Cùng với hệ thống đình, đền, từ đường dày đặc, trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng có nhiều công trình Phật giáo kim cổ, với những ngôi chùa, bảo tháp, tượng Phật bề thế mang đậm giá trị văn hóa và nghệ thuật kiến trúc dân gian. Việc gìn giữ tôn tạo các công trình góp phần làm phong phú đời sống văn hóa cộng đồng, tạo nên hệ thống di sản đặc trưng cho phát triển du lịch tâm linh, trải nghiệm.
Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Chùa Hạ Kỳ, xã Nghĩa Thịnh. |
Huyện Nghĩa Hưng có 32 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có nhiều ngôi chùa cổ như: Chùa Hạ Kỳ, Chùa Hà Dương, Chùa Lộng Điền, Chùa Đào Lạng, Chùa Hải Lạng, Chùa Trang Túc… Bên cạnh những ngôi chùa tồn tại qua nhiều thế kỷ, được Nhà nước xếp hạng di tích, trên địa bàn huyện còn có nhiều ngôi chùa có lịch sử hình thành từ hàng trăm năm trước nay, được trùng tu, tôn tạo, phục dựng mới với quy mô lớn, có nhiều hạng mục kiến trúc độc đáo như: Chùa Bình A, Chùa Phúc Lộc… Chùa Phúc Lộc là ngôi chùa cổ nằm ven sông Đào, nay thuộc thôn Hưng Lộc, xã Nghĩa Thịnh. Người già trong làng kể lại, Chùa Phúc Lộc được xây dựng từ năm 1440, hoàn thành năm 1442. Chùa hiện còn lưu giữ được báu vật quý là chiếc chuông đồng cổ đúc năm Cảnh Hưng thứ 13 (1762). Tồn tại qua 570 năm, trước những tác động của chiến tranh, thiên tai, ngôi chùa bị xuống cấp. Năm 2010, được sự giúp đỡ của Giáo hội Phật giáo tỉnh và sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, phật tử công đức, Chùa Phúc Lộc được trùng tu, tôn tạo trên tổng diện tích 3.000m2. Công trình kiến trúc mang đậm giá trị tín ngưỡng tôn giáo ở Chùa Phúc Lộc là Bảo tháp Đại Bi 13 tầng, cao 49m. Phía trước Bảo tháp là cầu Di Lặc, 2 bên là hồ Tịnh Thủy hình bán nguyệt, 4 phương là 4 pho tượng trong Bát Bộ Kim Cương (Hộ trì Phật pháp) hướng về. Khuôn viên bao quanh Bảo tháp được lát đá; cổng chạm khắc hình rồng cùng nhiều hoa văn tinh xảo. Bên ngoài Bảo tháp cấu trúc hình bát giác với ý nghĩa Bát chánh đạo. Bên trong Bảo tháp cấu trúc hình tứ trụ thông suốt lên đến đỉnh tháp, biểu hiện sự kết nối “Thập nhị nhân duyên”. Toàn bộ Bảo tháp Đại Bi đặt 148 bức tượng Phật bằng đồng đỏ với tổng khối lượng trên 80 tấn; trong đó có các bộ tượng lớn được đặt quay về các hướng như: 4 pho tượng Tứ Đại Thiên Vương (cao trên 4m), 1 pho tượng Phật Di Lặc (cao trên 2m), 3 pho tượng Tam thế (cao 1,55m), 8 pho tượng Phật A Di Đà (cao 1,67m) và 34 pho tượng Bồ Tát (cao 1,67m). Đặc biệt, tòa sen trên đỉnh Bảo tháp được đúc bằng đồng nặng gần 3 tấn. Trên năm cánh sen có 5 bức tượng Phật gắn 5 viên đá quý - biểu tượng Ngũ trí Như Lai. Trong Bảo tháp còn có Ấn ngọc Phật làm từ ngọc nguyên khối. Chuôi Ấn mang hình tượng chày Kim Cang - một loại pháp khí của nhà Phật mang pháp lực vô biên. Chùa Bình A (tên hiệu là Phúc Khánh tự), thôn Bình A xã Nghĩa Thịnh là công trình mang đậm phong cách nghệ thuật kiến trúc Phật giáo xứ Huế hòa lẫn văn hóa xứ Kinh Bắc. Chùa cũ là ngôi cổ tự có kết cấu đặc trưng đình, chùa miền Bắc, kiến trúc hình chữ “Đinh”, chất liệu chủ yếu là gỗ. Năm 1963, do chiến tranh tàn phá, dấu tích của chùa không còn. Năm 1994, đáp ứng nguyện vọng đời sống tôn giáo tín ngưỡng của nhân dân, chính quyền đã cho xây dựng một ngôi chùa nhỏ cách vị trí chùa cổ chừng hơn 200m để làm nơi thờ tự, cầu phúc cho dân làng. Chùa Bình A ngày nay được phục dựng trên nền đất cũ có quy mô rộng 13 nghìn m2, gồm đầy đủ hệ thống các công trình: Tam Bảo, Giảng đường, Trai đường, lầu Quan Âm các, nhà Tăng, nhà khách... Điểm đặc biệt ở Chùa Bình A là công trình Bảo tượng Phật A Di Đà bằng đá xanh, cao 32m, bệ tượng (cao 12m) và tượng Phật (cao 20m), nặng 3.000 tấn. Bảo tượng đặt bên trái chùa. Tượng Phật được tạo hình trong tư thế ngồi, vai rộng, thân dỏng, mặc y quấn quanh mình, trên ngực có chữ Vạn; 2 tay đặt ngửa trong lòng kết ấn thiền, chân ngồi kiết già; khuôn mặt hình trái xoan, mắt hé mở, đỉnh đầu có nhục kế nhô lên, tai dài gần chạm vai, cổ cao ba ngấn. Tượng Phật ngồi trên đài sen 3 lớp cánh hoa nở thể hiện cho sự thanh khiết. Bệ tượng thiết kế kiểu bát giác, chạm trổ những bức phù điêu hình hoa sen, vân mây, sóng nước. Trong lòng bệ tượng thiết kế thành 2 tầng riêng biệt để phụng thờ “vạn vật” với 10 nghìn pho tượng Phật bằng đồng dát vàng, trên trần đắp vẽ các phù điêu hình hoa văn chữ Vạn, hoa sen 8 cánh, bàn tay đỡ bánh xe pháp luân... Hai bên Bảo tượng là hệ thống 10 pho tượng gồm: 6 pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát và 4 pho tượng Tứ Đại Thiên Vương (cao hơn 4m) làm bằng đá trắng nguyên khối kết hợp với những hàng cây xanh tạo nên không gian thanh tịnh. Năm 2018, Chùa Bình A được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao Bằng xác lập kỷ lục Tượng Phật A Di Đà bằng đá xanh lớn nhất cả nước.
Xã Hoàng Nam có 2 ngôi chùa được Bộ VH, TT và DL xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia là Chùa Hưng Thịnh và Chùa Hà Dương. Theo “Hưng Thịnh lương chí” thì Chùa Hưng Thịnh được xây dựng vào thời nhà Lê, niên hiệu Thuận Thiên thứ 3 (1431) kiến trúc theo kiểu chữ “Đinh” gồm tiền đường 3 gian, tam bảo 4 gian. Đến đời Vua Thành Thái năm thứ 11 (1899), chùa được tu sửa theo phong cách truyền thống. Trải qua nhiều biến thiên lịch sử, đến nay, chùa vẫn bảo tồn được dấu ấn nghệ thuật kiến trúc thế kỷ XVII-XVIII với các đề tài chạm khắc tài hoa của các nghệ nhân xưa như: tứ linh, hổ phù, long chầu nguyệt, mẫu long giáo tử cùng hoa lá, rồng đao và họa tiết trúc hóa long, tiên cưỡi rồng… Tại chùa hiện còn bảo lưu được hệ thống tượng pháp phong phú, tiêu biểu là các pho Tam thế, Phật A Di Đà, Quan Thế Âm Bồ Tát, Tuyết Sơn được tạo dáng cân đối, họa tiết trang trí, nhấn tỉa tinh xảo. Xã Nghĩa Đồng có 2 ngôi chùa được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh là Chùa Trang Túc và Chùa Lộng Điền. Trong đó, Chùa Lộng Điền (tên chữ là An Lăng tự) được xây dựng theo kiểu “tiền Thần, hậu Phật”. Ngoài thờ Phật truyền thống, chùa còn thờ Quốc sư Nguyễn Minh Không - Thành hoàng làng - người đã truyền nghề làm thuốc cho nhân dân và thờ danh nhân văn hoá Vũ Huy Trác. Trải qua thời gian, di tích vẫn còn bảo lưu được nguyên vẹn kiến trúc gốc và nhiều đồ thờ tự cổ. Trong đó, cỗ ngai bày tại chính cung là cổ vật có giá trị. Tay ngai được chạm trổ hình đầu rồng; trụ tay ngai chạm nổi vân mây, hoa lá. Lưng ngai có bố cục nhiều mảng đục chạm với phong cách khác nhau như: chạm nổi, chạm lộng, chạm nhấn. Cỗ kiệu của Chùa Lộng Điền là sản phẩm nghệ thuật của thế kỷ XVIII có chiều dài 3,3m, được gia công khá kỹ với các đề tài: rồng chầu, rồng cuốn thuỷ, rồng bay hoà quyện với các đường chỉ nổi vân áng. Tất cả các đề tài chạm khắc rồng ở cỗ ngai và cỗ kiệu lưu giữ tại di tích đều mang phong cách nghệ thuật rồng thời Lê có hình dáng mập mạp, nhiều đao mác… Chùa Trang Túc (Kim Lăng tự) được xây dựng bằng bê tông, cốt thép, gạch, mái lợp ngói nam. Tại toà tam bảo có bài trí 6 lớp tượng Phật với 20 pho tượng lớn nhỏ. Tất cả các pho tượng đều được làm bằng chất liệu gỗ, sơn son thếp vàng lộng lẫy. Bên cạnh chùa là đền, phía sau chùa chính là dãy nhà tổ, nhà Mẫu tạo thành một trung tâm văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng độc đáo. Ngoài giá trị về nghệ thuật kiến trúc, Chùa Trang Túc hiện còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị, tiêu biểu là: ngai, bài vị, tượng Tam thế, kiệu bát cống, nhang án được chạm khắc tinh xảo, mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn (thế kỷ XIX) và các đạo sắc phong niên hiệu Tự Đức thứ 33, Duy Tân thứ 3, Khải Định thứ 9…
Những ngôi chùa cổ ở Nghĩa Hưng không chỉ là những công trình tôn giáo tâm linh có giá trị về nghệ thuật kiến trúc mà còn là nơi diễn ra những sinh hoạt cộng đồng văn hoá, tín ngưỡng. Nhiều trò chơi dân gian, loại hình nghệ thuật dân tộc được người dân các địa phương gìn giữ, khôi phục và phát huy. “Xuân, thu nhị kỳ” mỗi năm đôi dịp lễ hội mùa xuân và lễ hội mùa thu tại các ngôi chùa gắn với các di tích đình, đền, phủ đều diễn ra các lễ hội truyền thống với các hoạt động tế lễ, rước trang trọng cùng các hoạt động mở hội: múa lân - sư - rồng, hát chèo, múa rối nước, chọi gà… phục vụ đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương về dự lễ. Hàng năm, ở nhiều chùa trong huyện còn tổ chức các khóa tu tập mở rộng ra cộng đồng phật tử và khách thập phương. Trong dịp này, người tham dự được nghe các hòa thượng trụ trì giảng về các vấn đề liên quan thiết thực đến đời sống hàng ngày của người dân: “Tịnh độ giữa cõi ta bà”, “Phật pháp vấn đáp”…, giúp họ nâng cao nhận thức về đạo Phật, vận dụng thực thành những điều tốt đẹp.
Về Nghĩa Hưng được tham quan, chiêm ngưỡng các công trình Phật giáo, lễ bái Phật, lòng người không khỏi bồi hồi, xúc động trước những giá trị văn hoá tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo của quê hương. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những giá trị đó vẫn giữ được vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần của người dân, hướng tới “chân - thiện - mỹ”, tạo dựng niềm tin giữa đời sống con người với đời sống tâm linh, cầu nguyện cho quê hương, đất nước hòa bình, phồn vinh, thịnh vượng./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng