Mùa xuân này là xuân thứ năm An chưa về quê, không được đón Tết cùng mẹ. Hai năm đầu mới vào Sài Gòn, phần vì cuộc sống khó khăn, phần vì công việc nên cô không về quê được. Đến năm thứ ba thì cưới chồng trước Tết, năm đầu tiên về làm dâu nhà người, An “khất” mẹ sang năm về. Các năm tiếp theo thì cứ gần vào Tết, thằng con lại lăn ra ốm. Sợ con còn nhỏ, đường xa đi lại vất vả cộng thêm khác biệt thời tiết, An không dám cho con về. Mặc dù đôi khi giữa ngược xuôi phố phường nhộn nhịp, nhìn hoa mai khoe sắc, cô chợt thấy lòng se sắt nhớ cây mận già đầu ngõ của mẹ đơm hoa, báo ngày Tết đến. Bước chân xuống phố, nắng vàng như mật ngọt chảy tràn, lại nhớ cái tiết trời âm u, nằng nặng, đôi khi có thêm sương và mưa của miền Bắc những ngày giáp Tết. Chỉ có khoảng hai giờ bay thôi mà sao không thể về ngay với mẹ? Giữa phố đông, An nghe “vị” cay sộc lên sống mũi rồi bỗng dưng nước mắt chảy tràn. Rồi lại cố dằn lòng, năm nay sẽ về…
Giữa trưa xách lỉnh kỉnh nào giò, nào rau dưa, cá thịt về nhà, An ngồi bệt xuống thở dốc. Nắng phương Nam không rát như nắng ngoài Bắc nhưng cũng đủ làm da người hanh hao. Lại nhớ những ngày cận Tết, để trị da khô nẻ cho con gái, mẹ thường ra sau vườn tìm cắt nào là hương nhu, lá bưởi, lá sả, cúc tần, nhổ luôn cả bụi mùi già còn nguyên rễ không quên thái vài lát gừng về nấu nước giục con tắm. Để rồi, mỗi lần bước ra khỏi nhà tắm, cả người An như được xông tinh dầu sảng khoái và luôn phảng phất mùi hương. Từ ngày vào Sài Gòn sinh sống, nhất là từ khi sinh con, chả mấy khi cô có thời gian để mà thư giãn, làm gì cũng vội vàng, nói gì đến việc ngâm mình trong bồn tắm. Đang lúi húi soạn sửa đồ và mơ màng những ký ức cũ thì chồng An vẻ mặt hào hứng đến bên thỏ thẻ: có khi sang năm nữa mới về ngoại được em ạ(!). An lớn giọng, đã thống nhất năm nay về ngoại ăn Tết rồi mà. Chồng cô thủng thẳng, Tết này, cơ quan anh thưởng to, một chuyến du lịch cho cả gia đình ở Singapo. Anh đăng ký cả nhà mình đi nhé. Không mất chi phí, cơ hội ngàn vàng. Giọng An trầm rồi nhỏ dần. Nhưng em đã báo với bố mẹ cả rồi. Không sao em ạ, để anh nói chuyện lại với bố mẹ, chắc các cụ sẽ thông cảm thôi. 5 năm rồi em không về nhà ăn Tết, bố mẹ chắc mong lắm. Nhưng 5 năm nữa mình chưa chắc có cơ hội được đi nước ngoài. Hơn nữa cả phòng anh đều đi, mình không đi, mọi người có khi lại suy đoán không hay. Mình có lý do chính đáng mà anh, An nhỏ giọng năn nỉ chồng. Anh nghĩ, con chúng ta cũng đã bắt đầu có nhận thức, những chuyến đi thế này là dịp trải nghiệm rất tốt. Anh sẽ đền bù cho vợ, sau Tết anh đưa mấy mẹ con về quê nhé. Thật nhé, giọng An hào hứng thấy rõ. Vậy em gọi điện báo ông bà đi, chồng cô “chốt hạ”… Mẹ hiểu rồi, nên đi chứ con gái, có phải khi nào cũng có cơ hội để được đi, với cả sau Tết con về mà. Giờ Tết nhất có gì quan trọng lắm đâu, hơn ngày thường tý thôi, bố mẹ ở nhà một mình mãi quen rồi, không sao, không sao, con cứ đi chơi vui vẻ là được. Thằng Mon được đi chơi chắc phấn khởi lắm ấy nhỉ… Thôi nhé, mẹ đang bận tý, mẹ gọi lại sau. Nghe mẹ nói một hơi, bỗng nhiên An chững lại, có chút mâu thuẫn, buồn buồn. Rồi cô tự chặc lưỡi, đến mẹ còn động viên nên đi chơi cơ mà. Ra Tết là được về với mẹ rồi, nghĩ thế cô vui vẻ đi chuẩn bị những đồ đạc cần thiết cho chuyến đi.
Chiều cuối năm tất bật, An “trôi” giữa dòng người, phố xá mua sắm. Cô chạy ngược lên bến xe, tìm mua đúng loại trầm hương có mùi thơm ngọt, khói màu trắng, vốn là loại mẹ rất yêu thích. Tết năm đầu tiên vào Sài Gòn, qua người bạn giới thiệu, An mua được loại trầm này, gửi xe về cho mẹ. Mẹ đốt suốt cả mấy ngày Tết, ai vào chơi cũng nức nở, “quà” con An gửi về. Năm nay bận rộn quá, đến giờ biết không về được cô mới ra mua trầm gửi cho mẹ. Phải “dỗ” mẹ mới được. Tiện đường mua trầm, An vòng ra bến xe gửi quà về cho mẹ. Ngày cuối năm, bến xe không còn đông đúc như mấy ngày giáp Tết. Có lẽ chỉ những ai bận rộn quá mới đành “lỡ chuyến” về đợt vét cuối cùng. Hoặc giả là giờ mới thu xếp xong việc để về nhà. Cuối bến, An nhìn thấy 2 người, họ là một cặp bố con đang “tiễn” nhau về quê. Cô nghe giọng trầm của ông bố dặn con, ra Tết bố về, con về trước lo Tết nhất, nhà cửa với mẹ, nhớ ra mộ thắp hương cho ông bà, quét lại cho bố gốc cây táo, phòng mùa xuân sâu bệnh. Nói với mẹ, mùng 3 có người lên trực là bố về ngay, bố cầm vé xe đây rồi. Hay bố về trước đi, con trực hộ bố được mà, mẹ ở nhà mong bố lắm ấy. Với cả, bố về lo được nhiều việc hơn con. Thằng này, bố bảo không nghe à, năm ngoái bố về trước rồi, bố con mình phải thay nhau về động viên mẹ. Bố con ta, ai về cũng được, miễn là về nhà con ạ. Tết mà không về được nhà, người đi xa đã buồn, người ở nhà còn buồn và trống trải hơn. Đến tuổi của bố mẹ, con sẽ hiểu, chẳng cần Tết phải mâm cao cỗ đầy, chẳng cần Tết phải tiền tiêu rủng rẻng. Tết với bố mẹ, vui nhất là con cái, cháu chắt đủ đầy, quây quần. Tết là đoàn viên, là gặp gỡ, sum họp... Chỉ cần các con về là có mùa xuân, giọng của người đàn ông nghèn nghẹn rồi lạc dần trong gió. Năm nay con sẽ về trước, sang năm, nhất định bận mấy thì bận, không có nhiều tiền cũng được, bố con mình sẽ về cùng nhau, cùng lo Tết với mẹ, bố nhé. Người đàn ông cầm tay con trai run run, con về đi, mẹ đang mong. Nói với mẹ, bố cầm vé xe rồi nhé, người đàn ông trung tuổi, tóc muối tiêu quay người đi nhanh, bàn tay vụng về lau vội giọt nước mắt.
An se sắt cả lòng, con cũng sẽ về, không đi chơi nữa, không đi đâu nữa... Để Tết này nhà ta cũng là Tết đoàn viên, để đón mùa xuân. An tự nhủ, vội vã quay xe chạy thẳng vào khu vực mua vé./.
Nguyễn Hoa Xuân