Thực hiện Chiến lược “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016 (sau đây gọi tắt là Chiến lược 1755), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc đẩy mạnh khai thác tiềm năng kinh tế công nghiệp văn hóa; đặc biệt là lĩnh vực sáng tác, biểu diễn, quảng bá, giới thiệu các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật.
Một tiết mục biểu diễn văn nghệ của các nghệ sĩ Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Triển lãm tỉnh. |
Triển khai thực hiện các nhiệm vụ mục tiêu Chiến lược 1755 đề ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) trên cơ sở rà soát, đánh giá thực tiễn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong công tác xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội từng bước được nâng lên; việc huy động doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật được xác định là một phần trong chiến lược kinh doanh và thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. 5 năm qua, Sở VH, TT và DL đã tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn được Sở VH, TT và DL tích cực triển khai; đồng thời tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra việc thực thi các quy định pháp luật đối với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật để đảm bảo phát triển công nghiệp hóa đúng hướng, không bị lạm dụng mục tiêu kinh tế mà lệch chuẩn. Từ năm 2020 đến nay, do dịch bệnh COVID-19, các hoạt động văn hóa, văn nghệ của các đơn vị nghệ thuật chủ yếu phục vụ nhiệm vụ chính trị và các dịp lễ, tết. Trung tâm Văn hoá, Điện ảnh và Triển lãm tỉnh phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, các cơ quan, đơn vị tổ chức xây dựng nội dung, ghi hình, phát sóng nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ nhu cầu thưởng thức của quần chúng như các chương trình: “Giai điệu Tổ quốc”, “Chào năm mới”, “Tết quê hương”; “Đồng hành cùng ngư dân bám biển, tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”… Năm 2021, Trung tâm đã tham gia Liên hoan hát văn - hát Chầu văn toàn quốc tại tỉnh Vĩnh Phúc đạt Giải chương trình xuất sắc và 1 giải A; tham gia Hội diễn đàn, hát dân ca ba miền “Giai điệu một miền quê” (hình thức trực tuyến) đạt 1 HCV, 2 HCB. Thực hiện nhiệm vụ “Bảo tồn, phát huy các bộ môn nghệ thuật truyền thống kết hợp với các loại hình nghệ thuật đương đại để tạo ra nhiều tác phẩm chất lượng cao, thể hiện được tính sáng tạo, độc đáo của nghệ thuật dân tộc” tại Chiến lược 1755, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh lựa chọn bộ môn chèo để đầu tư phát triển, khai thác giá trị kinh tế văn hóa; tập trung sưu tầm, sáng tác và dàn dựng các vở diễn, trích đoạn chèo cổ, hát văn, sân khấu hóa trình diễn các giá hầu đồng. Năm 2021 nhiều tác phẩm, chương trình nghệ thuật do Nhà hát sản xuất, dàn dựng theo hướng này đã giành giải thưởng như 1 giải A, 1 giải B; Cuộc thi các tác phẩm nghệ thuật chủ đề phòng, chống dịch COVID-19 do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức tham gia Cuộc thi sáng tác ca khúc về phòng, chống dịch COVID-19 “Giai điệu nơi tuyến đầu” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức đạt 1 giải Khuyến khích. Năm 2021, tổng số buổi biểu diễn của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đạt 28 buổi, số lượng người xem ước đạt 35 nghìn lượt người/năm, doanh thu từ hoạt động biểu diễn ước đạt 220 triệu đồng. Tháng 1-2022, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh và Trung tâm Điện ảnh và Triển lãm tỉnh đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam ghi hình một số tiết mục văn nghệ trong Chương trình Hành trình Di sản “Khám phá Thành Nam” và “Về với Thiên Trường xưa” phát sóng trên kênh VTV1.
