Giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật kiến trúc các di tích thờ tổ nghề ở Ý Yên

04:08, 27/08/2021

Huyện Ý Yên là vùng đất cổ - đa nghề với nhiều làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng, có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời như: làng nghề sơn mài Cát Đằng (xã Yên Tiến); làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên, Ninh Xá (xã Yên Ninh); làng nghề đúc đồng Tống Xá, Vạn Điểm (thị trấn Lâm); làng nghề làm nón, thêu ren Trung, Nhuộng, Mạc Sơn (xã Yên Trung). Ở các địa phương có làng nghề truyền thống đều có di tích thờ các vị tổ nghề có công mang nghề về địa phương truyền dạy cho dân làng. Các di tích lịch sử - văn hóa như: Đền thờ Đức Thánh tổ làng Tống Xá; Đình La Xuyên, Đền Ninh Xá; Đình Cát Đằng là những nơi lưu giữ nét tài hoa của các nghệ nhân xưa, được các thế hệ người dân địa phương gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trong đời sống hôm nay.

Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia Đình La Xuyên, xã Yên Ninh.
Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia Đình La Xuyên, xã Yên Ninh.

Lịch sử hình thành và phát triển làng nghề

Đình Cát Đằng (xã Yên Tiến) là di tích thờ 2 anh em vị tướng tài thời Vua Đinh là Đinh Đức Đạt và Đinh Đức Thông. Ngoài ra, Đình còn phối thờ 2 ông tổ nghề sơn mài của làng là Ngô Đức Dũng và Ngô Ân Ba. Theo cuốn Ngọc phả do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc thứ nhất (1572), Ngô Đức Dũng và Ngô Ân Ba là 2 anh em quê gốc ở Cát Đằng. Năm 1390, dưới triều Vua Trần Thuận Tông, Ngô Đức Dũng giữ chức quan Tri huyện, Ngô Ân Ba giữ chức Đô đầu huyện Từ Sơn, lộ Bắc Giang (nay là thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Sau này, khi tuổi cao sức yếu, 2 ông trở về quê hương sinh sống và đem nghề sơn mài về truyền dạy cho dân làng. Sau khi 2 ông mất, nhân dân suy tôn làm tổ làng nghề, lập bài vị thờ tại Đình Cát Đằng để tri ân công đức. Được truyền dạy từ thời Trần nhưng đến thời Lê, Nguyễn, nghề sơn mài ở Cát Đằng mới thực sự phát triển. Cứ vào tiết Khánh hạ trong năm, các thợ giỏi trong làng được Vua cho mời vào Kinh đô thi tay nghề để bổ nhiệm giáo đầu. Thời Lê - Trịnh, làng có ông Đinh Quốc Thành giữ chức Đan Thanh công tượng đội trưởng. Triều Nguyễn, làng có ông Ngô Văn Đổng giữ chức Cửu phẩm văn gia. Ông Đinh Tư Lâm được Vua Minh Trị (Nhật Bản) phong làm Quản giám xưởng sơn Điền Châu.

Đình La Xuyên (xã Yên Ninh) thờ Tướng quân Ninh Hữu Hưng - người có công tạo lập nên vùng đất La Xuyên (thế kỷ X-XI). Ninh Hữu Hưng sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nghề mộc ở xã Chi Phong, tổng Trường Yên, huyện Gia Viễn (nay là huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Ông là thợ mộc giỏi nổi tiếng, từng giúp Vua Đinh Tiên Hoàng, Vua Lê Đại Hành xây dựng cung điện Hoa Lư và được phong chức “Lục phủ công tượng giám sát đại tướng quân” (Đại tướng trông coi nghề mộc của 6 phủ). Nghề mộc do Tướng quân Ninh Hữu Hưng truyền dạy cho dân làng ngày càng phát triển. Trong các thời kỳ lịch sử, những nghệ nhân nơi đây đã góp công sức xây dựng những công trình lớn như: Kinh đô Thăng Long, Kinh đô Huế cho đến các đình, đền, chùa, miếu, phủ trên khắp mọi miền đất nước. Cùng với vùng đất La Xuyên, vùng đất Ninh Xá cũng được Tướng quân Ninh Hữu Hưng tạo lập. Theo các nguồn tư liệu và truyền thuyết ở địa phương, trong một lần Tướng quân Ninh Hữu Hưng phò giá Vua Lê Hoàn về qua sông Sắt, ghé thăm Đền Ninh Xá (xã Yên Ninh) thờ Lương Bình Vương và An Nhu Vương - những người con của Vua Hùng. Trước cảnh đền điêu tàn, ông đã ở lại để sửa đền và chùa làng. Thấy nơi đây đất đai trù phú, dân cư còn thưa thớt, ông đưa họ hàng từ Ninh Bình về đây khai khẩn đất hoang, dạy dân nghề mộc chạm để kiếm sống.

Đền thờ Đức Thánh tổ làng Tống Xá (thị trấn Lâm) thờ Thiền sư Nguyễn Chí Thành (pháp danh Minh Không). Năm 1118, nhà sư Nguyễn Chí Thành ở Chùa Điềm Xá, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) về vãn cảnh Chùa Tống Xá. Sau khi tìm thấy ở cánh đồng phía đông làng có loại đất sét có thể làm khuôn đúc, ông đã cùng với dân làng đào hố, lấy đất đem về làm khuôn rồi dạy dân làng nghề đúc kim loại, kéo bễ thổi lò, chế tạo ra các dụng cụ bằng gang, đồng… Cùng với dạy nghề đúc kim loại, nhà sư Nguyễn Chí Thành đã cho tu sửa lại Chùa Tống Xá, đặt tên là Cổ Liêu tự. Để tưởng nhớ công lao của Thiền sư Nguyễn Minh Không, dân làng Tống Xá đã suy tôn ông là Đức Thánh tổ làng nghề và lập đền thờ tự.

Rước kiệu trong lễ hội Đền thờ Đức Thánh tổ nghề đúc làng Tống Xá, thị trấn Lâm đầu xuân.
Rước kiệu trong lễ hội Đền thờ Đức Thánh tổ nghề đúc làng Tống Xá, thị trấn Lâm đầu xuân.

Giá trị nghệ thuật kiến trúc các di tích

Đình La Xuyên (xã Yên Ninh) là di tích lịch sử - văn hóa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) xếp hạng năm 1994. Đình được xây dựng theo hình chữ đinh, mặt quay hướng tây, gồm các công trình phụ trợ: hồ nước, vườn cây, hệ thống nghi môn, tường gạch tạo nên không gian hài hòa, khép kín. Tiền đường 3 gian, xây chồng diêm 2 tầng 8 mái kết hợp các đầu đao cong vút, mái ngói nam phủ rêu phong tạo nên nét cổ kính, uy nghiêm. Nối tiếp tiền đường là trung đường và chính tẩm. Cũng giống như tiền đường, 2 tòa này cũng được làm hoàn toàn bằng gỗ lim. Đây chính là nơi thể hiện rõ nét tay nghề tài hoa của các nghệ nhân La Xuyên. Các hình tượng, chủ đề: rồng, mây, tứ quý, tứ linh... trên các cánh cửa, các bộ vì kèo được chạm bong, lộng với kỹ thuật gia công cầu kỳ, tỉ mỉ, sắc nét. Nằm về phía bắc của Đình La Xuyên là Phủ thờ Mẫu Liễu Hạnh được thiết kế theo kiểu “tiền chữ nhất, hậu chữ đinh” với nhiều hạng mục công trình có kiểu dáng, đường nét khác nhau thể hiện tính sáng tạo, trình độ kỹ thuật điêu luyện của người dân làng nghề.

Đền thờ Đức Thánh tổ làng Tống Xá (thị trấn Lâm) là di tích lịch sử - văn hóa được Bộ VH, TT và DL xếp hạng năm 1994. Trước kia, ngôi đền chỉ có 2 tòa: trung đường (3 gian) và hậu cung (4 gian) làm theo kiểu chữ đinh. Tòa trung đường có 2 bộ vì làm bằng gỗ lim theo kiểu chồng rường giá chiêng. Phần chạm khắc được điểm xuyết các họa tiết lá lật, mây tản cùng các hoa, lá cách điệu gia công mềm mại, thanh thoát. Hậu cung xây dọc nối với trung đường kết cấu mê cốn, các hạng mục gỗ được chạm kênh bong họa tiết tứ linh, long cuốn thủy, triện tàu lá dắt... tạo sự trang nghiêm, lộng lẫy. Năm 2000, nhằm đáp ứng nhu cầu chiêm bái, người dân địa phương đã xây dựng thêm tòa tiền đường (5 gian) hình chữ nhất. Mặc dù mới được xây nhưng công trình tòa tiền đường vẫn mang phong cách kiến trúc truyền thống, sơn son thếp vàng đẹp mắt. Đình Cát Đằng (xã Yên Tiến) tọa lạc trong khuôn viên có diện tích gần 4.000m2, mặt quay hướng đông nam. Ngôi đình tuy đã tu sửa nhiều lần nhưng vẫn bảo lưu được đường nét phong cách cổ truyền của dân tộc. Phía trước đình là hệ thống nghi môn và 2 nhà bia làm theo kiểu chồng diêm 2 tầng, mái giả ngói ống. Các đao góc uốn cong xung quanh trang trí nhiều họa tiết truyền thống. Ngôi đình được xây theo kiểu “tiền chữ nhất, hậu chữ đinh” gồm có ba tòa: tiền đường, trung đường và cung cấm. Đặc biệt tại gian chính giữa trung đường có treo bức cửa võng bằng gỗ vàng tâm chạm họa tiết tứ linh, tứ quý mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Hai gian bên treo 2 bức phù điêu bằng gỗ chạm bong cảnh “long vân khánh hội” theo  phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê (thế kỷ XVII-XVIII). Ngoài vẻ đẹp về kiến trúc và quy mô, Đình Cát Đằng còn lưu giữ được nhiều cổ vật, cổ thư có giá trị; tiêu biểu là 5 đạo sắc phong niên đại từ thời Vua Lê Vĩnh Tộ đến thời Vua Khải Định cùng nhiều câu đối đại tự…

Phát huy giá trị văn hóa di sản

Tại các di tích thờ tổ nghề ở Ý Yên hàng năm đều diễn ra các lễ hội truyền thống, chủ yếu tổ chức vào dịp đầu xuân mới. Nét đẹp văn hóa trong các lễ hội thờ tổ nghề nơi đây là các nghi lễ trang trọng; nổi bật là nghi lễ “hiến xảo” (tấu, trình với các vị tổ nghề những sản phẩm làng nghề). Trước lễ hội từ 2-3 tháng, các gia đình làm nghề sẽ đầu tư tâm sức chế tác thủ công một sản phẩm tiêu biểu và có giá trị nhất. Khi tổ chức nghi lễ “hiến xảo” các gia đình mang sản phẩm ra đình, đền thờ tổ nghề làm lễ yết cáo, dâng trước ban thờ các vị tổ nghề. Cùng với nghi lễ “hiến xảo”, các nghi thức “rước lửa”, “kéo lửa” khai hội cũng là một hoạt động không thể thiếu tại mỗi làng nghề dịp đầu năm. Ở Đền Ninh Xá, lễ hội truyền thống chia làm 2 kỳ: mồng 6 tháng Giêng (tổ chức thường niên) và từ mồng 4 đến mồng 6-3 âm lịch (tổ chức định kỳ vào các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi). Kỳ lễ hội tháng Giêng có ý nghĩa kỷ niệm ngày Tổ nghề Ninh Hữu Hưng đặt chân tới quê hương. Đây là dịp để con cháu xa gần và những hội thợ đi làm ăn xa về quê tham dự lễ hội tưởng nhớ tổ tiên. Hội có tế lễ, rước kiệu và tục lệ “hiến xảo”. Kỳ lễ hội tháng 3 âm lịch được coi là kỳ lễ hội chính có tục lệ “kéo lửa” khai hội. Sau hồi trống trang trọng, tưng bừng, một vị cao niên trong làng phát lệnh cho các trai làng “địch hỏa” - tạo lửa bằng các công cụ truyền thống cổ xưa - kéo lạt giang cọ vào thanh gỗ xoan tạo nhiệt làm bó rơm khô bén lửa. Vị cao niên lấy ngọn lửa thiêng thắp hương cho cả làng làm lễ dâng hương sau đó chuyển bát hương lên kiệu rước về chùa làng. Lễ hội Đền thờ Đức Thánh tổ làng Tống Xá tổ chức 3 năm 1 lần vào các ngày 10, 11 và 12-2 âm lịch, gồm các nghi lễ trang trọng như: lễ mộc dục, lễ cầu an, lễ rước kiệu, tế nam quan, tế nữ quan... Nghi lễ rước kiệu Đức Thánh tổ được khởi hành từ Đền đến Miếu Đằng Dương và ngược lại. Sau khi đoàn rước yên vị tại đền diễn ra nghi lễ “rước lửa” thiêng làng nghề từ đền thắp lên đài đuốc khai mạc lễ hội. Ở đây cũng có nghi lễ “hiến xảo”, các gia đình trong làng sẽ làm khuôn đúc và các sản phẩm của làng để dâng cúng trước cửa đền trình Đức Thánh tổ. Trong lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động phần hội đặc sắc như: hát chèo, hát văn, vật cầu dưới bùn, leo cột mỡ, bắt vịt dưới ao, tổ tôm điếm, cờ tướng, múa kiếm, thả rồng bay... Đặc biệt là cuộc thi thả đèn trời trong 3 tối diễn ra lễ hội. Với nhiều hoạt động văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc, lễ hội Đền thờ Đức thánh Tổ làng Tống Xá được Bộ VH, TT và DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019. Ở làng nghề La Xuyên, mỗi khi đến ngày hội làng có nghi thức tế tổ nghề. Đây là dịp để mọi người ôn cố tri tân, các cụ già kể cho con cháu nghe những truyền thuyết về tổ nghề. Khác với tục “rước lửa” ở Đình Cát Đằng là chỉ có trai làng đi xin lửa thì tục “truyền lửa” ở Đình La Xuyên có cả nam thanh, nữ tú, người già và người trẻ đều có thể tham gia. Lửa thiêng được các gia đình đem về nhà để cáo yết với thổ công, gia tiên, khua trong nhà, ngoài sân và ủ vào bếp giữ lửa trong dịp xuân mới. Trong lễ hội còn cuộc thi trình diễn các sản phẩm gỗ nghệ thuật được các nghệ nhân làng nghề chế tác. Cuộc thi không chỉ là dịp để những người thợ trao đổi, học tập kinh nghiệm mà còn là dịp quảng bá sản phẩm của làng nghề truyền thống.

Trải qua bao biến cố, thăng trầm lịch sử, các di tích lịch sử - văn hóa thờ tổ làng nghề ở Ý Yên vẫn luôn được các thế hệ người dân địa phương gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị. Các sản phẩm làng nghề không chỉ thể hiện tinh hoa của đất và người mà còn là di sản để lại “nguồn vốn” bất tận cho con cháu muôn đời sau. Lễ hội truyền thống tại các di tích đã trở thành những di sản văn hoá phi vật thể, góp phần thắt chặt tình làng, nghĩa xóm, gắn kết cộng đồng./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com