Bộ Văn hóa và Mỹ thuật Campuchia cho biết, đến nay Việt Nam và 10 quốc gia khác đã đăng ký tham gia Liên hoan Văn hóa Á - Âu (ASEMfest) 2021, một sự kiện bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu sẽ được Campuchia tổ chức vào tháng 11 tới.
Liên hoan Văn hóa Á - Âu 2021 dự kiến sẽ diễn ra trong 5 ngày từ 22 đến 26-11, trùng với thời điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu lần thứ 13. Liên hoan sẽ có 3 hoạt động bao gồm biểu diễn nghệ thuật, triển lãm và chiếu phim, các hoạt động này hầu hết sẽ được tổ chức thông qua hình thức hội nghị truyền hình trực tuyến, riêng hoạt động triển lãm sẽ có một phần hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Campuchia.
“Thổi còi” nghệ sĩ phát ngôn sai trên báo chí, mạng xã hội
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức soạn thảo Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ, trong đó có các quy tắc ứng xử của nghệ sĩ trên báo chí, mạng xã hội.
Bộ quy tắc này, không chỉ áp dụng cho các hành vi ứng xử của nghệ sĩ trong hoạt động nghề nghiệp, còn áp dụng với cả những hành vi trên báo chí, truyền thông, mạng xã hội và hoạt động cộng đồng khác. Dự thảo Bộ Quy tắc nhấn mạnh nghệ sĩ không tham gia quảng cáo các sản phẩm không đúng hoặc gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm, không thực hành, ủng hộ hoạt động mê tín dị đoan, không tổ chức, tham gia các hoạt động trái quy định của pháp luật và phải có trách nhiệm minh bạch trong hoạt động xã hội, từ thiện. Trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội, nghệ sĩ phải trung thực trong phát ngôn, bày tỏ và chia sẻ quan điểm, không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, trái thuần phong mỹ tục khi tham gia hoạt động báo chí, truyền thông và mạng xã hội. Không đăng tải, lan truyền các nội dung vi phạm pháp luật, thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân, thông tin sai sự thật, thông tin chưa được kiểm chứng...
“Số đỏ” - tác phẩm mở đầu dự án giới thiệu văn học Đông Nam Á tại Trung Quốc
Tiếp theo “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh xuất bản tại Trung Quốc đầu năm 2019, tiểu thuyết “Số đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng - tác phẩm văn học dịch bằng tiếng Việt thứ hai của dịch giả Hạ Lộ, Phó Giáo sư chuyên ngành tiếng Việt Đại học Bắc Kinh - tiếp tục ra mắt bạn đọc của đất nước đông dân nhất thế giới này.
Tiểu thuyết Số đỏ bản tiếng Trung Quốc. |
Hạ Lộ hoàn thành bản thảo lần đầu của “Số đỏ” vào năm 2018. Trong quá trình dịch, chị không chỉ thường xuyên giảng dạy cho sinh viên và nghiên cứu sinh, mà còn cho ra đời 2 bài viết phân tích về tác phẩm, với mục đích để độc giả Trung Quốc hiểu hơn về thân thế tác giả, bối cảnh ra đời của tác phẩm và giá trị nghệ thuật hàm chứa trong đó. Hạ Lộ cho biết, chị là người Trung Quốc đầu tiên thử sức dịch “Số đỏ”: “Tôi đã đọc rất nhiều tác phẩm, tác giả văn học Việt, muốn dịch cũng rất nhiều, nhưng thời gian và sức lực có hạn, chỉ có thể ưu tiên chọn dịch một vài tác phẩm ưu tú nhất. “Nỗi buồn chiến tranh” là tác phẩm như vậy, “Số đỏ” cũng là tác phẩm như vậy”./.
PV