Trong mỗi món đồ gốm, sứ cổ đều lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, phong tục, tập quán sinh hoạt của cộng đồng dân cư qua mỗi thời kỳ. Từ nhiều năm nay, ở thành phố Nam Định, thú chơi cổ vật phát triển sâu rộng với điểm nhấn là những bộ sưu tập gốm, sứ cổ đa dạng niên đại, chủng loại.
Anh Triệu Thanh Sơn (bên trái), thành phố Nam Định trao đổi kiến thức đồ gốm, sứ cổ cho người sưu tầm. |
Theo những người chơi đồ cổ lâu năm, thú chơi gốm, sứ cổ hút người sưu tầm bởi mỗi hiện vật đều mang tính độc bản ở các chi tiết và mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa qua các hoa văn, ám họa, hán tự... Anh Triệu Thanh Sơn (40 tuổi), hội viên câu lạc bộ UNESCO Nghiên cứu sưu tầm cổ vật Nam Định là người có duyên với các món đồ gốm cổ. Thừa hưởng niềm đam mê của ông nội, ngay từ nhỏ Triệu Thanh Sơn đã sưu tầm những hiện vật như bát, đĩa ở nhiều niên đại khác nhau. Mỗi món đồ cổ, anh đều tìm hiểu về niên đại, giá trị lịch sử và ghi chép tỉ mỉ theo sự hướng dẫn của ông nội. Không chạy theo xu hướng sưu tầm những hiện vật cổ của Trung Quốc, anh chuyên sưu tầm những hiện vật thuần Việt. Trong bộ sưu tập 300 hiện vật của anh, chủ yếu là các đồ gốm thời Lý, Trần, Lê, tiêu biểu như: bát, đĩa, men ngọc ám họa hoa lá; một số hiện vật Lý, Trần men nước dưa, vàng rơm; đèn dầu lạc, đồ thờ gốm thời Trần… Anh Sơn cho biết, công tác trong lĩnh vực nghệ thuật, anh say sưu tầm gốm cổ đến nỗi dành toàn bộ số tiền kiếm được cả nửa năm đi làm chỉ để mua một món đồ. Có lần khi kết thúc chương trình biểu diễn ở một vùng quê, anh Sơn đi tham quan vườn cảnh của một hộ dân và nhìn thấy chiếc chậu cảnh để trồng một cây cúc Vạn Thọ. Với đôi mắt nghề, anh biết đó là chiếc thống để đá dế chọi có niên đại từ thế kỷ XVII men chàm vẽ chim hoa rất hiếm. Anh đã dùng toàn bộ cát-sê buổi diễn để thuyết phục gia chủ bán lại. Anh Triệu Thanh Sơn cho biết: “Khi sưu tầm đồ cổ, đặc biệt là các món đồ gốm thuần Việt, tôi tích lũy được nhiều kiến thức, hiểu biết về văn hóa dân tộc. Từ đó có cảm giác gần gũi với những giá trị tinh thần ngàn đời xưa. Sưu tầm đồ cổ cũng giúp tôi tĩnh tâm hơn sau những giờ làm việc mệt mỏi”. Anh Vũ Văn Khánh ở đường Tô Hiệu (thành phố Nam Định) là một trong những nhà sưu tầm đồ gốm có tiếng được cộng đồng cổ ngoạn nể phục. 20 năm rong ruổi để tìm kiếm, sưu tầm cổ vật, anh Khánh hiện có trong tay hàng nghìn đồ cổ, trong đó đặc sắc nhất là 1.000 chiếc bình vôi thuộc các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn... Ở mỗi triều đại, thời kỳ lịch sử, những chiếc bình vôi lại mang dấu ấn thời gian, đặc điểm riêng biệt khác nhau. Trong đó, thời Trần, những chiếc bình vôi được người thợ thủ công đắp với quai thấp, bẹ cau cách điệu thành con giảo long. Thời Lê, đặc điểm dễ nhận diện ở những chiếc bình vôi là có men màu xanh lục, điểm phần trên tượng trưng cho lá trầu. Đến thời nhà Nguyễn, bình vôi được thiết kế với quai cầm cao, tiện cho việc di chuyển, đi lại của chị em phụ nữ… Anh Khánh chia sẻ: “Mỗi chiếc bình của tôi, khi mua ít nhất cũng có giá vài triệu đồng/quả. Tuy số tiền bỏ ra sưu tầm khá lớn nhưng tôi không có ý định buôn bán, trao đổi trên thị trường. Tâm nguyện lớn nhất của tôi là trưng bày, giới thiệu bộ sưu tập của mình cho những người có cùng sở thích, quan tâm tìm hiểu những vật dụng quen thuộc, thuần Việt của dân tộc bao đời”. Ở phường Lộc Hạ (thành phố Nam Định), nhiều người gọi ông Trần Đức Cự là “Cự Bát Tràng” bởi ông đã dành nửa cuộc đời sưu tầm đồ gốm, sứ Bát Tràng. Do tính chất của các nguồn nguyên liệu tạo cốt gốm và việc tạo dáng đều làm bằng tay trên bàn xoay, cùng với việc sử dụng các loại men khai thác trong nước nên theo ông Cự, đồ gốm Bát Tràng có đặc điểm là cốt đầy, chắc và khá nặng, lớp men thường ngả màu ngà, đục. Bát Tràng cũng là làng gốm hình thành được các dòng men riêng từ loại men ngọc, nâu, trắng cho đến men rạn với cốt gốm xốp có màu xám nâu... Say mê gốm Bát Tràng, say mê tài hoa nghệ sĩ của những người thợ thủ công xưa, đến nay sau nhiều năm dày công tìm kiếm, ông Cự có bộ sưu tập gốm Bát Tràng với khoảng 50 sản phẩm, chủ yếu thuộc đời nhà Lê, số ít thuộc đời nhà Nguyễn với nhiều món đồ như: lọ, thống, lai, nậm, tì bà, bình vôi, điếu bát, bát, đĩa… Trong số các hiện vật của ông Cự, đặc sắc nhất là chiếc lai (bình) đời Lê. Ở giữa thân lai, nghệ nhân đắp nổi hình đầu long mình mã, miệng ngậm bát quái (trấn trạch). Hình đắp nổi được chau chuốt kỹ lưỡng đến từng chi tiết như mình con ngựa, lông đuôi ngựa… Bên cạnh là tảng vân màu vàng được đắp như hình bản đồ Việt Nam, thể hiện sự thâm thúy khẳng định chủ quyền, lai lịch của món đồ. Đặc biệt, nước men trên thân bình đạt đến kỹ thuật hoàn mỹ. Theo đó, người thợ thủ công sử dụng kỹ thuật men phun, dùng ống thổi thổi men lên thân gốm. Do đó, khi quan sát kỹ nước men trên sản phẩm có cảm giác rất… mơ màng, sương khói. Lưu giữ nhiều sản phẩm đồ gốm Bát Tràng quý giá, mỗi khi có dịp, ông Cự không ngại vận chuyển, mang đến các bảo tàng để trưng bày, giới thiệu với bạn bè, anh em, những người có chung niềm đam mê, quan tâm đến gốm dân tộc.
Bên cạnh các cá nhân đam mê sưu tầm cổ vật, những năm qua Hội Cổ vật Thiên Trường và câu lạc bộ UNESCO Nghiên cứu sưu tầm cổ vật Nam Định đã đẩy mạnh phong trào lưu giữ, bảo tồn, trưng bày, giao lưu cổ vật. Thực hiện Luật Di sản văn hoá, Hội Cổ vật Thiên Trường đã đăng ký thành lập hội đồng giám định và mời lãnh đạo Cục Di sản văn hoá (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) làm trưởng ban phối hợp với Bảo tàng tỉnh tổ chức kê khai, khảo tả, thẩm định cổ vật cho từng hội viên, báo cáo cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký cổ vật. Đến nay, đã có hàng nghìn cổ vật, di vật, bảo vật quốc gia của hơn 100 cá nhân đã được đăng ký với Nhà nước, góp phần phát huy giá trị của cổ vật, bảo đảm quyền sở hữu hợp pháp của các cá nhân đang sở hữu nhiều cổ vật quý hiếm. Không chỉ lưu giữ tinh hoa văn hóa dân tộc, các câu lạc bộ, Hội nghiên cứu sưu tầm cổ vật trong tỉnh cũng tích cực hưởng ứng phong trào hiến tặng cổ vật cho Nhà nước. Trong đó, các hội viên của Hội Cổ vật Thiên Trường đã hiến tặng trên 700 cổ vật cho Bảo tàng Nam Định và Bảo tàng các tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hoá, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Hậu cần. Trong đó có nhiều bộ sưu tập các loại gốm cổ Việt Nam thuộc các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn... Đó cũng là cơ sở để các cổ vật, trong đó có những bộ sưu tập gốm, sứ cổ được đến gần hơn với công chúng, góp phần bồi đắp kiến thức lịch sử, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ./.
Bài và ảnh: Viết Dư