Huy động các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa là giải pháp quan trọng để thực hiện chính sách công bằng xã hội không chỉ về mặt hưởng thụ mà cả về cống hiến cho sự nghiệp văn hóa. Đây là mục tiêu lâu dài, mang tính khách quan, khoa học, phù hợp với quy luật phát triển văn hóa và cơ chế thị trường và là một trong những nội dung quan trọng mà Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 9-6-2016 của BCH Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định” đã đề ra.
Hội trống nữ xã Giao Thiện biểu diễn trong Ngày hội Văn hóa - Thể thao huyện Giao Thủy. |
Để huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tập trung chỉ đạo; các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố căn cứ tình hình, nhiệm vụ thực tế của địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể. Từ đó, công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa được thực hiện đồng bộ ở nhiều mặt và đạt được những kết quả tích cực, tiêu biểu như: hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; xây dựng và khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa - thể thao phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân các địa phương. Trong công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, các cấp ủy, chính quyền giữ vai trò nòng cốt, chuyển một phần công việc của Nhà nước cho nhân dân nhưng không giảm trách nhiệm, tăng cường đầu tư ngân sách, huy động mọi nguồn lực, mọi thành phần cùng tham gia sáng tạo, liên doanh, liên kết, tài trợ…
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, những năm qua, tỉnh ta đã đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh”, khơi dậy tinh thần tự giác tham gia của mỗi người dân, địa phương, cơ sở. Nhiều thiết thế văn hóa và các hoạt động văn hóa có sự quan tâm, tham gia đóng góp tích cực của các tầng lớp nhân dân. Giai đoạn 2015-2017, toàn tỉnh đã xây mới, sửa chữa, nâng cấp 35 nhà văn hóa (NVH) xã, thị trấn, 317 NVH thôn, xóm, tổ dân phố (TDP). Kinh phí xây dựng trung bình từ 800 triệu đến hơn 1 tỷ đồng/NVH xã, thị trấn, 450-800 triệu đồng/NVH thôn, xóm, TDP. Nhiều địa phương có cơ chế khuyến khích xây dựng NVH thôn, xóm, TDP với mức hỗ trợ từ 50-150 triệu đồng/NVH. Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng NTM nâng cao, huyện Nam Trực có cơ chế thưởng 100 triệu đồng, các xã, thị trấn có cơ chế thưởng từ 10-50 triệu đồng cho các xóm, TDP đạt chuẩn “Văn hóa - NTM nâng cao”; huyện hỗ trợ mỗi xóm, TDP 20 triệu đồng/NVH xây mới. Huyện Ý Yên hỗ trợ mỗi thôn, xóm, TDP 40 triệu đồng/NVH xây mới; 20 triệu đồng/NVH nâng cấp, sửa chữa. Xã Đồng Sơn (Nam Trực) hỗ trợ mỗi xóm 50 triệu đồng/NVH xây mới. Xã Giao Long (Giao Thủy) hỗ trợ 1,8 tỷ đồng xây dựng, nâng cấp 22 NVH xóm…Việc đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị cho NVH thôn, xóm, TDP trên địa bàn chủ yếu bằng nguồn xã hội hóa. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ và đóng góp của nhân dân được 149,18 tỷ đồng xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao cấp xã; 211,82 tỷ đồng xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao cấp thôn, xóm, TDP. Cuộc vận động “Tuổi trẻ Nam Định chung sức xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu” được Đoàn Thanh niên các cấp tích cực hưởng ứng bằng nhiều hình thức như: vận động đoàn viên, thanh niên và gia đình hiến đất, ngày công lao động; tu sửa đường giao thông nông thôn, bảo vệ môi trường, bảo vệ dòng sông quê hương, giữ gìn an ninh trật tự xã hội, tham gia phát triển kinh tế… Trong 5 năm qua, tuổi trẻ toàn tỉnh đã hoàn thiện 79 công trình thanh niên cấp tỉnh, huyện; 2.832 công trình, phần việc thanh niên cấp cơ sở với tổng giá trị gần 11 tỷ đồng, qua đó góp phần vào kết quả xây dựng NTM. Tiêu biểu như các mô hình: “Hành trình nhà nhân ái” của Tỉnh Đoàn; “Đường cờ thanh niên” của Huyện Đoàn Ý Yên; bộ dụng cụ tập TDTT ngoài trời của Huyện Đoàn Hải Hậu; “Sân chơi cho em” của các Huyện Đoàn Nghĩa Hưng, Trực Ninh; “Hàng cây thanh niên” của các Huyện Đoàn: Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Nam Trực, Vụ Bản. Nhiều di tích lịch sử - văn hóa ở các địa phương trong tỉnh, đã được bảo tồn, tôn tạo kịp thời bằng nguồn kinh phí xã hội hóa như: Khu di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt Đền Trần - Chùa Phổ Minh (thành phố Nam Định); Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy (Vụ Bản), Đình - Miễu Cao Đài (Mỹ Lộc)…, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị di sản, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở VH, TT và DL như: Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, Thư viện tỉnh được trang bị phương tiện xe ca, xe chuyên dụng, hỗ trợ trực tiếp bằng hiện vật (sách, báo) cho các thư viện từ tỉnh đến cơ sở; Bảo tàng tỉnh đã tiếp nhận 1.400 hiện vật từ Bảo tàng chứng tích chiến tranh và hàng nghìn tài liệu, hình ảnh, hiện vật từ các cá nhân, các địa phương trong tỉnh... Thời gian qua, nhiều hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh được tổ chức thành công từ nguồn kinh phí hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, tiêu biểu như: Lễ đón Bằng UNESCO ghi danh “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; chương trình nghệ thuật “Tết quê hương”, các hoạt động văn hóa, trưng bày tại Chợ tết “Một thoáng Thành Nam” dịp đầu xuân; triển lãm sách trong Ngày Sách Việt Nam (21-4)…
Hệ thống thiết chế văn hóa được xây dựng đồng bộ, ngày càng phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động tích cực. Các NVH xã, thôn, xóm, TDP là nơi tổ chức các cuộc họp của cấp ủy, chính quyền, các chi bộ Đảng, các tổ chức đoàn thể… nhằm tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới người dân, là nơi sinh hoạt của cộng đồng dân cư, tăng tình đoàn kết xóm làng thông các hoạt động văn hóa, thể thao phong phú. Toàn tỉnh có hơn 60 CLB văn hóa - văn nghệ, gần 900 đội văn nghệ quần chúng thu hút hơn 3.000 lượt hội viên tham gia sinh hoạt với hơn 700 buổi/năm. Các hoạt động văn hóa văn nghệ truyền thống được duy trì như hát chèo, hát chầu văn, múa rồng, múa cà kheo, trống hội, kèn đồng… đã góp phần giữ gìn, khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống lâu đời đặc sắc của các vùng, miền, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân và phát triển phong trào văn hóa văn nghệ ở cơ sở. Cũng từ nguồn xã hội hóa, hàng năm tỉnh ta thường xuyên tổ chức các cuộc thi, liên hoan văn nghệ quần chúng từ tỉnh đến cơ sở, duy trì tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn như: Chương trình nghệ thuật “Chào năm mới”, kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam (30-4), Quốc tế Lao động (1-5), Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5), Ngày hội Văn hóa - Thể thao nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh (2-9)…
Có thể nói công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa đã mang lại luồng sinh khí mới cho sự nghiệp phát triển văn hóa của tỉnh, làm thay đổi nhận thức về vai trò của văn hóa trong đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân; từng bước tạo ra sự cân bằng về mức hưởng thụ văn hóa giữa các vùng nông thôn và thành thị; góp phần tích cực vào việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn hóa mới theo hướng lành mạnh, tiến bộ, văn minh. Tuy nhiên, công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa ở tỉnh ta vẫn còn tồn tại một số khó khăn. Ở một số vùng nông thôn, việc phát huy tiềm lực tham gia xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa chưa nhiều, chưa mạnh, còn chậm so với tiềm năng, với yêu cầu của lộ trình phát triển, nhất là trong thời điểm toàn tỉnh đang phấn đấu xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Công tác thông tin, tuyên truyền, vận động các nguồn lực đóng góp chưa sâu rộng, chỉ tập trung ở những địa phương văn hóa phát triển khi mà nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân cao. Một số địa phương còn lúng túng trong quy hoạch quỹ đất dành cho NVH, khu thể thao. Trang thiết bị dụng cụ tập luyện TDTT ở các NVH đã được trang bị nhưng chưa đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu tập luyện của nhân dân. Kinh phí dành cho phát triển văn hóa ở cơ sở còn hạn hẹp…
Để công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa tiếp tục phát triển rộng khắp, đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả cao, thời gian tới, ngành VH, TT và DL tỉnh tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về xã hội hóa các hoạt động văn hóa; đổi mới cơ chế, nâng cao công tác quản lý Nhà nước về văn hóa. Huy động các nguồn lực hợp tác đầu tư cho các mục tiêu phát triển văn hóa, ưu tiên các vùng nông thôn, thích hợp cho từng loại hình, từng vùng, miền; chú trọng xã hội hóa các hoạt động văn hóa tại đô thị thành phố và thị trấn trung tâm các huyện. Quy hoạch, quản lý chặt chẽ đối với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ văn hóa, đảm bảo sự phát triển đúng chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa; đồng thời có cơ chế hỗ trợ các lực lượng, thành phần tham gia, sáng tạo văn hóa phục vụ xã hội. Đẩy mạnh sáng tạo, đổi mới các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đảm bảo phù hợp với thuần phong, mỹ tục, tạo ra những sản phẩm văn hóa đặc thù của từng vùng miền. Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể trong triển khai, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa, phát huy sức sáng tạo của nhân dân, vì đây vừa là hạt nhân, vừa là lực lượng đi đầu trong công tác xã hội hóa lĩnh vực văn hóa, góp phần xây dựng văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội bền vững./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng