Qua đợt rét ngọt cuối mùa khiến miền Bắc được hưởng trọn một cái Tết đậm phong vị, đất trời ấm dần lên. Sáng sớm, đã nghe bầy chim sẻ gọi nhau về tụ hội, ríu ran trên mái hiên. Trong mưa xuân bay phơi phới, giò lan đai châu đung đưa mấy chùm hoa tím phớt. Chậu đào phai trước thềm rụng hồng những cánh mỏng manh. Giữa khung cảnh ngập tràn sắc xuân, ông bày bộ chén ngọc lục bảo lên bàn, thong thả pha một ấm trà, thưởng thức thú vui thanh đạm.
Ảnh minh họa/ Internet |
Vừa nhâm nhi chén trà nghi ngút khói, ngát hương sen, ông vừa bồi hồi nhớ về người xưa, ngày cũ. Ông quen bà trong lần cùng những nghệ sĩ nhiếp ảnh đi chụp ảnh sen ở hồ Tây. Nhà bà cách hồ Tây không xa, mấy đời làm trà sen với những công đoạn cầu kỳ, tỉ mẩn. Khách gần khách xa, mỗi khi muốn có một món quà đặc sản của Hà Nội tặng bạn bè, người thân đều tìm đến gia đình bà. Bởi trà sen hồ Tây là sự hòa quyện ăn ý đến hoàn hảo giữa cái ngọt sâu tinh tế của trà với hương thơm nhẹ nhàng, tinh khiết của hoa sen. Bà kể rằng, khu vực đầm Trị, hồ Đầu Đồng, người ta vẫn giữ được giống sen quý Bách Diệp. Đây là loại sen bông to, có tới hàng trăm cánh, sắc hồng tươi thắm, hương thơm sâu và đến cả lá sen cũng mang trong mình hương thơm ngọt ngào. Nhà bà chỉ chọn sen Bách Diệp để ướp trà, khi bông hoa mới chớm nở vừa được hái lên từ dưới đầm vẫn còn mướt sương đêm. Thời điểm đó, mùi hương đượm nhất, dường như mọi tinh hoa của đất trời đều hội tụ trong những tua nhị vàng óng được ôm ấp, bao bọc bởi hàng trăm cánh hoa. Để làm ra một kg trà sen, nghệ nhân phải dùng tới 1.000 bông sen. Người ta chỉ lấy riêng phần gạo sen ủ với trà, đem sao khô rồi sàng hết gạo sen cũ, ướp với gạo sen mới, cứ lặp đi lặp lại 5-7 lần các công đoạn như thế, trà mới dậy lên thứ hương thanh tao, không có vị nồng của cánh sen. Còn đối với làm trà xổi, người ta cho từng nhúm trà nhỏ vào giữa mỗi bông sen, bên ngoài bọc bằng một chiếc lá sen ủ qua đêm, cho từng cánh trà hút đẫm hương sen là có thể đem dùng ngay. Cả một ngày lang thang ở ngôi làng xinh đẹp ven hồ Tây, tận mắt chứng kiến các công đoạn làm trà sen hoàn toàn thủ công, ông càng thêm hiểu, thêm yêu tâm huyết, công phu và mong muốn lưu giữ một nét văn hóa tinh tế của người Hà Nội. Chuyến đi đó, ông và các nghệ sĩ nhiếp ảnh đã có được một bộ ảnh đẹp. Với riêng ông, bà trở thành người bạn tâm giao, cùng nhau sẻ chia vui buồn trong cuộc sống. Mỗi mùa sen nở, bà vẫn tỉ mẩn ướp thứ trà sen hảo hạng, gửi về cho người bạn phương xa.
Giữa những ngày xuân, sau những ồn ào, tất bật ngày Tết, ông lại ngồi tĩnh tại thưởng trà sen, để tâm hồn được thư thái, lắng đọng với vị ngọt dịu, hương thơm thanh mát của những đóa sen tinh khiết. Và ông chợt mỉm cười khi nghĩ đến câu nói của bà khi cùng ông dạo bước bên đầm sen thuở nào: Người cảm được cái thuần khiết của sen, thấy được mùi hương thanh tịnh của sen, nhất định có nội hàm sâu sắc, cao quý và tâm tưởng đẹp như sen./.
Lam Hồng