Khai thác lợi thế nguồn tài nguyên du lịch văn hóa phong phú với hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú của tỉnh, những năm qua, ngành VH, TT và DL đã kết hợp phát huy vai trò, giá trị của các bộ môn, loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của tỉnh như: hát chèo, hát văn, ca trù, múa rối nước, cà kheo, múa lân - sư - rồng… để tạo ra các sản phẩm du lịch tâm linh hấp dẫn, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư. Để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh, ngành VH, TT và DL, các cấp ủy, chính quyền chú trọng công tác tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, phục hồi các lễ hội truyền thống có giá trị văn hóa lớn; phát huy giá trị các bộ môn, loại hình nghệ thuật biểu diễn, trình diễn, sân khấu hóa vào các sinh hoạt tín ngưỡng dân gian như: nghi lễ chầu văn, thực hành tín ngưỡng thờ Đức Thánh “Cha”, Thánh “Mẫu”, Thánh Tổ làng nghề… Tại các lễ hội truyền thống như: Đền Trần (thành phố Nam Định), Phủ Dầy, Phủ Quảng Cung (Vụ Bản), Đền Xuân Bảng (Xuân Trường), Đền Bảo Ninh (Hải Hậu)… hàng năm, nghi lễ chầu văn, các cuộc thi hát văn, biểu diễn hát chèo, múa rối nước, hát Xẩm, sân khấu hóa trình diễn các giá đồng… được tổ chức luôn thu hút lượng lớn khách du lịch từ khắp nơi tìm về chiêm bái, tham quan di tích, di sản, thưởng thức nghệ thuật hòa mình vào không gian văn hóa, tín ngưỡng truyền thống. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng khách và doanh thu từ hoạt động tham quan, du lịch tâm linh, lễ hội năm 2021 bị sụt giảm, ước đạt khoảng 350 nghìn lượt người (chiếm gần 70% tổng lượng khách). Để phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực sáng tác, biểu diễn nghệ thuật gắn với các hoạt động du lịch trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, tỉnh ta đã triển khai Dự án “Du lịch thông minh - Gắn mã QR tại địa điểm du lịch”; tham gia gian hàng xúc tiến du lịch tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam với các hoạt động giới thiệu điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, giới thiệu “Chiếu chèo Nam”; tham gia Triển lãm “Không gian Di sản văn hóa Việt Nam” do Bộ VH, TT và DL tổ chức; tham gia trưng bày chuyên đề “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Bản sắc và giá trị” tại tỉnh Vĩnh Phúc; hoàn thiện nội dung ấn phẩm “Cẩm nang Văn hóa - Du lịch Nam Định”, tập bản đồ “Du lịch Nam Định”; phối hợp với Truyền hình Nhân dân xây dựng phóng sự cho chuyên mục “Điểm đến hấp dẫn” giới thiệu về di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của quê hương Nam Định.
Trong các lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, hơn 2 năm qua do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên chưa khai thác phát huy được nhiều.
Bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu, việc thực hiện Chiến lược 1755 ở tỉnh ta còn gặp một số khó khăn. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có phạm trù rộng, loại hình phát triển mới, đa lĩnh vực. Vì vậy, để thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả cần có sự đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng bộ về mọi phương diện. Hiện nay, tỉnh ta là địa phương có cơ sở hạ tầng, quy mô phát triển chưa cao, tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội chỉ ở mức trung bình trong mặt bằng chung của cả nước nên việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chiến lược 1755 cũng gặp phải một số hạn chế nhất định. Công tác tuyên truyền về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đã đạt một số kết quả bước đầu nhưng sự phối hợp giữa các ngành chức năng trong triển khai thực hiện đôi khi còn bị động, thiếu nhất quán. Để tiếp tục thực hiện Chiến lược 1755, thời gian tới, Sở VH, TT và DL đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030; tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trên cơ sở mục tiêu, kế hoạch đã đề ra, phù hợp với từng lĩnh vực, đặc thù và điều kiện thực tế ở địa phương. Qua đó, ngày càng thúc đẩy sáng tạo, đổi mới của những người làm công tác quản lý văn hóa, các nghệ sĩ trong sáng tác, biểu diễn nghệ thuật để tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng