Thực hiện Đề án “Đẩy mạnh vận động thực hiện nếp sống văn minh (NSVM) trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội trên địa bàn huyện”, cả 20 xã, thị trấn của huyện Xuân Trường đã triển khai tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng dân cư, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, xây dựng NTM kiểu mẫu giai đoạn 2020-2025.
Người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trước khi lễ Chùa Kiên Lao. |
Trên cơ sở ý kiến đóng góp, thống nhất từ nhân dân các xã, thị trấn của huyện đã tổ chức rà soát, bổ sung các nội dung của Đề án vào quy ước thôn, xóm, tổ dân phố (TDP). Sau khi quy ước thôn, xóm, TDP được UBND huyện phê duyệt, các cơ sở đã công bố công khai quy ước tại nhà văn hóa các khu dân cư; tổ chức cho đại diện các hộ dân ký cam kết thực hiện; triển khai các mô hình điểm để nhân rộng. Cùng với việc ban hành các văn bản, các địa phương đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền, quán triệt triển khai thực hiện xây dựng NSVM tới cán bộ, đảng viên, công chức từ xã, thị trấn đến các thôn, xóm, TDP, người dân và các chức sắc tôn giáo trên địa bàn. Công tác tuyên truyền được các xã, thị trấn triển khai bằng nhiều hình thức: trên hệ thống truyền thanh (4 lần/tuần), trên trang thông tin điện tử, pa-nô, khẩu hiệu… Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 đã nhiều lần bùng phát trên địa bàn tỉnh, ở mỗi đợt bùng phát dịch bệnh, căn cứ các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, huyện, UBND các xã, thị trấn đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân tổ chức việc cưới, việc tang, mừng thọ, lễ hội đảm bảo đúng quy định, tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Sau 2 năm thực hiện Đề án “Đẩy mạnh vận động thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội trên địa bàn huyện”, việc thực hiện Đề án đã tạo ra chuyển biến trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội trên địa bàn huyện được thực hiện gọn nhẹ; nhiều hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan được loại bỏ; các phong tục, tập quán tốt đẹp được phát huy. Do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên trong số lượng và quy mô đám cưới giảm nhiều so với thời điểm chưa có dịch. Từ năm 2020 đến năm 2021, toàn huyện có gần 1.800 đám cưới; trong đó có hơn 1.400 đám cưới thực hiện theo NSVM, đạt tỷ lệ 82%. Hầu hết các đám cưới chấp hành nghiêm việc đăng ký kết hôn theo quy định (chỉ có 2 đám tảo hôn tại xã Xuân Vinh), chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an ninh trật tự; lễ cưới được tổ chức trang trọng, tiết kiệm theo quy ước thôn, xóm, TDP; việc trang trí lễ cưới, trang phục cô dâu, chú rể lịch sự, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, tập quán địa phương. Chương trình lễ thành hôn được tổ chức ngắn gọn; các thủ tục liên quan được thực hiện đơn giản. Ở nhiều thôn, xóm, TDP, các gia đình làm cỗ đủ ăn, không làm cỗ để chia phần, không phô trương, lãng phí, số lượng khách mời phù hợp, không tràn lan, không tiếp khách bằng thuốc lá. Việc sử dụng rượu, bia, mở loa đài quá công suất, quá giờ quy định giảm rõ rệt. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong các đám cưới diễn ra vui tươi, lành mạnh. Nhiều gia đình đã hoãn tổ chức lễ cưới, chỉ làm thủ tục đăng ký kết hôn tại UBND xã, thị trấn và tổ chức liên hoan gọn nhẹ, không mời tiệc mặn mà chỉ mời tiệc trà.
Trong việc tang, từ năm 2020 đến nay, toàn huyện có hơn 1.700 đám tang; trong đó có hơn 1.600 đám tang thực hiện theo NSVM, đạt tỷ lệ 96%; hơn 500 đám thực hiện hỏa táng cho người đã khuất, chiếm tỷ lệ 29%. Các đám tang thực hiện theo NSVM đều tổ chức trang trọng, tiết kiệm phù hợp với quy định pháp luật, phong tục, tập quán địa phương và hoàn cảnh gia đình. Nhiều hủ tục lạc hậu được xóa bỏ, không còn tình trạng khóc thuê; số lượng vòng hoa, bức trướng phúng viếng giảm. Ban tổ chức các tang lễ đã chủ động bố trí từ 3-5 vòng hoa luân chuyển phục vụ nghi lễ phúng viếng của các tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương. Nhiều địa phương có tỷ lệ đám tang hỏa táng cao như: Xuân Hòa 71%, Xuân Hồng 62%, Xuân Châu 51%, Xuân Thủy 51%, Xuân Vinh 44%, Xuân Phong 40%, Xuân Phương 33%... Hiện tượng rắc, rải tiền thật, tiền âm phủ, giấy vàng trên đường đưa tang hầu như không còn. Các nghi lễ sau đám tang như cúng 3 ngày, hàng tuần, 49 ngày, 100 ngày tổ chức đơn giản, tiết kiệm… Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đặc biệt từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát (tháng 4-2021) đến nay, chính quyền các địa phương trong huyện đã tuyên truyền, vận động những gia đình tang hiếu rút ngắn thời gian tổ chức lễ tang, giảm bớt các nghi lễ không cần thiết, không để linh cữu người quá cố trong nhà quá lâu và tuân thủ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong quá trình tổ chức lễ tang như: đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, đo thân nhiệt, khai báo y tế, lập sổ ghi nhật ký các đoàn viếng… Ở những địa phương có nhiều đồng bào theo đạo Công giáo việc tổ chức cầu nguyện trong tang lễ được tối giản, hạn chế đưa linh cữu người quá cố vào các nhà thờ…
Vào các dịp đầu xuân 2020, 2021, UBND huyện Xuân Trường đã chỉ đạo các địa phương không tổ chức lễ mừng thọ tập trung tại nhà văn hóa, hội trường UBND xã, thị trấn. Đại diện Ban công tác Mặt trận cơ sở đến từng gia đình có người cao tuổi để tặng quà, mừng thọ. Hầu hết các gia đình không tổ chức liên hoan mời khách chúc thọ ông bà, bố mẹ mà chỉ tổ chức gọn trong từng gia đình. Là địa phương có nhiều di tích nên các lễ hội lớn được tổ chức vào dịp đầu xuân ở Xuân Trường thu hút đông người dân địa phương và du khách tham dự. Từ năm 2020 đến nay, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở VH, TT và DL, huyện đã chỉ đạo chính quyền các địa phương, Ban quản lý các di tích trên địa bàn dừng tổ chức lễ hội, không tổ chức các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng tập trung đông người. Các địa phương có di tích chỉ tổ chức cúng lễ do thủ thang, thủ từ, trụ trì các đình, đền, chùa thực hiện đảm bảo trang nghiêm. Vào các ngày sóc, vọng hàng tháng, các di tích mở cửa để người dân đến lễ, thắp hương, đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, từ khi thực hiện chủ trương chống dịch trong bối cảnh trạng thái “bình thường mới”, việc thực hiện các quy định, quy ước về NSVM trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội ở Xuân Trường đang có những biểu hiện chững lại; một số địa phương thời gian đầu thực hiện tốt nhưng công tác vận động, tuyên truyền, kiểm tra chưa được chính quyền, đoàn thể duy trì thường xuyên. Nhiều gia đình, người dân còn lơ là, chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; vẫn còn tình trạng làm cỗ nhiều, mời khách đông trong một số các đám tang, đám cưới tiềm ẩn các nguy cơ lây lan dịch bệnh. Thời gian tới, huyện Xuân Trường tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện Đề án “Đẩy mạnh vận động thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội trên địa bàn huyện” đảm bảo đồng bộ, thống nhất. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện của các địa phương; tổ chức sơ kết, tổng kết, khen thưởng các cá nhân, tập thể thực hiện tốt; phê bình, nhắc nhở các đơn vị thiếu trách nhiệm, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án. Các địa phương nêu cao vai trò của Ban chỉ đạo, tổ công tác, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là Ban công tác Mặt trận cơ sở, tranh thủ sự tham gia của các chức sắc tôn giáo, những người có uy tín trong cộng đồng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện NSVM phù hợp với bối cảnh dịch bệnh COVID-19./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng