Đặc sắc một số loại hình nghệ thuật dân gian thời Trần

12:01, 31/01/2022

Mảnh đất Thiên Trường xưa từng là kinh đô thứ 2 của vương triều Trần với nhiều lễ hội truyền thống mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Trong các lễ hội Xuân nổi tiếng trên vùng đất này, phải kể đến Lễ Khai ấn Đền Trần phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) và lễ hội đình Cao Đài, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) tổ chức vào cuối tháng Giêng. Điểm nhấn trong các lễ hội là có các màn nghệ thuật diễn xướng dân gian đặc sắc qua điệu múa Bài Bông và diễn tích “Thuyền chài bắt giặc Tàu Ngô”, “Quan quân địa phương dọn đường cho quân lính đi đánh giặc” gắn liền với công cuộc chống giặc ngoại xâm bảo vệ bờ cõi quốc gia của quân, dân nhà Trần.

Điệu múa Bài Bông (bắt Bài Bông) là loại hình dân ca, dân vũ độc đáo được trình diễn tại Lễ Khai ấn Đền Trần vào giữa đêm 14 và mở đầu cho ngày 15 tháng Giêng - ngày làm việc đầu tiên của triều đình sau những ngày nghỉ Tết. Tương truyền điệu múa này do Thái sư Trần Quang Khải dàn dựng để biểu diễn mừng quân dân ta chiến thắng giặc Nguyên - Mông. Múa Bài Bông gồm 9 màn, nhưng phần lớn chỉ diễn 6 màn cơ bản: màn giáo đầu, bài hát Xuân (ca ngợi cảnh sắc vui tươi của đất trời và lòng người khi vào Xuân), rồi tiếp đến là các bài Hạ, Thu, Đông. Một đội múa Bài Bông ít nhất gồm 4 người và tuỳ theo mức độ quan trọng của không gian diễn xướng mà tăng số lượng người lên gấp đôi (8 người hoặc 16 người), những dịp đại lễ có 32 người, 64 người tham gia. Các vũ công khi múa thì mặc áo mã tiền thêu kim tuyến, chân áo đính chân chỉ hạt bột, trên mũ gắn một quả bông, hai bên vai đeo đèn hình hoa sen, tay cầm quạt tàu, lúc thì xếp quạt, lúc xòe quạt linh hoạt và trông rất vui mắt. Đi kèm với các vũ công là đội nhạc: Có quản giáp cầm trống cái giữ nhịp, người đánh đàn đáy, đàn nguyệt bốn dây (tứ đoản), đàn tam, trống mảnh, lúc tấu nhạc hợp xướng giai điệu khoan thai, thể hiện không khí vui tươi ca ngợi cảnh thái bình thịnh trị. 

Lễ hội Đình Cao Đài xưa thường tổ chức định kỳ vào cuối tháng Giêng các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi. Ngoài các nghi thức tế lễ độc đáo như lễ rước, lễ “yểm lá nhãn”, trong phần hội còn có hát chèo, các trò chơi dân gian thú vị như: đánh cờ người, thổi cơm thi, chọi gà, đấu vật… Đặc biệt, trong ngày hội còn diễn tích “Thuyền chài bắt giặc Tàu Ngô” và tích “Quan quân địa phương dọn đường cho quân lính đi đánh giặc”. Tích “Thuyền chài bắt giặc Tàu Ngô” là trò diễn xướng chỉ có ở lễ hội Đình Cao Đài. Tục truyền, sau khi đánh đuổi quân Nguyên, để giữ hòa hiếu, vua tôi nhà Trần hàng năm vẫn phải cống nạp cho triều đình phương Bắc bằng đường thủy. Thượng tướng, Thái sư Trần Quang Khải lúc bấy giờ đã nghĩ ra kế sách: Cho quân lính đóng giả thuyền chài, chặn đường đoạt lại cống vật và “Thuyền chài bắt giặc Tàu Ngô” nhằm diễn lại truyền tích đó. Các công việc chuẩn bị cho buổi diễn được dân làng chuẩn bị rất kỹ. Thuyền trong diễn tích được làm bằng gỗ nhưng nhỏ hơn thuyền thật, dài khoảng 2,5m; hai bên thuyền có dán giấy xanh đỏ. Thuyền được rước từ hồ Bến Đình trở về đình Cả biểu diễn. Mỗi thuyền có 8 thanh niên khiêng, 8 cô gái cầm mái chèo đi bên cạnh. Bên quân ta, trên thuyền có 2 người đóng vai vợ chồng thuyền chài, xung quanh có 10 người ăn mặc như dân chài. Đi trước thuyền là một hề gậy. Bên thuyền của giặc, người diễn ăn mặc như quan quân triều đình. Thuyền giặc chạy trước, thuyền ta đuổi phía sau; hai bên giao đấu với nhau trong tiếng chiêng, trống và sự cổ vũ rộn ràng của người dân. Còn tích “Quan quân địa phương dọn đường cho quân lính đi đánh giặc” diễn tả lại cảnh binh lính nhà Trần uy dũng lên đường ra biên cương đánh giặc trong sự ủng hộ, cổ vũ nhiệt thành của người dân, tạo khí thế chiến đấu của quân địa phương nơi binh lính đi qua.

Trải qua quá trình biến thiên của lịch sử, cùng với một số các bộ môn nghệ thuật dân tộc khác, múa Bài Bông và các diễn tích thời Trần trong các lễ hội xuân đã bị thất truyền. Với điệu múa Bài Bông trong lễ hội Đền Trần, phải đến năm 2012 khi Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Trần và Chùa Phổ Minh được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt thì mới được đưa vào kịch bản chương trình nghệ thuật tại lễ kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định. Cùng với đó, để khôi phục nét đẹp văn hóa truyền thống, Ban quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp đã gặp gỡ, trao đổi các chuyên gia văn hóa và Nghệ sĩ Phó Thị Kim Đức là con gái Quản giáo Giáo phường ca trù Khâm Thiên (Hà Nội) để tìm hiểu, xây dựng đề án phục hồi điệu múa Bài Bông. Còn theo Ban quản lý Di tích lịch sử - văn hóa Đình, miễu Cao Đài, khoảng 25 năm trở lại đây, lễ hội đình làng Cao Đài được khôi phục, tổ chức trở lại vào dịp kỷ niệm ngày mất của công chúa Phụng Dương (từ ngày 19 đến 23 tháng 3 âm lịch). Thông qua các tích trò cũng giúp nhân dân hiểu thêm về văn hóa, lịch sử dân tộc, nhất là hào khí Đông A trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thời Trần. 

Điệu múa Bài Bông trong Lễ Khai ấn Đền Trần và các diễn tích, các trò chơi dân gian truyền thống trong Lễ hội đình, miễu Cao Đài không chỉ giàu giá trị văn hóa nghệ thuật mà có ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Vì vậy, thời gian tới các cấp, các ngành chức năng cần quan tâm khôi phục, bảo tồn loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, góp phần phát huy giá trị văn hóa của vùng đất Thiên Trường xưa, Nam Định nay./. 

Bài và ảnh: Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com