Được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, phong trào sinh vật cảnh (SVC) ở xã Liêm Hải (Trực Ninh) được duy trì phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều gia đình.
Ông Đỗ Quang Tuyến, xóm 2 Trực Hải chăm sóc cây sanh dáng làng - tác phẩm đoạt Huy chương Bạc tại Triển lãm trưng bày sinh vật cảnh các tỉnh đồng bằng sông Hồng năm 2018. |
Hội SVC xã Liêm Hải hiện có 55 hội viên, sinh hoạt ở 4 chi hội. Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch Hội SVC xã cho biết: Xã có diện tích tự nhiên khoảng 8km2. Sau dồn điền, đổi thửa năm 2012, diện tích đất dành cho SVC hơn 33ha. Địa phương có trục đường Quốc lộ 21 và Quốc lộ 488 chạy qua nên thuận lợi cho việc thông thương, buôn bán, phát triển kinh tế SVC. Phát huy vai trò của Hội trong phát triển phong trào SVC, Hội SVC xã thường xuyên phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về kinh tế SVC, nhất là chủ trương đưa SVC trở thành ngành kinh tế. Hướng dẫn, hỗ trợ người làm SVC xây dựng ý tưởng tạo hình cây cảnh, cây thế sáng tạo, áp dụng khoa học kỹ thuật; đa dạng cơ cấu mở rộng trồng hoa, cây ăn quả, cây bóng mát kết hợp mô hình VAC (vườn - ao - chuồng) phù hợp với nhu cầu của thị trường. Đặc biệt trong giai đoạn thị trường SVC khó khăn như hiện nay, phong trào SVC ở Liêm Hải tập trung theo hướng phát triển đa dạng các loại cây cảnh nghệ thuật, cây bon-sai, cây lâu năm, cây công trình; trọng tâm là chuyển đổi từ trồng và bán cây phôi sang làm cây hoàn thiện. Nhiều hội viên tích cực giao lưu học hỏi theo hướng mới, tìm tòi, sáng tạo trong việc uốn, cắt tỉa, chăm sóc cây cảnh làm nên nhiều tác phẩm nghệ thuật đẹp, có giá trị. Đến nay, toàn xã có 40 tác phẩm bể cảnh non bộ, 1.350 chậu cây cảnh. Tổng thu nhập từ SVC toàn xã đạt trên 5 tỷ đồng/năm. Nhiều hội viên đã làm giàu từ cây cảnh và được vinh danh là Nghệ nhân SVC cấp tỉnh như các ông: Nguyễn Ngọc Khang, xóm 20; Trần Văn Hùng, xóm 15; Nguyễn Văn Thành, xóm 19; Đỗ Văn Tịnh, xóm 2 đều ở Trực Liêm. Câu lạc bộ (CLB) “cây nghệ thuật” Liêm Hải trực thuộc Hội SVC xã thành lập tháng 7-2019 có 18 hội viên. Các hội viên CLB đã tích cực triển khai việc trồng, phát triển cây bon-sai, đưa các tác phẩm tham dự các triển lãm, trưng bày SVC trong và ngoài tỉnh để quảng bá thương hiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhiều cây cảnh nghệ thuật của các nghệ nhân có giá từ 100-500 triệu đồng, thậm chí 2-3 tỷ đồng. Sau hơn 2 năm thành lập, CLB đã tìm được “chỗ đứng” trong giới cây cảnh bon-sai với nhiều tác phẩm nghệ thuật đạt giải cao tại các cuộc thi SVC cấp huyện, tỉnh và khu vực đồng bằng sông Hồng. Trong 5 năm (2014-2019) Hội SVC xã Liêm Hải đã phối hợp tổ chức 3 lớp dạy nghề, mỗi lớp 35 học viên, đào tạo 3 tháng/lớp, nội dung tập huấn kỹ thuật nâng cao với các chủ đề: “Chăm sóc và uốn tỉa cây cảnh”, “Nuôi cá, ba ba, ếch”, “Trồng cây lương thực, dược liệu”. Sau các lớp đào tạo, nhiều gia đình hội viên đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để phát triển kinh tế từ mô hình cây cảnh, cây thế kết hợp xây dựng gia trại, tạo khuôn viên nhà vườn đẹp mắt. Bên cạnh đó, hàng năm, Hội SVC xã còn tổ chức các cuộc hội thảo giữa các chi Hội SVC và Hội SVC các địa phương khác nhằm bổ sung kỹ thuật và kiến thức thị trường SVC. Hội SVC xã vận động hội viên trồng cây xanh, cây cảnh trên các tuyến đường trục xã, trong khuôn viên các nhà văn hoá xóm, trụ sở Đảng ủy, UBND xã, các trường học, nơi thờ tự để tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Năm 2017, gia đình ông Đỗ Quang Tuyến ủng hộ cây, vật liệu làm non bộ đá cây xanh ở Trường THCS Liêm Hải với số tiền 2,5 triệu đồng. Năm 2018, các hội viên SVC xã đã ủng hộ 8 cây cảnh cho Nghĩa trang Liệt sĩ xã trị giá 30 triệu đồng. Tại Triển lãm, trưng bày SVC các tỉnh đồng bằng sông Hồng lần thứ 2 năm 2018 tổ chức tại thành phố Nam Định, các hội viên SVC xã Liêm Hải đã có 10 tác phẩm cây cảnh nghệ thuật tham dự. Ban tổ chức đã trao giải Bạc cho ông Đỗ Quang Tuyến, giải Đồng cho ông Vũ Đàm Anh và 3 giải Khuyến khích cho các ông: Đỗ văn Tịnh, Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Văn Thành.
Hơn 20 năm làm SVC, ông Đỗ Quang Tuyến (66 tuổi), xóm 9 Trực Hải đã xây dựng một vườn cây cảnh đẹp rộng gần 1.000m2, trong đó chủ yếu là cây cảnh nghệ thuật, cây bon-sai, các loại hoa lan. Nhiều giống cây như: sanh, si, sung, lộc vừng, tùng la hán, tùng kim, mai, mộc hương, phong lan, địa lan... dưới bàn tay khéo léo, óc thẩm mỹ tinh tế của ông đã biến thành các tác phẩm nghệ thuật có “hồn”, có giá trị kinh tế. Nhiều cây cảnh của ông có giá từ vài chục triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/cây. Thời điểm cây cảnh “được giá”, ông có thu nhập khoảng 2 tỷ đồng/năm. Những năm gần đây khi thị trường cây cảnh chững lại, ông có thu nhập từ 100-200 triệu đồng/năm. Gần đây, để thích ứng linh hoạt với thị trường cây cảnh, đảm bảo hiệu quả kinh tế, nhiều hội viên phát triển trồng cây cảnh kết hợp cây ăn quả, chăn nuôi như gia đình ông Vũ Văn Bình (68 tuổi), xóm 2 Trực Liêm. Hiện gia đình ông Bình có 6 cây na, 4 cây bưởi diễn, 2 cây táo, 2 cây vải và 1 dàn cây thanh long. Từ năm 2010, ông Bình đã đầu tư xây chuồng nuôi chim bồ câu cung cấp giống và thịt cho thị trường, tổng đàn hiện nay hơn 800 con. Dám nghĩ, dám làm, năm 2019, ông Bình tiếp tục phát triển nuôi ốc bươu ta (ốc nhồi). Ước tính mỗi năm gia đình ông Bình thu lãi trên 50 triệu đồng từ bán chim bồ câu, 20-30 triệu đồng/vụ từ bán ốc. Phong trào làm giàu từ SVC, VAC như gia đình ông Bình, ông Tuyến đã thu hút nhiều người dân trong xã làm theo với nhiều cách làm mới, hiệu quả, bắt kịp xu hướng thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Để phong trào SVC ngày càng duy trì và phát triển, giai đoạn 2021-2025, Hội SVC xã Liêm Hải định hướng tiếp tục đưa kinh tế SVC vào từng hộ gia đình. Tập trung phát triển hội viên xây dựng, củng cố tổ chức Hội vững mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đẩy mạnh các hoạt động kinh tế SVC, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo, mở rộng diện tích đất trồng cây, chăn nuôi; phấn đấu thu nhập từ SVC đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm. Đẩy mạnh phong trào trồng, chăm sóc cây xanh, cây bóng mát trong khuôn viên các cơ quan, đơn vị, trường học, các di tích lịch sử - văn hoá, góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp cho quê hương./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng