoạch hợp lý, thoáng đãng. Về tổng thể, Đền Xuân Bảng là công trình kiến trúc đặc biệt, được xây dựng với vật liệu chủ yếu bằng đá kết hợp mật, vôi, vữa, quy mô khá lớn, thể hiện tư tưởng phóng khoáng, tự do của những cư dân vùng đất mới. Đền Xuân Bảng là biểu tượng cội nguồn, là hình ảnh của tinh thần đoàn kết, bất khuất chống giặc ngoại xâm của người dân.
Bên cạnh giá trị lịch sử và nghệ thuật kiến trúc, Đền Xuân Bảng còn là “nhân chứng” lịch sử chứng kiến những đổi thay của quê hương Xuân Trường trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc và công cuộc đổi mới quê hương, đất nước. Cứ từ mồng 10 đến 13-2 âm lịch hàng năm, lễ hội làng Xuân Bảng được chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của Ngô Tướng công. Cũng giống như các lễ hội miền quê Bắc Bộ khác, lễ hội làng Xuân Bảng được chia thành 2 phần: lễ và hội. Phần lễ gồm các hoạt động: tế lễ, rước kiệu mang ý nghĩa tâm linh, thể hiện sự sùng bái, ngưỡng vọng nhớ ơn của cộng đồng đối với những danh nhân được tôn thờ; phần hội là sự giao thoa giữa các sinh hoạt văn hóa truyền thống và hiện đại với các trò chơi dân gian: bơi chải, chọi gà, bịt mắt bắt lợn, leo cầu ngô, bắt vịt dưới ao, cờ tướng, múa lân, múa rồng, giao lưu văn hóa, văn nghệ… Làng Xuân Bảng xưa nức tiếng xa gần bởi phát triển nghệ thuật chèo, cải lương. Trước Cách mạng Tháng 8-1945, khi điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, tiếng hát chèo như “món ăn” tinh thần động viên người nông dân. Vào dịp hội làng, cứ nghe tiếng trống, tiếng mõ vang lên ngoài sân đền là khắp các ngõ xóm, bà con rộn ràng rủ nhau đi xem hát chèo, cải lương. Sau này, một thời gian dài, nghệ thuật chèo ở Xuân Bảng hoạt động cầm chừng do thiếu kinh phí. Không để mai một đi giá trị văn hoá nghệ thuật truyền thống, nhiều năm qua, các hội viên phụ nữ, người cao tuổi ở các tổ dân phố số 1, 2 Xuân Bảng đã duy trì, khôi phục nghệ thuật chèo truyền thống để sinh hoạt, phục vụ hội làng, làm cho ngày hội trở nên phong phú. Lễ hội làng Xuân Bảng là lễ hội lâu đời của cộng đồng người dân địa phương và ngày càng phát triển trở thành nét đẹp văn hóa tín ngưỡng mang đậm tính nhân văn, cầu cho “quốc thái dân an”, “mưa thuận gió hòa”, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Với những giá trị lịch sử và kiến trúc độc đáo ở một vùng quê ven biển, di tích lịch sử - văn hóa Đền Xuân Bảng ngày càng thu hút du khách về dự lễ hội hàng năm cũng như tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử, văn hóa mảnh đất, con người quê hương Xuân Trường.
Mặc dù không cổ kính lâu đời như làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng nhưng vùng quê văn hiến Xuân Bảng từ lâu đã có truyền thống hiếu học. Nơi đây đã sản sinh ra nhiều người học tài, hiểu rộng. Dưới thời phong kiến, nhiều gia đình trong làng đã dành ruộng (học điền) để khuyến khích con em học hành, mở mang tri thức. Các cụ đồ biết chữ, thương dân như các ông Tú Liêu, Tú Hòa đều mở lớp dạy chữ Nho tại quê hương. Giai đoạn 1938-1945, làng Xuân Bảng có 3 phòng học gọi là trường tiểu học cơ bản với 4 thầy giáo, hơn 100 học sinh là con em làng Xuân Bảng và các làng lân cận: An Cư, Hội Khê, Ngọc Tỉnh. Sự nghiệp học hành được người dân Xuân Bảng coi trọng. Từ năm 1945 đến nay, làng có nhiều người đỗ đạt cao với các học hàm, học vị tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân. Một trong những dòng họ có truyền thống khoa bảng đã sản sinh ra nhiều người tài giỏi ở Xuân Bảng là dòng họ Hoàng Thọ. Đây là một trong 10 dòng họ gốc ở làng Xuân Mai (Vĩnh Phúc) theo Tướng công Ngô Miễn về vùng đất này khai hoang, lập ấp. Nhiều người trong dòng họ đã từng dạy tại các trường THPT, cao đẳng; tiêu biểu là cụ Hoàng Thọ Mục, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, dòng họ Hoàng Thọ có hơn 60 người tham gia quân đội, trong đó có 8 sĩ quan mang hàm Thượng tá, Đại tá, 16 người đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường, 1 Liệt sĩ được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Phát huy truyền thống khoa bảng, ngày nay, dòng họ Hoàng Thọ đã quan tâm thực hiện tốt công tác khuyến học - khuyến tài nhằm động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho con cháu học hành. Không chỉ riêng dòng họ Hoàng Thọ, đến nay, tất cả các dòng họ ở Xuân Bảng đều đã thành lập được chi hội khuyến học hoạt động hiệu quả. Phong trào đóng góp ủng hộ quỹ khuyến học phục vụ các hoạt động chung của họ tộc được các dòng họ phát động, nhận được sự tham gia ủng hộ của nhiều gia đình và con em làm ăn thành đạt xa quê đang sinh sống, học tập và làm việc ở mọi miền Tổ quốc.
Trải qua thời gian, những giá trị truyền thống văn hóa, khoa bảng ở làng Xuân Bảng vẫn được các thế hệ người dân địa phương gìn giữ, trao truyền, bảo tồn và phát huy trong cuộc sống hôm nay, góp phần tăng cường tình làng, nghĩa xóm, phát huy nội lực tinh thần của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng