Những vấn đề cần quan tâm về thực trạng quyền tác giả và quyền liên quan

08:11, 05/11/2021

Những năm gần đây, vấn đề sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả và quyền liên quan ở tỉnh ta cũng như trên cả nước đã được quan tâm triển khai thực thi. Nhận thức của tổ chức, cá nhân về vấn đề này cũng đã được nâng lên rõ rệt. Việc chi trả chế độ nhuận bút, thù lao đối với chủ sở hữu quyền tác giả và quyền liên quan ngày càng được thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm bản quyền tác giả và quyền liên quan còn diễn ra khá phổ biến ở hầu hết các lĩnh vực từ văn học, nghệ thuật đến khoa học. Công tác quản lý và xử lý vi phạm bản quyền gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi internet và các ứng dụng nền tảng ngày càng phát triển.

NSNA Chu Thế Vĩnh bên các tác phẩm của ông tại Liên hoan ảnh nghệ thuật Đồng bằng sông Hồng lần thứ XXI.
NSNA Chu Thế Vĩnh bên các tác phẩm của ông tại Liên hoan ảnh nghệ thuật Đồng bằng sông Hồng lần thứ XXI.

Quyền tác giả và quyền liên quan là bộ phận cấu thành của sở hữu trí tuệ được điều chỉnh bởi Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi bổ sung năm 2009 và được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khác như Luật Điện ảnh, Luật Báo chí, Luật Quảng cáo, Luật Thư viện, nghệ thuật biểu diễn, hoạt động mỹ thuật, dịch vụ văn hóa… Với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng thì tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự. Là cơ quan Nhà nước có chức năng quản lý về quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật tại địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo việc thực hiện các quy định của pháp luật, chế độ, chính sách về quyền tác giả, quyền liên quan; Tiếp nhận, giải đáp và xử lý các nội dung liên quan đến việc thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật; định kỳ có văn bản hướng dẫn, lồng ghép phổ biến các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan cho các đơn vị, đối tượng thực thi liên quan trên địa bàn. Trong thời gian qua, Sở VH, TT và DL đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan hữu quan tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, dịch vụ văn hóa và đã phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh Karaoke, kinh doanh băng đĩa và một số đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật vi phạm; trong đó sản phẩm vi phạm chủ yếu là băng đĩa lậu, băng rôn quảng cáo không có giấy phép, sách ngoài luồng các loại, lễ hội và nhiều nội dung khác. Đã phạt cảnh cáo và phạt tiền hơn 100 cơ sở, thu nộp về ngân sách Nhà nước gần 1 tỷ đồng.

Với sự nỗ lực của cơ quan chức năng, ý thức tôn trọng và thực thi pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan ở nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân đã được nâng lên, thể hiện ở việc ghi rõ nguồn, bản quyền sản phẩm, công trình khi sử dụng lại hoặc trích dẫn, khai thác… Tuy nhiên, tình trạng xâm phạm, vi phạm pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra phổ biến. Điển hình là trong lĩnh vực báo chí, đầu tháng 10-2021, trang thông tin điện tử tổng hợp tintucnamdinh.vn bị thu hồi giấy phép khi có những sai phạm như: sử dụng tên miền gây nhầm lẫn với cơ quan báo chí; đăng tải tin bài từ một số báo điện tử trong khi chưa có văn bản cho phép đăng lại tin bài của các báo điện tử đó. Dạng vi phạm của trang tin điện tử này trong lĩnh vực báo chí hiện khá phổ biến. Gõ từ khóa “vi phạm bản quyền trong lĩnh vực báo chí”, trong 0,5 giây cho tới 32,8 triệu kết quả (?!). Vi phạm bản quyền tác giả và quyền liên quan trên các lĩnh vực văn học, nhiếp ảnh, âm nhạc… có thể gặp trên bất cứ tuyến đường hoặc các ngõ, xóm với các băng rôn, khẩu hiệu, biển quảng cáo có sử dụng hình ảnh minh họa; các cửa hàng, doanh nghiệp âm nhạc, phim truyền hình chưa được trình chiếu chính thức đã tràn ngập bản copy trên mạng… Đặc biệt, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin khiến vấn nạn vi phạm pháp luật, xâm phạm bản quyền - bảo hộ quyền tác giả càng thêm chồng chất khó khăn cho tác giả và cơ quan quản lý. Với các thiết bị công nghệ ngày càng hiện đại, sự phát triển của các nền tảng ứng dụng, mạng xã hội, bất cứ ai cũng có thể trở thành đối tượng xâm phạm hoặc bị xâm phạm bản quyền, vi phạm pháp luật. Tình trạng “Nhà nhà vi phạm, người người vi phạm” cùng với thói quen “xài chùa” dường như đã trở thành điều hiển nhiên. 

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng còn chưa sâu rộng, chưa kịp thời, không thường xuyên; việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực này còn nhiều bất cập. Sự phối hợp giữa các cơ quan trong bộ máy thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan còn hạn chế; hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Cán bộ theo dõi lĩnh vực còn kiêm nhiệm, chưa chuyên sâu về chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ dẫn đến hiệu quả quản lý, thực thi còn chưa cao. Bên cạnh đó, các chủ sở hữu đối tượng bị vi phạm cũng không chủ động đi “đòi” quyền lợi cho “đứa con tinh thần” của mình dù rất bức xúc khi thấy chúng bị sử dụng tràn lan với mục đích thương mại. Thống kê của cơ quan quản lý chuyên môn cho thấy rất ít tác phẩm văn hoá - nghệ thuật của các tác giả Nam Định được đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ, đây cũng là hạn chế khiến cho các tác giả muốn “đi kiện” đòi quyền lợi khi bản quyền bị xâm phạm thì sẽ gặp khó về cơ sở pháp lý. Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, vấn đề vi phạm bản quyền có xu hướng lan ra nhiều lĩnh vực khác. Trong năm 2020, Thanh tra Sở KH và CN thực hiện 2 cuộc thanh tra đột xuất về sở hữu trí tuệ theo yêu cầu của chủ thể sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh là Công ty HONDA Việt Nam và Công ty 4 Oranges; đã phát hiện 1 doanh nghiệp kinh doanh xe máy và 1 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm sơn xây dựng trên địa bàn tỉnh xâm phạm quyền đối với các nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam và còn hiệu lực. Tháng 3-2021, Cục Quản lý thị trường Nam Định phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường, Công an tỉnh kiểm tra, phát hiện, xử lý kho tàng trữ hàng hóa giả thương hiệu Hermès, LV, Chanel… tại thôn Đại Lại, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản).

Nhằm đưa ra các giải pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật trên địa bàn tỉnh, Sở VH, TT và DL đã thực hiện dự án “Tuyên truyền nâng cao nhận thức và hỗ trợ đăng ký, phát triển quyền sở hữu trí tuệ đối với bản quyền tác giả, quyền liên quan trên địa bàn tỉnh Nam Định”. Dự án hướng tới không chỉ nâng cao nhận thức cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh về bản quyền tác giả, quyền liên quan mà còn thúc đẩy tính sáng tạo, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, tạo môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh, góp phần quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế tri thức./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com