Chơi tranh ngày Tết nét đẹp văn hóa của người Việt

09:01, 27/01/2022

“Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc” là những thú chơi tao nhã trong văn hóa truyền thống của người Việt trong đó thường tập trung những ngày đầu Xuân năm mới. Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang đến gần, nhiều gia đình đã tranh thủ thời gian trang hoàng nhà cửa đón Xuân; trong đó, tranh Tết được nhiều người lựa chọn để điểm tô sắc xuân cho ngôi nhà...

Anh Nguyễn Nhật Minh, chủ cửa hàng tranh ở Khu đô thị Dệt may (thành phố Nam Định) vẽ tranh Tết theo yêu cầu của khách hàng.
Anh Nguyễn Nhật Minh, chủ cửa hàng tranh ở Khu đô thị Dệt may (thành phố Nam Định) vẽ tranh Tết theo yêu cầu của khách hàng.

Trước đây, vào dịp Tết Nguyên đán, ngoài chuẩn bị “bánh chưng xanh, dưa hành, câu đối đỏ” thì mỗi gia đình thường mua tranh Tết về treo, tháo tranh cũ xuống với hy vọng tiễn những điều cũ, “xui xẻo” để đón niềm vui may mắn về nhà. Thông thường, các gia đình ở nông thôn thường “chơi” những tranh nhỏ, giá cả phải chăng. Còn đối với gia đình ở thành thị, việc treo tranh, chơi tranh không đơn giản chỉ là chơi cho có không khí Tết, mà bức tranh còn là vật trang trí tạo nên không gian sang trọng, thể hiện sự lễ giáo gia phong. Một số đề tài được ưa chuộng trong dịp Tết như: tranh ‘’Mẹ con đàn gà’’, ‘’Mẹ con đàn lợn’’, ‘’Vinh Hoa,’’ ‘’Phú Quý’’, tranh ‘’Tứ quý’’... Với sắc màu rực rỡ, đường nét độc đáo, tranh Tết không chỉ mang ý nghĩa là lời chúc năm mới an khang, thịnh vượng mà đó còn là nét đẹp văn hóa cổ truyền mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Ngày nay, không khó để bắt gặp tranh in sẵn ngoài thị trường. Đặc biệt, tranh hiện nay có nhiều mức giá, phù hợp với mọi đối tượng. Người chơi tranh thay vì sưu tầm những bức tranh dân gian nổi tiếng như: Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng… thì có thể chuyển sang chơi một số dòng tranh đang thịnh hành khác như: tranh gốm sứ, tranh đồng, tranh thêu, tranh khảm trai, tranh chạm khắc gỗ, tranh đá quý… Hình thức, chất liệu tranh ngày nay có thể đổi mới so với trước kia nhưng vẫn dựa trên những đề tài của tranh dân gian xưa mang quan niệm sống, có mục đích giáo dục ngay từ đầu năm mới như rèn đức, luyện tài, tích phúc, để đức cho con cháu đời sau... Sự thay đổi này không làm mất đi vẻ đẹp của tranh dân gian truyền thống mà còn tạo cho bức tranh một nét độc đáo mới lạ, mọi người đều có thể chơi tranh. Nhiều gia đình lựa chọn trang trí cho ngôi nhà của mình bằng những bức tranh về khoảnh khắc cuộc sống, các loài hoa, cảnh núi non hùng vĩ, hay bức tranh về một vùng quê bình yên... để ngôi nhà thêm rực rỡ sắc màu. Đối với gia đình có nhiều thế hệ sống chung thì những tranh khảm trai, khảm ốc “vinh quy bái tổ” hoặc những câu đối hay, những dòng chữ thư pháp đẹp sẽ được lựa chọn nhiều hơn vì những bức tranh đó tạo không gian truyền thống, nhớ về nguồn cội. Bên cạnh những bức tranh Tết mang đậm sắc thái văn hóa, lịch sử, tâm linh, nhiều người còn dành vị trí trang trọng trong không gian ngôi nhà để đón chào năm mới bằng những bức vẽ hình con giáp đại diện cho năm đó. Như vào năm Tý người ta có thể treo tranh “Đám cưới chuột”; năm Sửu treo tranh “Chăn trâu thả diều”, “Chăn trâu thổi sáo” của dòng tranh dân gian Đông Hồ... Năm nay là năm Nhâm Dần nên nhiều gia đình treo tranh hình con hổ. Hơn 2 năm mở cửa hàng tranh ở Khu đô thị Dệt, thành phố Nam Định, anh Nguyễn Nhật Minh đã bán đa dạng các loại tranh, từ tranh sơn dầu, tranh đồng, tranh lụa cho đến tranh anh tự vẽ theo yêu cầu của khách hàng. Chủ yếu là những bức tranh về phong cảnh, tranh tứ quý, tranh về hoa đào, cá chép... Nhiều người đặt anh vẽ trước cả nửa năm bởi bức tranh khổ lớn, nhiều chi tiết khó, đòi hỏi thời gian và sự kỳ công hơn, còn lại đa số khách hàng chọn mẫu và đặt vẽ 1, 2 tháng trước Tết. Là người yêu thích tranh, chị Lê Thị Tuyết Mai ở thành phố Nam Định đã chọn một bức tranh “Hoa mẫu đơn” để treo tại phòng khách chào đón năm mới. Chị cho biết, công việc chuẩn bị đón Tết không chỉ mua sắm hàng hóa, dọn dẹp nhà cửa mà còn phải quan tâm đến những giá trị tinh thần văn hóa, trong đó có các tác phẩm hội họa. Những năm trước, gia đình chị treo tranh “Mã đáo thành công”, có năm thì treo bộ tranh Tứ quý, năm nay chị thay đổi nên chọn tranh “Hoa mẫu đơn” với mong muốn đem đến phú quý, giàu sang cho gia đình trong năm mới. Anh Trần Xuân Chính, ở đường Đặng Xuân Bảng (thành phố Nam Định) cho biết: “Chơi tranh đã trở thành niềm vui của gia đình tôi mỗi độ xuân về bởi nó tượng trưng cho sự may mắn, an khang, thịnh vượng và cũng để tạo không gian ấm cúng, sum vầy vào dịp Tết. Đây cũng là dịp để tôi và gia đình hướng về truyền thống, nguồn cội. Năm nay, tôi đã đặt vẽ 1 bức tranh sơn thủy bằng chất liệu sơn dầu có kích thước 1,6mx2,5m với mức giá khoảng 6 triệu đồng”.

Đời sống của người dân ngày càng được nâng cao cùng với sự phong phú trong các thú chơi giàu văn hóa, trong đó có các loại hình chơi tranh ngày Tết. Thú chơi tranh Tết dù là tranh dân gian hay tranh hiện đại đều thể hiện ước mong cho một năm mới tốt lành, phúc, lộc đầy nhà. Thú chơi tao nhã này là một nét đẹp văn hóa cần được tôn vinh, bảo tồn và phát huy, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



Nha khoa hcm Nha Khoa Nhân TâmBảng xsmb 30 ngày mới nhấtDanh mục hộp quà tặng doanh nghiệp cao cấp nhập khẩu

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com