Đặc sắc lễ hội mùa xuân ở Nam Trực

01:02, 03/02/2022

Nam Trực là vùng đất cổ giàu truyền thống lịch sử - văn hóa với 397 di tích, trong đó 13 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, 48 di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh. Gắn với hệ thống di tích là các sinh hoạt văn hóa dân gian, hàng trăm lễ hội truyền thống của nhân dân làng xã từ bao đời nay, trong đó thường  tập trung vào 3 tháng mùa xuân.

Lễ hội đền Gin, xã Nam Dương (ảnh trên); Gian hàng bán đồ cổ, giả cổ tại Chợ Viềng xuân Nam Giang (ảnh dưới).
Lễ hội đền Gin, xã Nam Dương.

Điểm đến đầu tiên trong những lễ hội mùa xuân ở Nam Trực là hội chợ Viềng mồng 8 tháng Giêng. Từ xa xưa, người dân nơi đây đã truyền nhau câu ca: “Bỏ con, bỏ cháu, không bỏ hai mươi sáu chợ Yên/ Bỏ tổ bỏ tiên không bỏ chợ Viềng mồng tám” để khẳng định ý nghĩa đặc biệt về mặt tâm linh của phiên chợ này. Trong mưa xuân ấm áp làm vạn vật hồi sinh sau những ngày đông giá, người dân và du khách từ khắp nơi lại nô nức đổ về phiên chợ cầu may chỉ diễn ra một lần trong năm. Chợ Viềng được ví như cuộc trưng bày thành tựu kinh tế - xã hội của các địa phương trong và ngoài tỉnh với rất nhiều mặt hàng phong phú, đa dạng, các đặc sản vùng miền, sản phẩm của các làng nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm cùng về tụ hội. Nổi bật là hoa, cây cảnh của làng nghề Vị Khê, xã Điền Xá; các sản phẩm đồ đồng đến từ làng nghề đúc đồng Đồng Quỹ, xã Nam Tiến; sản phẩm đồ sắt, nông cụ của làng rèn Vân Chàng, thị trấn Nam Giang; hàng thủ công mỹ nghệ của hầu hết các làng nghề nổi tiếng trên cả nước. Song thu hút, hấp dẫn du khách hơn cả là mặt hàng đồ cổ, đồ giả cổ với đủ loại đồ đồng, đồ đá, đồ sứ, đồ gỗ; sản phẩm hoa, cây cảnh cùng nhiều đặc sản văn hóa ẩm thực quê hương vùng đồng màu như thịt bò thui rơm, phở bò Giao Cù, kẹo lạc thôn Thượng Nông, khoai lang lim chợ Chùa... Ngoài ý nghĩa của phiên chợ mua bán lấy may, chợ Viềng còn hội tụ nhiều giá trị văn hóa truyền thống với các trò chơi dân gian, các môn nghệ thuật độc đáo như chọi gà, đánh đu, cờ người, cờ tướng, đấu vật, múa rối cạn, rối nước, xin chữ, nặn tò he… Sau lễ hội chợ Viềng là lễ hội hoa, cây cảnh Vị Khê được tổ chức từ ngày 12 đến ngày 16 tháng Giêng âm lịch để tưởng nhớ, tôn vinh công lao của ông Tổ nghề Tô Trung Tự, người đã truyền dạy nghề trồng hoa, cây cảnh cho nhân dân địa phương làm kế sinh nghiệp lâu dài. Bên cạnh các nghi lễ tế nam quan, tế nữ quan, rước hoa cây cảnh về đình làng dâng hương ông Tổ làng nghề, lễ hội còn đặc biệt hấp dẫn, sôi động với phần hội gồm trưng bày cây cảnh, cây thế độc đáo, hoa quý; thi tay nghề, tạo thế cây cảnh nhằm bình chọn ra những tác phẩm đẹp nhất để trao thưởng; biểu diễn văn nghệ và các trò chơi dân gian… Trong đó, rước hoa cây cảnh dâng lên Đức Thành hoàng làng và ông Tổ nghề là nghi thức quan trọng, không thể thiếu, tạo nên bản sắc riêng của lễ hội thu hút đông du khách thập phương. Qua lễ hội hoa cây cảnh Vị Khê, theo câu ca truyền tụng “Hai mươi phát tấu chùa Bi/Trai đi được vợ, gái đi được chồng”, người dân lại nô nức về với hội chùa Bi diễn ra vào ngày 20-22 tháng Giêng. Trong “Tân Biên Nam Định địa dư chí lược” của Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn (1880) Khiếu Năng Tĩnh có ghi:

“Giàu nghèo cũng cứ chơi xuân,
Thắp hương cầu phúc, bước chân vui vầy,
Thứ nhất thì hội Phủ Dầy
Vui thì vui vậy, không tày chùa Bi”

Sau lễ tế của các thôn, dân làng tổ chức các trò chơi dân gian chọi gà, đấu vật, đánh đu, cờ người. Đặc biệt, chùa Đại Bi thờ Từ Đạo Hạnh, vị thiền sư theo truyền thuyết là tổ sư của nghệ thuật múa rối Việt Nam, đã sáng tạo và truyền dạy cho nhân dân nhằm răn đời bỏ điều ác, làm việc thiện, hướng con người đến các giá trị chân - thiện - mỹ. Vì vậy, trong ba đêm hội, tại khu vực nội tự có trình diễn hát và múa rối đầu gỗ (còn có tên chữ là trò ổi lỗi), một hình thức rối cạn hầu Thánh đặc sắc để tỏ lòng biết ơn công đức của ngài. Múa rối chầu Thánh là sự kết hợp hài hòa giữa lời hát và âm nhạc. Các bài hát múa có nội dung kể lại sự tích, ca ngợi tinh thần đoàn kết, một lòng vì đất nước, tinh thần chiến đấu và chiến thắng giặc ngoại xâm, ca ngợi cảnh đẹp quê hương đất nước, cầu cho đất nước bình an, nhân dân no đủ… Ngoài các lễ hội kể trên, Nam Trực còn có nhiều lễ hội mùa xuân kết tinh những giá trị văn hóa đặc sắc. Tiêu biểu như lễ hội truyền thống Đền Am, thị trấn Nam Giang. Đền Am là nơi thờ tự và tri ân công đức của nhân dân địa phương đối với Đức Thánh tổ, Thiền sư Bùi Huệ Tộ (1566-1641) một vị chân tu đã suốt đời vì đạo pháp dân tộc, vì cuộc sống bình yên, no ấm của nhân dân. Hàng năm, lễ hội diễn ra trong 2 ngày mồng 9 và mồng 10 tháng Giêng nhằm tưởng nhớ công lao Thiền sư với các nghi thức tế lễ và nhiều sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian như đánh cờ, tổ tôm điếm, đánh đu, hát chèo, hát văn, bóng đá, bóng chuyền, biểu diễn múa rối nước. Đặc biệt trong múa rối nước tại hồ trước cửa Đền Am không thể thiếu tiết mục Thiền sư đi truyền bát nhã khuyến giáo thập phương công đức vào việc đúc chuông, tô tượng, sửa chùa. Lễ hội Đồng Phù, xã Nam Mỹ là lễ hội chung của hai làng Đồng Phù và làng Vô Hoạn, hàng năm tổ chức vào ngày mồng 10 đến ngày 15 tháng 3 âm lịch. Ngoài những nghi lễ thiêng liêng, trong suốt những ngày diễn ra lễ hội còn có các sinh hoạt văn hóa, các trò chơi dân gian như hát chèo, chầu văn, vật, chọi gà, tổ tôm điếm... đặc biệt là trò đấu cờ người, 3 năm mở một chương. Chương cờ mở vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu (Đồng Phù vào năm Dậu, Mão; Vô Hoạn vào năm Tý, Ngọ). Chương cờ thuộc làng nào thì làng ấy cử ra hai bà tướng và 30 quân. Bà tướng cờ phải có các tiêu chuẩn: khôi ngô, tuấn tú, đạo đức, hiền lành, nhân hậu, gia đình cơ bản và có kinh tế khá giả, có như vậy mới được làng trọng vọng và mới có khả năng khao quân suốt những ngày hội. Quân cờ là những nam tráng, nữ trinh, 15 quân nam đóng quân xanh, 15 quân nữ đóng quân đỏ với trang phục tương xứng. Hai bà tướng có trang phục đồng màu với quân nhưng đẹp hơn, đầu đội mũ tiên, mặc áo thêu, đóng đai mạng, chân đi hài. Bà tướng được võng rước ra ở cung tướng trong những ngày hội. Hội thi cờ người thu hút được rất nhiều kỳ thủ nổi tiếng trong và ngoài tỉnh tham gia. Đặc biệt có nét độc đáo so với cờ nơi khác, bởi không chỉ là một trò chơi giải trí đơn thuần mà là sự tổng hợp của lý trí, mưu lược và thời cơ, gợi cho người chơi, người xem nhớ lại thời kỳ lịch sử đầy oanh liệt về võ công, văn trị của vương triều Trần…

Lễ hội đền Gin, xã Nam Dương (ảnh trên); Gian hàng bán đồ cổ, giả cổ tại Chợ Viềng xuân Nam Giang (ảnh dưới).
Gian hàng bán đồ cổ, giả cổ tại Chợ Viềng xuân Nam Giang.

Lễ hội mùa xuân ở Nam Trực với các hoạt động văn hóa dân gian, phong tục đặc sắc không chỉ đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân mà còn thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân những người có công với dân với nước, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc của quê hương. Với ý nghĩa đó, những năm qua, các xã, thị trấn đã quan tâm đầu tư kinh phí, đẩy mạnh xã hội hóa cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích; chú trọng phục hồi những nghi lễ truyền thống, khai thác các trò chơi dân gian, những nét văn hóa bản sắc của từng địa phương trong tổ chức lễ hội, góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa trong xây dựng nông thôn mới./. 

Bài và ảnh: Lam Hồng

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com