Khi văn nghệ sĩ tham gia vào công cuộc phòng, chống dịch COVID-19

08:09, 24/09/2021

Thời gian qua, cán bộ, hội viên Hội VHNT tỉnh đã sáng tác nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật về đề tài phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Qua đó đã truyền tải các thông điệp ý nghĩa trong công tác phòng chống dịch, cổ vũ, động viên các lực lượng tuyến đầu và nhân dân chung sức đẩy lùi dịch bệnh.

Bức tranh “Tránh dịch”, chất liệu tổng hợp của hoạ sĩ Trần Hậu, hội viên Hội VHNT tỉnh.
Bức tranh “Tránh dịch”, chất liệu tổng hợp của hoạ sĩ Trần Hậu, hội viên Hội VHNT tỉnh.

Ở bộ môn Mỹ thuật, hoạ sĩ Vũ Xuân Dương đã sáng tác chùm tranh vui đăng trên Tạp chí Văn Nhân và bức tranh bột màu mang tên “Giãn cách thời COVID-19”. Chùm tranh vui của hoạ sĩ Vũ Xuân Dương phản ánh không khí của người dân đi bầu cử cầm lá phiếu trên tay và chấp hành đầy đủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế; tôn vinh sự hi sinh thầm lặng của y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch; đả kích tình trạng một số người dân tích trữ lương thực gây xáo trộn thị trường... Bức tranh “Giãn cách thời COVID-19” với hình ảnh một ngõ phố vắng lặng không có bóng người do thực hiện giãn cách xã hội. Với bố cục chặt chẽ, đường nét khoẻ khoắn, kết hợp với gam màu vàng và màu nâu, bức tranh biểu đạt cho sự ấm áp, tinh thần quyết chiến đẩy lùi dịch bệnh. Qua đó, tác giả muốn gửi gắm thông điệp người dân ở vùng thực hiện giãn cách tiếp tục thực hiện tốt tinh thần “ai ở đâu, ở yên đấy”, chấp hành tốt các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Hoạ sĩ Trần Hậu sau 4 tháng “thai nghén” đã trình làng bức tranh “Tránh dịch”, chất liệu tổng hợp. Tác giả lựa chọn đối tượng vẽ là trẻ em trước ảnh hưởng từ đại dịch. Điểm nhấn trong bức tranh là 3 đứa trẻ đeo khẩu trang với ánh mắt hồn nhiên tượng trưng cho 3 nhu cầu: được ăn, được chơi, được khám phá. Đối lập với hình ảnh các em là những ánh mắt dòm ngó, sẵn sàng khiến các em bị tổn thương. Hậu cảnh của bức tranh là những khuôn mặt vô cảm của người lớn không đeo khẩu trang. Qua bức tranh, tác giả muốn gửi gắm thông điệp trong khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, trẻ em chính là một trong những đối tượng cần được quan tâm nhất. Nếu ý thức phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc bảo vệ trẻ em của các bậc cha mẹ không được nâng cao sẽ gây hậu quả khôn lường với thế hệ măng non… Tác phẩm “Tránh dịch” của hoạ sĩ Trần Hậu được lựa chọn tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng (khu vực II) lần thứ 25 - năm 2020.

Bài hát “Thương lắm Sài Gòn ơi” do NSƯT Kiều Dư phổ nhạc.
Bài hát “Thương lắm Sài Gòn ơi” do NSƯT Kiều Dư phổ nhạc.

Ở bộ môn Âm nhạc các tác giả: Kiều Dư, Trần Trọng Dự, Trần Công Thuỷ, Ngọc Hùng, Ngọc Độ… sáng tác nhiều tác phẩm về đề tài phòng, chống dịch bệnh COVID-19. NSƯT Kiều Dư với các bài hát: “COVID tan anh chiến thắng trở về” (thơ Lê Hà Ngân), “Lời với con trong mùa dịch” (thơ Nguyễn Anh Trí), “Thương lắm Sài Gòn ơi” và “Bão tan mặt trời bừng sáng” (thơ Nguyễn Thế Minh). Các ca khúc của NSƯT Kiều Dư mang hơi thở cuộc sống, ngợi ca lực lượng tuyến đầu chống dịch, thể hiện tinh thần lạc quan, niềm tin sắc son dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi, đất nước sớm bình yên. Ca khúc “Lời với con trong mùa dịch” mang âm hưởng trữ tình, sâu lắng. Những người chiến sĩ áo trắng chỉ biết dặn dò các con trước lúc lên đường làm nhiệm vụ: “Xin con đừng, xin con đừng mong nữa/ vì dịch vẫn lan như lửa khắp hành tinh/ Vì hiểm nguy vẫn rập rình vây bủa/ tính mạng nhân dân rất cần được vẹn tròn…”. Càng về sau, tiết tấu bài hát càng nhanh dần thể hiện quyết tâm, sự khẩn trương của y, bác sĩ trong việc cứu chữa người bệnh, đẩy lùi dịch bệnh: “Trận đánh này với ác quỷ vô hình/ Trận đánh này không rền vang tiếng súng/ Trận đánh này cần hơn anh dũng…”. Ca khúc “Thương lắm Sài Gòn ơi” với nhịp điệu chậm, da diết, thể hiện sự đồng cảm với đồng bào miền Nam đang căng mình chống dịch; tinh thần đoàn kết, cả nước hướng về miền Nam giúp nhau vượt qua đại dịch. Đoạn cuối ca khúc với tiết tấu nhanh hơn thể hiện niềm tin của tác giả về “Một Sài Gòn vượt qua bão tố/ Một Sài Gòn rực rỡ tên vàng”. Các ca khúc của NSƯT Kiều Dư về chủ đề phòng, chống dịch bệnh COVID-19 được in trong tuyển tập âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam; phát trên hệ thống các đài phát thanh ở nhiều địa phương và các kênh mạng xã hội, thu hút sự quan tâm của nhiều người yêu âm nhạc..

Các hội viên bộ môn thơ, sân khấu, nghiên cứu phê bình, nhiếp ảnh cũng sôi nổi hưởng ứng phong trào sáng tác, biểu diễn các tác phẩm về chủ đề COVID-19. Tác giả Trần Kế Hoàn bộ môn thơ với nhiều tác phẩm: “Chỉ lo”, “Sài Gòn là quê”, “Lại về với phố”, “Thầm thì dõi theo”, “Đời thêm một cuộc khai sinh”… Các bài thơ về chủ đề COVID-19 của tác giả Trần Kế Hoàn đều xoay quanh những câu chuyện có thật trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhân vật có thể là đứa trẻ vừa sinh phải cùng cha, mẹ “Hồi hương trong cuộc thiên di” hay những chiến sĩ tình nguyện vào miền Nam hỗ trợ người dân chống dịch không quản nguy nan… Tác giả Nguyễn Công Thành với 2 bài viết “Phòng chống đại dịch COVID-19 - Cuộc kiểm định xã hội toàn diện và nghiệt ngã” đăng trên thời báo Văn học - Nghệ thuật và “Trong phòng, chống đại dịch COVID-19, làm người tử tế và việc tử tế quan trọng biết nhường nào”. Ở bộ môn sân khấu, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các hoạt động biểu diễn tập trung đông người phải hạn chế, tạm dừng, thay vào đó, nhiều nghệ sĩ tích cực thể hiện các tác phẩm chủ đề COVID-19 qua các kênh mạng xã hội như: Facebook, Youtube. NSƯT Diệu Hằng, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh thể hiện thành công bài hát “Biết ơn Thầy thuốc Việt Nam” (soạn lời Trần Quang Đẩu) đến nay đã có 22,5 nghìn lượt xem trên Youtube. NSƯT Thanh Hằng, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh biểu diễn qua hình thức trực tuyến 2 bài hát cải lương: “Mẹ cứu thế đại dịch COVID” và bài “Chung tay chống dịch” thu hút hàng nghìn lượt xem.

Ông Nguyễn Công Thành, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cho biết: Trong cuộc chiến “chống giặc COVID-19”, không tổ chức, cá nhân nào đứng ngoài cuộc. Với các văn nghệ sĩ thuộc Hội VHNT tỉnh, công tác phòng, chống dịch bệnh là hiện thực cuộc sống sinh động để sáng tạo các tác phẩm văn học nghệ thuật. Hầu hết các tác phẩm bám sát hoạt động phòng, chống dịch; cổ vũ người dân nghiêm túc thực hiện thông điệp “5K”; ca ngợi lực lượng tuyến đầu chống dịch. Thời gian tới, Hội VHNT tỉnh tiếp tục khuyến khích hội viên các bộ môn sáng tác các tác phẩm có giá trị nội dung, nghệ thuật về đề tài dịch bệnh COVID-19; động viên các hội viên tham gia các cuộc thi về chủ đề phòng, chống dịch bệnh COVID-19 do Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam… phát động; tăng cường đăng các tác phẩm văn học - nghệ thuật về đề tài COVID-19 trên Tạp chí Văn Nhân./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com