Đề tài lịch sử trên sân khấu chuyên nghiệp Nam Định

04:09, 17/09/2021

Bên cạnh việc đưa đề tài xã hội đương đại vào sân khấu chuyên nghiệp nhằm đổi mới nội dung, hình thức phục vụ khán giả, nhiều năm qua, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã xây dựng nhiều trích đoạn, vở diễn chèo, cải lương tái hiện những câu chuyện, sự kiện, nhân vật lịch sử. Những tác phẩm nghệ thuật kịch hát dân tộc của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp mang tính giáo dục cao, có khả năng chinh phục khán giả hiện đại, nhất là thế hệ trẻ.

Một cảnh trong vở cải lương “Trần Hưng Đạo” của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh.
Một cảnh trong vở cải lương “Trần Hưng Đạo” của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh.

Thành công từ những vở diễn về đề tài lịch sử

Trong quá trình xây dựng và phát triển, nhiều vở diễn về đề tài lịch sử của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã tạo danh tiếng cho Đoàn Chèo và Đoàn Cải lương Nam Định từng giành nhiều giải thưởng tại các cuộc thi sân khấu nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc như: “Trần Hưng Đạo”, “Trần Bình Trọng”, “Linh hồn Đại Việt”, “Tình sử vương triều”, “Ngô Quyền dựng nước”, “Tiếng trống Mê Linh”… (cải lương); “Trần Quốc Toản ra quân”, “Trạng lường Lương Thế Vinh”, “Tấm vóc Đại Hồng”, “Soi bóng người xưa”, “Thần đồng Đất Việt”, “Trần Anh Tông” (chèo). Vở chèo “Trần Quốc Toản ra quân” (kịch bản: Hoài Giao, đạo diễn: cố NSƯT Đoàn Bá) năm 1967 của Đoàn Chèo Nam Hà (nay là Đoàn Chèo Nam Định) là tác phẩm lịch sử, tái hiện sinh động những chiến công hiển hách về “võ công - văn trị” của nước Đại Việt thời Trần. Vở diễn ra đời trong bối cảnh cả nước đẩy mạnh phong trào “Ba đảm đang”, huy động sức mạnh của phụ nữ từ nông thôn tới thành thị vừa sản xuất vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Vở chèo được đưa đi biểu diễn phục vụ bộ đội, nhân dân các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hoá, Ninh Bình, Thái Bình, Cao Bằng, Quảng Ninh… Năm 1968, NSND Kim Liên (vai Thế tử), các nghệ sĩ: Thuý Ngân (vai Trần Quốc Toản), Hồng Lê (vai cô gái làng Vân), Thuý Nga (vai hề đồng) với trích đoạn trong vở chèo “Trần Quốc Toản ra quân” đã vinh dự được biểu diễn phục vụ Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. Năm 1971, vở chèo “Trần Quốc Toản ra quân” đã được cố NSND Bạch Diệp chuyển thể thành phim nhựa 35 ly công chiếu rộng rãi, góp phần cổ vũ khối đại đoàn kết toàn dân trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Năm 2016, Đoàn Chèo Nam Định đã dựng lại vở “Trần Quốc Toản ra quân” (đạo diễn NSND Lê Hùng). Đây là 1 trong 2 vở của Đoàn Chèo Nam Định tham dự cuộc thi Nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc với sự thể hiện của dàn nghệ sĩ tài năng: Văn Minh (vai Trần Quốc Toản), Xuân La (vai lão Mộc), Thành Lâm (vai Thế tử), Thu Phương (vai cô gái làng Vân), Minh Phương (vai hề đồng). Đoàn đã giành kết quả ấn tượng với 1 HCV, 3 HCB cá nhân và 1 giải diễn viên xuất sắc. Vở chèo “Trần Anh Tông” (kịch bản: Trần Đình Ngôn, đạo diễn: NSƯT Trịnh Quang Khanh) là vở diễn có nội dung ca ngợi công lao to lớn của Hoàng đế, Đệ nhất tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - Trần Nhân Tông. Năm 2000, vở chèo “Trần Anh Tông” đã gây tiếng vang với khán giả cả nước khi giành HCV tại hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc; vinh dự được chọn biểu diễn phục vụ tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX. Năm 2008, vở chèo “Trần Anh Tông” của Đoàn Chèo Nam Định vinh dự được chọn biểu diễn tại lễ tưởng niệm “700 năm Ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn” tại Khu di tích lịch sử - văn hóa Yên Tử (Quảng Ninh). Vở cải lương “Linh hồn Đại Việt” (kịch bản, đạo diễn: NSND Doãn Hoàng Giang) là vở diễn khắc họa hình tượng Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo với những chiến công hiển hách trong 3 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông (thế kỷ XIII). Thông qua nội dung của vở diễn, người xem hiểu được khí phách, bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm của một người lãnh đạo quốc gia trước thử thách sống còn của vận mệnh đất nước và bài học biết dẹp bỏ những bất hoà riêng tư trong quá khứ để hướng tới mục tiêu cao cả là chiến thắng kẻ thù, giải phóng dân tộc. Thành công của các vở diễn về đề tài lịch sử trên sân khấu cải lương còn đến từ vở diễn “Tình sử vương triều”, khắc họa hình tượng vị vua đầu tiên của nhà Trần - Trần Cảnh (Trần Thái Tông) với “điểm nhấn” là mối tình giữa Trần Cảnh và Lý Chiêu Hoàng. Năm 2009, tham gia Hội thi Sân khấu cải lương toàn quốc, vở diễn được đánh giá cao, xuất sắc giành 2 HCV cá nhân cho NSND Quang Chí (vai Trần Thủ Độ) và NSƯT Thanh Hằng (vai Lý Chiêu Hoàng). Nối tiếp mạch đề tài lịch sử vốn là sở trường của nghệ thuật cải lương Nam Định, thời gian gần đây, Đoàn Cải lương Nam Định đã dàn dựng một số vở mới như: “Vua Thánh triều Lê”, “Vằng vặc sao khuê”, “Tiếng trống Mê Linh”… Năm 2020, Đoàn Cải lương Nam Định đã giới thiệu và công diễn thành công vở mới “Oan tình Lệ Chi Viên” (kịch bản: Nguyễn Văn Thịnh, đạo diễn: NSND Hoàng Quỳnh Mai). Vở diễn được phóng tác từ vụ án Lệ Chi Viên (vụ án vườn vải) - một vụ án oan nổi tiếng thời Lê sơ cách đây 578 năm đã được sử sách ghi chép. Vở cải lương “Oan tình Lệ Chi Viên” đã khắc họa rõ nét hình ảnh danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi và người vợ lẽ của ông là Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với bi kịch tru di tam tộc khi bị triều đình nhà Lê quy tội giết Vua Lê Thái Tông. Cùng với kinh nghiệm của các NSƯT Thanh Hằng (vai Nguyễn Thị Lộ), Mạnh Tuyển (vai Nguyễn Trãi), vở diễn “Oan tình Lệ Chi Viên” còn có sự góp mặt của một số diễn viên trẻ năng động, nhiệt huyết. Giới chuyên môn đánh giá vở cải lương “Oan tình Lệ Chi Viên” là tác phẩm nghệ thuật được đầu tư kỹ cả về nội dung nghệ thuật và hình thức nên tạo ấn tượng mạnh cho người xem.

Để các vở diễn đề tài lịch sử đến gần hơn với công chúng

NSƯT Diệu Hằng, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh cho biết: “Khác với những vở diễn về đề tài dân gian hay hiện đại, các nghệ sĩ, diễn viên có nhiều điều kiện làm mới tính cách của nhân vật, sáng tạo về diễn xuất theo đặc thù bối cảnh từng vở diễn thì những vở diễn đề tài lịch sử đòi hỏi người diễn phải hiểu rõ về lịch sử Việt Nam nhất là những danh nhân nổi tiếng của dân tộc để có những tìm tòi, sáng tạo phù hợp trong lối ca, lối diễn, thể hiện rõ thần thái của từng nhân vật lịch sử”. Đề tài lịch sử trong những trích đoạn, vở diễn chèo, cải lương của Nhà hát không chỉ để dự thi các cuộc thi sân khấu nghệ thuật chuyên nghiệp mà còn là những tác phẩm nghệ thuật mang tính giáo dục truyền thống sâu sắc, công diễn ở các địa phương, phục vụ nhiều đối tượng khán giả. Đề tài về lịch sử là nguồn cảm hứng chưa bao giờ vơi cạn đối với sân khấu kịch hát truyền thống của quê hương Nam Định. “Tuy nhiên, để những vở diễn, trích đoạn về đề tài này có một sức sống mới mẻ, chứa đựng tính thẩm mỹ, giáo dục cao cũng như khả năng chinh phục khán giả hiện đại là điều không hề dễ dàng”. NSƯT Diệu Hằng chia sẻ thêm. Việc khai thác đề tài lịch sử trên sân khấu chuyên nghiệp còn cho thấy sức sống lâu bền của các câu chuyện lịch sử, nhân vật lịch sử trong lòng khán giả. Để tiếp cận với nhiều đối tượng khán giả, Đoàn Cải lương Nam Định đã phối hợp với các trường học trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh Dự án “Sân khấu học đường”, tổ chức biểu diễn cho học sinh giúp các em thêm cách tiếp cận, tìm hiểu về các nhân vật, các sự kiện trong lịch sử dân tộc, bổ sung kiến thức và tình yêu học Lịch sử cho các em. Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, NSƯT Thanh Hằng chia sẻ: “Tuổi thọ của một vở diễn lịch sử ngắn hơn một vở hiện đại, một vở bi kịch khó trụ bằng một vở diễn hài kịch là điều thường thấy đối với sân khấu. Mỗi câu chuyện lịch sử đều có một “chìa khóa”, một phương án để mở nó ra và kể lại theo cách riêng của mỗi người nghệ sĩ”.

Còn với đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai - người đã dàn dựng hơn 40 vở diễn sân khấu về đề tài lịch sử thì có quan điểm: “Không ít người cho rằng khai thác kịch bản về đề tài lịch sử dễ hơn kịch bản hiện đại, bởi luôn có những câu chuyện có sẵn, người viết không phải nghĩ ra cốt truyện. Tuy nhiên, thực tế đó lại là điều khó khăn nhất đối với mỗi tác giả khi viết kịch bản và với đạo diễn khi dàn dựng vở diễn đề tài lịch sử. Làm sân khấu về đề tài lịch sử phải tôn trọng lịch sử. Ngược lại với nghệ thuật, những người nghệ sĩ phải không ngừng sáng tạo để đạt đến độ bay bổng, lãng mạn. Đó là phải làm sao để làm mới những vở diễn cũ cho phù hợp với xu hướng xã hội hiện đại mà không làm sai lệch lịch sử. Làm thế nào để kịch bản không lặp lại khi cùng tái hiện một thời kỳ lịch sử và cùng xoáy vào một nhân vật trung tâm. Để câu chuyện cũ thu hút khán giả, đòi hỏi người đạo diễn phải có tầm tư duy nhất định, sự hiểu biết và lý giải lịch sử sắc bén, nhạy cảm, nhìn câu chuyện lịch sử bằng nhãn quan của thế hệ hôm nay, đưa hơi thở của thời đại vào mỗi vở diễn, góp phần đưa các tác phẩm sân khấu về đề tài lịch sử đến gần hơn với công chúng”.

Trước sự phát triển nở rộ của các loại hình nghệ thuật hiện nay, sự tiếp cận khán giả của sân khấu kịch hát dân tộc ngày càng khó khăn, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh vẫn không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng từng vở diễn. Các vở diễn về đề tài lịch sử luôn là một phần quan trọng trong giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

 


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com