Buổi sáng, gió về neo trên khung cửa, thướt tha điệu đàng dưới màu nắng vàng nhạt. Cái lạnh vẫn đương còn rưng rức, buôn buốt chân tay. Tôi khẽ nhìn lên tờ lịch mới hay tháng Chạp đã về. Người trẻ như chúng tôi, ít ai gọi là tháng Chạp. Họ thường gọi là tháng Mười hai âm hay đơn giản hơn là tháng cuối năm. Nhưng với tôi thì ngược lại. Khi tôi còn ở quê, mỗi lần tháng Mười hai âm lịch ghé sang thì bà và mẹ cứ luôn miệng nhắc nhớ, gọi tháng Chạp, vậy nên hai từ “tháng Chạp” thân thương cứ thế in dấu trong đầu, tôi nhớ và dùng cho đến tận ngày nay.
Tháng Chạp là tháng cuối năm, ở quê giờ này mọi người bận rộn vô cùng. Tôi nhớ mãi câu nói của mẹ, mỗi khi tháng Chạp sang, mẹ cứ chép miệng than rằng, sao bao nhiêu việc cứ đổ dồn hết vào tháng Chạp. Tôi cảm tưởng một ngày với hai mươi bốn giờ đồng hồ với mẹ là không đủ. Tháng Chạp của mẹ bắt đầu từ rất sớm. Buổi sớm, khi gà chưa kịp gáy, mẹ đã thức giấc, thắp đèn chuẩn bị cho gánh rau mang ra chợ. Tận dụng rau củ vườn nhà trồng được và lấy thêm của hàng xóm, mẹ mang ra chợ ngồi bán kiếm chút đồng ra đồng vào vào dịp Tết. Hôm vội quá cần phải về sớm, mẹ bán sỉ luôn cho thương lái. Gánh rau của mẹ cạn, mẹ trở về nhà thay đồ rồi quẩy quả quang gánh lao nhanh ra ruộng. Ở ruộng, rau Tết, hoa Tết đang chờ bàn tay của mẹ chăm sóc và tưới tắm. Phía bên kia chỗ đất trũng, bố cần mẫn với những đường cày, dẫn nước để chuẩn bị cho vụ cấy mới. Không biết ở nơi khác như thế nào chứ quê tôi có thông lệ cấy vào tháng Chạp. Trừ đợt thời tiết lạnh quá không cho phép mới để mạ ra xuân. Trong lòng mọi người, ai ai cũng muốn cấy dắm trong tháng Chạp cho gọn ghẽ để Tết được thảnh thơi, nông nhàn.
Tháng Chạp, tôi lại nhớ cây đào trong vườn bố trồng. Mười cây đào cổ thụ, cành vươn cao gấp đôi tầm thước của một người trưởng thành. Giống đào hoa màu hồng nhạt rất đẹp. Mới đầu thì thoạt như đào rừng nhưng nhìn kỹ thì không giống. Mấy cây đào của bố mảnh mai hơn, lớp da cũng bớt sần sùi, đặc biệt khi hoa nở luôn có những búp lộc non xen kẽ, trông đầy sức sống. Đầu tháng Chạp, bố nhấc mấy cái ghế ra gốc đào, “tạo công việc” cho hai chị em tôi tuốt lá. Bố tôi nói đào xứ Bắc hay mai vàng miền Nam, muốn cây ra hoa đẹp đúng vào dịp Tết thì cũng đều phải tuốt lá trước. Mấy cây đào là cả “gia tài” của bố. Tết đến người ta đến xem hoa, ngỏ lời muốn mua giá thật cao nhưng bố nhất quyết không bán. Bố nói rằng, trồng đào không phải vì lợi nhuận kinh tế mà bố trồng để vườn nhà thêm đẹp, mùa xuân thêm hương sắc. Nếu bán thì những năm sau sẽ không thấy màu của hoa đào, nuôi cây nhỏ lại thì biết bao giờ cho lớn?! Cũng nhờ “tư tưởng” ấy của bố mà chị em tôi được lưu lại những kỷ niệm với mùa xuân tuyệt đẹp bên gia đình với những nụ đào tươi thắm.
Tháng Chạp về, nhiều lúc tôi bỗng thấy mình như bé lại, nhỏ dại ở thời khắc tuổi thơ ngọt ngào. Vùng quê nghèo của tôi vốn dĩ bình yên nhưng cứ mỗi độ đến tháng Chạp lại huyên náo, rộn rã. Lũ trẻ con chạy lăng xăng trên con đường đất đỏ, nói với nhau về cái Tết cận kề. Những câu chuyện cũ quanh năm vẫn xoay quanh phiên chợ Tết, gói bánh chưng, sên mứt và chờ chiều Ba mươi Tết xem nhà ai đó đụng lợn để xin được cái bong bóng lợn làm quả bóng đá cho sướng chân. Cuộc nói chuyện bên đống lửa được vun bằng những cành cây khô, củi mục để xua đi cơn lạnh mùa đông giăng mắc. Dọc hai bên đường, trên những nhánh cây bạch đàn, chính quyền xã mắc loa đến tận từng thôn. Những bài hát về xuân rộn ràng, như gieo vào lòng lũ trẻ niềm hân hoan xuân về. Lũ trẻ cũng biết góp sức mình san sẻ với công việc dọn đường, vệ sinh thôn xóm cùng các anh chị đoàn viên, thanh niên. Hai bên đường rác, cỏ khô được dọn dẹp, đốt sạch sẽ. Mùi khói lá bay lên trong buổi chiều tháng Chạp mà lòng tôi bồi hồi như thể ngay ngày mai thôi Tết sẽ về thật rồi.
Tháng Chạp, chị gái tôi mải mê với những mẻ mứt cà rốt, bí đao rồi dừa. Năm nào dù ăn chẳng được bao nhiêu nhưng chị nhất định phải sên mứt. Chị nói Tết mà không có mứt thì coi như không có Tết. Tính chị lại lo xa, nên rảnh hôm nào là chị lại sên mứt hôm đó. Sên xong thì đóng túi bóng cho vào tủ cất cẩn thận. Tôi phụ chị gọt vỏ, rửa rồi nạo thành từng sợi. Khoảnh khắc tôi nhớ nhất chính là lúc ngồi bên bếp lửa nhìn chị sên và cho ra thành quả cuối cùng. Có mẻ mứt chị sên không đúng kỹ thuật, thất bại làm đứa em là tôi phải ăn hộ no đến căng cả bụng. Hình ảnh đó, kỷ niệm đó, cứ ăn sâu vào trí nhớ, để rồi mỗi lần tháng Chạp, lại mơ thấy hình bóng chị ở trong bếp đang sên mứt. Gọi điện cho chị, nhắc nhớ, khóe mắt ươn ướt lúc nào chẳng hay. Tôi thèm lắm được hít hà cái mùi gừng cay cay, nồng nồng, vị đường ngòn ngọt, vị thanh mát của cà rốt và bí đao nhâm nhi trong mấy ngày Tết. Tôi thèm lắm khoảnh khắc hai chị em chí chóe nhau trong gian bếp, và thèm… được ăn đồ chị sên mặc dù đó là mẻ mứt bị lỗi. Dường như tháng Chạp sinh ra là để cho người ta biết trân trọng từng khoảnh khắc, dù là ký ức xưa cũ.
Tháng Chạp của những năm tháng trưởng thành, xa quê mới thấu hiểu sự cô đơn và lạnh lẽo. Lòng tôi lúc nào cũng thấp thỏm, mong chờ được về lại quê nhà đoàn tụ bên gia đình, tình thân ấm áp. Trưởng thành rồi mới biết trân quý từng khoảnh khắc thân thuộc như vậy. Tháng Chạp đã khơi dậy trong lòng mỗi người giá trị tình cảm thiêng liêng của quê nhà cưu mang suốt hành trình năm tháng, giúp tôi nhận ra để sống trọn vẹn và yêu hơn những khoảnh khắc hiện tại./.
Tăng Hoàng Phi