Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Xuân Trường đã quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM); trong đó, chú trọng nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình đối với xã hội, góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình.
Gia đình ông Vũ Hồng Phong (bên phải) ở xã Xuân Ngọc là gia đình văn hóa tiêu biểu phát triển nghề mộc truyền thống. |
Huyện ủy, UBND huyện Xuân Trường đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện công tác gia đình trong tình hình mới đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động phù hợp điều kiện, tình hình thực tiễn địa phương. Nội dung thực hiện công tác gia đình được cụ thể hóa bằng các hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), Tháng hành động về phòng, chống bạo lực gia đình, Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20-3), Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25-11)… Các địa phương trong huyện đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình; đẩy mạnh các phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”, “Xóm, phố bình yên, gia đình hạnh phúc”; giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, từng bước ổn định, củng cố xây dựng gia đình theo phương châm “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”, “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con”… Năm 2020, toàn huyện có 43.317/50.369 gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đạt tỷ lệ 86%. Ở các xã có tỷ lệ gia đình văn hóa cao (từ 90-95%) như: Xuân Hòa, Xuân Kiên, Xuân Thượng, Xuân Vinh, Xuân Trung, Xuân Phương, Xuân Ngọc, các hội, đoàn thể đã lồng ghép tuyên truyền các nội dung của công tác gia đình, dân số - kế hoạch hóa gia đình, đẩy mạnh các phong trào khuyến học, phát triển kinh tế, giảm nghèo... Trong đó, Hội Khuyến học các cấp đã vận động hàng chục nghìn gia đình tham gia phong trào “Gia đình hiếu học”, tích cực vận động người dân đóng góp xây dựng quỹ hội với số tiền lên tới hàng tỷ đồng. Tiêu biểu như: Quỹ khuyến học làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng có 2 tỷ đồng, Quỹ khuyến học Giáo xứ Xuân Dục có trên 2,3 tỷ đồng. Hội Nông dân các cấp đã khích lệ, động viên hội viên, nông dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất, vươn lên làm giàu; tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đến nay, toàn huyện có 14.800/19.500 hộ đạt danh hiệu “Gia đình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp. Nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, thu hút hàng trăm lao động tham gia lao động, sản xuất, thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Phòng Văn hóa - Thông tin huyện chủ trì, phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống gia đình; tăng cường phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng ngừa bạo lực gia đình, bảo vệ phụ nữ và trẻ em khỏi xâm hại, nâng cao ý thức trách nhiệm của gia đình trong việc phát hiện, lên án, tố giác các hành vi vi phạm. Nhằm động viên tinh thần các gia đình, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong tình hình mới, hàng năm, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức họp mặt các gia đình tiêu biểu trên địa bàn để biểu dương, khen thưởng kịp thời. Các cấp Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi trong huyện đẩy mạnh các phong trào: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Gia đình thể thao, gia đình sức khỏe”, tích cực vận động người dân tham gia BHYT... Nhân dịp Ngày Gia đình Việt Nam năm nay (28-6) hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em với chủ đề “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh”, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã thăm hỏi, động viên, tặng 90 suất quà với tổng trị giá gần 30 triệu đồng cho các cháu thiếu nhi, các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn, góp phần cụ thể hóa mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Qua 15 năm thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21-2-2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”, kinh tế gia đình trên địa bàn huyện Xuân Trường đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, ngày càng ổn định và phát triển. Chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao, người dân đã năng động, sáng tạo, biết phát huy lợi thế của địa phương để mở mang sản xuất, ngành nghề dịch vụ, tăng thu nhập, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phát triển các hình thức kinh tế hợp tác. Tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện như: cơ khí ở các xã Xuân Tiến, Xuân Kiên; chế biến lương thực, thực phẩm ở xóm 6, 7, xã Xuân Tiến; dệt chiếu ở xã Xuân Ninh; thêu xuất khẩu và chế biến gỗ xã Xuân Phương… đều hoạt động ổn định với gần 1.600 cơ sở, gia đình tham gia sản xuất; thu hút hàng nghìn lao động địa phương tham gia với mức thu nhập bình quân từ 3-7 triệu đồng/người/tháng.
Ở Xuân Trường, văn hoá truyền thống gia đình còn được thể hiện rõ nét trong các ngày lễ, tết. Trong đó, dịp Tết Nguyên đán là cơ hội sum vầy đoàn viên với không khí chan hoà, ấm áp. Nhiều người dân làm ăn xa quê hương có dịp được đoàn tụ cùng gia đình với tất cả tình yêu thương. Ngoài ra, các ngày hội làng, hội xóm gắn với các di tích, tín ngưỡng truyền thống ở địa phương cũng là dịp để các gia đình, cộng đồng dân cư có cơ hội được sinh hoạt, giao lưu, trao đổi những công việc chung của cộng đồng, tham gia các trò chơi dân gian, lễ hội truyền thống, góp phần gắn kết tình làng, nghĩa xóm.
Để nâng cao chất lượng công tác gia đình, Huyện ủy Xuân Trường đã ban hành Kế hoạch số 23-KH/HU ngày 17-9-2021 về việc “Đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới”; trong đó đẩy mạnh phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện công tác gia đình trên địa bàn đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương và công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật về hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, định hướng giá trị, giáo dục thế hệ trẻ. Phòng ngừa, ngăn chặn lối sống thực dụng, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình. Đẩy mạnh thực hiện các chính sách, pháp luật về gia đình, bảo đảm sự gắn kết xã hội, hướng đến mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; chú trọng đến đối tượng trẻ em và người bệnh tật, cao tuổi. Gắn việc thực hiện công tác xây dựng gia đình với các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững. Nâng cao hiệu quả, tính thiết thực trong xây dựng gia đình văn hóa, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng