Quan tâm phát triển công tác thông tin cơ sở

04:02, 11/02/2022

Thông tin cơ sở (TTCS) là bộ phận quan trọng trong công tác tuyên truyền của Đảng và Nhà nước. Ngoài nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị ở cơ sở, TTCS là phương tiện chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn, lãnh đạo cơ quan, đơn vị cơ sở, cung cấp thông tin, kiến thức tới người dân. Đánh giá đúng tầm quan trọng của TTCS trong tình hình mới, tỉnh ta đã tập trung củng cố hệ thống thiết chế TTCS; làm tốt công tác cung cấp thông tin và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) cho hệ thống TTCS, góp phần quan trọng đảm bảo nhu cầu thông tin của người dân, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân đối với các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở.

Chỉnh trang hệ thống cáp viễn thông đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ hệ thống thông tin cơ sở.
Chỉnh trang hệ thống cáp viễn thông đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ hệ thống thông tin cơ sở.

Toàn tỉnh hiện có 10 Đài Phát thanh các huyện, thành phố; 226 đài truyền thanh xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 1.974 bản tin công cộng; 17.497 bản tin TTCS; 9 bản tin các sở, ngành, địa phương; 100% xã, phường có trang thông tin điện tử. Để hoạt động TTCS đi vào nền nếp, Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT) đã xây dựng kế hoạch định hướng thông tin tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị đến hệ thống truyền thanh cơ sở. Trong 5 năm 2017-2021, Sở TT và TT đã ban hành 86 văn bản hướng dẫn tuyên truyền cho hệ thống TTCS tại địa phương đảm bảo chất lượng, kịp thời cung cấp thông tin đến đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nội dung thông tin cung cấp đáp ứng tốt việc phục vụ nhiệm vụ chính trị cũng như nhu cầu thông tin của người dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là công tác tuyên truyền về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2025; thông tin tuyên truyền về tình hình dịch bệnh COVID-19; phòng chống thiên tai… Ngoài ra, Sở còn phát huy các nền tảng ứng dụng mạng xã hội như zalo để lập nhóm phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao các huyện, thành phố với các phòng nghiệp vụ để gửi trực tiếp nội dung chỉ đạo công tác tuyên truyền của các cấp để thực hiện kịp thời. Bám sát sự chỉ đạo của Bộ TT và TT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các bộ, ngành liên quan, Sở TT và TT triển khai đồng bộ từ tỉnh tới cơ sở công tác ứng dụng CNTT viễn thông trong hoạt động TTCS. Đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn đã được phủ sóng thông tin di động và truy cập internet tốc độ cao; 100% các xã đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử. Thực hiện Chương trình Chuyển đổi số giữa Bộ TT và TT và UBND tỉnh, Sở TT và TT đã triển khai thí điểm hệ thống truyền thanh thông minh cho xã Liên Minh (Vụ Bản) và khuyến khích các địa phương khác học tập, nhân rộng mô hình, phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hệ thống truyền thanh cấp xã sẽ chuyển sang hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT theo đúng Chiến lược TTCS của Bộ TT và TT đề ra. Năm 2021, hệ thống Đài truyền thanh cơ sở đã tích cực tuyên truyền các văn bản chỉ đạo, giải pháp của Chính phủ, UBND tỉnh về phòng, chống dịch; tuyên truyền, vận động người dân cài đặt ứng dụng CNTT trong phòng, chống dịch COVID-19, như các ứng dụng Bluezone, khai báo y tế toàn dân (Ncovi); Vietnamhealth; Bản đồ dịch tễ; phần mềm Quản lý và truy vết COVID-19 cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Việc kết hợp chặt chẽ các phương tiện truyền thông hiện đại với cơ sở vật chất kỹ thuật, thiết chế văn hóa - thông tin ở cơ sở hiện có góp phần làm tốt công tác TTCS; bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin, kiến thức cần thiết cho đời sống, lao động sản xuất kinh doanh của người dân; đồng thời chủ động đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, xấu độc, xuyên tạc, góp phần củng cố sự đoàn kết và đồng thuận xã hội ở cơ sở và từ cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống TTCS trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, hạn chế, đó là: kinh phí hoạt động hàng năm thấp; đội ngũ cán bộ phần nhiều chưa qua đào tạo nghiệp vụ chuyên môn; chế độ, chính sách đãi ngộ chưa đảm bảo; nội dung thông tin chưa phong phú, hình thức thể hiện còn đơn điệu; phần lớn hệ thống trang thiết bị máy móc được đầu tư từ hàng chục năm trước đã cũ, công nghệ lạc hậu; kinh phí phục vụ cho bảo dưỡng, sữa chữa máy móc, thiết bị thiếu, trong điều kiện tỉnh thường xuyên gặp thiên tai nên nhiều đài truyền thanh cơ sở bị hỏng hóc, xuống cấp.

