Thôn Trung, xã Yên Khánh (Ý Yên) là vùng quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, người dân trong thôn có tinh thần đoàn kết, cần cù, chịu khó trong lao động, sản xuất, luôn tương trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống thường ngày. Trong quá trình đô thị hóa nông thôn, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nhiều năm qua, cán bộ, đảng viên và nhân dân thôn Trung luôn quan tâm đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; trong đó tập trung nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống qua hình ảnh cây đa, giếng nước, mái đình đến phong tục tập quán, lễ hội truyền thống gắn với những sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng.
Đình làng Trung - nơi diễn ra các hoạt động tế lễ Thành hoàng làng - Tướng quân Phạm Ngũ Lão vào ngày Rằm tháng 2 âm lịch hàng năm. |
Theo một số tài liệu lịch sử còn lưu giữ tại địa phương, thôn Trung trước kia có tên gọi là làng Hối. Vào thế kỷ thứ XIII, Hoàng đế Trần Nhân Tông - Sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm đã cho dựng Chùa Hối (còn gọi là chùa trăm gian) tại xã Yên Khánh. Dưới triều Vua Trần Nhân Tông, Tướng quân Phạm Ngũ Lão đã từng có thời gian về địa phương khai khẩn đất hoang, cải tạo đồng ruộng, giúp dân làng Hối cày cấy, làm ăn, sinh sống. Tương truyền, Chùa Hối trước kia thuộc quần thể đình, chùa quán, am, miếu. Ngày nay, Chùa Hối được người dân quen gọi là Chùa Dưỡng Chính (Linh Quang Tự) và được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 1997. Chùa tọa lạc trên khu đất bằng phẳng, rộng hơn 4.400m2, mặt quay về hướng đông nam, xây dựng theo kiểu “Nội công ngoại quốc”, kết cấu 100 gian; trong đó các gian chính thiết kế hình chữ “Đinh”, gồm: bái đường 3 gian 2 chái, mái lợp ngói nam, trang trí họa tiết cánh sen; tam bảo 3 gian được xây dựng theo kiểu giao mái, bắt vần. Căn cứ nội dung các đạo sắc phong và hệ thống văn bia, bài vị, tượng thờ… thì Chùa Dưỡng Chính là nơi thể hiện sự dung hợp tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt thông qua việc thờ tự thiên thần, nhiên thần, nhân thần và thờ Phật. Ngoài thờ Phật, chùa còn phối thờ thần và thờ Mẫu. Hiện nay trong chùa còn lưu giữ được một số bảo vật thời Lý, tiêu biểu là pho tượng Phật với những nét chạm trổ tinh tế, tỉ mỉ; khánh đá, giếng ngọc... Các bảo vật thời Lý tại quần thể di tích, phế tích ở thôn Trung được người dân lưu giữ, bảo tồn gần như nguyên vẹn là cơ sở, minh chứng về vùng đất địa linh với nhiều di sản mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc, nghệ thuật. Lễ hội Chùa Dưỡng Chính được người dân địa phương tổ chức vào ngày 1-11 âm lịch hàng năm (ngày giỗ của Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông) với các nghi thức tế lễ truyền thống, trang trọng và nhiều sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng, thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái. Cùng với giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng và nghệ thuật kiến trúc, Chùa Dưỡng Chính còn là “địa chỉ đỏ” gắn liền với các sự kiện chiến tranh cách mạng của địa phương. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chùa là căn cứ hoạt động cách mạng của quân và dân xã Yên Khánh. Năm 1928-1929, chùa là một trong những cơ sở hoạt động của Chi hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội huyện Phong Doanh xưa (nay là huyện Ý Yên). Giai đoạn 1965-1968, chùa là kho lương thực và là nơi làm việc của cán bộ UBND xã Yên Khánh và huyện Ý Yên. Năm 1970, chùa là nơi chứa vũ khí của Huyện Đội Ý Yên, đồng thời là nơi mở các lớp dạy học cho con em trong xã.
Một trong những hoạt động văn hóa truyền thống được gìn giữ ở thôn Trung là nghi lễ tế Thành hoàng làng - Tướng quân Phạm Ngũ Lão vào ngày Rằm tháng 2 âm lịch hàng năm tại Đình làng Trung. Tục lệ tế Thành hoàng làng đầu xuân là nghi lễ quan trọng để dân làng tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân đối với quê hương, là dịp để người dân cầu bình an cho gia đình và cộng đồng làng xã. Cùng với gìn giữ mỹ tục trong ngày hội truyền thống, người dân thôn Trung còn đều đặn duy trì các lễ, tiết trong năm như: cúng Thổ công, tục lệ trong đêm Trừ tịch, Tết Nguyên đán, lễ Thượng Nguyên. Ở thôn Trung, các dòng họ đều lập từ đường thờ tổ đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã trở thành niềm tự hào của con cháu trong các dòng họ, góp phần bồi đắp những giá trị đạo đức truyền thống như: lòng hiếu thảo, lòng nhân ái, tính cộng đồng thông qua việc duy trì nền nếp gia phong trong mỗi gia đình, dòng họ; thể hiện tình cảm, sự gắn bó trong cộng đồng dân cư; người dân thực hiện tốt nếp sống văn minh, lành mạnh.
Ông Hoàng Bá Thi, Trưởng thôn Trung cho biết: Nhận thức đúng đắn ý nghĩa nhân văn của việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa để giáo dục truyền thống cho thế hệ, nhiều năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Yên Khánh đã cùng với Ban Chi ủy, Ban Công tác Mặt trận và nhân dân thôn Trung quan tâm, triển khai các hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa Chùa Dưỡng Chính. Từ năm 2005 đến nay, nhân dân địa phương và khách thập phương đã phát tâm công đức hàng tỷ đồng để tu bổ chùa chính; xây dựng mới các hạng mục như: tổ đường, tháp tổ, tượng Quan âm Bồ tát, nhà khách, tam quan, nhà thờ Mẫu… Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các đoàn thể thôn Trung tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các phong trào xây dựng “Làng văn hóa”, “Gia đình văn hóa”; huy động mọi nguồn lực xã hội để xây dựng, cải tạo nhà văn hóa, sân thể thao. Cùng với xây dựng nếp sống văn hóa, thôn Trung đã gắn việc thực hiện xây dựng đời sống văn hóa cơ sở với thực hiện phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu”. Nhân dân trong thôn đóng góp sức người, sức của để dọn vệ sinh kênh mương, trồng hoa, cây xanh tại các trục đường chính, góp phần tạo cảnh quan môi trường “Sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn”. Từ năm 2013 đến năm 2020, cán bộ và nhân dân thôn Trung đã vận động, kêu gọi được các nguồn lực xã hội hóa với tổng số tiền trên 3,2 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nhiều công trình phúc lợi, làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc không gian quần thể văn hóa gồm: cây đa, giếng nước, mái đình, mới đây cổng làng thôn Trung được nhân dân đóng góp, ủng hộ 290 triệu đồng xây mới. Cổng được xây dựng theo kiến trúc cổng làng Việt truyền thống, kiểu tam quan, hình chữ “Đại”, phía trên xây mái, lợp ngói. Nóc cổng trang trí biểu tượng âm dương ngũ hành, họa tiết tứ linh theo phong cách nghệ thuật kiến trúc dân gian.
Gìn giữ, bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc giá trị văn hóa mới trong cuộc sống hiện đại đã trở thành tiền đề, tạo động lực để người dân thôn Trung đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Thôn Trung là mô hình “Làng văn hóa” tiêu biểu trong gần 20 năm qua của huyện, của tỉnh và luôn đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Đến nay, toàn thôn có 160 hộ, gần 460 khẩu; tỷ lệ hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” ở thôn luôn duy trì từ 85-95%/năm; trong đó đa số đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” 3 năm liên tục. Năm 2020, thôn Trung là một trong 5 thôn của xã được UBND huyện công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng