Gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa "Thiên Bản xưa - Vụ Bản nay"

04:09, 17/09/2021

“Xây dựng con người Vụ Bản thân thiện, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: “Nghĩa tình - Văn minh - Năng động - Sáng tạo”; Phát triển văn hóa, con người Vụ Bản trở thành nguồn lực quan trọng xây dựng huyện đạt các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, với các đặc trưng: “Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Văn hóa đặc sắc - Nhân dân hạnh phúc”, đó là mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 04 của BCH Đảng bộ huyện Vụ Bản về xây dựng và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đất Thiên Bản gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo.

Hội thi hát Chầu văn trong Lễ hội Phủ Dầy. Ảnh: Chu Thế Vĩnh

Hội thi hát Chầu văn trong Lễ hội Phủ Dầy.

Ảnh: Chu Thế Vĩnh

Trầm tích đất Thiên Bản

Theo “Dư địa chí tỉnh Nam Định”, thời Hùng Vương, huyện Vụ Bản có tên là Bình Chương thuộc bộ Lục Hải; thời Hán thuộc quận Giao Chỉ. Trước thời Lý - Trần, đất này nằm trong huyện Hiển Khánh. Thời Lý, huyện Thiên Bản nằm trong phủ Ứng Phong; đời Trần huyện Thiên Bản thuộc phủ Kiến Hưng. Năm Vĩnh Lạc thứ năm đời nhà Minh (1407), đổi làm huyện Yên Bản thuộc phủ Kiến Bình. Năm Vĩnh Lạc thứ mười ba nhà Minh (1415), đổi huyện Độc Lập thành Bình Lập cho sáp nhập vào huyện Yên Bản. Đến đời Lê Thánh Tông lại đổi thành huyện Thiên Bản. Cũng dưới thời Lê Hồng Đức, huyện Thiên Bản thuộc phủ Nghĩa Hưng. Đến thời Nguyễn, Tự Đức năm thứ 14 (1861) đổi tên thành huyện Vụ Bản. Là vùng đất cổ, dọc phía tây huyện có các dãy núi đất lẫn đá chạy từ Bắc xuống Nam với sáu ngọn núi: Núi Ngăm, núi Tiên Hương, núi Báng, núi Lê, núi Gôi và núi Hổ. Dấu vết người nguyên thuỷ tìm thấy tại các khu vực núi này minh chứng Vụ Bản là một trong những cái nôi sinh ngụ của người Việt cổ. Vụ Bản nằm kẹp giữa sông Đào và sông Sắt. Sông Đào một đầu nối với sông Hồng, đầu kia đổ ra sông Đáy. Sông Sắt nối liền sông Châu với sông Đáy. Mảnh đất này chính là do phù sa sông Hồng và sông Đáy bồi tụ nên.

Huyện Vụ Bản là vùng đất có truyền thống hiếu học, nhiều người đỗ đạt cao, có danh vọng, đóng góp vào kho tàng văn hoá của dân tộc. Trong suốt thời kỳ khoa cử của chế độ phong kiến Việt Nam, Vụ Bản có 16 vị đỗ Tiến sĩ, Thám hoa, Bảng nhãn, Trạng nguyên. Danh nhân tiêu biểu phải kể đến Trạng nguyên Lương Thế Vinh, là một nhà chính trị xuất sắc, đứng đầu Viện Hàn lâm đảm trách việc văn thư cho nhà vua, lo việc bang giao với nước ngoài, luận bàn việc nước. Trạng nguyên Lương Thế Vinh tự là Cảnh Nghị, hiệu là Thụy Hiên, sinh ngày 1 tháng 8 năm Tân Dậu (1441) đỗ Trạng nguyên vào khoa thi năm Quý Mùi (1463) dưới triều Lê Thánh Tông, khi ông mới 23 tuổi. Sau khi đỗ Trạng nguyên, Lương Thế Vinh được bổ làm quan ở Hàn Lâm viện, thăng đến chức Hàn lâm Thị thư chưởng Hàn lâm Viện sự, đứng đầu Viện Hàn lâm. Là người có tài về ngoại giao, ông được nhà vua giao trọng trách soạn thảo văn từ bang giao và đón tiếp sứ thần nước ngoài. Nhiều bài biểu do Lương Thế Vinh soạn gửi vua Minh đã góp phần giải quyết mối quan hệ giữa hai nước.

Vụ Bản là một trong những cái nôi sinh ngụ của người Việt cổ. Khí thiêng sông núi đã hình thành và hun đúc nên truyền thống quý báu của người dân nơi đây. Người dân Vụ Bản hiếu học, cần cù lao động, kiên cường dũng cảm chống thiên tai, chống giặc ngoại xâm, thuỷ chung tình nghĩa trong cuộc sống, có tinh thần tự lực tự cường và ý thức cộng đồng sâu sắc, luôn kế thừa và phát huy truyền thống cha ông, làm rạng danh quê hương, đất nước. Truyền thống đó như sợi chỉ đỏ nối liền quá khứ với hiện tại, tạo nên sức sống, trí tuệ, khí phách của người dân Vụ Bản. “Địa linh sinh nhân kiệt”, nơi đây đã sản sinh nhiều nhân vật nổi tiếng như nhà sử học Trần Huy Liệu, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Thượng tướng Song Hào; Nhà thơ Nguyễn Bính, Nhạc sĩ Văn Cao, Giáo sư nông học Bùi Huy Đáp - người có công mở ra hướng mới trong sản xuất nông nghiệp: trồng lúa chiêm xuân,...

Đất Thiên Bản xưa - Vụ Bản nay, nơi lưu đậm dấu ấn văn hoá đặc sắc của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng; nơi hội tụ và lan tỏa nhiều giá trị truyền thống đặc sắc của quê hương và dân tộc. Toàn huyện có hàng trăm di tích lịch sử, văn hoá, trong đó có 25 di tích được Nhà nước xếp hạng, đặc biệt có 7 di tích cấp quốc gia gồm: Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng mẫu Liễu Hạnh (xã Kim Thái); Đền Giáp Nhất (xã Quang Trung); Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh (xã Liên Bảo); Đền Đông (xã Thành Lợi); Đền, chùa Vĩnh Lại (xã Vĩnh Hào); Đền Vụ Nữ (xã Hợp Hưng)... Bên cạnh yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, các di tích còn mang ý nghĩa tôn vinh, thể hiện sự tri ân công đức các bậc tiền nhân, các danh nhân đã có công trong sự nghiệp khai hoang, mở đất, chống thiên tai, chống giặc ngoại xâm. Quần thể Di tích Lịch sử - Văn hóa Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản) đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VH, TT và DL) xếp hạng cấp quốc gia ngày 21-2-1975; trong đó có 3 di tích kiến trúc nghệ thuật gồm: phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát và Lăng Mẫu đã được cấp Bằng Di tích lịch sử - văn hóa. Theo các tài liệu nghiên cứu, hai phủ Tiên Hương, Vân Cát được xây dựng sớm nhất, vào thời Hậu Lê - thế kỷ XVII. Tại đây, ngày 3-3 âm lịch hàng năm dân làng Kim Thái mở hội tưởng nhớ ngày Giáng Tiên về Thượng giới của Mẫu Liễu Hạnh. Như vậy Lễ hội Phủ Dầy có lịch sử lâu đời gắn liền với tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, do cộng đồng sáng tạo. Về phương diện văn hóa, Lễ hội Phủ Dầy mang giá trị nhân văn sâu sắc, đặc biệt coi trọng quyền năng sáng tạo, sinh sản của người mẹ; lấy hình tượng mẹ (Mẫu) để tôn thờ, gửi gắm vào đó những ước vọng tốt đẹp, sự bao dung, che chở trong cuộc sống. Lễ hội Phủ Dầy với các hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh phong phú, độc đáo như nghi lễ chầu văn hầu đồng, rước thỉnh kinh, hoa trượng hội (kéo chữ), cờ người, hát xẩm; diễn ra trong không gian thiêng với cảnh quan sơn thủy hữu tình đã tạo nên một bức tranh tổng thể đa màu sắc về đời sống văn hóa tinh thần của làng quê Việt Nam.

Nông thôn mới xã Đại An (Vụ Bản). Ảnh: Viết Dư

Nông thôn mới xã Đại An (Vụ Bản).

Ảnh: Viết Dư

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa gắn xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

Đồng chí Phạm Văn Quyết, TUV, Bí thư Huyện ủy Vụ Bản cho biết: Kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, những thành quả của các thế hệ đi trước, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa của huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Việc xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng nông thôn mới đã tạo được nhiều nguồn lực, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn được bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị; Di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO vinh danh Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại; các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân được quan tâm. Đời sống văn hóa của người dân ngày càng được nâng cao; nhiều giá trị văn hóa truyền thống của quê hương được phát huy; nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển rộng khắp. Hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng, làm cơ sở nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cho người dân. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư được phát động và triển khai hiệu quả. Đến nay, có 414/416 khu dân cư (đạt 99,5%), 31/31 trạm y tế (đạt 100%), 31/31 xã, thị trấn (đạt 100%), 100% cơ quan huyện, 95/95 trường mầm non, tiểu học, THCS đạt 100% đạt tiêu chuẩn văn hóa; 62.353 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa (đạt 85,06%); 348/416 thôn/xóm có nhà văn hóa, 211/416 thôn/xóm/tổ dân phố có khu thể thao.

Với mục tiêu “Xây dựng Vụ Bản vững về chính trị, mạnh về kinh tế, đẹp về lối sống văn hóa, tương xứng với vị thế là một trong những trung tâm văn hóa, du lịch tâm linh đặc sắc của tỉnh và cả nước”, BCH Đảng bộ huyện Vụ Bản đã ban hành Nghị quyết 04 ngày 5-5-2021 về xây dựng và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đất Thiên Bản gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo. Huyện phấn đấu đến năm 2020: 100% các di tích lịch sử văn hóa được bảo tồn và phát huy giá trị; 100% hương ước, quy ước thôn, xóm, tổ dân phố được rà soát bổ sung và thực hiện tốt; 100% khu dân cư văn hoá, 93-95% gia đình văn hoá, 100% thôn, xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa và khu sinh hoạt văn hóa cộng đồng theo tiêu chí nông thôn mới. Đến năm 2025, có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 3 đến 5 xã và trên 15% số khu dân cư đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 25% số xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới trở lên. Đến năm 2030, huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Để đạt chỉ tiêu, mục tiêu đề ra, thời gian tới, Vụ Bản đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, khoa bảng, cách mạng và văn hóa của đất và người Vụ Bản. Tiếp tục nghiên cứu, làm rõ những nét đặc trưng, bản sắc văn hoá quê hương. Gìn giữ, bảo tồn và phát huy tốt giá trị các di sản, di tích lịch sử văn hóa; loại trừ những phong tục tập quán lạc hậu, những hủ tục, những thói hư, tật xấu. Phục dựng giá trị văn hóa của các loại hình nghệ thuật hát chầu văn, hát chèo; diễn xướng tín ngưỡng hầu đồng, lễ hội, trò chơi dân gian, võ vật,… để trao truyền, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Phối hợp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO vinh danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia “Nghi lễ Chầu văn của người Việt”. Tổ chức tốt Chợ Viềng Xuân, Lễ hội Phủ Dầy. Phát huy giá trị giáo dục của các khu di tích trên địa bàn. Thực hiện hiệu quả “Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy”. Lập dự án trùng tu, tôn tạo Khu di tích Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh, nhà lưu niệm nhà thơ Nguyễn Bính, Đền thờ Huyền Trân Công chúa và các khu tưởng niệm các danh nhân lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Xây dựng đời sống văn hóa ở địa bàn dân cư, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đoàn kết, dân chủ, văn minh, đạt chuẩn thực chất về văn hóa. Tạo sự chuyển biến căn bản về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội… Coi trọng khơi dậy và phát huy sức sáng tạo của nhân dân trong xây dựng, bảo tồn và củng cố các thiết chế văn hóa. Khuyến khích xã hội hóa đầu tư vào thiết chế văn hóa; bảo vệ môi trường; du lịch sinh thái; khu vui chơi cộng đồng…; kết nối các tour du lịch trên địa bàn và với các địa phương lân cận.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền phải xác định xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vụ Bản đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững là mục tiêu quan trọng, là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, kiên trì, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Việc lãnh đạo, chỉ đạo phải quyết liệt, có chương trình và kế hoạch cụ thể, gắn trách nhiệm của từng cấp ủy, chính quyền, đảm bảo xây dựng và phát triển văn hóa, con người đúng định hướng. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trong việc hướng dẫn, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa quê hương Vụ Bản; đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”./.

Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com