Thành phố Nam Định thường được gọi bằng cái tên thân thuộc Thành Nam, có lẽ bởi thành phố được định cư ở phía nam của kinh đô Hà Nội. Thành phố Nam Định là một trong những đô thị lớn được hình thành từ lâu đời. Trên mảnh đất giàu truyền thống yêu nước, cách mạng và văn hóa này sớm hình thành một dòng chảy thơ ca từ văn học dân gian đến văn học viết, với tên tuổi nhiều bậc tài danh đã trở thành niềm tự hào của thơ ca dân tộc. Bài viết này không giới thiệu thi ca Thành Nam, chỉ đi vào một khía cạnh cụ thể: “Hình ảnh Thành Nam xưa trong con mắt thơ của người Thành Nam hôm nay”.
Nghi thức rước kiệu trong Lễ hội Đền Trần, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định). Ảnh: Viết Dư |
Thơ ca của người Thành Nam hôm nay về đề tài Thành Nam xưa được thể hiện rất phong phú đa dạng cả về nội dung, hình thức, thể loại. Cảm xúc chung tiêu biểu trong các sáng tác thơ là niềm yêu mến tự hào với mảnh đất Thành Nam. Những tâm tư và khát vọng được bộc lộ giãi bày về những địa danh, cảnh vật và con người một thời vàng son đầy tự hào ở nơi đây.
Xúc động trước di tích lịch sử - văn hóa dân tộc nơi Đền Trần - Chùa Tháp, tác giả Mai Quốc Cách cảm thấy mỗi cảnh vật nơi đây là một chứng nhân lịch sử, để ông biểu đạt cảm xúc của mình bằng những lời vấn thoại ăm ắp suy tư: “Những viên gạch triện lát, chun đỏ, phẳng lỳ/Phủ bụi thời gian vẫn nằm vuông vức/Có viên gạch nào/từng nâng bước chân Vua/từ Thăng Long về yết kiến Cung Trùng Quang/Thái Thượng Hoàng bàn việc nước đêm thâu ?.../Cây đại già man mác hương thơm/Có cánh hoa nào/Đã từng theo Thượng Hoàng Trần Nhân Tông về Trúc Lâm Yên Tử/Để cứu chúng sinh thoát khỏi cơ hàn?” (Thiên Trường linh khí - Mai Quốc Cách).
Cảm xúc về Thành Nam xưa luôn gắn với niềm tự hào dân tộc mang “Hào khí Đông A”. Cảm xúc về Hào khí Đông A thời Trần xưa vẫn vẹn nguyên trong con mắt thơ hôm nay: “Hào khí còn đây thuở Đông A/Âm vang trống trận dậy sơn hà/Tráng sĩ chung lòng thề Sát Thát/Minh Quân bền chí đọ tài ba/Chặn đứng ngoại thù an vận nước/Xua tan nội tặc vẹn tình nhà/Trung Hiếu Nghĩa Nhân ngời sử sách/Vạn thuở Thiên Trường đất nở hoa” (Đông A hào khí - Thảo Ngọc Trang).
Ai đã đến Thành Nam và viết về Thành Nam đều không thể không đến thăm và viết về Cột Cờ Thành Nam (xây dựng từ năm 1812 đến năm 1843 hoàn thành). Hình tượng Kỳ đài ngạo nghễ nơi đây, niềm tự hào chính đáng của người Thành Nam là biểu tượng ghi dấu tầm vóc của Thành Nam trên bản đồ đất nước: “Hơn hai trăm năm Cột Cờ đứng đó/Trầm tích sử thi lộng gió thượng đài/Khuôn cửa nam hướng theo đức sáng/Khuôn cửa đông đón nắng ban mai…/Đất Thiên Trường sáng mãi sử xanh/Cùng với Huế, Hà Thành, Kinh Bắc/Cột Cờ oai nghiêm, Điện Kính Thiên trầm mặc/Hào khí Đông A, xã tắc yên lành…/Tự hào biết bao anh hùng hào kiệt/Hồn quê hương sông núi tụ về đây” (Cột cờ Thành Nam - Trịnh Vệ). Tác giả thể hiện cảm xúc thẩm mỹ trước kỳ đài Thành Nam bằng sự quan sát rất kỹ lưỡng. Khuôn cửa hướng nam Cột Cờ có chữ “hướng quang” nghĩa là hướng theo đức sáng, khuôn cửa hướng đông có chữ “nghinh húc” nghĩa là đón gió ban mai. Theo thuyết phong thủy thì nhà thiết kế đã chọn được hướng đắc địa để dựng kỳ đài Thành Nam. Cột cờ Thành Nam vươn cao hiện diện cùng Cột Cờ kinh thành Huế (1807), Cột Cờ kinh thành Thăng Long (1812), Cột Cờ kinh thành Bắc Ninh (1838), những kỳ đài được xây dựng sớm, biểu tượng lòng tự hào dân tộc. Tác giả cảm nhận - liên tưởng thật tinh tế, cột cờ là biểu tượng mang hồn thiêng sông núi, là tụ nghĩa anh hùng hào kiệt của nhân dân.
Cầu Đò Quan, thành phố Nam Định. Ảnh: Viết Dư |
Sông Đào và Đò Quan về đêm thật dịu dàng tha thướt tình tứ. Sông Đào được ví như “dải lụa đan cài bóng trăng” chứ không chỉ dòng sông trăng. Cầu Đò Quan như một tình nhân lãng mạn đồng điệu, hồi hoàn. Hình ảnh dòng sông Đào còn khơi gợi những bâng khuâng hoài niệm, nhớ quê hương Nam Định lồng trong nỗi nhớ sông Đào: “Ngược tìm về bến Đò Quan/Sông Đào huyền thoại sóng tràn bến mưa/Cầu cong cong dáng trăng xưa/Hàng Nâu phố cũ hẹn chờ thi nhân” (Bến cũ - Lại Quang Phục). “Một vùng sông nước bình yên/Bờ xưa bến cũ con thuyền về đâu?…/Con sông thuở ấy ai đào/Mà nay sóng nước xôn xao dòng đời” (Sông Đào - Nguyễn Thế Hùng).