Với mục tiêu xây dựng hệ thống TTCS theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhằm đổi mới phương thức cung cấp thông tin, nâng cao chất lượng nội dung thông tin, tăng cường tương tác hai chiều để người dân tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của chính quyền, ngày 23-12-2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 146/KH-UBND về phát triển TTCS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, Sở TT và TT, các địa phương thực hiện 2 nhiệm vụ trọng tâm là: Phát triển hạ tầng kỹ thuật mạng lưới TTCS và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác TTCS. Trong đó tập trung đầu tư, chuyển đổi từ 40% đến 50% số đài truyền thanh cấp xã không dây FM/có dây sang đài truyền thanh ứng dụng CNTT - viễn thông; phấn đấu đến năm 2030 chuyển đổi 100% số đài truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh sang đài truyền thanh ứng dụng CNTT - viễn thông. Thiết lập bảng tin điện tử công cộng cấp xã, cấp huyện để cung cấp thông tin thiết yếu cho người dân; riêng hệ thống bảng tin điện tử cấp huyện sẽ được kết nối với hệ thống thông tin nguồn của tỉnh; từng bước chuyển đổi hoạt động của cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện thành cơ sở truyền thông thuộc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao các huyện, thành phố có thể sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện. Trong giai đoạn 2025-2030 sử dụng các thiết bị kỹ thuật số, các phần mềm phân tích dữ liệu lớn kết hợp với công nghệ trí tuệ nhân tạo để lưu trữ và quản lý nội dung, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, nâng cao chất lượng nội dung tuyên truyền. Xây dựng hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh, đảm bảo kết nối, liên thông với hệ thống thông tin nguồn của Trung ương; chia sẻ, truy xuất dữ liệu đến các hệ thống TTCS. thiết lập Cổng thông tin điện tử TTCS tỉnh kết nối với Hệ thống thông tin nguồn và Cổng thông tin điện tử TTCS Trung ương để đăng tải các bản tin, thông tin chuyên đề, phổ biến các văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về TTCS để người dân có thể truy cập, theo dõi, đồng thời gửi ý kiến phản ánh, đánh giá, nhận xét về hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật ở cơ sở. Đối với công tác nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác TTCS, các địa phương căn cứ điều kiện thực tế, bố trí công chức văn hóa xã hội kiêm nhiệm hoặc người hoạt động không chuyên trách cấp xã trực tiếp quản lý, vận hành hệ thống TTCS theo hướng tinh gọn và hiệu quả. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ phụ trách về CNTT và cán bộ làm công tác TTCS.

Việc đầu tư mạnh mẽ công nghệ kết hợp với nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ phụ trách TTCS chắc chắn góp phần đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin, kiến thức cần thiết cho cuộc sống lao động, sản xuất kinh doanh của người dân; đồng thời chủ động đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, xấu độc, xuyên tạc, góp phần củng cố sự đoàn kết và đồng thuận xã hội ở cơ sở và từ cơ sở./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com