Trong khoảng 20 nghìn tài liệu, hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh, có nhiều tài liệu, hiện vật của quân và dân Nam Định qua các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đây là những “tư liệu quý”, minh chứng về lịch sử đấu tranh cách mạng anh dũng, hào hùng của quân và dân ta, góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.
Khách tham quan hiện vật cách mạng ở Bảo tàng tỉnh. |
Những chứng tích hào hùng
Đến bảo tàng tỉnh, khách tham quan hiện vật lịch sử như được sống lại trong lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của tỉnh. Ở gian trưng bày các tài liệu, hiện vật kháng chiến chống Mỹ, bức ảnh “Sự trừng phạt đích đáng” của cố nghệ sĩ Quang Văn treo trang trọng và chú thích đầy đủ về sự kiện nữ dân quân du kích Hà Thị Nhiên hiên ngang kéo xác máy bay Mỹ trên bờ biển Hải Thịnh năm 1966. Bức ảnh vừa mang tính thời sự, vừa có giá trị nghệ thuật cao được nhiều tờ báo quốc tế đăng tải đã lên án sự leo thang quân sự đánh phá miền Bắc của đế quốc Mỹ. Trưng bày tại Bảo tàng tỉnh còn có tờ báo Nam Hà số 1102, thứ 5 ngày 22-6-1972 với dòng tít lớn “Nam Hà bắn rơi 100 máy bay Mỹ” và minh họa bằng hình ảnh chiếc máy bay Mỹ thứ 100 bị quân và dân tỉnh ta bắn rơi. Đây là chiến công ngày 11-6-1972 của Đại đội 2, Tiểu đoàn 6 pháo cao xạ bảo vệ thành phố đặt tại khu vực Bến Than (nay là khu vực Trường THCS Hàn Thuyên, đường Trần Bích San, phường Trần Quang Khải, thành phố Nam Định) bắn hạ chiếc máy bay thứ 100 thuộc dòng máy bay chiến đấu A6 mang ký hiệu 522 rơi xuống hồ Thượng Lỗi (nay là hồ Truyền Thống, phường Lộc Vượng). Sau khi máy bay trúng đạn, 1 trong 2 phi công đã nhảy dù và bị lực lượng tự vệ Nhà máy Dệt bắt sống. Cũng trưng bày tại Bảo tàng tỉnh có nhiều hiện vật minh chứng tội ác của đế quốc Mỹ trên quê hương Nam Định có giá trị lịch sử sâu sắc. Với các cơ sở sản xuất công nghiệp bị đánh phá ác liệt, khu dân cư nhiều nơi bị thiêu cháy; những gia đình chưa kịp sơ tán bị bom Mỹ sát hại... Tiêu biểu là bức ảnh số hiệu 6573 chụp cảnh nhà ông Mỹ Hòa số 26 đường Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định) bị bom Mỹ hủy diệt trong trận đánh bom ngày 26-9-1972 làm 6 người chết. Bên cạnh đó, Bảo tàng còn trưng bày nhóm hiện vật phản ánh người dân gián tiếp tham gia chiến đấu góp phần làm nên thắng lợi vang dội của quân và dân Nam Định trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, khẳng định tình quân dân một lòng quyết tâm đánh đuổi quân thù. Đó là bộ quang gánh của mẹ Mít dùng để gánh nước và hoa quả ra trận địa phục vụ bộ đội trong những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ 1965-1969; chông quay tự tạo để bố phòng bờ biển; chiếc gầu dây dùng để tát nước; trận địa phòng không bảo vệ thành phố Nam Định đầu năm 1965; những chiếc bát sử dụng để đựng nước uống hay đựng cơm, cháo phục vụ bộ đội những năm 1967-1968; chiếc liềm của dân quân xã Hải Thịnh (Hải Hậu) dùng để cắt cỏ, ngụy trang địch trong trận địa chiến đấu bắn máy bay Mỹ... Thăm Bảo tàng, nhiều người còn xúc động khi nghe câu chuyện kể về chiếc hũ sành số hiệu 388 là kỷ vật của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Tạ Thị Uôn ở xã Trung Thành (Vụ Bản). Mẹ Tạ Thị Uôn có 3 người con trai, sau khi 2 người con trai lớn hy sinh, người con trai út của mẹ tiếp bước các anh, đã xung phong lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Từ ngày anh lên đường, mỗi ngày mẹ bỏ vào hũ sành 1 hạt đậu xanh để vơi đi niềm thương nhớ con và cầu mong con chiến thắng trở về. Nhưng khi chiến tranh kết thúc cũng là lúc mẹ nhận được tờ giấy báo tử thứ 3.
Phát huy giá trị hiện vật
Đồng chí Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Hiện nay, những hiện vật quân dân Nam Định kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ được Bảo tàng tỉnh lưu giữ trong kho hiện vật khối, kho giấy, kho phim ảnh và được sắp xếp và lưu giữ cẩn thận nhằm phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, trưng bày, phát huy giá trị lịch sử. Trong đó, thực hiện đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ”, nhiều trường ở các cấp học thường xuyên đăng ký các chương trình hoạt động học tập ngoại khóa tại Bảo tàng tỉnh các nội dung trưng bày về lịch sử xã hội tỉnh Nam Định với các chủ đề: “Nam Định - Mảnh đất ghi đậm dấu ấn người Việt cổ”, “Nam Định trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ”… Do vậy, công tác sưu tầm các hiện vật thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ được Bảo tàng tỉnh đẩy mạnh. Năm 2017, ông Vũ Đình Lưu, chủ sở hữu Bảo tàng Kỷ vật chiến tranh đã hiến tặng và bàn giao cho Bảo tàng tỉnh hơn 1.400 tài liệu, hiện vật gồm các nhóm: hiện vật quân trang, quân dụng của bộ đội; hiện vật vũ khí, khí tài; nhóm hiện vật chiến lợi phẩm; kỷ vật của quân nhân, gia đình bộ đội; hiện vật thời bao cấp. Việc tiếp nhận tài liệu, hiện vật từ các tổ chức, cá nhân được Bảo tàng tỉnh tiến hành theo đúng quy trình, sau đó tiến hành thẩm định, bổ sung thông tin nhằm làm rõ nguồn gốc, giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Các tài liệu, hiện vật được hiến tặng được tư liệu hóa theo đúng nguyên tắc bảo tàng, được phân loại hiện vật theo chất liệu, niên đại; trên cơ sở đó thành lập các bộ sưu tập hiện vật hoặc các chuyên đề đặc trưng để trưng bày và nhập kho cơ sở… Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) đã xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, viên chức làm công tác bảo tàng nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ngoài các lớp tập huấn, hội thảo về chuyên môn nghiệp vụ do Cục Di sản văn hóa và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ VH, TT và DL tổ chức, công tác bồi dưỡng, đào tạo tại chỗ cho cán bộ làm công tác bảo tàng cũng được chú trọng, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên bảo tàng. Để phát huy giá trị các hiện vật, Bảo tàng tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn, trong đó bổ sung các trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý hiện vật, nâng cấp hệ thống máy tính; mở trang thông tin điện tử: “baotangtinhnamdinh.vn”; trang bị máy tra cứu thông tin hiện vật 3D kết nối với phân hệ phần mềm không gian ảo; hàng nghìn hiện vật được số hóa bằng phần mềm chuyên dụng; nhiều hiện vật trưng bày được số hóa theo công nghệ 3D… Trong đó nổi bật là ứng dụng tham quan bảo tàng ảo 3D.
Với công nghệ này, người dùng chỉ cần truy cập vào địa chỉ trang web, chọn mục “Trưng bày/tham quan 3D” rồi click chuột theo hướng dẫn có sẵn để thưởng lãm toàn bộ không gian bảo tàng và tìm hiểu về từng khu vực trưng bày hiện vật. Bảo tàng ảo 3D còn cung cấp những tính năng cho phép người sử dụng chia sẻ qua các kênh mạng xã hội như Facebook, Twitter nhằm kết nối những người quan tâm đến bảo tàng. Với hình thức tương tác 3D sống động, trực quan, thông tin phong phú và khả năng truyền bá rộng rãi, bảo tàng ảo hứa hẹn sẽ tiếp tục thu hút đông đảo công chúng, đặc biệt là giới trẻ quan tâm đến văn hóa và lịch sử dân tộc. Cùng với hoạt động của website, máy tra cứu thông tin hiện vật 3D được đặt ở khu vực trưng bày Bảo tàng tỉnh giúp khách tham quan xem chi tiết từng hiện vật trong không gian 3 chiều với độ chính xác cao.
Các hiện vật thời kỳ cách mạng được trưng bày đa dạng, phong phú về hình thức ở Bảo tàng tỉnh đã góp phần giúp khách tham quan cảm nhận lịch sử một cách cụ thể về mảnh đất, con người Nam Định. Từ đó, vun đắp lòng tự hào giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương, nâng cao ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp nối truyền thống cha anh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.
Bài và ảnh: Viết Dư