Nối tiếp mạch thành công về dàn dựng các vở diễn cải lương đề tài lịch sử, cuối năm 2021, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã giới thiệu và công diễn vở cải lương “Nàng Công chúa nhà Trần” (đạo diễn: NSND Hoàng Quỳnh Mai; chỉ đạo nghệ thuật: NSƯT Thanh Hằng; chủ nhiệm chương trình: NSƯT Diệu Hằng). Kịch bản của vở diễn được chỉnh lý dựa trên nguyên tác của tác giả Tống Phước Phổ. Câu chuyện xoay quanh sự kiện lịch sử thế kỷ XIII về nàng Công chúa An Tư - Một liệt nữ trung thần thời Trần. Cùng với các công chúa: Huyền Trân, Ngọc Vạn, Ngọc Hoa, Công chúa An Tư được các nhà sử học đánh giá là một trong 4 công chúa có ảnh hưởng nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Một cảnh trong vở cải lương “Nàng Công chúa nhà Trần”. |
Trong xã hội phong kiến xưa, để tạo mối quan hệ giao bang giao giữa các nước lớn với các tiểu quốc, chư hầu thì việc cống nạp hay gả bán công chúa vì mục đích chính trị, lãnh thổ khá phổ biến. Trường hợp Công chúa An Tư - nhà Trần được gả bán trong một hoàn cảnh đặc biệt. Năm 1285, giặc Nguyên Mông tiến đánh nước ta lần thứ 2. Đội quân do Thế tử Thoát Hoan (con trai Hốt Tất Liệt) là đội quân hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ. Khi quân địch tiến sát thành Thăng Long, tướng Trần Bình Trọng hy sinh, hoàng thân Trần Ích Tắc cùng nhiều tôn thất nhà Trần như: Trần Kiện, Trần Lộng… đều quy hàng. Lúc này, quan quân nhà Trần còn đang lúng túng chưa tìm ra phương kế chống giặc. Nước đường cùng, Vua Trần phải sử dụng “mỹ nhân kế”. Triều đình quyết định gả An Tư Công chúa (em gái út của Thượng hoàng Trần Thánh Tông, cô ruột của Vua Trần Nhân Tông) cho Thoát Hoan với mục đích tạm cầu hòa để triều đình rút khỏi Thăng Long, có thêm thời gian củng cố lực lượng, tổ chức quân đội chiến đấu chống giặc. Việc Công chúa An Tư chấp nhận và tình nguyện làm “vật cống” cho kẻ thù là một hành động thể hiện sự hy sinh lợi ích riêng, nêu cao tinh thần yêu nước, nghĩa cử cao đẹp với non sông Đại Việt.
Vở cải lương “Nàng Công chúa nhà Trần” là tác phẩm nghệ thuật được Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đầu tư kỹ lưỡng về kịch bản, sáng tạo trong cách tiếp cận nội dung, dàn dựng cũng như xử lý nghệ thuật. Đây là kịch bản mang nhiều yếu tố phóng tác để dựng nên một câu chuyện bi thương khốc liệt về chiến tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Thưởng thức vở diễn, người xem thấy được kết cấu câu chuyện rõ ràng, mạch lạc. Vở diễn không tham nhiều chi tiết, đạo diễn NSND Hoàng Quỳnh Mai đã xử lý kịch bản thuyết phục, phát huy đặc trưng của nghệ thuật cải lương, đó là chất bi, chất tự sự, trữ tình và hào sảng. Vở diễn quy tụ dàn diễn viên trẻ cùng các nghệ sĩ giàu kinh nghiệm của đoàn đam mê khát khao cống hiến. Phương Chi (vai Công chúa An Tư); Công Thành (vai Trần Thông - người yêu Công chúa An Tư); Huy Phong (vai Thoát Hoan), NSƯT Mạnh Tuyển (vai Trần Thánh Tông); Vinh Quang (vai Trần Nhân Tông); Phương Hoa (vai vợ Thoát Hoan); Công Thắng (vai Trần Quốc Toản). Nghệ sĩ Công Thành vai Trần Thông với lối diễn nội tâm, khả năng làm chủ sân khấu, ngôn ngữ hình thể tốt, giọng ca khỏe khoắn, đầy nội lực đã thể hiện được nhân cách tài hoa, nghĩa khí của vị tướng nhà Trần. Nghệ sĩ Phương Chi với giọng ca ngọt ngào, truyền cảm đã thể hiện xuất sắc vai diễn Công chúa An Tư qua từng cung bậc cảm xúc; đặc biệt là hình ảnh An Tư với tâm trạng đầy đớn đau khi phải dứt bỏ tình yêu đầu đời với Trần Thông. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ, diễn viên đảm nhận vai diễn phụ cũng thể hiện thành công tính cách, bản chất các nhân vật chính diện, phản diện trong vở diễn như: Thu Hiền (vai thị nữ); Lâm Dương (vai hoạn quan); Thu Thảo, Tố Loan (vai mụ tôm, mụ tép); Nam Sơn (vai Trần Kiện), Huyền Thương (vai vợ Trần Kiện)… Vở diễn tập trung khai thác nội tâm các nhân vật ở nhiều tình huống xung đột, mâu thuẫn tâm lý để bộc lộ quan điểm, suy nghĩ trước các sự việc nhằm khắc họa rõ hình tượng các nhân vật lịch sử. Điển hình là các tình huống: Thượng hoàng Trần Thánh Tông và Vua Trần Nhân Tông trăn trở, đắn đo khi phải quyết định để Công chúa An Tư đi làm “cống vật”; cảnh chia tay giữa Trần Thông với An Tư; cảnh An Tư có ý định tự vẫn… Đây là những ca cảnh, trường đoạn giàu giá trị nội dung và nghệ thuật, khai thác đúng thế mạnh của nghệ thuật cải lương, một bộ môn thiên về duy cảm và duy mỹ. Một điểm nhấn đặc sắc của vở diễn là màn giao hoan giữa An Tư với Thoát Hoan ngay giữa doanh trại giặc. Với nhiều kinh nghiệm trong sáng tạo nghệ thuật, đạo diễn NSND Hoàng Quỳnh Mai đã dựng lên một màn giao hoan vừa mang tính ước lệ vừa mang yếu tố tả thực. Đây không phải là sự dâng hiến tự nguyện của câu chuyện tình ngọt ngào mà là một cuộc cưỡng hôn đầy đau đớn cả về thể xác lẫn tâm hồn. Tiếng thét đau đớn, tủi hờn của nàng An Tư không còn là tiếng thét của riêng nàng mà là tiếng thét của cả con dân Đại Việt trước sự chà đạp của kẻ thù lên phẩm giá, hạnh phúc của cả dân tộc. Thưởng thức vở diễn, các nhà chuyên môn và khán giả đánh giá cao tài năng diễn xuất của các nghệ sĩ, diễn viên và khả năng chỉ đạo nghệ thuật linh hoạt, tài tình của đạo diễn. Các trường đoạn, ca cảnh liên tục giữ được mạch cảm xúc, tạo ấn tượng lôi cuốn người xem. Ngoài ra các yếu tố như: thiết kế sân khấu, cổ nhạc, âm thanh, ánh sáng, biên đạo múa, phục trang và hóa trang cũng góp phần vào thành công của vở diễn. Phục trang của các vai diễn khá bắt mắt với đường nét nhẹ nhàng, thanh thoát, khỏe khoắn, không quá diêm dúa, rườm rà. Các nghệ sĩ, diễn viên hóa trang nhân vật gần với phong cách tạo hình nghệ thuật đương đại không tạo ra sự cách biệt quá lớn giữa xưa và nay. Thiết kế sân khấu mang đậm giá trị văn hóa truyền thống với hình ảnh chiếc quạt lớn ở chính giữa; hình ảnh các áng mây cuộn sóng với những cọc gỗ nhọn trên sông Bạch Đằng gợi hào khí chiến công oanh liệt của nhà Trần, minh họa cho từng bối cảnh không gian và thời gian của câu chuyện; đồng thời góp phần truyền tải nội dung của vở diễn đến với người xem một cách sâu sắc.
NSƯT Thanh Hằng, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh cho biết: Vở cải lương “Nàng công chúa nhà Trần” đã mang đến cho khán giả cái nhìn đầy đủ hơn về số phận của nàng Công chúa An Tư - một nhân vật mà sử sách ít nhắc tới. Khác với một số công chúa được gả sang các nước trong lúc đất nước bình yên vì mục đích chính trị, giao hảo thì Công chúa An Tư lại được gả trong thời chiến, khi đất nước bị xâm chiếm vào thời điểm cam go liên quan đến sự sống còn của vận mệnh dân tộc. Thông điệp mà vở diễn đem đến cho người xem là ca ngợi phẩm chất đức hy sinh cao đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam những liệt nữ hết lòng vì gia đình, quên bản thân, sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng tư vì đại cục, nghĩa lớn, đóng góp công sức bảo vệ đất nước./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng