Tỉnh ta có hơn 100 lễ hội mùa xuân. Mỗi lễ hội là hình ảnh thu nhỏ biểu đạt giá trị văn hóa truyền thống của mỗi vùng, miền. Các tục lệ trong lễ hội đầu xuân đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống trong các làng quê, thắt chặt tình làng, nghĩa xóm, ước nguyện về một năm mới mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Thi bơi chải truyền thống trên hồ Vị Xuyên, thành phố Nam Định. |
Ở các huyện: Giao Thủy, Nam Trực, Vụ Bản, Mỹ Lộc, Ý Yên và thành phố Nam Định, tục lệ trong lễ hội mùa xuân từ lâu đã trở thành loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian tổng hợp, độc đáo, phong phú, có sự tham gia của cả cộng đồng. Làng Thanh Khê, xã Nam Cường (Nam Trực) là vùng đất cổ có nhiều di tích lịch sử - văn hóa gắn với những tập tục sinh hoạt đặc sắc. Trong số những trò chơi dân gian ở lễ hội làng Thanh Khê thì chơi đu tiên trước sân Đền Thành hoàng được nhiều người ưa thích. Cội nguồn của chơi đu tiên ở Thanh Khê là tục cầu thần Mặt trời, Mặt trăng trong lễ hội phồn thực, một phong tục in sâu vào ký ức của các thế hệ người dân địa phương. Để chuẩn bị cho lễ hội diễn ra vào đêm Giao Thừa, từ những ngày cận Tết, các cụ cao tuổi có kinh nghiệm của làng đã đi tìm, chọn những cây tre già, dẻo dai để làm cây đu. Vào thời khắc Giao thừa, cả làng tề tựu trước sân đền làm lễ đưa đu. Cụ cao niên được làng trọng vọng nhất chủ trì lễ đưa đu kính cẩn dâng hương, đọc bài văn tế. Sau đó, một cụ cao niên khác có sức khoẻ được dân làng tiến cử bước lên cây đu mở màn. Ngày Xuân, già trẻ, gái trai trong làng chơi đu cho đến hết tháng Giêng mới hạ. Không chỉ là trò chơi dân gian đầu xuân mang tính chất vui chơi, giải trí, chơi đu tiên ở làng Thanh Khê là một tục lệ đầu năm gửi gắm ước nguyện của cộng đồng về một năm mới ấm no, hạnh phúc.
Người dân làng Thanh Khê, xã Nam Cường (Nam Trực) chuẩn bị vật liệu bằng tre để dựng cây đu trong dịp đầu xuân mới. |
Về xóm Chiền, xã Nam Dương (Nam Trực) từ mồng 8 đến mồng 10 tháng Chạp, du khách được hòa mình vào không khí tưng bừng của lễ hội Đền Gin. Điểm độc đáo của lễ hội là tục tế cá trắm và thi cỗ dâng Thánh - những lễ tục phồn thực đặc sắc của cư dân làm nông nghiệp lúa nước. Tục tế thần bằng cá trắm tương truyền liên quan đến bữa ăn cuối cùng của Tướng quân Kiều Công Hãn trước khi ông qua đời. Vào ngày chính kị mồng 10 tháng Chạp, cả 4 thôn: Bái Dương, Tang Trử, Hiệp Luật, Cổ Lũng tổ chức rước cá trắm về đền để tế lễ. Cá trắm dâng tế gồm 3 con thuộc giống trắm đen, nặng chừng hơn 10kg, nuôi thả tự nhiên, được tuyển chọn kỹ lưỡng từ tháng 6 âm lịch. Ở làng Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) trong những ngày diễn ra lễ hội từ 12 đến 15 tháng Giêng, ngoài tế lễ, rước kiệu còn có các hoạt động sôi nổi như: dựng cây nêu, đánh đu, leo cầu ngô bắt vịt, bốc bồi, cờ bỏi, kéo co... Đặc sắc nhất là tục thổi cơm thi, làm cỗ chay dâng Thánh - những mỹ tục độc đáo với ý nghĩa diễn lại cảnh sinh hoạt của nghĩa binh dưới thời Tướng quân Hoàng Văn Quảng theo phương châm “tích cốc phòng cơ”. Tục thổi cơm thi trong hội làng Ngọc Tiên có sự tham gia của 6 giáp, mỗi giáp 14 nam giới, đảm nhiệm tất cả các công việc từ việc “địch thủy” (lấy nước), “địch hỏa” (tạo lửa) đến thổi cơm, làm bánh. Ở phần thi “địch thủy”, nước được lấy ở sông Ninh Cơ cho vào chiếc nậm nhỏ về đổ vào nồi đáy của chõ đồ xôi. Ở trò thi “địch hỏa”, lửa được tạo ra từ bộ dụng cụ đánh lửa bằng tre, cọ vào nhau tạo ma sát thành lửa nấu cỗ, làm bánh, thổi cơm. Sự khéo léo còn được thể hiện bởi công việc đeo cần trúc làm đòn gánh lên vai để cố định niêu cơm, vừa đi vừa nấu, giữ lửa cho cơm chín. Cùng với thổi cơm, các giáp còn thi làm cỗ chay gồm 4 loại bánh khác nhau: bánh ống, bánh bìa, bánh phong, bánh giáo và một bát chè đường. Sau 2 tiếng rưỡi, các đội phải hoàn thành mâm cỗ chay để dâng cúng đức Thành hoàng làng. Sau 1 tuần hương, cỗ chay của các giáp được mang ra sân đình chấm điểm. Ban tổ chức trao giải cho cả 6 giáp tham dự, trong đó giáp nào đạt giải Nhất thì được dân làng ưu tiên cắt đặt công việc trong suốt một năm. Xưa kia, mâm cỗ đạt giải Nhất được dành riêng để Chánh Tổng đem biếu các Tổng bạn để tỏ lòng kính trọng, hòa hảo và muốn khoe mỹ tục của Tổng mình. Ngày nay, sau khi tan hội, cỗ của các xóm được mang về chia đều cho tất cả dân làng.
Ở tỉnh ta, một trong những tục lệ mang giá trị tinh thần đặc sắc gắn với đời sống của nền văn minh nông nghiệp lúa nước là tục rước nước có trong nhiều lễ hội như: lễ hội Khai ấn Đền Trần, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định); lễ hội Chùa Nhuệ, thôn An Lá, xã Nghĩa An (Nam Trực); lễ hội Đền Độc Bộ, xã Yên Nhân; lễ hội Phủ Quảng Cung, xã Yên Đồng, lễ hội Đình Đông Cao Thượng, xã Yên Lộc (Ý Yên); hội làng Hải Lạng, xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng)… Tục rước nước, tế cá trong lễ hội Khai ấn Đền Trần diễn ra vào ngày 12 tháng Giêng hàng năm. Địa điểm rước nước xuất phát từ Đền Cố Trạch ra giếng Rồng lấy nước. Khi kiệu rước nước dừng bên giếng Rồng, một cụ già làng múc 5 gáo nước đổ vào chóe theo tiếng trống giục. Việc lấy nước kết thúc sau 3 hồi trống. Sau đó chóe nước được phủ bằng một tấm vải đỏ và rước lên kiệu. Sau khi lấy nước, đoàn lễ tổ chức đánh cá tại ao cạnh giếng Rồng, đánh bắt 2 loại cá Triều đẩu (cá quả) và Long ngư (cá chép), rước về Đền Thiên Trường để thực hiện nghi lễ. Nước trong chóe được chia đều sang ba chiếc bình, các thủ từ đại diện các Đền Thiên Trường, Đền Cố Trạch và Đền Trùng Hoa làm lễ rước nước về bản đền để thờ. Cá sau khi làm lễ tế trong đền được rước cá phóng sinh ra sông Hồng tại đoạn đê Hữu Bị, xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc). Tục lệ này có ý nghĩa tri ân tổ tiên nhà Trần, ước mong Hào khí Đông A mãi toả sáng, đồng thời thể hiện tư tưởng khuyến ngư của Vương triều Trần.
Ngày xuân, tham dự lễ hội, cung nghinh lễ tế và vui chơi giải trí với các sinh hoạt văn hóa cộng đồng lành mạnh. Qua đó, thể hiện tâm tư hướng về nguồn cội, giữ gìn đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; đồng thời tôn vinh các giá trị nền văn minh lúa nước với ước nguyện hướng tới “chân - thiện - mỹ” của người dân mỗi dịp Tết đến, Xuân về./.
Khánh Dũng
Ảnh: Chu Thế Vĩnh và Khánh Dũng