Nhớ về Thành Nam một thuở không thể không nhớ đến Vỵ Xuyên, Vỵ Hoàng và nhà thơ nổi tiếng Trần Tế Xương. Tác giả Phạm Trường Thi có những câu thơ ăm ắp suy tư: “Trường Thi nay hóa thành phường phố/Có đất nào đắt như ở đây/Nơi trôi nổi bao mộng vàng sĩ tử/Khoa trường tay trắng với trắng tay/Ngất ngưởng kìa ông!/Chiều nay/Thoáng cánh áo thâm, tiếng cười chua chát/Níu kéo lời ai nhâm nhi câu hát/Thành Nam… hự… hừ… Ông Tú Thành Nam” (Nhớ ông Tú Thành Nam - Phạm Trường Thi). Hình tượng thi nhân Trần Tế Xương với Thành Nam được khắc họa trong nhiều bài thơ, nhất là dịp kỷ niệm ngày sinh hoặc ngày mất của ông. Mỗi bài lại thể hiện “con mắt thơ” riêng tri âm với nhà thơ:
“Tiếng gọi đò vời vợi xiết tâm linh/Buồn dâu bể hóa nỗi đau thời cuộc/Tiếng gọi đò, tiếng - gọi - đò - non - nước/Rối lòng ông Tú - phạm trường qui/Rối lòng người đèn sách tám khoa thi/Lóng dóng cả bậc “thần thơ thánh chữ”/Tủi lều chõng bút nghiên cũng hổ/Giương mắt mà đo không hết bóng đêm” (Tiếng gọi đò đêm ấy - Vũ Minh Am).
Thành Nam là vùng đất văn hóa, giàu truyền thống khoa cử và sáng tác nghệ thuật. Chiếng chèo Nam là một trong bốn chiếng chèo nổi tiếng của Bắc Bộ. Những cái tên: Trường Thi - Văn Miếu Thành Nam, Tam Nguyên - Trần Bích San; Trường Thành Chung Nam Định…, cùng với bao tên tuổi nổi tiếng của các nhân sĩ trí thức, các nhà kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hóa xã hội…, là niềm tự hào chính đáng của mảnh đất hiếu học này. Nhà thơ Phạm Trọng Thanh trong bài “Nhớ về Nam Định” có những câu thơ thật xúc động: “Vỵ Hoàng xưa tiếng ếch bên tai/Thơ cụ Tú người chân trời vẫn nhớ/Bến Ngự, Trường Thi nối dài khoa cử/Cổ Mai Trang chúm chím nụ mai chờ/… Nỗi nhớ nghiêng chiều thương mến Vỵ Xuyên/Giọng nói riêng riêng tiếng chào nhẹ nhẹ/Mái nhà ta có câu thơ gõ cửa/Thành phố nuôi anh còn đó sách đèn” (Nhớ về Nam Định - Phạm Trọng Thanh). Viết: “Trường Thi nối dài khoa cử”, “Mái nhà ta có câu thơ gõ cửa/Thành phố nuôi anh còn đó sách đèn” là cách biểu đạt “chạm” đến nỗi niềm ẩn ức mang khát vọng khoa cử trên mảnh đất Thành Nam, nơi đạo học đã trở thành đạo lý, của mỗi gia đình dòng họ, khát vọng con đường học hành để thành “người tử tế”. Truyền thống hát văn cũng đi vào tiếng thơ hôm nay. “Tiếng hát chèo” của Trịnh Văn Lân là một trong những cách biểu đạt khẳng định sự kết tinh giá trị văn hóa truyền thống qua giọng hát chèo ngày nay: “Vàng son một chiếng chèo Nam/Mắt cười lúng liếng em sang mời trầu/Tích trò cũ nay ở đâu ?/Sân đình chiếu trải trống chầu mau chân/Lới lơ Đào liễu du xuân/Hồn dân tộc Việt trong ngần giọng em”. Từ cảm nhận rất thực, những “lúng liếng… mời trầu”, “tích trò cũ”, “sân đình chiếu trải”, “lới lơ Đào liễu”…, tác giả khái quát “Hồn dân tộc Việt trong ngần giọng em” thì thật là linh diệu.
Nhìn lại sáng tác thơ của người Thành Nam hôm nay viết về đề tài Thành Nam xưa rất phong phú. Tuy nhiên số lượng bài viết chỉ mới thể hiện tình cảm của người hôm nay với Thành Nam. Sự lắng lọc trong thơ đòi hỏi nhiều ở những sáng tạo hình tượng thơ độc đáo và hay. Chưa có nhiều bài thơ đạt độ kết tinh tiêu biểu nghệ thuật thơ, có thể “phổ cập” trong lòng người đọc như các sáng tác nhạc “Qua bến Đò Quan” của Thái Cơ, “Nam Định mình ơi” của Nguyễn Tiến. Điều đáng tiếc nữa trong nhiều tác giả hôm nay viết về Thành Nam, vắng bóng những người viết trẻ, thấy chủ yếu ở thế hệ người cao tuổi viết từ sự trải nghiệm một thời. Một thế kỷ định danh thành phố Nam Định, ước nguyện sẽ có nhiều sáng tác thơ hay hơn nữa, để ra mắt một tuyển thơ đầy đặn, phong phú, hấp dẫn tương xứng tầm vóc của thành phố Nam Định xưa và nay./.
Nguyễn Công Thành
Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh