Nam Trực gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

05:03, 04/03/2022

Nam Trực là vùng đất cổ có lịch sử hình thành, phát triển lâu đời. Dấu ấn văn hóa truyền thống thể hiện đậm nét qua trên 500 di tích đình, đền, chùa, phủ, miếu, nhà thờ, lăng mộ gắn với những phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo; trong đó có 15 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 57 di tích cấp tỉnh, 1 lễ hội được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đoàn múa rối nước Sông quê (Nam Trực) biểu diễn các tích trò phục vụ nhân dân.
Đoàn múa rối nước Sông quê (Nam Trực) biểu diễn các tích trò phục vụ nhân dân.

Nhiều di sản mang giá trị văn hóa đặc sắc

Tìm hiểu các di sản văn hóa ở huyện Nam Trực không thể không nhắc tới di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Chùa Đại Bi, thị trấn Nam Giang. Chùa thờ “tiền Phật, hậu Thánh” - một dạng chùa khá đặc biệt mang đậm dấu ấn văn minh vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Vị Thánh được thờ tự tại chùa là Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Qua các thư tịch tư liệu, Thánh Từ Đạo Hạnh là bậc cao tăng đắc pháp, có công lao lớn trong việc xây dựng, mở rộng quy mô Chùa Thiên Phúc (Chùa Thầy) ở Hà Nội, biến nơi đây thành một miền đất Phật, một trung tâm của Phật giáo đương thời. Chùa Đại Bi là di tích hiếm hoi ở vùng hạ lưu châu thổ sông Hồng thờ Thánh Từ Đạo Hạnh. Tương truyền, Thánh Từ Đạo Hạnh đã đưa mẹ là bà Tăng Thị Loan về đây lánh nạn và dựng chùa tu hành. Theo dân gian, Chùa Đại Bi được xây dựng từ thời Lý, tuy nhiên qua dấu vết khảo cổ học, các tư liệu Hán Nôm, phong cách kiến trúc cho thấy chùa được xây dựng vào thời Hậu Lê (thế kỷ XVII). Tổng thể Chùa Đại Bi có kiến trúc, phong cách thờ tự theo kiểu “nội công ngoại quốc”, còn gọi là dạng chùa trăm gian với nhiều mảng chạm khắc tinh xảo. Chùa quay hướng Nam, tọa lạc trên một thế đất đẹp, bằng phẳng, ở giữa thôn Giáp Ba. Chùa Đại Bi hiện còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật, cổ thư có giá trị, tiêu biểu nhất là 10 tấm bia, trong đó văn bia cổ nhất khắc năm Kỷ Mùi (1679) đời Vua Lê Hy Tông; 10 đạo sắc phong; quả chuông đồng cao 2m đúc năm Minh Mạng thứ 18 (1838). Lễ hội Chùa Đại Bi được Bộ VH, TT và DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2020. Trong lễ hội không chỉ diễn ra các lễ nghi của Phật giáo mà còn tổ chức các nghi lễ phụng thờ Thánh Từ Đạo Hạnh. Theo truyền thống, lễ hội Chùa Đại Bi diễn ra từ ngày 21 đến 24 tháng Giêng hàng năm; trong đó, ngày 21 tổ chức lễ Phát tấu theo nghi lễ nhà Phật; ngày 22 tổ chức rước kiệu của các thôn: Vân Chàng, Giáp Tư, Giáp Ba lên sân chùa và các trò chơi dân gian: múa lân - sư, chọi gà, đánh đu, cờ người, vật chầu Thánh… Một trong những sinh hoạt tín ngưỡng đặc sắc nhất tại chùa là nghệ thuật hát rối đầu gỗ (Ổi lỗi) vào tối ngày 22. Đây là hình thức diễn xướng thần tích của Thánh qua các bài giáo lý về lẽ sống nhân sinh, giáo dục đạo lý của con người. Ngoài ra, Chùa Đại Bi còn gắn với hội chợ Viềng họp mỗi năm một phiên duy nhất vào đêm mùng 7 rạng sáng mùng 8 tháng Giêng ở bãi đất trống trước cổng chùa. Đi chợ Viềng xuân, người dân không chỉ giao lưu, trao đổi, mua bán các sản vật nông nghiệp như: cây giống, cây cảnh, đồ cổ, nông cụ… mà còn được chiêm bái lễ Phật, lễ Thánh; tạo nên nét đẹp văn hóa chợ - chùa độc đáo tồn tại đến ngày nay.

Tín ngưỡng thờ tổ nghề ở huyện Nam Trực là văn hoá tín ngưỡng bản địa có lịch sử lâu đời, có chỗ đứng đặc biệt, thể hiện đạo lý tôn kính, tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân đã truyền nghề, mang lại đời sống ấm no cho nhân dân. Các di tích thờ tổ nghề được gắn với nhiều lễ hội tôn vinh nghề truyền thống như: rèn Vân Chàng (thị trấn Nam Giang), đúc đồng Đồng Quỹ (xã Nam Tiến), làm hoa giấy Báo Đáp (xã Hồng Quang), trồng hoa cây cảnh Vị Khê (xã Điền Xá), nghề dệt Thượng Lao (xã Nam Thanh), phở Giao Cù (xã Đồng Sơn)… Nổi tiếng trong cả nước với nghề trồng hoa, cây cảnh, hàng năm, xã Điền Xá vẫn duy trì tổ chức lễ hội hoa, cây cảnh làng Vị Khê vào ngày 12 tháng Giêng. Không chỉ bó gọn là một lễ hội mang tính chất làng truyền thống, ngày nay, lễ hội hoa, cây cảnh làng Vị Khê được mở rộng với nghi thức rước hoa cây cảnh do dân làng tổ chức có sự tham gia của hàng nghìn người từ những làng nghề trồng hoa cây cảnh ở khắp các vùng quê, các tỉnh, thành tham dự. Phần hội gồm các hoạt động: trưng bày những loại hoa quý, những cây cảnh, cây thế độc đáo, biểu diễn văn nghệ và các trò chơi dân gian đặc sắc… Lễ hội đặc biệt hấp dẫn, sôi động với các cuộc thi tay nghề, tạo thế cây cảnh, trưng bày cây cảnh. Làng Bàn Thạch, xã Hồng Quang thì nổi tiếng với nghề chạm khắc, sơn mài, tạc tượng và làm con trò của nghệ thuật rối nước. Bàn Thạch cũng địa phương duy nhất của tỉnh lưu giữ được nghệ thuật múa rối nước với hơn 40 tích trò cổ diễn lại các nhân vật, sự kiện lịch sử, phản ánh sinh động về cuộc sống lao động, sản xuất của người nông dân, có nội dung sâu sắc, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, cổ vũ truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn”, tương thân, tương ái mang ý nghĩa nhân văn. Hiện nay, làng Bàn Thạch có nhiều nghệ nhân biểu diễn rối nước, có tay nghề chế tác các con rối. Dân làng cũng luôn có ý thức trong việc bảo tồn, kế thừa và phát huy nghệ thuật múa rối nước thông qua việc truyền nghề cho thế hệ trẻ. Phường rối nước làng Bàn Thạch đến nay đã trải qua 7, 8 thế hệ cha truyền con nối. Nghệ thuật múa rối nước của làng đã vượt qua khuôn khổ ao làng, được vinh dự mời đi biểu diễn khắp các tỉnh trong Nam ngoài Bắc và cả nước ngoài. Lễ hội truyền thống làng Bàn Thạch được tổ chức 5 năm 1 lần vào ngày 16 tháng Giêng nhằm tưởng nhớ Thành Hoàng làng Linh ứng Đại vương - vị tổ nghề sáng lập ra nghệ thuật múa rối nước. Tổ chức hội làng để tôn vinh hội nghề ở xã Hồng Quang là nét đẹp mang giá trị nhân văn sâu sắc, đậm đà bản sắc dân tộc.

Để các di sản phát huy giá trị trong cuộc sống hôm nay

Với nhận thức sâu sắc về giá trị và tầm quan trọng của các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, trong thời kỳ CNH-HĐH, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền huyện Nam Trực đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương theo tinh thần các Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 9-6-2016 của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XIX) về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 17-10-2016 của BCH Đảng bộ huyện về “Tiếp tục xây dựng đời sống văn hóa cơ sở giai đoạn 2016-2020”. Đồng chí Nguyễn Thế Lưu, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nam Trực cho biết: Công tác quản lý, bảo vệ di tích, bảo tồn giá trị văn hóa, nghệ thuật kiến trúc các di tích được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu vì hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện đã tồn tại từ hàng trăm năm trước với kiến trúc cổ truyền, chất liệu chủ yếu bằng gỗ, lại được tiếp nối qua nhiều giai đoạn. Những năm qua, huyện Nam Trực đã làm tốt công tác này ở hầu hết các di tích đã được công nhận cấp tỉnh, cấp quốc gia, kể cả các di tích trong danh mục kiểm kê. Từng viên gạch, tảng đá, sắc phong, bia ký, cổ vật, cổ thư… cho đến tổng thể cảnh quan môi trường, hạng mục kiến trúc đều được bảo tồn, tôn tạo, mở rộng dưới sự chỉ đạo hướng dẫn của Sở VH, TT và DL, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm, Trung ương và địa phương cùng làm”, các địa phương trong huyện đã huy động các nguồn lực xã hội, vận động sự đóng góp từ sức dân để trùng tu, tôn tạo hệ thống di tích, di sản. Từ năm 2020 đến nay, mặc dù ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song huyện Nam Trực đã huy động được trên 10 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa đầu tư cho công tác xây dựng, tu bổ các di tích. Đối với công tác quản lý, bảo vệ di tích, thực hiện Quyết định số 19/QĐ-UBND ngày 7-7-2017 của UBND tỉnh về việc “Ban hành quy định phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh”, UBND huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn kiện toàn Ban quản lý di tích, đồng thời xây dựng quy chế hoạt động đảm bảo tính thống nhất. Qua đó, tình trạng mất cắp cổ vật, cổ thư được kịp thời ngăn chặn, các hiện tượng xâm hại di tích, thương mại hóa di tích, tình trạng mê tín dị đoan, lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi không xảy ra.

Thời gian tới, huyện Nam Trực tiếp tục đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo tồn di sản, phổ biến pháp luật về di sản thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực trạng hệ thống di tích, di sản trên địa bàn, trên cơ sở đó lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị của di sản trong đời sống văn hóa xã hội. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý, bảo vệ di tích đảm bảo thường xuyên, liên tục; kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những biểu hiện sai phạm, hành vi vi phạm pháp luật về sử dụng và khai thác giá trị di tích. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đóng góp, tài trợ cho các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản như: các loại hình văn hóa, trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống gắn với lễ hội tại các di tích. Hình thành điểm du lịch văn hóa tâm linh phục vụ du khách, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com