Dưới mái đình xưa

08:01, 30/01/2022

Đến ngôi đền Liệt tổ Khải, xã Hải Anh (Hải Hậu), chúng tôi gặp cụ Trần Trọng Hùng, thành viên Câu lạc bộ (CLB) Hán Nôm Quần Anh Hải Hậu đang sửa soạn bút nghiên, giấy mực, áo the, khăn đống… chuẩn bị “lai Kinh ứng thí” Hội chữ Xuân Nhâm Dần 2022 được tổ chức thường niên tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội). Cụ hồ hởi cho biết: Trong xu hướng giao lưu, hội nhập với các nền văn hóa thế giới ngày càng phát triển, việc truyền dạy chữ Hán Nôm nhằm giúp thế hệ trẻ hiểu rõ ngọn ngành gốc rễ tổ tiên, nền nếp gia phong. Suốt 20 năm, qua 10 khóa học, CLB Hán Nôm Quần Anh Hải Hậu đã đào tạo hàng trăm học viên có khả năng khai thác, truyền dạy, ứng dụng vốn Hán Nôm sâu xa của cổ nhân để lại vào thực tế cuộc sống hàng ngày. 

Các thành viên lớp học chữ Hán Nôm xã Hải Anh (Hải Hậu) trình diễn viết thư pháp.
Các thành viên lớp học chữ Hán Nôm xã Hải Anh (Hải Hậu) trình diễn viết thư pháp.

Dưới mái đình xưa

Sử sách còn ghi, thế đất Quần Anh có hình Long Cồn vươn về phía Bắc, lưng đất lượn 9 khúc, thổ nhưỡng ở đây phì nhiêu, long mạch thuận tiện, vượng thế rất thoáng đãng. Cách đây hơn 5 thế kỷ, tứ tổ: Vũ Chi, Trần Vũ, Phạm Cập, Hoàng Gia và 9 dòng họ nhìn ra thế đất đẹp, hội tụ về đây sinh cơ lập nghiệp. Đất Quần Anh trở thành địa danh mở đầu cho cuộc khai hoang, lấn biển nên những xóm làng trù phú và hình thành nên huyện Hải Hậu ngày nay. Ngoài việc khai hoang lấn biển, mở mang điền địa, Thuỷ tổ Quần Anh còn quan tâm tới nhiều mặt đời sống: mời thầy dạy chữ, dạy nghề, bắc cầu, mở chợ, xây đình, chùa, đền làm cho vùng quê ven biển có cuộc sống yên vui, nền nếp. Năm 2009, CLB Hán Nôm Quần Anh Hải Hậu thành lập. Ông Nguyễn Văn Miên, chủ nhiệm CLB cho biết: Mục tiêu hoạt động của CLB đề ra là khai thác vốn văn bản Hán Nôm tại địa phương, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của số đông người yêu thích văn hóa Hán Nôm. Khóa học đầu tiên mở tại nhà thầy Nguyễn Văn Tiệp, sau này được sự giúp đỡ của Huyện ủy, UBND, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, Đảng ủy, UBND xã Hải Anh, lớp học chữ Hán Nôm chủ yếu được tổ chức tại Nhà lưu niệm Vũ Văn Hiếu, đình, đền, từ đường các dòng họ trên địa bàn xã cho tiện việc đi lại, sinh hoạt của thầy và trò. Đều đặn mỗi tháng 4 buổi vào ngày chủ nhật hàng tuần, dưới mái đình xưa, những mái đầu bạc kề bên mái đầu xanh chăm chú, thầy say mê giảng giải, trò miệt mài bút sách. Ngoài học chữ cơ bản; những tác phẩm văn học bằng chữ Hán Nôm như văn thơ thời Lý, Trần, Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều đến kiến thức khoa học cổ truyền phương Đông đều được các thầy biên soạn, truyền thụ cho học trò. Bên cạnh đó, những văn bia, đại tự gắn liền với quá trình khai cơ, lập ấp, xây dựng đình, đền, chùa ở những công trình kiến trúc cổ trong làng, trong xã như: Cầu Ngói - Chùa Lương, từ đường, đền thờ Tứ tổ… là những tư liệu quý giá để thầy trò “dùi mài kinh sử”. Nhờ đó, các học viên nhanh chóng có đủ khả năng thực hành chữ Hán Nôm ở nhiều lĩnh vực như: Viết thư pháp, viết hoành phi câu đối, khắc chữ trên tranh gỗ, tranh dân gian, đồng thời khám phá tư liệu cổ về y học, dịch thuật, những nét đẹp trong những tác phẩm văn học Hán Nôm. 

Các thành viên lớp học Hán Nôm xã Hải Anh (Hải Hậu) tìm hiểu giá trị lịch sử Di tích Cầu Ngói - Chùa Lương.
Các thành viên lớp học Hán Nôm xã Hải Anh (Hải Hậu) tìm hiểu giá trị lịch sử Di tích Cầu Ngói - Chùa Lương.

Học trong quá khứ, sống trong thực tại... 

Qua gần 20 năm mở lớp, đến nay, lớp học chữ Hán Nôm đã quy tụ được hàng trăm học viên yêu văn hoá cổ truyền của ông cha là người cao tuổi, cán bộ hưu trí, đương chức, giáo viên, công nhân, nông dân, tăng, ni, phật tử… Người cao tuổi nhất đã ngoài 70 tuổi, còn nhỏ nhất vừa mới lên 10. Mỗi người một suy nghĩ về chữ Hán Nôm khác nhau nhưng cùng tựu chung lại là học Hán Nôm là chữ “thánh hiền”, là học lễ, học nghĩa, học cách tu tâm, dưỡng tính để xử trí công việc hàng ngày sao cho phải đạo giữa xã hội xô bồ như tâm niệm của cụ Nguyễn Văn Tiệp, người thầy đầu tiên và là người sáng lập ra CLB Hán Nôm xã Quần Anh. Với suy nghĩ đó, mỗi học viên lần lượt ứng dụng vốn Hán Nôm được truyền thụ vào công việc, đời sống hàng ngày của mình. Lớp người cao tuổi tham gia lớp học Hán Nôm tâm sự: Trước đây nhiều người trong nhóm chúng tôi đã muốn học chữ Hán Nôm nhưng do bận công tác; giờ mới có điều kiện để học. Học chữ Hán Nôm đã giúp chúng tôi hiểu thêm về văn hóa, đạo đức, lễ nghĩa, gia phong để răn dạy con cháu, lo việc tiên tổ, làng xóm được tốt hơn. Nhiều học viên là những thầy, cô giáo dạy văn hóa, dạy nghề; quá trình đọc sách và dạy học gặp rất nhiều từ, ngữ nghĩa cổ. Nhờ theo học chữ Hán Nôm đã hiểu biết sâu hơn về lịch sử, văn học nước nhà và nâng tầm trong việc soạn giáo án, cũng như giảng dạy trên lớp. Việc học chữ Hán Nôm giúp những người thợ trẻ ở làng nghề mộc mỹ nghệ hay phục dựng, kinh doanh đồ giả cổ làm nghề tinh hơn nhờ hiểu các ký tự Hán Nôm trên các hiện vật; thuyết giải và tạo hình theo tích cổ cho các công trình kiến trúc, xây dựng theo lối xưa. Đây là bí quyết để làng nghề mộc mỹ nghệ phục dựng, kinh doanh nhà cổ và cả buôn bán, trao đổi đồ cổ ở Hải Anh nói riêng và của cả tỉnh nói chung được khách hàng “kỹ tính”, “sành chơi” trên toàn quốc tìm đến để giao thương. Đồng chí Lưu Văn Tình, Chủ tịch UBND xã Hải Anh chia sẻ: Mưa dầm thấm lâu, 20 năm với hàng trăm học viên của lớp học Hán Nôm đã góp phần giúp người dân Hải Anh gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống trong mỗi gia đình, dòng họ; phát huy truyền thống hiếu học và tinh thần khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đẩy lùi những thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội, hướng con người tới lối sống tốt đẹp, văn minh, tạo bước phát triển bền vững về kinh tế - xã hội.

Lớp học chữ Hán Nôm trong ngôi đền Thủy tổ không đơn thuần là dạy chữ, dạy nghĩa mà trở thành nơi trao truyền những giá trị văn hóa từ đời cha ông cho lớp lớp cháu con./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com