Giao Thủy phát huy giá trị giáo dục truyền thống của hệ thống từ đường dòng họ

03:03, 11/03/2022

Huyện Giao Thủy có hơn 480 dòng họ. Lịch sử truyền thống của các dòng họ gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp và công lao to lớn của các vị tổ, thủy tổ trong công cuộc khai hoang, lấn biển, tạo dựng xóm làng; quá trình đấu tranh, lao động sản xuất bảo vệ quê hương, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc không chỉ cho con cháu dòng họ mà cho cả cộng đồng bản địa. Để ghi nhớ công ơn của các bậc tiên tổ, thế hệ con cháu của các dòng họ đã lập từ đường để thờ tự; trong đó nhiều công trình đã gắn bó với các sự kiện lịch sử văn hóa quan trọng của các địa phương và được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa các cấp. Trên địa bàn huyện hiện có 348 từ đường, nhà thờ tổ; trong đó có 12 từ đường được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Từ đường họ Nguyễn, xã Hoành Sơn thờ Thái tổ Nguyễn Sỹ, Thủy tổ Nguyễn Công và các tổ kế nghiệp, những người có công khai khẩn đất hoang, lập làng Hoành Lộ.
Từ đường họ Nguyễn, xã Hoành Sơn thờ Thái tổ Nguyễn Sỹ, Thủy tổ Nguyễn Công và các tổ kế nghiệp, những người có công khai khẩn đất hoang, lập làng Hoành Lộ.

Từ đường họ Nguyễn đại tộc ở xã Giao Phong là di tích thờ thuỷ tổ Nguyễn Bá Nhật - người có công khai khẩn đất hoang, gây dựng nên vùng đất Giao Thuỷ ngày nay. Theo tộc phả họ Nguyễn, vào cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, thuỷ tổ Nguyễn Bá Nhật từ vùng đất Hà Tây cùng ông tổ các họ: Trần, Cao, Mai, Phạm đã tìm đến các dải đất ven sông dựng nhà để ở, cùng nhau san gò, lấp trũng tạo đồng ruộng, đưa nước vào đồng thau chua, rửa mặn, khơi thông dòng chảy tạo thành kênh Cồn Nhất. Đối phó với thiên nhiên khắc nghiệt ở miền đất mới, các vị tổ còn lo việc đắp đê ngăn mặn, bảo vệ mùa màng, nhờ thế xóm làng ngày càng đông vui, trù phú. Thuỷ tổ Nguyễn Bá Nhật cũng là một trong các vị thuỷ tổ đầu tiên về khai sáng ra mảnh đất Quất Lâm. Sau khi ông qua đời, con cháu trong dòng họ đã xây dựng từ đường, lập thần vị để tôn thờ. Từ đường họ Nguyễn đại tộc không chỉ là nơi thờ cúng, tri ân công đức của các vị tiên tổ mà còn lưu giữ, phát huy nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dòng họ. Hàng năm, tại từ đường diễn ra nhiều lễ tiết quan trọng như: lễ “Khai xuân tế tổ” vào các ngày 16, 17 tháng Giêng; lễ cơm mới; các tuần tiết Thanh minh, Đoan ngọ, Trung nguyên và ngày sóc, vọng hàng tháng, con cháu dòng họ đều tổ chức dâng hương, lễ tổ tại từ đường.

Xã Hoành Sơn có 3 từ đường được UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử - văn hóa. Từ đường họ Doãn là nơi thờ vị tổ La Sơn hầu Doãn Đình Đống. Hàng năm, vào các ngày 7-11 âm lịch, 2-9 và tiết Thanh minh là các kỳ lễ trọng, tại từ đường ngoài phần lễ còn tổ chức các trò chơi dân gian như: kéo co, đánh đu, cờ người… Từ đường họ Nguyễn là nơi con cháu trong dòng họ phụng thờ tưởng nhớ công lao của thái tổ Nguyễn Sỹ, thủy tổ Nguyễn Công và các tổ kế nghiệp. Tại từ đường, hàng năm diễn ra nhiều sinh hoạt văn hoá; tiêu biểu là lễ giỗ tổ ngày 15-3 âm lịch, ngày giỗ chung của các tổ và lễ trọng của dòng họ Nguyễn, thôn Hoành Lộ. Từ đường họ Bùi ở làng Hoành Nhị là di tích thờ vị thủy tổ Bùi Đốc Hựu. Họ Bùi là một trong những dòng họ tham gia khai khẩn vùng đất này từ thế kỷ XVII-XVIII. Cùng với việc khai hoang, lập ấp, thủy tổ Bùi Đốc Hựu và các dòng họ: Doãn, Phùng, Tô, Nguyễn… còn xây dựng các công trình tôn giáo, tín ngưỡng như Chùa Nổi Hoành Nhị, Đền - Chùa Hoành Lộ và các công trình phúc lợi như bắc cầu, mở chợ, làm đường phục vụ nhu cầu đi lại, sinh hoạt, giao lưu, buôn bán của nhân dân. Hàng năm, tại từ đường diễn ra nhiều lễ tiết quan trọng như: lễ khai xuân - lễ tưởng niệm ngày mất của tổ bà Trần Thị Cúc Hoa (phu nhân của thủy tổ Bùi Đốc Hựu) vào ngày 10-2 âm lịch; lễ giỗ thủy tổ Bùi Đốc Hựu vào ngày 6-8 âm lịch.

Từ đường họ Nguyễn ở xã Giao Thịnh là nơi thờ tự các vị tổ của dòng họ, những người có công lập nên mảnh đất Tồn Thành xưa. Từ đường được xây dựng năm Đinh Tỵ, niên hiệu Khải Định 2 (1917), hoàn thành năm Mậu Ngọ (1918). Bên cạnh giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật của công trình, hàng năm tại từ đường diễn ra nhiều ngày lễ, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của con cháu trong dòng họ; tiêu biểu là ngày lễ kỵ tổ - ngày đại lễ của dòng họ được tổ chức vào ngày mùng 7 tháng Giêng. Từ đường họ Phùng, thị trấn Ngô Đồng thờ thủy tổ Phùng Khắc Thọ (hậu duệ đời thứ 3 của Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan). Ngoài ra, từ đường còn thờ tổ Phùng Phúc Nghiễm (hậu duệ đời thứ 3 của thủy tổ Phùng Khắc Thọ), các tổ cô và ông tổ kế thành của dòng họ từ đời thứ 2 đến đời thứ 6; trong đó, tổ Phùng Phúc Nghiễm được người dân địa phương suy tôn là Bản cảnh Thành hoàng, được Vua Khải Định ban sắc phong. Hàng năm, tại từ đường, con cháu trong dòng họ thường tổ chức 2 kỳ lễ chính nhân tưởng niệm ngày mất của tổ Phùng Phúc Nghiễm (25-9 âm lịch) và ngày mất của thủy tổ Phùng Khắc Thọ (15-12 âm lịch). Những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tại từ đường họ Phùng diễn ra trong phạm vi hẹp nhưng đã phản ánh truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, sự biết ơn của con cháu trong dòng họ đối với các bậc tiền bối, thắt chặt tình đoàn kết anh em, họ hàng, làng xóm.

Dâng hương, tế tổ trong lễ khánh thành Từ đường họ Cao Trần, xã Giao Tân.
Dâng hương, tế tổ trong lễ khánh thành Từ đường họ Cao Trần, xã Giao Tân.

Nhận thức rõ giá trị giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa to lớn lan tỏa từ nội bộ các dòng họ ra cộng đồng của các từ đường dòng họ nên các cấp ủy, chính quyền huyện Giao Thủy đã quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ di sản văn hóa cho thế hệ trẻ. Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo các trường học có kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống phù hợp cho học sinh tại hệ thống các di tích từ đường ở địa phương. Các trường THCS: Ngô Đồng, Giao Tiến, Hoành Sơn, Hồng Thuận; các trường tiểu học: Giao Phong, Giao Tiến, Quất Lâm, Giao Thịnh, Giao Châu... duy trì tổ chức cho học sinh tham quan, học tập, trải nghiệm thực tế tìm hiểu giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật kiến trúc các di tích từ đường; lịch sử hình thành và phát triển của các tổng Hoành Nha, Hoành Thu, Quất Lâm, Lạc Thiện, Hà Cát; thân thế, sự nghiệp, công trạng của các vị thủy tổ, ông tổ các dòng họ; tổ chức các hoạt động “về nguồn”, dâng hương tưởng niệm, giữ gìn vệ sinh trong khuôn viên khu di tích… Vào dịp hè, các nhà trường tổ chức các chương trình với chủ đề như: “Sĩ tử xưa và nay”; “Ngày hè tuổi thơ”, “Em là nghệ nhân nhí”, “Tự hào di sản quê em”... mang đến không gian “học mà chơi, chơi mà học” đầy thú vị và bổ ích cho học sinh. Vào những ngày lễ lớn của Đảng, của đất nước, dịp khai giảng, tổng kết năm học, các nhà trường đều tổ chức dâng hương, vinh danh, khen thưởng những học sinh có thành tích học tập xuất sắc tại các từ đường, nhà thờ tổ; tạo động lực rèn luyện phấn đấu vươn lên trong con cháu dòng họ sao cho xứng đáng với tổ tông. Trong mỗi dịp lễ hội, tại di tích, các em học sinh còn được hoà mình vào không gian văn hoá truyền thống quê hương với các trò chơi dân gian, văn nghệ đặc sắc. Nhờ đó, đến nay toàn huyện có gần 100 tủ sách dòng họ; 90% gia đình trong các dòng họ tham gia công tác khuyến học với tổng số hơn 17 nghìn hội viên; 87% số dòng họ được công nhận là “Dòng họ văn hoá - dòng họ hiếu học”. Các dòng họ không ngừng tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa các gia đình trong dòng họ với cộng đồng làng xã; thực hiện tốt các quy ước, hương ước, quy định về nếp sống văn minh trong cộng đồng, bài trừ tệ nạn xã hội; tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; tương trợ, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Các dòng họ đã duy trì nền nếp văn hóa thông qua quy ước dòng họ như việc thờ cúng tổ tiên và các nghi lễ truyền thống. Các dịp họp họ, giỗ tổ ngoài nội dung như: tuyên đọc gia phả, tế lễ tổ tiên còn bàn định những công việc của gia tộc, kêu gọi sự đóng góp của các thành viên với họ tộc, làng xóm để xây dựng các công trình công cộng và tổ chức lễ hội làng, xã; tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa trong cộng đồng, qua đó góp phần nâng cao tri thức cho thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử, văn hóa, bồi đắp lòng yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào về truyền thống gia đình, dòng họ, quê hương đất nước, tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị các di tích./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com