Trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật, chủ đề về quê hương, đất nước luôn là mạch nguồn tạo cảm hứng bất tận của nhiều văn nghệ sĩ; đặc biệt các nhạc sĩ Nam Định đã sáng tác nhiều ca khúc ca ngợi vẻ đẹp của mảnh đất, con người quê hương Nam Định và được đông đảo công chúng yêu âm nhạc đón nhận.
Một tiết mục biểu diễn ca ngợi tình yêu quê hương đất nước của các ca sĩ, diễn viên Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Triển lãm tỉnh (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). |
Năm 2021 là năm tỉnh ta có nhiều sự kiện văn hóa, chính trị quan trọng. Thực hiện cuộc phát động sáng tác âm nhạc chào mừng kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập thành phố Nam Định (17-10-1921 - 17-10-2021) của Bộ môn Âm nhạc - Múa (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh), các nhạc sĩ Nam Định đã cho ra đời nhiều nhạc phẩm về chủ đề “Trăm năm thành phố tôi yêu”; trong đó, có tuyển chọn 11 ca khúc tiêu biểu xuất bản thành đĩa DVD với tựa đề “Nam Định - Thành phố tôi yêu”. Tác phẩm âm nhạc “Về Nam Định nghe em” (thơ: Nguyễn Thế Minh, nhạc: NSƯT Kiều Dư) là ca khúc mở đầu của DVD “Trăm năm thành phố tôi yêu”. Nhạc phẩm mang âm hưởng dân ca đồng bằng sông Hồng, chất liệu âm nhạc quê hương được nhạc sĩ Kiều Dư khai thác tài tình; đồng thời giãi bày được tâm tư, tình cảm của nghệ sĩ bằng những giai điệu đẹp, ý thơ hay. Đó là những di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng của vùng quê Thiên Trường - Nam Định được tác giả đưa vào những ca từ: “Về Nam Định em về quê hương anh/Anh đưa em thăm ngôi Chùa Tháp ngát sen thơm ngàn đất Phật/Công viên xanh Đền Trần đón chào/Về Nam Định mảnh đất đẹp sao/Gạo tám xoan thắm tình người Hải Hậu/Mộc mạc thôi lòng thêm đau đáu/Nhà thờ đổ, biển Thịnh Long êm đềm…”. Sự trụ bám bền bỉ trong lòng khán thính giả yêu nhạc của nhạc sĩ, NSƯT Kiều Dư là ở những sáng tác phổ nhạc từ các tác phẩm thơ của các tác giả Nam Định. Tứ thơ “hóa” thành lời ca kết hợp với những nốt nhạc mang tâm tình của người nghệ sĩ được thể hiện qua những câu hát trữ tình, tha thiết trong ca khúc “Trăm năm thành phố quê tôi” (thơ: Nguyễn Thế Khanh, nhạc: NSƯT Kiều Dư): “Hãy về bến Đò Quan/Qua cầu ngược Bắc xuôi Nam tháng ngày/Bên sông đường phố dựng xây/Thành Nam lộng gió đắm say lòng người/Hãy về thành phố Dệt thân thương/Sợi tơ, tơ sợi bao lòng vấn vương/Với bao phố cổ để đời/Hàng Cau, Hàng Nón nhớ thời trao duyên…”. Ca khúc được các ca sĩ Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Triển lãm tỉnh thể hiện theo nhịp chậm rãi ở những khúc đầu bởi giọng ca đơn nam, đơn nữ; tiết tấu nhanh, dồn dập ở đoạn điệp khúc bởi giọng tốp ca nam nữ hòa thanh. Từng nốt nhạc lên bổng, xuống trầm đã gieo vào tâm hồn người nghe niềm tự hào về miền đất thiêng Nam Định và một ước mơ về tương lai tươi sáng. Ca khúc “Thành phố hôm nay” (nhạc và lời: NSƯT Đức Miên) là nhạc phẩm có giai điệu đẹp, chậm rãi. Lời ca khúc kể về sự phát triển của Thành Nam sau ngày giải phóng với những đổi thay qua từng góc phố phường: “Phố phường hôm nay, thành phố vườn mây/Lời hát em bay cao những công trình phố rộng/Phường, quốc lộ, đường xanh, phố nhà nhà vang tiếng cười, mắt em long lanh…”. Cảm nhận ca khúc, những công trình văn hóa, cách mạng của thành phố 100 năm tuổi như hiện ra trước mắt mỗi người, tiếp thêm niềm tự hào về lịch sử hào hùng, truyền thống vẻ vang của đất và người Nam Định: “Phố phường hôm nay/Thành phố vườn mây gợi nhớ năm nao diệt Pháp, phá bốt tề, bần bốt Chùa Phù Long, ngát mùi trầm sư sãi, mừng nhân dân mong…”. Không cầu kì tô vẽ, những ca từ giản dị của bài hát khi được thổi vào giai điệu nhẹ nhàng đã thể hiện tình yêu quê hương nồng nàn, chân thành mà cũng không kém phần nhiệt huyết, mãnh liệt của tác giả ở lời ca kết bài: “Thành phố hôm nay, thành phố anh hùng/Lời bài hát em bay, khúc ca dựng xây Thành Nam yêu thương”. “Thành phố tình yêu - Thành phố niềm tin” là sáng tác tâm huyết của nhạc sĩ Lê Huy Tập. Cùng chủ đề ca ngợi lịch sử hình thành, phát triển đất Thành Nam nhưng bài hát lại miêu tả vẻ đẹp thành phố ở một góc nhìn khác, đó là cảm xúc của tác giả và những người con xa quê khi nhớ về đất mẹ. Ca khúc mở ra với những câu ca đầy cảm xúc: “Thành phố cho tình yêu, thành phố cho bài ca/Thành phố cho hồn thơ, to lớn như mong đợi/Đi tới những chân trời, nhớ về thành phố tôi…”. Những hình ảnh thân thuộc của thành phố Dệt anh hùng với những công trình “thế kỷ” gắn liền ký ức tuổi thơ của mỗi người được tác giả “vẽ” nên bằng những ca từ đẹp, thân thương:
“Thành phố trong lòng tôi, tuổi thơ phố Hàng Thao, còn đây bến Đò Quan dòng nước trôi thời gian…”, “Thành phố vui chợ Rồng, Vị Xuyên trong nỗi lòng, nước trời hằng trao duyên…”. Trên nền nhạc trầm bổng, mỗi nốt nhạc vang lên như một nét chấm phá trên bức tranh quê hương, dâng tràn cảm xúc với những giai điệu kết bài đầy niềm tự hào: “Thành Nam hãy bừng lên, thành phố của niềm tin/Nào hát lên bạn ơi! Thành Nam thân yêu ơi!”.
Mảnh đất và con người Thành Nam từ lâu đã trở thành cảm hứng sáng tác và luôn có một vị trí hết sức quan trọng trong tâm hồn và trái tim của mỗi người nghệ sĩ. Nhạc sĩ Kiều Dư là người có tâm với nghề, có trái tim đầy ắp tình yêu và luôn tìm tòi, sáng tạo, miệt mài với nghệ thuật. Ông đã dành nhiều thời gian sáng tác âm nhạc với hàng loạt các ca khúc ca ngợi vẻ đẹp quê hương Nam Định như: “Thành Nam quê tôi”, “Nam Định phố xưa”, “Một thoáng Thành Nam”, “Nam Định vào xuân”, “Về với miền đất thiêng”, “Muôn đời Tổ quốc lưu danh”… Từ năm 2012 đến nay, nhiều tuyển tập của Nhạc sĩ Kiều Dư như: “Về với miền đất thiêng” (60 ca khúc), “Xuân nồng nàn” (32 ca khúc), “Nam Định một hồn thơ” (32 ca khúc), “55 ca khúc phổ thơ”, “Tuyển tập các ca khúc Trần Công Thủy - Kiều Dư” (250 ca khúc), “Tuyển tập ca khúc Đức Miên - Kiều Dư - Trần Công Thủy” (300 ca khúc), “Dấu mùa sang” (99 bài thơ) được giới chuyên môn, bạn bè, đồng nghiệp và công chúng đánh giá cao.
Cuộc sống hôm nay đang đổi thay từng ngày, từ những thành tựu to lớn của tỉnh đã đạt được trong công cuộc xây dựng, phát triển quê hương đến sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh. Các cuộc vận động sáng tác âm nhạc về phòng, chống dịch COVID-19 do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phát động luôn được đông đảo nghệ sĩ, nhạc sĩ Nam Định hưởng ứng. Từ năm 2020 đến nay, các nhạc sĩ Nam Định đã sáng tác nhiều ca khúc viết về công tác phòng, chống dịch COVID-19, nội dung ca ngợi lực lượng tuyến đầu chống dịch, thông cảm, sẻ chia về cuộc sống của người dân trong thời kỳ dịch bệnh. Tiêu biểu là các ca khúc của nhạc sĩ Kiều Dư: “Bão tan mặt trời bừng sáng”, “Thương lắm Sài Gòn ơi” (thơ Nguyễn Thế Minh), “Lời với con trong mùa dịch” (thơ Nguyễn Anh Trí), “COVID tan anh chiến thắng trở về” (thơ Lê Hà Ngân) cùng các ca khúc: “Tình ca xanh” - sáng tác: nhạc sĩ Lê Huy Tập, “Nếu một ngày mẹ cách ly” (thơ Hà Hoàng) - sáng tác: nhạc sĩ Ngọc Hùng, “Những thiên thần áo trắng” (thơ Vũ Thị Tố Nga) - sáng tác: nhạc sĩ Ngọc Độ, “Em dép lê” (thơ Châu Thạch), “Chiến thắng về ta” - sáng tác: nhạc sĩ Trần Công Thủy, “Tình yêu thời COVID” - sáng tác: nhạc sĩ Trọng Dự.
Nhạc sĩ, NSƯT Kiều Dư cho biết: “Trong thời điểm dịch bệnh hiện nay, vai trò của các nhạc sĩ, ca sĩ là rất quan trọng trong tuyên truyền, vận động cộng đồng chung tay chống dịch. Cùng với các nhạc sĩ trong cả nước, các nhạc sĩ, nghệ sĩ Nam Định mong muốn đóng góp tiếng nói âm nhạc của mình sẻ chia với người dân trong các vùng tâm dịch, cảm thông và động viên các lực lượng công an, quân đội, y tế trên tuyến đầu chống dịch. Âm nhạc cất lên từ trái tim mỗi người nghệ sĩ sẽ là món ăn tinh thần cổ vũ toàn dân chống dịch, khơi gợi lòng tự hào dân tộc, giúp nhau vượt qua khó khăn, đẩy lùi dịch bệnh”.
Như những “con tằm rút ruột nhả tơ” cho cuộc đời thêm đẹp, bằng những tác phẩm âm nhạc giàu cảm xúc, có ý nghĩa nhân văn, thấm đẫm tình người, các nhạc sĩ Nam Định vẫn luôn đồng hành cùng sự phát triển của quê hương, đất nước, nỗ lực, cống hiến tài năng, tâm sức của mình cho sự phát triển của nền âm nhạc quê hương./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng