Giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật kiến trúc di tích Đình Trấu

04:02, 25/02/2022

Về xã Đại An (Vụ Bản) hôm nay, du khách không chỉ chứng kiến cảnh đẹp của một vùng nông thôn mới trù phú, phát triển mà còn chiêm ngưỡng hệ thống di sản văn hóa dày đặc. Trong đó, Đình Trấu, làng An Cự là một trong 2 di tích của xã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Đình Trấu là nơi thờ Thái Thượng Lão Quân - nhân vật truyền thuyết, được coi là ông tổ của Đạo giáo Trung Quốc du nhập vào nước ta và trở thành thiên thần trong đời sống tâm linh của người Việt. Theo các tư liệu Hán Nôm (thần tích, thần sắc) lưu giữ tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các câu đối, đại tự lưu giữ tại Đình Trấu thì Thái Thượng Lão Quân là người có học vấn thâm sâu, tu hành đắc đạo thành tiên, nhiều lần hóa thân xuống cõi trần, đem hiểu biết và đạo pháp của mình truyền bá cho nhân dân, giúp dân thoát khỏi nhiều kiếp nạn. Thái Thượng Lão Quân dù hóa thân ở nhiều nhân vật khác nhau, thời đại khác nhau nhưng đều có một điểm chung là lấy đạo đức làm gốc, sống thanh đạm, yêu thiên nhiên và thuận theo tự nhiên. Cùng với thờ tự Thái Thượng Lão Quân, Đình Trấu còn phối thờ hai cha con họ Vũ là Tiến sĩ Vũ Vĩnh Trinh và Hoàng giáp Vũ Duy Thiện. Hai ông đều là những nhà khoa bảng thông minh, tài giỏi, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình nhà Lê (thế kỷ XV). Người cha Vũ Vĩnh Trinh là một trong những nhân tài của khoa thi Tiến sĩ đầu tiên đời Vua Lê Thái tổ. Ông là người đặt nền móng cho việc thi cử vào khuôn phép dưới thời Vua Lê Thánh Tông, từng làm quan đến chức Hàn lâm viện Đại học sĩ, quyền Lễ bộ Hữu thị lang. Kế tục sự nghiệp của cha, người con Vũ Duy Thiện là người học cao, hiểu rộng, đem tài trí của mình giúp dân, giúp nước, từng làm quan đến chức Hiến sát sứ Nhập thị kinh diên. Cả hai cha con họ Vũ đều là những vị quan thanh liêm, chính trực, làm quan không màng công danh, phú quý, chỉ lo việc đào tạo, tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Sau khi hai ông mất, để ghi nhớ công ơn, dân làng đã lập bài vị thờ tự tại đình và suy tôn là Phúc thần.

Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Đình Trấu, làng An Cự.
Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Đình Trấu, làng An Cự.

Cụ Phùng Bá Quốc, 85 tuổi, Trưởng ban kiến thiết, trùng tu, tôn tạo Đình Trấu cho biết: Tên gọi Đình Trấu được người dân truyền miệng theo lệ làng xưa, khi thanh niên đến tuổi trưởng thành thì phải sắm lễ vật bánh chưng, bánh dày đến đình làng để tế lễ. Các lễ vật đều được làm từ thóc qua xay, xát, giã tách vỏ trấu ra thành gạo làm bánh để cúng thần linh nên dân gian thường gọi Đình làng An Cự là Đình Trấu.

Qua khảo sát, nghiên cứu, tìm hiểu các nguồn tư liệu lưu giữ tại di tích cùng truyền thuyết tại địa phương thì Đình Trấu xưa được xây dựng năm 1429, ngay sau khi Tiến sĩ Vũ Vĩnh Trinh đỗ đạt. Thuở ban đầu, ngôi đình có quy mô nhỏ với 1 gian bằng bổi, mái lợp tranh, cách vị trí đình hiện nay 1km về phía đầu làng. Năm 1648-1649, Quận công Vũ Công Chấn (chắt của Tiến sĩ Vũ Vĩnh Trinh) đã tôn tạo, mở rộng lại đình. Trải qua nhiều lần trùng tu, phục dựng, Đình Trấu vẫn mang đậm giá trị nghệ thuật kiến trúc dân gian. Đình được xây dựng trên một khu đất cao ráo, rộng hơn 9.000m2, mặt quay hướng nam. Nhìn trên mặt bằng tổng thể, Đình Trấu gồm các hạng mục: ao đình, sân đình, nghi môn và công trình kiến trúc trung tâm kết hợp với nhiều cây xanh bóng mát tạo nên khung cảnh linh thiêng, cổ kính. Nghi môn đình xây dựng bề thế với 3 cổng ra vào. Cổng giữa dựng bởi 2 đồng trụ cao 5,6m, đỉnh đắp nghê chầu; 2 cổng bên xây thấp theo kiểu cổ đẳng 2 tầng, 8 mái cùng hệ thống tường bao khép kín bảo vệ di tích. Sân đình rộng 312m2 lát gạch đỏ, thuận tiện cho việc tế lễ. Hai bên sân đình xây 2 tòa lâu nhỏ là nơi thờ các vị thổ thần. Công trình kiến trúc chính của đình xây hình chữ Đinh gồm: tiền đường 5 gian, trung đường 3 gian, hậu cung 3 gian. Bộ mái tiền đường lợp ngói nam, đắp họa tiết lưỡng long chầu nhật. Bộ cửa gỗ tiền đường gồm 3 khoang, thiết kế theo kiểu thượng song hạ bản. Phần trang trí mỹ thuật tại tiền đường tập trung thể hiện ở các cấu kiện: con rường họa tiết hoa sen, lá lật đường nét tinh tế; các ván mê trang trí họa tiết hoa mai, lá lật; hệ thống 4 cây bẩy trang trí sinh động các đề tài lá lật, lá lật hóa long, chữ Thọ. Kiến trúc tòa tiền đường còn được liên kết chặt chẽ với nhau bằng các cấu kiện xà dọc, xà ngang làm bằng chất liệu bê tông giả cổ. Tòa trung đường được xây dựng chủ yếu bằng các vật liệu gỗ, gạch và bê tông. Các kết cấu: vì, xà, câu đầu, trụ, ván mê trang trí các đề tài: hổ phù, long vân… Hậu cung là nơi đặt ngai, bài vị Thái Thượng Lão Quân ở chính giữa, hai bên là ngai, bài vị Tiến sĩ Vũ Vĩnh Trinh và Hoàng giáp Vũ Duy Thiện. Đình Trấu hiện còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị như: khám thờ, bài vị, câu đối sơn son thếp vàng, các đường nét chạm khắc mềm mại, tinh xảo mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn; bia đá soạn năm Bính Ngọ, niên hiệu Thành Thái 18 (1906) chạm khắc chữ Hán nói về việc tu sửa đình và điều lệ làng An Cự xưa; mũ thờ bằng đồng họa tiết lưỡng long, vân mây, mặt trời...

Không chỉ có giá trị về lịch sử và nghệ thuật kiến trúc cổ xưa, Đình Trấu còn gắn với các phong trào cách mạng kháng chiến hiện đại. Trong cách mạng tháng 8-1945, đình là nơi tổ chức mít tinh thành lập chính quyền cách mạng xã Đại An và phát động phong trào “Bình dân học vụ”, tổ chức các lớp học chữ cho người dân quê hương. Trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954), đình là nơi tổ chức các hoạt động nuôi giấu cán bộ cách mạng, hội họp của dân quân du kích địa phương. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), đình là nơi tổ chức các hoạt động tuyên truyền chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng, phát động các phong trào tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và nhiều hoạt động yêu nước, tiễn con em địa phương lên đường nhập ngũ. Đất nước hòa bình, Đình Trấu là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng, tín ngưỡng của người dân địa phương. Hàng năm, tại đình diễn ra nhiều kỳ lễ như: lễ Thượng điền, lễ Hạ điền, lễ Thường tân cùng các ngày sóc, vọng hàng tháng. Kỳ lễ hội lớn nhất trong năm được tổ chức vào ngày 15-2 âm lịch kỷ niệm ngày sinh của Thái Thượng Lão Quân. Vào ngày này, đông đảo dân làng và du khách thập phương có mặt từ sáng sớm, tề tựu tại sân đình. Các cụ già đại diện cho các dòng họ vào đình để tế lễ, cẩn cáo với các vị thần linh những việc đã làm được trong năm cũ, cầu phúc lộc, bình an cho dân làng trong năm mới. Lễ vật đơn giản gồm: hương, đăng, trà, quả, thực, thể hiện sự nâng niu, quý trọng các sản vật nông nghiệp truyền thống mà dân làng làm ra để thành kính dâng lên các vị thần. Lễ hội Đình Trấu tuy diễn ra trong phạm vi hẹp, đơn giản về quy mô tổ chức nhưng trang trọng thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân địa phương đối với các vị thần; phản ánh đời sống văn hóa tinh thần phong phú của một vùng quê giàu truyền thống lịch sử.

Đình Trấu được chính quyền và nhân dân địa phương, con em làm ăn thành đạt xa quê hương huy động các nguồn lực xã hội hơn 1 tỷ đồng để trùng tu, xây dựng không gian, quy mô kiến trúc di tích. Tổ chức các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, tham mưu xây dựng hồ sơ, lí lịch di tích trình các cấp thẩm quyền phê duyệt; từng bước phục dựng các sinh hoạt văn hóa truyền thống qua các kỳ lễ hội. Để phát huy giá trị văn hóa lịch sử của di tích, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Đại An tiếp tục quan tâm công tác quản lý, bảo vệ di tích theo Luật Di sản văn hóa; tu bổ, tôn tạo các hạng mục của di tích chống xuống cấp; xây dựng thêm các công trình phụ trợ phù hợp với cảnh quan, môi trường di tích; thực hiện đồng bộ các biện pháp chống xâm hại di tích. Nâng cao nhận thức của người dân, phát huy vai trò, trách nhiệm của các thành viên trong Ban quản lý di tích, tránh tình trạng mất cắp, hư hỏng cổ vật, làm sai lệch hiện trạng di tích. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, phát huy nét đẹp văn hóa lễ hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh của nhân dân./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com